Friday, October 11, 2013

Những người sống bên tôi - Xóm Nghèo Thất Học






_Sao anh lúc nào cũng cười vậy. - Vinh hỏi tôi.
_Chú nói hay thật, anh không cười chẳng nhẽ phải khóc hay sao.
Cái thằng bán trà đá vỉa hè, tôi quen nó từ cái ngày vẫn chỉ là đứa trẻ nghịch ngợm với đủ trò tinh quái của tuổi thơ. Trong cả cái hội chơi với nhau ngày ấy, tôi lớn tuổi nhất, nhưng chẳng phải là đứa quậy nhất. Thằng Thắng "Ba Nhẻm" lúc nào cũng lém lỉnh, đầu têu đủ trò, hết ăn trộm dứa ngoài chợ rồi lại tới om trứng cho thối để sáng sớm ném vào cửa kính mấy quán cà phê. Thằng Vinh "Khỉ" bỏ học từ khi học lớp ba, nhiều lúc lấy sách báo ra đọc vẫn phải đánh vần từng chữ. Mẹ thằng Vinh không chịu được tính nát rượu của bố nó nên bỏ nó đi từ khi nó còn bé tí. Bố đi lấy vợ, thằng Vinh ở với bà nội. Thiếu vòng tay của người mẹ, lại không mấy thiện cảm với bà dì ghẻ (Dù cho dì của nó ăn ở với nó không như mấy mụ dì ghẻ trong truyện cổ tích) vì thế thằng Vinh có vẻ lầm lì, ít nói, cục tính, nhưng rất trọng tình nghĩa. Thằng Thắng "Vẹo" có cái tật nói níu lưỡi nhưng hay thích nói, mà một câu hắn nói ra có được một phần thật, chín phần xạo, nhưng nhờ xạo nên kết giao được với mấy tay đầu gấu xóm Trại Nhãn. Thằng Sơn "Lùn" bằng tuổi tôi, người nó béo mũm mĩm, chiều cao khiêm tốn nhìn như quả bóng vậy, hễ cứ mở miệng lại văng tục. Thằng Khánh "Béo", so với Sơn "Lùn" hắn được cái cao to, bản tính nhát nhưng thích ra oai. Thằng Bắc là thằng duy nhất trong nhóm không có biệt danh, có cô chị ruột bằng tuổi tôi và Sơn Lùn xinh đáo để.



Mấy thằng chơi với nhau, thằng Vinh bỏ học sớm nhất, rồi tới Thắng Vẹo và Ba Nhẻm bỏ học khi đang học dở cấp ba. Khánh Béo, Sơn Lùn, và thằng Bắc có bằng cấp ba xong cũng chỉ ở nhà, có đúng mình tôi vào được đại học nhưng khi chuẩn bị năm cuối thì bị đuổi. Tính ra thằng nào cũng biết đọc biết viết. Xóm "thất học" ngày trước giờ cũng được cái oai với đời vì chuyển sang thành xóm "Ít học"

_Anh nhiều chữ hơn em, lúc nào anh cũng văn với chẳng vẻ. - Thằng Vinh rít điều thuốc lào. - Kể ra anh mà cố thêm tí nữa có cái bằng đại học thì có phải oai nhất xóm không. Thằng Bắc, Khánh, với Sơn Lùn bọn nó có bằng cấp ba rồi nghỉ, có mỗi anh đi học đại học. Giờ không học nữa tiếc thật.

Tôi đỡ gói thuốc lào từ tay thằng Vinh, vê vê lấy một bi, nhưng chưa hút ngay mà hỏi nó:

_Chú bỏ học từ nhỏ, chữ nghĩa thì tạm gọi là biết đọc biết viết. Giờ cho chú đi học chú có đi không?

_Đi làm gì anh, thú thực em học sao nổi. Thôi thì biết tí chữ để thiên hạ không lừa mình giấy tờ này nọ là được rồi anh. Chứ giỏi Văn, giỏi toán như anh mà ra đời cũng chỉ cần đọc thông viết thạo, cộng trừ không sai là đủ sống rồi, thì học thêm để làm gì cơ chứ.

Nghe nó nói vậy, tôi nhếch miệng cười nhạt, bỏ thuốc vào nõ, lấy đóm mồi lửa rít một hơi dài rồi hãm với trà nóng. Mả cha nó chứ, cái anh thuốc lào Vĩnh Bảo mới chả Tiên Lãng đã đủ phê rồi, dính vô cái loại sợi nhỏ Thanh Hóa này thì Vĩnh Bảo với Tiên Lãng chỉ xách dép. Ấy cái anh sợi nhỏ Thanh Hóa này kể ra đã thật, cay cay, nồng nồng, kéo vào là xộc lên tận óc, tiên cảnh bồng lai hay địa ngục cũng là hư vô. Sống ở đời nó như là cái địa ngục vậy, người người đấu đá nhau để dành nhau bát cơm, mà sống ở đời cũng như tiên cảnh bồng lai, người người hễ đã hợp nhau thì đi tới cùng trời cuối đất. Nhưng có tí khói cay này vào ta là tiên mà ta cũng thành quỷ mất rồi, hư hư, ảo ảo, phê phê, tây tây, choáng váng, rợn người rồi lại tan biến ngay.

Thằng Vinh thấy tôi cười, nó lại cười theo:

_Anh lại cười, lúc nào cũng cười.

_Ờ anh không cười, thì phải khóc. Chú thích anh khóc à? Không đau không buồn khóc mà làm gì cơ chứ?

_Anh lại văn, mà có khi anh đau, anh buồn anh vẫn cứ cười cũng nên?

Cái thằng, chữ nghĩa chưa hết lớp ba, mà nhiều khi nắm bắt tâm lý con người ta như một nhà tâm lý học vậy. Sự tôi luyện ở đời biến nó vậy cũng nên. Nhấp thêm một ngụm trà, tôi lại cười.

_Đấy lại cười rồi, mà anh cười thì kệ anh. Chữ anh nhiều nhất hội, ai biết anh đang nghĩ gì, tính gì đâu.

_Thì chú mày chẳng bảo "Chữ nhiều hay chữ ít, cũng chỉ cần biết đọc biết viết, biết cộng trừ nhân chia" là gì. Nhiều chữ hay ít chữ thì anh với chú có khác gì nhau đâu. Cũng là dân xóm ít học cả.

_Anh lại cứ thích vặn.

_Nói thật, chứ vặn chú mày anh được ích lợi gì nào. Ờ mà tính việc ích lợi với chẳng thua thiệt ở đây làm gì nhỉ. Anh em chơi với nhau từ cái thời mặc quần thủng đít đi sinh hoạt hè, nào có tính thiệt hơn đâu. Thằng Ba Nhẻm mà trộm được dứa thì gọt ra cả hội ăn chung, Thằng Bắc mà thó được ít đồ khô của mẹ nó thì đem nướng chia đều nhau, Thắng Vẹo có bao thuốc thì cả đội lại chung nhau hơi thuốc. Nào có ai hơn ai thiệt ở đây. Tắm hồ Đống Đa chung, buổi đêm đi đạp cửa sắt mấy ông nhà giàu cho chó sủa, vào ngõ vắng thấy gái hay mấy bà đồng nát đi qua lại chặn đường bóp vú. Mấy mụ có la thì cả hội chạy, nó có chạy thì cả hội đuổi theo. Ngày xưa thế mà hay, đến như tao đeo kính cận tóc rẽ ngôi mà còn hăng say trong mấy vụ này thì thử hỏi tụi mày quậy kinh đến mức độ nào.

Hai thằng cười.

Chiều hè nắng và oi đến rợn người, ngoài đường chẳng có tí gió nào. Ông mặt trời nắng thì đã có cát bạt che dùm, nhưng còn cái nóng thiêu nóng đốt quạt mấy cũng chỉ vậy, chẳng mát hơn là bao nhiêu. Xóm nghèo, tàn tạ, tan tác, lũ trẻ con lếch thếch lôi thôi chia nhau từng miếng bim bim. Gói bim bim hai ngàn lọt vào tay lũ trẻ, dăm đứa ăn chung nhoằng cái là hết vèo. Trẻ con có gói bim bim mà cũng tị nạnh đứa này miếng to, đứa kia miếng nhỏ. Rõ khổ, cảnh nghèo, cảnh đói, cảnh nheo nhóc buộc con người ta phải lao ra đường nhặt nhạnh từng đồng bạc lẻ nhàu nát. Thằng Ba Nhẻm đội cái mũ cối, người nhỏ gày đen đúa, tay cầm vòi nước dài rửa honda cho khách. Ông Dấn lại dắt con phượng hoàng gỉ chẳng còn tí vệt sơn nào từ trong ngõ nhỏ đi ra. Nào vợt nào túi, nào cân, ông đi vợt thầu dầu với mò ốc ở hồ Thành Công, ở hồ Đống Đa, và còn hồ gỉ hồ gì thì chẳng ai rõ, chỉ biết nơi nào không có bảo vệ hồ đuổi thì ông ra cho bà vợ ở nhà sáng sớm kịp đi chợ đình. 

Nhà ông Dấn có ba con nhưng chẳng nhờ được đứa nào cả. Anh con cả dính vào nàng tiên nâu, bao nhiêu của cải trong nhà cũng đội nón ra đi. Của đi hết rồi, anh cũng đi luôn về nghĩa địa, chẳng về nữa. Cô con gái thứ hai của ông bà, lấy được chồng nhà sang nhưng sang thì sang nhà chồng, chứ nhà bố mẹ đẻ chị có dám ngửa tay xin tí nào. Được cậu con út là khá nhất, tốt nghiệp Cao Đẳng nhưng mọt sách, nhà nghèo có cái gì quý anh cả cho ra đi hết cả rồi, xin việc ở đâu cũng bị từ chối, ngồi nhà phụ mẹ mấy việc lặt vặt, rồi lại còn con bé Thảo Phương con của anh con cả, bố mất, mẹ nó đi lấy chồng để nó lại cho ông bà nội, lo được tới đâu hay tới đó. Một gia đình trong xóm nghèo, bốn miệng ăn, hai ông bà già cố neo lưng ra để kiếm cơm nuôi một con mọt sách và một đứa trẻ ngây ngô chưa biết lo biết nghĩ.

Bóng ông Dấn đã xa xa, anh Thắng Ngọng ngồi dìa quán nhấp ngụm nước rồi chỉ theo dáng ông Dấn:

_Ông này bắt được nhiều ốc to và béo lắm đấy. - Lưỡi anh nói mà như níu lại, ai không quen chắc phải nghe đi nghe lại mấy lần mới hiểu được, rồi lại nhìn tôi hỏi. - Hôm qua, hình như bà (Ý chỉ mẹ tôi, vì tính vai vế trong làng, chi nhà tôi luôn lớn hơn các nhà khác một bậc, gọi nhau theo tuổi tác ấy là vì xã giao thôi) có mua ốc của ông Dấn hả, còn không cho anh xin một bát để chị Thảo (Vợ anh Thắng) nấu cháo.

Tôi cười vỗ vai anh Thắng:

_Sang bảo mẹ em lấy cho, bụng em và bố em yếu, không ăn mấy món này. Hôm qua, có mỗi mẹ em và cụ (tức bà ngoại tôi) nhẩy. Mấy vị đấy nhẩy ốc, nhưng có ăn đâu, lại cho ra bát, được đầy một bát ô tô.

Mấy ông dân phòng tóc đã hai màu ngồi uống nước, một ông hỏi thằng Vinh:

_Dạo này mày có thấy thằng Thắng Vẹo đâu không?

Thằng Vinh trả lời cộc lốc:

_Chịu, có Chúa mới biết nó dạt phương nào.

Một ông nói với cả đội:

_Nghe nói ngày trước nó ăn trộm của bố nó nhiều tiền lắm, không biết chơi điện tử hay hút sách đây. Bố nó cứ dấu tôi, nhưng nó bỏ nhà đi thì ông mới kể việc nó dỡ đồ trong nhà đi bán, mấy lần liền rồi.

Thằng Vinh vẫn nói cái giọng cộc lốc, cái giọng mà chẳng bao giờ nó dám nói với tôi:

_Thằng Vẹo hút thì chẳng hút đâu, nó giờ bố tướng rồi, đập đá cơ.

Tôi nhìn nó cười, nụ cười có phần gượng gạo:

_Chẳng mấy chốc đi theo con ông Dấn thôi...

Thằng Vinh lau lau cái cốc, nói với tôi nhưng không nói theo kiểu cộc lốc như nói với mấy ông dân phòng:

_Thứ đấy dành cho bọn con nhà giàu anh ạ. Chết thì không chết, nhưng đợi tới lúc bơ rồi, nửa dại nửa điên thì bố mẹ thằng Vẹo lại khổ thôi.

Anh Thắng Ngọng đứng dậy trả tiền trà thuốc, móc trong túi ra một tờ trăm ngàn. Anh ra hiệu cho thằng Vinh trả luôn chén nước của tôi nữa, nhưng tôi gạt đi. Một trăm ngàn là tiền chị Thảo vợ anh đưa để đi chợ mấy hôm liền. Chén nước chẳng đáng bao nhiêu nhưng cũng đủ để anh chị và các cháu có thêm nửa mớ rau. Nửa mớ rau một bữa ăn, đủ no cái bụng của một gia đình. 

Nhà ông Thắng này cũng nghèo như nhà ông Dấn thôi, được cái chị Thảo đảm đang hết bán rau ngoài chợ lại lo ngược xuôi. Anh Thắng bàn tay ngón đủ ngón thiếu nhưng khéo léo biết nào điện, nước, vôi ve đủ nghề nên đời sống cũng đỡ cơ cực. So với nhà ông Dấn và nhà anh Thắng, cũng như nhiều nhà khác trong cái xóm ít học này, nhà tôi có vẻ khá nhất, vì đất đai các cụ để lại cho nhiều. Cái ngày đất lên giá, nhà tôi cũng khá lên theo. Nhưng dường như xóm nghèo ít học vẫn lê lết với cái đói, cái nghèo, cái nóng ngày hè và cái rét ngày đông. Nhiều khi giữa ngày đông giá rét, đứa con gái lớn đưa cho chị Thảo danh sách những khoản cần đóng ở trường, mồ hôi chị toát ra dù cho có gió mùa đông bắc thổi. Nghèo, rét, đói, khát, những thèm thuồng một cái gì đó rẻ thôi nhưng không dám tự đáp ứng cho bản thân. Ngày chúng tôi mười tám, một bao thuốc lá nửa chai rượu trắng với mấy hột lạc cũng đủ để cả hội mở bữa tiệc sang. 

Tôi khua tay giữa không trung ra hiệu:
_Thôi anh cứ đi đi, em gửi cho, tí nữa anh cứ sang bảo mẹ em lấy ốc cho, lấy hết về cũng được. 

Bảo anh về là một việc, anh Thắng không chịu, tính anh là vậy, quý và chiều tôi. Con gái lớn của anh kém tôi hai tuổi. Ngày xưa bé tí, anh quý tôi bế đi chơi khắp xóm. Con gái anh đòi miếng bánh đồng quà chưa chắc anh đã cho, nhưng hễ tôi thích hoặc tỏ vẻ muốn ăn là anh mua cho ngay. Nhà anh có con chó khôn nhưng dữ, tôi sang chơi nhà anh chơi, cửa khẽ mở, con chó lao lao ra sủa, tôi bỏ chạy, nó đuổi theo. Tôi chạy từ đầu xóm tới cuối xóm, nó đuổi từ đầu xóm tới cuối xóm. Tôi chạy chậm chắc chắn con chó đuổi kịp, tôi chạy nhanh, con chó chạy cũng nhanh và khỏe không kém. Tôi chạy qua cây cầu nối hai bờ mương từ làng nội sang làng ngoại nó cũng chạy theo, tôi chạy vào đình, vòng ra ruộng rau muống nó theo không chịu bỏ cuộc. Con chó ta mà như chó săn không chịu rời bỏ con mồi. Chạy tới miếu Bà, anh Thắng đang ngồi xem cờ nhìn thấy quát một câu, con thú dữ phải lủi thủi bỏ mồi mà về nhà. Hôm sau tôi lại sang chơi, mọi người cứ tưởng anh sẽ thịt con chó, hoặc đánh mắng nó. Nhưng không, con chó vẫn còn đó, vẫn khỏe mạnh không thương tích. Vẫy vẫy cái đuôi, tôi bỏ chạy nó không đuổi theo. Tôi lại gần nó, nó hếch hếch cái mũi đen ướt ướt vào mặt tôi vẫy đuôi, rồi liếm liếm khuôn mặt của tôi. Chiều hôm đó, tôi chơi với nó cả buổi.

Thạch Vũ