Friday, October 11, 2013

Phùng Nguyễn

NỬA ĐƯỜNG
Điểm hẹn nằm phía bên kia đường. Đó là tiệm café Starbucks duy nhất của trạm nghỉ chân Buttonwillow, một thị trấn bụi bặm nằm dọc xa lộ xuyên bang số 5. Chuyến xe đò Hoàng khởi hành từ San Jose vào buổi sáng sớm sẽ dừng lại ở đây và người khách tóc trắng tên Hoàng chỉ cần bước xuống và băng qua đường là đến nơi. Theo dự tính, mày đến trước và chờ ông ở đó. Trên thực tế thì ngược lại, ông đã có mặt trong quán café khi mày đến nơi.

Nụ cười mở ra một vùng ánh sáng trên khuôn mặt ông khi mày hướng về phía chiếc bàn tròn nhỏ ở một góc quán. 

“Anh đến lâu chưa?” 

“Chỉ mới vài phút. Uống gì anh gọi luôn?”

Mày đi theo ông đến quầy. Ông sẽ trả tiền café, như một thỏa thuận ngầm. Trong những năm sau này, ông luôn giành trả tiền café khi chỉ có hai người với nhau. Không hiểu vì sao, và mày không bao giờ hỏi.
Trên đường trở lại cái bàn tròn nhỏ ở góc quán, ông hỏi: 

“Có cần phải đi ngay không ?” 

“Không, ” mày trả lời. “Đâu có gì gấp đâu anh!”

Ông tóc trắng ra dấu chấp thuận phát biểu của mày qua cái gật đầu. Quả thực không có gì để phải gấp gáp. Chút nữa đây, mày sẽ đi cùng ông đến quận Cam, khoảng 150 dặm về phía Nam. Ở đó một người nằm, không chờ đợi bất cứ một ai, không cần đến bất cứ điều gì. Nhưng ông tóc trắng và mày vẫn cứ phải đến để còn có thể gặp ông ấy thêm một lần nữa trước khi ông thành tro thành bụi.
Hai hôm trước mày gọi phone ông tóc trắng. 

“Anh Hoàng, mình đi chung xe xuống dự đám tang anh Giác cho vui.” 

Câu này tất nhiên không ổn, “đám tang” và “vui” hiếm khi nằm chung trong một câu. Cũng may mà mày chỉ nói ra chứ không viết xuống. 

“Đi làm sao?” 
“Dễ lắm, anh leo lên xe đò Hoàng ở SJ, leo xuống ở B, em mang xe ra đón, rồi mình đi tiếp đoạn đường còn lại.” 
Anh Hoàng, tức ông tóc trắng, có vẻ thích kiểu sắp đặt này, “OK, vậy đi.”

*
“Có gì lạ không?” Anh Hoàng hỏi khi xe chạy được một quãng. 

“Không… eh… có. Mới đọc một gã tên Junot Diaz .” 

“?” 

“Truyện tình, ‘Cẩm nang tình yêu cho gã lừa tình’.”(1) 
“Đọc được không?” 
Mày không trả lời thẳng vào câu hỏi. Truyện về một gã Dominican hoang đàng lãng phí sáu năm trời để chữa bệnh thất tình! Tất nhiên tác giả và hầu hết độc giả của hắn ta sẽ cho rằng mày khắc nghiệt. Biết làm sao được, mày biết có người bỏ ra nửa phần đời chỉ để gìn giữ một mối tình!

“Trong truyện này, Junot Diaz dùng ngôi số hai để kể chuyện.” 

Mày biết mày cũng muốn thử kiểu viết này khi có dịp. Mày không nói ra nhưng hình như anh nghe được. 

“Kỹ thuật mới thì tốt thôi. Nhưng viết truyện ngắn thì phải biết dừng đúng lúc.”

Câu này khiến mày chột dạ. Anh Hoàng đã từng nói với mày như thế nhiều năm về trước khi mày đưa anh xem một truyện ngắn vừa viết xong. Đúng như cái tựa, đó là chuyện thần tiên, nghĩa là ở hồi kết cuộc những điều tốt đẹp phải xảy ra đúng như ý tác giả muốn cho… chính hắn. Anh Hoàng, vào lúc đó tóc mới lưa thưa vài sợi bạc, bảo mày nên cho truyện chấm dứt lúc nhân vật nữ lên máy bay về lại nhà. “Để độc giả có cơ hội thử tìm lấy đoạn kết cho chính mình.” Tất nhiên là mày không chịu, mày không thể để độc giả làm hỏng giấc mơ của mình. Cho nên nhân vật nam phải leo lên máy bay đến tận nơi “nàng” ở, lôi cả nhà “nàng” ra ngồi đó để lên lớp họ về mãnh lực ái tình. Tất nhiên là họ khóc ròng vì hối hận. Không lâu sau đó, đến phiên mày hối hận! Đoạn kết mày viết xuống đã không hề xảy ra, và điều này chỉ khiến cho nhân vật của truyện càng trở nên ngốc ngếch hơn.
*
Mày gặp anh Hoàng lần đầu tiên tại nhà của người quá cố, anh Giác, vào một trong những ngày cuối cùng của năm 1994. Hai người này quen biết nhau đã lâu và có nhiều điểm tương đồng. Họ dạy học, viết văn, làm báo văn chương. Cũng may là những điều tương tự giữa họ chấm dứt ở đó, nếu không thì sẽ chán phèo, cho mày. Người ta không nên có hai người bạn, ngay cả bạn vong niên, giống hệt nhau. Đó là một hoang phí không thể tha thứ.
Thực khó để hình dung hai nhân vật tài hoa này là chủ tiệm… phở. Tuy nhiên, thử cho là như vậy đi. Khoan hãy đề cập đến khả năng nấu nướng, nêm nếm của họ, mày chỉ muốn nhìn qua cái thực đơn. Thực đơn của một tiệm phở thuần túy chỉ nên liệt kê các món phở [na ná/khang khác nhau], cùng lắm thì thêm món chả giò và không nên có thêm gì khác. Đó là phở Giác, biên khảo, phê bình, tiểu luận, bút ký, thơ, truyện ngắn, truyện dài,… trường thiên! Tác giả, tác phẩm, trong nước, ngoài nước, trước 75, sau 75, đủ để no say mỗi lần gặp gỡ. Khó mà gọi lầm món ăn, quanh quẩn một chút đâu đó rồi cũng phải trở lại với những món này. Phở Hoàng ư? Thực đơn của “tiệm” này có đủ những món phở Giác có, cộng thêm khá nhiều những món không tìm thấy ở phở Giác. Tuy chúng không phải là phở, nhưng không phải là không ngon. Chẳng phải mày vẫn luôn cảm thấy thoải mái hơn với phở Hoàng hay sao? Mày có thể nói hoặc nghe nói về bất cứ điều gì khác hơn là văn chương trong suốt buổi café. Vậy mà cũng chính là mày đã đôi lần băn khoăn về chuyện có khi cái bóng của Nguyễn-Xuân-Hoàng-ngoài-văn-chương đã phần nào làm khuất lấp cái văn-chương-Nguyễn-Xuân-Hoàng.
*
Lúc này xe đang bò lên con dốc ngoằn ngoèo bắt đầu từ một nơi có tên là Grapevine. Câu chuyện giữa anh Hoàng và mày bây giờ hướng về anh Giác. Đây là điều tất nhiên, anh ấy là đích đến của chuyến đi.
“Giác như vậy là yên ổn rồi.” Anh lên tiếng.
Hai người bạn này gọi nhau bằng tên và xưng tôi. Hoàng và tôi, Giác và tôi. Còn “yên ổn?” Ngàn thu yên giấc hay là yên thân, không còn bị quấy phá?
“Anh sẽ nói vài điều về anh ấy chứ?”
“Có lẽ sẽ viết xuống.”
“Về cái ‘thôi kệ‘ của Giác.” Anh tiếp.
“Đây là quan niệm sống, hoặc hẹp hơn, phản ứng, của anh hay của anh ấy?”
“Của chúng tôi, có lẽ!”
Mày đang nghĩ đến truyện “Ở quán café Starbucks” mới đây của anh Hoàng. Nỗi hồ nghi lớn hơn, sâu hơn, và đậm đặc. Điều gì đã xoi mòn niềm tin vào tình người của người đàn ông tóc trắng này? Ông sẽ không nói ra trừ phi điều này thực sự cần thiết. Nếu phải như thế, có lẽ câu chuyện sẽ được kể lại bằng những phương tiện và cách thế thích hợp, mày nghĩ như vậy.
*
Quãng đường còn lại ngắn dần, và bây giờ thì anh Hoàng và mày đang ở trên xa lộ 405. Xa lộ này có một lối đi dành riêng cho các xe chứa hai người trở lên, gọi là carpool lane. Mày đã có thể đưa xe vào lối đi ưu tiên này để có cơ hội đến nơi hẹn sớm hơn. Ở đó có anh Giác, nằm “yên ổn,” không chờ đợi anh Hoàng, không chờ đợi mày, không chờ đợi bất cứ ai.
Chiếc xe tiếp tục lăn bánh một cách chậm chạp trên xa lộ 405. Mày vẫn chưa đưa xe vào carpool lane. Không có phản ứng gì đặc biệt từ anh Hoàng. Liệu anh có gấp đến nơi? Mày nghĩ là không!
  


PN