Người là bậc Thánh Nhân!
(PetroTimes) - Người ra đi nhưng đã làm cho cả dân tộc
xích lại gần nhau và nâng cao tính tự tôn. Chỉ có bậc Thánh Nhân mới có
thể làm được điều đó.
Từ xưa, người ta đã nói chỉ có bậc Thánh Nhân mới có thể cảm hóa được mọi người.Trong chiết tự chữ Thánh thì trên chữ Vương là "vua" là chữ "nhĩ" và chữ "khẩu" - nghĩa là Thánh còn hơn cả vua là biết nghe và có lời nói để dân theo. Xưa nay, vua thì nhiều lắm nhưng có mấy ai được nhân dân tôn là "Thánh".
Ngày nay lãnh đạo thì cũng có nhiều, nhưng lãnh tụ thì xem ra ngày càng hiếm và bậc Thánh Nhân thì lại càng ít.
Trong lịch sử, đã có nhiều sự ra đi của một cá nhân mà tác động đến cả xã hội.
Nhưng những người mà sự ra đi làm cho cả dân tộc xích lại gần nhau, làm cho mỗi người đều cảm thấy rằng mình cần phải sống tử tế hơn để không làm buồn lòng người đã mất, thì lịch sử cận đại Việt Nam chỉ có hai người là Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trong những ngày này ở Hà Nội, dòng người tưởng như bất tận lặng lẽ chờ đợi đến lượt vào viếng Đại tướng.
Để được bái biệt Đại tướng, nhiều người đã đi từ 2, 3 giờ sáng, nhiều người đứng hàng tiếng đồng hồ dưới cái nắng gay gắt... Đến tiễn biệt Đại tướng, có từ các cháu chưa đến tuổi cắp sách tới trường tới các cụ già sắp gần đất xa trời.
Các đội viên thanh niên tình nguyện đưa từng cốc nước cho các cụ, các ông, các bà, rồi đi phát mũ tai bèo, quạt giấy cho mọi người; mang bánh mỳ đến đãi bà con. Và một cảnh tượng thật kỳ lạ, ấy là những người đã viếng Đại tướng xong, khi quay ra, thì để lại chiếc quạt cho người sau che nắng...
Dòng người đến viếng Đại tướng mà không ai bảo ai, không phải có vận động, chỉ định đi viếng... Mọi người đến viếng Đại tướng bằng tất cả tấm lòng kính yêu của mình.
Dòng người viếng Đại tướng không chen lấn, xô đẩy, không ồn ào…
Quả thực đây là cảnh tượng rất hiếm có ở Hà Nội, đặc biệt là từ khi chúng ta bắt đầu công cuộc đổi mới nền kinh tế, xây dựng đất nước.
Bao nhiêu năm qua, người Hà Nội có thói quen rất xấu là chen lấn, xô đẩy, coi nhờn luật pháp… Cái nếp rất xấu này có từ thời bao cấp, và "di chứng" của nó vẫn còn đến bây giờ, căn bệnh "chen lấn" này xem ra lại ngày càng trầm trọng.
Tiếng là "người Hà Nội thanh lịch" nhưng rõ ràng trật tự giao thông của Hà Nội xếp vào loại kém nhất cả nước, trật tự đô thị cũng vào nhóm bét nhất nước, thanh thiếu niên chửi càn, chửi bậy, hỗn láo có lẽ cũng nhiều nhất cả nước...
Người ta cứ nói Hà Nội thanh lịch, nhưng điều đó đã là xa vời lắm rồi. Buồn thế đấy!
Ấy vậy mà từ hôm Đại tướng mất, trật tự giao thông ở Hà Nội bỗng nhiên tốt hơn hẳn: Số vụ tai nạn giao thông giảm đến 2/3, các vụ việc liên quan đến trật tự an toàn xã hội và phạm pháp hình sự cũng giảm đáng kể.
Người ta nhận thấy rằng, bỗng dưng người Hà Nội lại tử tế hơn, điềm tĩnh hơn.
Thế mới biết, sức cảm hóa của Đại tướng to lớn đến nhường nào.
Mấy năm nay, sức khỏe Đại tướng yếu dần theo quy luật Sinh - Lão - Bệnh - Tử. Biết Đại tướng yếu, và cứ mỗi dịp đến ngày lễ, khi nhắc đến Đại tướng, ai cũng cầu mong cho Đại tướng sống lâu muôn tuổi.
Nhiều năm nay, Đại tướng vẫn là chỗ dựa tinh thần cho quân và dân ta.
Đại tướng mất, nước nhà mất đi một cây cột cái, còn lực lượng vũ trang mất đi người Anh Cả.
Từ lâu nay, chúng ta luôn nói Chủ tịch Hồ Chí Minh là "Người Cha của các lực lượng vũ trang", còn Đại tướng Võ Nguyễn Giáp là "người Anh Cả". Cha ông ta có câu rằng "Làm anh khó lắm ai ơi". Bây giờ càng ngẫm, càng thấy sao mà đúng thế và Đại tướng đúng là người Anh Cả.
Với một cá nhân, có lẽ chỉ khi người đó về cõi vĩnh hằng mới đánh giá được một cách chính xác nhất công lao, đức độ và tầm ảnh hưởng của một cá nhân đối với dân tộc.
Có rất nhiều người giỏi, có những đóng góp to lớn cho đất nước, cho dân tộc, nhưng họ chỉ là những nhà lãnh đạo giỏi, chứ không phải là lãnh tụ, và càng không được người dân phong Thánh trong lòng mình.
Người dân thể hiện lòng kính yêu Đại tướng không chỉ là kính yêu một con người vĩ đại, có tài năng thiên bẩm, có công lao to lớn đối với đất nước, dân tộc, mà vượt lên tất cả là kính yêu một nhân cách lớn và một con người có đức độ hiếm có.
Trong những ngày này, nhiều tờ báo cũng đã nói về một số năm tháng Đại tướng không được như ý, đặc biệt là giai đoạn Đại tướng được phân công phụ trách Dân số và Kế hoạch hóa gia đình. Thời ấy, cũng đã có câu vè chua chát về việc này.
Ngày ấy, tôi là người lính, nhưng không thể hiểu nổi tại sao một vị Đại tướng cầm quân tên tuổi lẫy lừng khắp năm châu và ở đâu cũng nói đến cụm từ "Việt Nam - Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp" nay lại phải đi làm một công việc mà không thể nói rằng xứng với một Đại tướng.
Nói công việc ấy "tầm thường" thì cũng chẳng phải, nhưng giao công việc ấy cho một Đại tướng thì thật là "xem ra ngậm đắng nuốt cay thế nào"?
Xưa có câu "điểu tận cung tàng" nghĩa là chim hết thì cung bị xếp xó, và vận vào công việc mới của Đại tướng ngày ấy mới thấy đúng làm sao. Vậy mà, Đại tướng vẫn lao vào công việc với tất cả trách nhiệm của mình. Trong tâm niệm của Đại tướng luôn luôn có lời dạy của Bác Hồ: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua…" và phải biết "Dĩ công vi thượng". Ngày xưa, khi cầm quân đánh giặc, Đại tướng đã theo lời dạy này và bây giờ khi sang một công việc không liên quan gì đến binh nghiệp nữa, Đại tướng vẫn thực hiện theo đúng lời dạy của Bác.
Lại nữa, vào năm 1984, khi Kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chẳng hiểu vì lý do gì mà người ta không mời Đại tướng lên Điện Biên dự lễ kỷ niệm. Đại tướng phải lên thăm lại chiến trường xưa và bà con Tây Bắc với tư cách cá nhân. Rồi trong các hội thảo tuyên truyền về Chiến thắng Điện Biên, người ta còn "ngại" không dám nói về vai trò của Đại tướng...
Có một thời kỳ, khu vườn ở 30 Hoàng Diệu nom như vườn hoang, với lá cây rụng đầy, ít người quét dọn và những bức tường cỏ mọc rêu phong.
Không thể nói rằng những năm tháng đó đối với Đại tướng là "thoải mái", và càng không thể nói rằng công việc mới mà Đại tướng được giao là vừa ý đối với Người... Nhưng tuyệt nhiên không có nửa lời bất đắc chí, không có một lời than thân, trách phận, không có nửa lời trách cứ... Thế mới biết, sức chịu đựng của Đại tướng thật phi thường và đúng là chỉ có bậc Thánh Nhân mới chịu được như thế.
Trong những năm tháng ấy, Đại tướng đã tập Thiền. Nhưng nếu như ai đó tập tu Thiền để trốn tránh sự đời, thì Đại tướng tập Thiền là để giữ cho tâm tỉnh táo, tập trung, nhìn thế giới hiện hữu rõ ràng và trau dồi tấm lòng nhân đạo, biết mình là ai và ở đâu.
Trong bối cảnh kinh tế nước nhà đang có những khó khăn, lòng dân đang ly tán, niềm tin của người dân vào Đảng giảm sút, những nguy cơ liên quan đến sự tồn vong của Đảng đã được nhìn nhận... Nhưng người dân vẫn đoàn kết một lòng xung quanh Đại tướng.
Người ra đi nhưng đã làm cho cả dân tộc xích lại gần nhau và nâng cao tính tự tôn.
Chỉ có bậc Thánh nhân mới có thể làm được điều đó.
Nhiều năm nay, Đảng ta đã mở cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Cuộc vận động đã có những tác động tích cực, dù còn rất khiêm tốn vào xã hội.
Và bây giờ chúng ta đã thấy sức cảm hóa của Đại tướng lớn đến chừng nào, tài năng và đức độ của Đại tướng vĩ đại đến như vậy.
Nên chăng, phải thêm vào là "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp"?!
Nguyễn Như Phong
Trời sinh Võ Nguyên Giáp để làm gì
Võ Nguyên Giáp đã về với đất giữa những tiếng tung hô về
“thiên tài quân sự” và “phẩm cách thánh nhân” của ông ta, giữa những lời
phân trần biện minh cho thất bại chính trị của ông ta, cả những nhận
xét điềm đạm hay phê bình gay gắt nhất đối với ông ta.[1]
Không nhất thiết phải đóng góp thêm cái không khí ồn ào khi “tang lễ
quốc gia” sặc mùi đồng bóng vừa mới bị cắt ngang một cách chưng hửng
ngay tại thủ đô để tiếp khách Trung Quốc giống như là… cưới chạy tang,
tôi vẫn cảm thấy thiếu thiếu, vẫn còn có một câu hỏi chưa có lời đáp ở
nhân vật này.[2]
Câu hỏi đó là: “Trời” sinh ra Võ Nguyên Giáp để làm gì?
Đã ca ngợi ông ta là một “thiên tài quân sự”, là “thánh
nhân”, thì phải thừa nhận chuyện “Trời sinh”: sinh ông ta ra, rồi phú
cho ông ta một “thiên tài”, một phẩm cách “thánh nhân”, ắt hẳn “Trời” đã
sắp đặt sẵn cho ông một chương trình, một mục đích và ý nghĩa nào đó,
cho đời. Như thế thì cái ý nghĩa “thiên mạng” đó phải thể hiện trong sự
nhất quán, trong mối quan hệ tương liên giữa những chặng đời mâu thuẫn
mà những kẻ xưng tụng ông vẫn ấm ức gọi là “nghịch lý”, cái “nghịch lý”
của cuộc đời khởi đầu vinh quang trong vai trò “cầm quân” tại chiến
trường Việt Bắc để rồi tiếp tục một cách ê chề với những tháng năm “cầm
quần” giữa những mưu mô chính trị hậu cung tại Hà Nội, nói theo một câu
ca dao hiện đại.[3]
Sự nhất quán giữa hai thái cực “cầm quân” và “cầm quần”
ấy có thể nhìn qua học thuyết của Thomas Malthus; nhưng đầu tiên hãy nói
về “thiên tài” và "phẩm cách thánh nhân" của ông Giáp.
Chúng ta thán phục một người là có “tài” khi người đó làm
được những điều mà kẻ khác làm được, nhưng người đó làm bằng cách nhanh
hơn, với cái giá rẻ hơn, mà có thể đem lại kết quả hay hơn. Chúng ta
ngưỡng mộ một bậc “thiên tài” khi người đó làm được những điều độc sáng
mà chưa ai từng làm được, hay người đó không chỉ hơn khối kẻ bình thường
khác qua cách làm nhanh nhất, bằng cái giá rẻ nhất, nhưng mang lại kết
quả mỹ mãn nhất, mà còn có thể, qua cách ấy hay việc ấy, để lại một dấu
ấn hay những ý nghĩa khó phai nhạt trong những ảnh hưởng đến người khác,
ít ra là trong lĩnh vực của mình.
Nếu “thiên tài” của Võ Nguyên Giáp kết tinh ở chiến thắng
Điện Biên Phủ “lẫy lừng” thì cái tài trời phú ấy không thể chấm hết sau
phút giây bắn pháo hoa mừng chiến thắng mà còn phải để lại những ý
nghĩa “lẫy lừng” nào đó, ít nhất là cho riêng vùng đất ấy, và ít ra là
trong đường lối quân sự sau đấy.
Ông ta là “thiên tài quân sự” thế nhưng, đối với những
đồng chí thuộc vai vế đàn em, “thiên tài” ấy chẳng có một tý ty trọng
lượng, chẳng để lại một dấn ấn hay ý nghĩa hay ảnh hưởng nào, ngay trong
lĩnh vực quân sự. Gạt ông ta ra ngoài trong những quyết định trọng đại
về chiến tranh, Lê Duẩn và Lê Đức Thọ đã không đếm xỉa gì đến “thiên
tài” của ông ta. Chiến dịch Mậu Thân, họ chỉ báo trước có một ngày.
Chiến dịch Quảng Trị, khi xương cốt bộ đội trắng cả đáy dòng Thạch Hãn,
họ cũng bỏ ngoài tai những ý tưởng chiến thuật của ông ta.[4]
Và “chiến thắng lẫy lừng” ấy cũng chẳng mang lại một ảnh
hưởng tích cực nào cho những vùng đất hay con người đã trực tiếp và gián
tiếp trả giá. Không nói xa xôi đến “đất nước” hay “dân tộc”, gần ba
phần tư thế kỷ sau ngày chiến thắng, những “an toàn khu”, những “căn cứ
địa”, những “chiến khu gió ngàn” nuôi dưỡng nên chiến thắng ấy vẫn tiếp
tục là những vùng đất đói nghèo nhất nước và, phần đông, thế hệ trẻ lớn
lên ở đó, muốn đổi đời thì chỉ có thể, hoặc ngược sang Lào theo những
“cung đường ma túy”, hoặc bỏ về xuôi làm thuê hay làm đĩ.[5]
Giới hâm mộ Võ Nguyên Giáp viện dẫn sự thất thế chính trị
để biện minh cho sự vô can của ông ta trước giá đắt trong Mậu Thân 1968
và Quảng Trị 1972-1973, thế nhưng cái giá của Điện Biên Phủ 1954 đâu có
rẻ chút nào? Bao nhiêu nông dân cầm súng đã gục ngã, bao nhiêu tài
nguyên đã tiêu tốn và những món nợ “xã hội chủ nghĩa anh em” với hậu quả
nhãn tiền về sự phụ thuộc? Mà, xét cho cùng, nếu tướng tài là vị tướng
không cần đánh mà có thể lấy được thành thì, chẳng cần đến những “chiến
công chấn động thế giới” kiểu ấy, những cựu thuộc địa có cùng hoàn cảnh
tại Á châu không chỉ đã giành lại độc lập với cái giá rẻ hơn mà, hơn thế
nữa, còn vươn tới những kỳ tích hậu thuộc địa lẫy lừng hơn, rất nhiều.
“Chiến thắng lẫy lừng” ấy là một món hàng xa xỉ, cực kỳ
hoang phí, không chỉ hoang phí bằng xương bằng máu mà còn hoang phí bằng
sự tụt hậu và phụ thuộc, phụ thuộc ngay vào kẻ thù truyền kiếp, kẻ thù
đã xâm lăng đất nước chúng ta nhiều lần hơn ai hết, chiếm đóng đất nước
lâu dài hơn ai hết.
Cái chiến thuật thí thịt người chẳng có gì độc đáo sáng
tạo về mặt quân sự của ông Giáp gợi nhắc một giai thoại về Napoléon
Bonaparte khi bị một viên thống chế dưới quyền thắc mắc trước một quyết
định thí quân: “Chỉ một đêm của Paris là đủ”.
Chỉ một đêm thôi, và riêng tại Paris thôi, sẽ có bao nhiêu cặp nam nữ
cuồng nhiệt quấn quýt vào nhau, sẽ có bao nhiêu tinh trùng bắn ra, sẽ có
bao nhiêu tinh trùng tiến về bắt rễ trong buồng trứng để từ đó mở ra
một mầm sống mới và, với Napoleon, thế là đủ. Đủ để bù lại những sinh
mạng bị ông ta vung vãi trước trận địa mà đối phương đã bày bố sẵn sàng.
Như thế phải có một điểm nhất quán nào đó trong “vinh
quang” của vị “anh hùng chiến thắng” vào năm 1954 với sự cam chịu thụ
động đến bạc nhược của vị “thống chế đặt vòng” vào năm 1983, khi ông ta
trở thành “Chủ tịch Ủy ban quốc gia dân số và sinh đẻ có kế hoạch”.[6]
Mối ám ảnh “khó khăn dân số” ấy vẫn
tiếp tục hiệu lực, vẫn dai dẳng đeo bám nhân lọai, thậm chí từng ám ảnh
cả nhà thơ Tú Xương của chúng ta, qua bài thơ “Chúc Tết”:
Lẳng lặng mà nghe nó chúc con
Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn.
Phố phường chật hẹp, người đông đúc,
Bồng bế nhau lên nó ở non
Ba năm sau khi Tú Xương lìa đời thì Võ Nguyên Giáp mới
chào đời. Và bốn mươi bốn năm sau khi ông Giáp chào đời thì ám ảnh ấy đã
phần nào giải quyết bằng chiến thuật thí thịt người tại Điện Biên Phủ
cùng muôn vàn những trận đánh tương tự trước đó hay sau đó với những quy
mô nhỏ hơn. Nếu chiến tranh, theo cái nhìn của Von Clausewitch, là sự
“tiếp nối của chính trị bằng những phương tiện khác” thì, phải chăng,
“người hùng chiến tranh” Võ Nguyên Giáp, như một kẻ hoàn toàn thất bại
về chính trị, chính là hiện thân của sự “can thiệp của tự nhiên” để giải
quyết những “khó khăn về dân số”?
“Tự nhiên”, ở đây, nên hiểu là “Trời” và nếu nhìn như thế
thì sẽ thấy ngay cái mẫu số chung hay mối quan hệ “biện chứng” giữa
đoạn trước và đoạn sau của cuộc đời ông. Cơ hồ “Trời” sinh ông ta ra là
để giải quyết những khó khăn bằng cách đẩy những mầm sống
đã đạt tuổi trưởng thành vào trận địa theo chiến thuật thí thịt người.
Nửa đời sau thầm lặng trong nền chính trị hậu trường, ông ta “giải quyết
khó khăn” với những cái bọc condom, những sợt dây thắt ống dẫn tinh và hay những vòng tránh thai để phong toả, ngăn không cho tinh trùng tiến về với trứng.
Giới hâm mộ xem đó là “thăng trầm” của đời ông Giáp và ca
tụng đó là chữ “nhẫn” của bậc thánh nhân, là “phong cách trí thức” của
một tướng lĩnh “có văn hoá”. Nhưng tính cách của bậc trí thức không chỉ
hình thành việc đọc sách, việc làu thông kim cổ hay, giữa một đám lãnh
tụ công nông đàn gảy tai trâu, “biết đánh cả đàn piano”. Và, ngoài chữ
“nhẫn”, tiếng Việt còn có thêm từ “khí tiết”. Nếu “nhẫn” không có nghĩa
là bạc nhược thì “phong cách trí thức” không có nghĩa là phải giữ sự mềm
mỏng và thụ động của con người chỉ biết mỗi một việc đọc sách. Mềm
mỏng, hay cứng cỏi, người trí thức phải quyết liệt, không lùi bước,
không khoan nhượng để bảo vệ lẽ phải và sự thật. Nhưng còn ông Giáp? Như một
“đại tướng - trí thức - anh hùng”, ông ta đã làm gì để bảo vệ lẽ phải
và sự thật khi chính những tướng lĩnh và sĩ quan tâm phúc của mình như
Đặng Kim Giang, Lê Liêm hay Đỗ Đức Kiên bị vu khống là gián điệp?
Không chứng tỏ một nỗ lực tối thiểu để bảo vệ lẽ phải và
sự thật, để trọn chữ nghĩa tình với những người từng vào sinh ra tử với
mình thì có thể nào đạt đến chuẩn mực xử sự của bậc thánh nhân? Những kẻ
chỉ trích thì vin vào điều này để cho rằng ông ta hèn nhát. Thì đó cũng
là một cách nhìn, nhưng từ góc độ và ý nghĩa “Trời sinh”
thì chẳng có gì là anh hùng hay ươn hèn trong cái cuộc đời đó cả! Trời
sinh ông ta để “giải quyết những khó khăn” về dân số
Nếu “thiên tài quân sự” là kẻ phải thể hiện sự dũng mãnh
của loài “sư tử” thì ông ta, “Thiên tài quân sự Võ Nguyên Giáp”, còn có
nhiều lợi thế trên đấu trường chính trị hậu cung khi đã từng là “cáo” và
cũng từng là “sói”. Trước khi thực sự chống lại thực dân ông ta đã đóng
vai trò chủ chốt trong những cuộc thanh trừng khốc liệt nhắm vào các
đảng phái quốc gia chỉ để giành lấy độc quyền chống thực dân, nghĩa là
từng giăng bẫy như “cáo”. Trước khi là Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tư
lệnh quân đội, ông ta đã là Bộ trưởng Nội vụ đầu tiên của chính quyền
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà và, trong vai trò ấy, đã ký nghị định để chống
lại cái gọi là các tổ chức quốc gia gọi "phản động” tháng Chín năm
1945, nghĩa là đã vồ mồi như “sói”.
Đã là “sư tử”, đã từng giăng bẫy như “cáo” và từng vồ mồi
như “sói”, tại sao ông ta, có thể dễ dàng đầu hàng trước những đồng chí
chỉ đáng mặt là “cáo” hay “sói” như Lê Duẩn và Lê Đức Thọ?
Cũng chẳng có gì đáng gọi là “nghịch lý” trong mối quan
hệ tưởng là mâu thuẫn này cả khi một “đại tướng anh hùng” dễ dàng bỏ rơi
đồng đội, dễ dàng nhìn những ý tưởng mà mình tin là có lợi cho đất nước
bị vứt bỏ vào sọt rác mà, thậm chí, còn là một sự nhất quán và thông
suốt nếu nhìn theo những góc độ nói trên. “Trời” sinh ông ta thế và, cơ
hồ, cả trong cái thời sung mãn nhất về thế chất và trí lực của mình, ông
ta, “Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, chưa bao giờ cảm thấy có đủ tự tin với
“thiên tài”, với “thiên mạng” của bậc anh hùng cứu thế trong tầm vóc của
một con sư tử của mình. “Trời” không sinh ông để sống trọn vẹn ý nghĩa
của một con người huyền thoại. Trời sinh ông ra để giải quyết những “khó
khăn về dân số”.
“Thiên mạng” của ông ta là giải quyết những “khó khăn về
dân số”Thế là, sau bao nhiêu năm bị bỏ
quên, phải tìm quên trong thiền và trong kinh Phật, ông ta được vực dậy,
được công kênh như một huyền thoại chiến tranh. Ông ta càng rũ xuống,
càng vật vờ trong đời sống thực vật trên giường bệnh bao nhiêu, thì cái
chiến dịch phục dựng huyền thoại chiến tranh ấy càng rầm rộ bấy nhiêu.
Nhưng, luôn luôn, cái mà nền toàn trị cần là những huyền
thoại chỉ để thờ, thờ sống hay thờ chết. Nó chỉ cần cái bài vị, cái vừng
sáng lung linh nhang nến quanh một nhân vật để công chúng kinh cẩn gập
mình xuống lạy chứ không phải những giá trị thực tiễn mà kẻ đó có thể
đóng góp. . Cũng chỉ đơn
thuần là hai cái bài vị để cho công chúng lạy, lạy sống hay lạy chết.
Thập niên 60, hệ thống quyền lực đó vừa thờ sống Hồ Chí Minh, vừa gạt
ông ta qua một bên. Chỉ cách đây mấy năm thôi, hệ thống đó cũng vừa rầm
rộ “lạy sống” ông Giáp, vừa thẳng tay vứt vào sọt rác những “tâm can” mà
ông ta trút cạn khi hệ thống quyền lực tự đâm vào cổ mình bằng cách mời
mọc kẻ thù truyền kiếp của dân tộc đến cắm rễ ngay tại vùng đất chiến
lược.[9]
Những kẻ hâm mộ ông lấy làm ấm ức vì trong bài điếu văn
chính thức đọc trong tang lễ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã không đề
cập về ông như một “anh hùng” mà chỉ gọi suông là “nhà lãnh đạo uy tín.”
Những kẻ hâm mộ cho rằng ông ta là “anh hùng dân tộc”, là “hồn thiêng
sông núi” v.v… và, theo những dòng người rồng rắn đưa tang, những mỹ từ
này đã rồng rắn nối đuôi nhau trên các phương tiện truyền thông để tấn
công vào suy nghĩ của công chúng, để bám vào suy nghĩ của thế hệ mới
lớn.[10]
Xưng tụng ông ta thế nào, là “thiên tài quân sự”, là “bậc
thánh nhân” v.v... là tùy theo năng lực nhận thức và trí tuệ của từng
người. Nhưng nếu gọi một nhân vật như thế — “sư tử” không ra “sư tử”,
“sói” không ra “sói”, và “cáo” không ra “cáo” — là “hồn thiêng sông núi”
hay “anh hùng dân tộc” thì quả là một sự báng bổ và xúc phạm. Nó báng
bổ tổ tiên. Nó xúc phạm đến sông núi thiêng liêng. .
Và nó xúc phạm đến cả chúng ta, những người đang mang ơn
những người con kiệt xuất những anh hùng đã thực sự bảo
vệ đất nước trước dã tâm nghiền nát và nuốt chửng của kẻ thù truyền
kiếp, cái kẻ thù đang vừa kêu ca đòi chia chác thứ “vinh quang” xây trên
xác người ở Điện Biên Phủ, vừa vận dụng cả trăm ngàn trò trí trá để bóp
nghẹt môi trường và nguồn sống của chúng ta, dồn ép chúng ta vào cảnh
kiệt quệ và chết dần chết mòn, cũng với dã tâm nghiền nát và nuốt chửng.[11]
Thuận Văn17.10.2013