Wednesday, October 23, 2013

Những cách thấy

John Berger
(Như Huy dịch từ: Ways of Seeing, John Berger, Peinguin Books published 2008)
[Note: click vào hình để xem lớn]

Giờ là lúc hãy nhìn lại một cách tóm lược các đề tài của hội họa sơn dầu –tức các khu vực tranh vẽ đều là các bộ phận của truyền thống, song hoàn toàn khác nhau

Trước khi có truyền thống tranh sơn dầu, các họa sĩ thời Trung cổ thường xuyên sử dụng vàng lá để dán lên tranh. Sau này vàng đã biến mất khỏi bức tranh và chỉ được dùng để thếp vào khung tranh mà thôi. Tuy thế, rất nhiều bức tranh sơn dầu vẫn là những sự chứng minh đơn giản về những gì mà tiền hay vàng có thể mua được


Tĩnh vật với tôm càng, De Heem (1606-1684)

Giá trị hàng hóa đã trở nên đề tài thực sự của nghệ phẩm

Đề tài 1- Ở đây, sự khả thực(edible) đã được làm cho khả thị (visible). Một bức tranh như trên không chỉ chứng minh tài năng về mặt kỹ thuật của họa sĩ. Nó còn xác nhận sự giàu có và phong cách sống của người đặt họa sĩ vẽ tranh.

Đề tài 2- Các bức tranh vẽ thú vật. Không phải dạng thú vật đang sống trong điều kiện tự nhiên, mà là các gia súc, tức những con vật mà hệ phổ [pedigree], tức sơ đồ về nguồn gốc huyết thống của chúng được coi như một bằng chứng về giá trị của chúng, và hệ phổ ấy cũng nói lên địa vị xã hội của chủ nhân của chúng. (Vai trò các thú được vẽ như thể các đồ trang hoàng nội thất)


Bò giống Lincolnshire, Stubbs (1724-1806)

Đề tài 3-các bức tranh miêu tả các vật thể. Đáng lưu ý rằng, sau này, các đồ vật này đã trở nên các vật thể nghệ thuật ( objects d’art)


Tĩnh vật, Claesz (1596/7-1661)

Đề tài 4-Các bức tranh vẽ các tòa nhà, không phải các tòa nhà được coi là các tác phẩm kiến trúc lý tưởng, như trong tác phẩm của một số họa sĩ thời kỳ đầu Phục hưng – mà các tòa nhà trong vai trò chứng minh về tài sản dạng bất động sản của người đặt vẽ bức tranh

Vua Charles đang được Rose, người làm vườn hoàng gia dâng một trái dứa

Đề tài xuất hiện nhiều nhất trong hội họa sơn dầu là về lịch sử hay huyền thoại. Một bức tranh vẽ đề tài về Hy Lạp hay các nhân vật cổ đại luôn tự động được đánh giá cao hơn một bức tĩnh vật, chân dung hay phong cảnh. Trừ các tác phẩm ngoại hạng nào đó mà ở đó sự trữ tình cá nhân của họa sĩ được bộc lộ ra, các bức tranh miêu tả huyền thoại này với chúng ta ngày nay hầu như hoàn toàn rỗng tuếch. Chúng trông như thể các tấm bảng được phủ sáp cứng vậy. Như vậy, danh tiếng của chúng lại tỉ lệ thuận với sự trống rỗng của chúng.

Ngài Towneley và bè bạn, Zoffany (1734/5-1810)

Chiến thắng của tri thức, Spranger (1546-1627)

Cho tới rất gần đây – và thậm chí trong môi trường xã hội ngày nay – một giá trị vể mặt luân lý nào đó vẫn được gán cho việc nghiên cứu các tác phẩm cổ điển. Điều này là bởi các văn bản cổ điển, bất kể bản chất của chúng là thế nào, vẫn cung dưỡng được cho địa vị trên cao của giai cấp thống trị một hệ thống tham chiếu về các hình thức hành vi có tính lý tưởng hóa nơi các văn bản đó. Cũng như thi ca, Logic và triết học, các tác phẩm cổ điển đem lại một hệ thống quy chuẩn. Chúng đưa ra các ví dụ của việc làm thế nào mà các khoảnh khắc đỉnh cao của đời sống (hiện diện trong các hành động anh hùng, các sự thi triển quyền lực nghiêm cẩn, các đam mê, những sự hy sinh dũng cảm, những cuộc tìm kiếm sự thỏa mãn về danh dự ) nên xảy ra thực sự trong hiện tại, hay ít ra, được coi là có xảy ra trong hiện tại.

Tuy nhiên, tại sao các bức tranh này lại trông trống rỗng và có vẻ vô hồn trong việc triệu hồi về những khung cảnh mà chúng tìm cách tái tạo? Lý do là; Chúng không cần phải khuấy động trí tưởng tượng. Nếu làm thế, chúng sẽ không còn phục vụ được mục đích của chúng bởi mục đích ấy ở đây không phải nhằm đưa người xem-chủ nhân bức tranh vào một trải nghiệm mới mẻ và bất ngờ, mà chỉ nhằm tô điểm thêm cho các trải nghiệm cũ rích của họ. Đứng trước các tấm tranh này, người xem-chủ nhân của bức tranh chỉ có một mục đích là vận các hình ảnh cổ điển trong đó vào niềm đam mê, nỗi đau khổ, hay sự giàu có phong nhiêu của chính anh ta. Các vẻ dạng lý tưởng hóa mà anh ta thấy trong bức tranh đã chính là sự tiếp tế, sự trợ lực cho cái nhìn của anh ta về bản thân mình. Anh ta sử dụng các vẻ dạng ấy như thể các lốt vỏ cho sự thượng lưu của anh ta, vợ anh ta hay con gái anh ta.

Đôi khi sự vay mượn lốt vỏ cổ điển rất đơn giản, như trong bức tranh của Reynold về những cô con gái của một gia đình đang trong các bộ trang phục như thể “các nữ mỹ thần đang trang trí bức tượng của Hymen ( thần cưới hỏi)


Các nữ Mỹ thần đang trang trí bức tượng thần Hymen, Reynolds (1723-1792)

Đôi khi toàn bộ khung cảnh thần thoại lại có chức năng như một bộ trang phục mà kẻ xem-chủ nhân bức tranh có thể mặc vào người. Sự thật ở đây là, khung cảnh ấy luôn có tính vật chất, cụ thể và do đó, phía sau tính vật chất và cụ thể đó, hoàn toàn không có bất cứ hàm ý hay sự tưởng tượng mới mẻ nào. Chính sự “rỗng” này sẽ giúp cho kẻ xem-chủ nhân bức tranh có thể vận khung cảnh ấy vào bản thân ông ta hay gia đình ông ta một cách dễ dàng.


Ossian đang đón nhận các hồn ma chiến binh Pháp ở Valhalla, Girodet (1767-1824)

Cái gọi là các bức tranh “ bình dân” [ “genre pictures”, còn gọi là “genre scenes”, hay “genre views”] – tức các bức tranh miêu tả “đời sống bình dân”, được coi là đối lập với các bức tranh mô tả huyền thoại. Các cảnh được miêu tả là những cảnh thô lậu chứ không hề cao quý. Mục đích của dạng “hội họa bình dân” là nhằm chứng minh- hoặc với mục đích tốt, hoặc với mục đích xấu – rằng phẩm cách trong thế giới này được đánh giá thông qua thành công xã hội hay tài chính. Việc có thể đủ tiền mua các bức tranh dạng này – thường là rất rẻ - sẽ giúp xác nhận cho phẩm cách của người mua. Những bức tranh dạng này có mặt tràn ngập cùng với thời điểm xuất hiện giới thị dân mới, tức những kẻ không còn đồng hóa bản thân vào những nhân vật thần thoại được mô tả trong bức tranh, mà với luật lệ đạo đức do các bức tranh minh họa. Một lần nữa khả năng của sơn dầu trong việc tạo ra ảo giác về vật thể thực lại được dùng để tạo tính khả tín cho một lời nói dối kiểu sến; tức lời nói dối rằng những kẻ giàu có thành đạt đều là những con người trung thực và lao động vất vả, và rằng những kẻ lười biếng thì nghèo khổ là đáng đời


Khung cảnh quán rượu, Brouwer (1605-1638)

Adriaen Brouwer là họa sỹ “bình dân” duy nhất có tài năng ngoại hạng. Các bức tranh của ông về những quán rượu xoàng và những kẻ chìm đắm cuộc đời trong đó được vẽ bằng một chủ nghĩa hiện thực trực tiếp và cay đắng đến mức giải hóa toàn bộ mọi lời thuyết giảng đạo đức kiểu sến. Và lẽ tất nhiên, không một ai mua các bức tranh của ông – chỉ trừ vài họa sĩ khác như Rembrandt hay Rubens

Các bức tranh”bình dân” hạng xoàng – thậm chí cả khi được một “bậc thầy” như Hals vẽ - đều trông rất khác.

cậu bé đánh cá đang cười, Hals (1580-1666)

Con người này thuộc giới cùng đinh. Sự nghèo khó có thể được thấy ngoài phố hay ở các vùng quê. Tuy nhiên, các bức tranh vẽ sự nghèo khó trong nhà thì trông lại rất bình yên. Ở đó, ta thấy những kẻ nghèo khó đang cười rất tươi như thể có thứ gì muốn chào mời người mua ( nụ cười cho thấy răng của người mẫu, điều mà ta không bao giờ thấy trong các bức tranh mô tả người giàu). Nụ cười một mặt như thể đang tự hài lòng với bản thân, song mặt khác cũng như thể nhằm tìm cách bán chác chi đó hay xin việc làm. Những bức tranh như vậy nhấn mạnh hai việc: người nghèo cũng hạnh phúc, và rằng sự tự hài lòng chính là một nguồn hy vọng cho thế giới