Thursday, October 10, 2013

Malala Yousafzai được đề cử Nobel Hòa bình


Malala Yousafzai từng bị quân Taliban bắn vào đầu một năm về trước
Malala Yousafzai, nhà hoạt động nhân quyền trẻ tuổi người Pakistan, được cho là ứng cử viên nặng ký cho giải Nobel Hòa bình sau khi đoạt giải nhân quyền Sakharov.
Mặc dù danh sách 259 ứng cử viên năm nay được giữ bí mật, tuy nhiên những nhà cá cược và các học giả nói Malala hiện nằm trong số này.

Những người khác được cho là nằm trong danh sách ứng viên còn có bác sỹ, nhà hoạt động nhân đạo từ Cộng hòa Dân chủ Congo, ông Denis Mukwege; cựu giáo sư toán học người Nga, người sáng lập tổ chức nhân quyền Civil Assitance, bà Svetlana Gannushinka; hay nữ tu sỹ người Ai Cập sáng lập tổ chức từ thiện Stephen's Children, bà Maggie Gobran.
Chelsea Manning, từng được biết đến với tên gọi Bradley Manning, binh nhất quân đội Mỹ lĩnh án tù vì tội rò rỉ thông tin cho trang Wikileaks, cũng được cho là có tên trong danh sách các ứng viên.

Trẻ tuổi nhất

Nếu thắng giải, Malala sẽ đoạt danh hiệu người trẻ tuổi nhất từng nhận giải Nobel. Giải thưởng bao gồm một huân chương vàng và 8 triệu krona (tương đương với 1,25 triệu đôla).
Trước đó, cô gái 16 tuổi này cũng đã thắng giải nhân quyền Sakharov của châu Âu vào ngày 10/10, giải thưởng từng được trao cho Cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela và lãnh đạo đảng đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi.
Tại lễ công bố người thắng giải ở Strasbourg, Pháp, cô đã được các thành viên Nghị viện Châu Âu ca ngợi là người "hết sức dũng cảm" vì đã không ngừng đấu tranh cho quyền lợi của trẻ em.
Malala trở nên nổi tiếng từ năm 2009 sau khi viết blog ẩn danh cho ban tiếng Urdu của BBC kể về cuộc sống của mình dưới sự cầm quyền của Taliban và việc các bé gái không được phép đến trường.
Tên tuổi của cô được toàn thế giới biết đến sau khi quân đội Pakistan đẩy lùi Taliban ra khỏi khu vực Thung lũng Swat, nơi cô sống, cũng trong năm 2009.
Malala đã bị một trong các tay súng của lực lượng này bắn vào đầu khi đang đi tới trường trên xe bus cùng các bạn.
Hồi tháng Bảy năm nay, các đại biểu tham dự Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã đồng loạt đứng lên dành tràng pháo tay cho Malala sau khi cô hoàn thành bài diễn văn của mình, trong đó cô tuyên bố sẽ không bao giờ im lặng trước thế lực nào.