Sunday, October 20, 2013

Kỷ niệm khoa thi Tổng hợp văn 1958


Nguyễn Khôi
    ( Tặng : Nhà thơ Bùi Huy Phác)
                  --------------
Ấy là hồi hè 1958, sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm, giới yêu văn chương ở Miền Bắc còn đang bị choáng váng với đòn "đòi Tự Do Dân Chủ- viết đúng sự thật" ? ...Bọn học sinh lớp 10 đầu tiên  của Nước VNDCCH
(như NK & BHP đều mạng Mậu dần, vừa tròn 20 tuổi) đang say mầu lý tưởng của Pavel Corsaguine (Thép đã tôi), say máu văn chương, bị Maxim Gorki hút hồn, bị mê mẩn bởi ngọn lửa bùng cháy từ trái tim Đanco bứt ra , điếc không sợ súng nên  mới nộp đơn thi vào Tổng hợp Văn Hà Nội. Cái phòng thi cao sang của Đại học Hà Nội có từ thời Pháp thuộc. Khóa thi năm ấy người ta có mẹo bố trí thí sinh các Khoa Văn, Toán, Lý... ngồi  xen kẽ nhau để ngăn ngừa tệ copy bài vở: NK , vần "K" nên ngồi bên cạnh Lê Khâm (Lê Anh Tao, Phan Tứ - Tú tài Tây)  lúc ấy đã là chính trị viên Đại đội Quân tình nguyên Lào ,với tiểu thuyết "Biên kia biên giới" nổi tiếng ; Còn BHP . vần "P" vinh dự ngồi  gần Nhà văn Quân đội Hồ Phương, đã nổi tiếng với truyện ngắn "Thư nhà" mà hồi học Cấp 2 (ở tuổi 14, 15) bọn mình cũng đã được học trong tiết Giảng văn ở vùng tự do Thái Nguyên. Cùng thi khóa này còn có Ngô Văn Phú, học sinh Trường Hùng Vương ,Phú Thọ (sau này làm Gián đốc Nxb Hội Nhà văn, có bài thơ hay nhất là "cỏ bùa mê"... với số đầu sách Xb nhiều vào loại số 1 Việt Nam đương đại - cùng số lượng cỡ cụ Tô Hoài...?). BHP sau này còn nhắc nhớ mãi người thi đồng khóa vần P, cô gái Cao Lan Nguyễn Thị Phơn Năm ấy , thi vào Tổng hợp Văn có vài chục người, nghe đâu lấy có 21 người, ai đỗ đều là loại Văn tài, học giỏi ( trước đó nổi tiếng như Phùng Quán với "Vượt Côn Đảo"...ứng thi, dốt, nên vẫn trượt vỏ chuối như thường- nghĩa là không hề có "con cháu các cụ các cụ chiếu cố cho" như bi giờ và chắc là còn lâu nữa ? ! Ở thời điểm đó "chính trị là thống soái" nên có ưu tiên học sinh Miền Nam, học sinh Dân Tộc Thiểu Số, còn thành phần địa chủ,  như Phác thì "gạch tên không cần chấm" là tất nhiên rồi ? ...Rồi, sang hè 1959 NK thi vào Đ H Nông Lâm, "sướng" là học môn Chính trị do thầy Bùi Huy Đáp giảng : một nửa là nghe về Học thuyết Darwin, Marx- Lénine, một nửa Thầy giảng về Truyện Kiều không thua gì Thầy Lê Đình Kỵ giảng hồi Cấp 3 Lương Ngọc Quyến- Thái Nguyên 1955  ? Rồi sau 4 năm lên giảng đường- xuống ruộng- vào chuồng bò, chuồng lợn  nghe giảng & thực tập...tháng 4-1963 NK ra trường lên Sơn La công tác "mất hút tròn 21 năm" vừa chăn Bò- cuốc đất  ở Nông trường và "cắm Bản" tha hồ nghiền  ngẫm Sống Chụ Son Sao (Tiễn dặn người yêu) tại nơi xảy ra câu chuyện Kiều của Dân tộc Thái ở Thuận Châu- Sơn La, thưởng thức "tắm Thái" để rồi tới 1995 xuất thần dịch- chuyển thể từ 1800 cấu Quăm Khắp (hát thơ Thái) thành 1024 câu Song thất lục bát của Người Kinh Bắc. Còn Phác ? đó là  8 năm "Nông trường viên" ở tuyến lửa Quảng Bình -quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp, rồi  cuôi 1965 tham gia tự vệ, hăng hái bắn máy bay Mỹ bằng súng trường, được cử đi học Đại học Nông nghiệp Hà Nội (sau NK 7  năm)- được hưởng lương Công nhân đi học , lại phải nuôi con gái đem theo , quả là cũng Anh hùng Quảng Bình quê ta ơi ,thiệt rồi ! Rồi Phác đi Lào, đi dầm chân trong "Tuyết trắng Warsawa"
mưu sinh, rồi lặn lội bên xứ "Châu Phi đen" để kiếm tiền khi đã quá tuổi cổ lai hi Đỗ Phủ ! Phác đúng là "Cát buị - thân một hạt." tiếng Pháp làu làu :
    Rượu mắng ta lưu manh
    Rượu mắng ta bần tiện
Thế mà BH Phác vẫn làm thơ như một sự tự giải thoát , nỗi  tâm sự của cái tấm thân cát bụi...Đã có truyện ngắn đăng báo Tia Sáng của Chủ bút Hiền Nhân trong Hà Nội tạm chiếm,để 60 năm sau (vừa một Chu Kỳ Mới), mãi tới tháng 10-2013 mới trở thành Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội ( theo NK là danh giá thật sự : ở trường hợp Nhà thơ Bùi Huy Phác - bạn NK)
   Chao ôi, duyên Thơ- duyên văn là cái "nợ văn chương" ai đã mắc phải thì phải đi hết Đoạn trường để trả cho hết cái nợ (vô hình mà hữu thực này) thì mới yên tâm mà nhắm mắt xuôi tay...Độc ác thay ! Thú vị thay ! Tiên sư cha Thằng Xuân tóc đỏ. Tiên sư cụ Thằng Chí Phèo...a ha, chí lớn trong thiên hạ không đựng đầy hai con mắt mỹ nhân...Mọi cuộc chiến đều đã đi qua, tất cả chỉ còn  Tình Yêu thương & Văn chương là bất tử..
NK xin tặng Phác đôi dòng Kỷ niệm của một thời không thể nào quên với NIỂM TIN mãnh liệt vào "sự sống không bao giờ chán nản" mà Xuân Diệu đã từng Gửi hương cho gió thuở sinh thời...
         Góc thành nam Hà Nôi 15-10-2013
                Nguyễn Khôi