KÝ (vô tích) SỰ vòng BỜ HỒ
Ký về những người thật chuyện thật buộc người viết phải hoán
đổi thời gian, không gian, hình dạng, tung tích...nhưng giữ nội dung những
chuyện nhặt được trên những bước cuối một thời thổ tả. Nam Dao
Victor TARDIEU Les Mandarins |
Bạn cười, về kỳ này thế nào?
Đáp: cực thoải mái.
Trước ánh mắt bạn có thoáng ngỡ
ngàng, tôi đành giải thích: tôi thoải mái vì tôi bất lực.
Bạn ái ngại: có đi khám bệnh để
tìm nguyên nhân sinh tâm lý không? Tôi đáp: không, không cần...Chợi hiểu là bạn
hiểu lầm, tôi tiếp, giọng chắc nịch: cái đấy
chưa đến nỗi không gượng dậy được.
Bạn vỗ vai, giọng lên một tông,
thế thì tốt....Rồi lại ân cần xuống một tông, vậy bất lực là làm sao?
Tôi ngắn gọn: chỉ vì tôi nay vô tích sự.
Bạn nhìn, trừng trừng, mắt ánh
câu chưa hỏi. Tôi chậm rãi: vô tích sự như khi còn thơ đi nhặt lá bàng quên
phải về nhà thổi cơm cho mẹ, lúc về già thì nhặt
chuyện tìm lá diêu bông, thứ lá nay ai cũng
biết dẫu lá không có thật.
Lá diêu bông? bạn ngạc nhiên.
‘’Vâng, lá Hoàng Cầm. Lúc
này xế bóng còn nghe: đứa nào tìm được lá diêu bông, từ nay tao gọi là chồng.
Ba ngày sau...’’
Những vòng Bờ Hồ
Xe ca Hàng không Việt Nam bon bon
trên xa lộ dẫn vào Hà Nội, hai bên đường lố nhố những tấm biển quảng cáo. Xa
xa, thấp thoáng hàng loạt buyn-đinh ngất ngưởng chọc trời. Sông Hồng mùa này
cạn nước. Từ cầu nhìn xuống, sông phơi lòng mầu dụ, nhoài ra ôm bờ lỏng
chỏng bùn đất quánh khô. Quá trưa, xe về
đến trụ sở phố Quang Trung. Vẫy taxi, tôi về Khách Sạn Bảo Khánh, nơi tôi từng
ở cách đây sáu năm. Tôi nhận phòng rồi ra đường, chống lại cơn buồn ngủ lệch
mười hai múi giờ. Rẽ trái, dăm bước là ngõ Bảo Khánh. Đầu ngõ, vẫn cái quán ăn
sập xệ nhưng chật ních thực khách. Trước mặt, vẫn cửa hàng bán băng đĩa. Bên
cạnh, một Khách Sạn mới. Đi vài bước, cà
phê Nhân ngày trước hình như mới sang sửa mặt tiền. Hà Nội của tôi dẫu đỏm đáng
hơn nhưng vẫn còn những mốc cũ. Yên lòng, tôi quay về phòng. Và lăn quay ra ngủ, dẫu biết đêm với tôi là ngày
ở đây.
Ngày của tôi bắt đầu khi mọi
người ở Thủ Đô này đã yên giấc. Thời gian lộn ngược. Lên sân thượng Khách Sạn,
tôi nhìn xuống hồ Hoàn Kiếm. Tháp hồ gươm ẩn hiện trong màn sương hư thật, vẽ
ra mê lực của những đường vạch chưa định
hình. Mê lực hút. Rồi đẩy, kéo,
rồi giằng co, khó cưỡng được. Tôi ra đường khi phố còn ẩn trong bóng đêm. Lại nhớ nhà thơ trên phố Lãn Ông. Ông đã
khuất bóng. Tôi chẳng men Hàng Đào đến tìm như trong những buổi sáng tinh mơ
rủ ông đi vòng bờ hồ hít thở không
khí chưa sặc mùi xăng. Như nhiều thị dân đất ngàn năm văn vật. Thời đó
không hiểu thế nào mà đa số đi ngược chiều kim đồng hồ. Đàn bà cũng như đàn
ông, họ bước đều đặn, tiếng chân dẫm lá
thu xạc xào trên mặt đất những năm thuở bờ hồ chưa còn chưa lót gạch. Tôi thì đi theo chiều kim đồng hồ. Nhà thơ hỏi: sao
lại đi ngược chiều mọi người thế? Đáp cho có, tôi bảo, thấy mặt người hơn thấy
lưng, có phải diễn binh đâu mà hàng hàng lớp lớp cắm đầu xung phong. Ông cười, vui miệng bảo, có đi
ngược chiều kim đồng hồ thì thời gian mới ‘’về phía’’ chúng ta. Tôi đùa, không
sợ quay về thời đồ đá à. Chúng tôi bước, bóng
tối thi thoảng ánh
lên mầu vàng vọt từ dăm cột điện ẩn trong những lùm cây trên những con phố quanh hồ. Nhìn
những người bước về phía tôi, tôi hoảng sợ. Mắt họ tối sầm, đen kịt, cứ như là không có mắt. Đầu
họ, theo nhịp bước, lên xuống, máy móc.
Nhưng đó là chuyện ngày xưa, thời bao cấp. Nay, với
nền kinh tế thị trường có định hướng, đường ven hồ đã lát gạch, lót đá, đèn
điện cao thế tỏa sáng. Gần góc Lê Thái
Tổ - Tràng Thi, nơi phòng vệ sinh công cộng xưa khiến ai nấy phải bịt mũi khi
đi qua nay đã thành những toa-lét
bằng plát-tích mầu xanh và trắng, chưa hẳn thơm tho nhưng không còn thối
um, trên tường kẻ chữ Xanh- Sạch- Đẹp
rất hoành tráng. Người đi bộ lục tục bước. Vẫn một chiều, chiều ngược kim đồng hồ. Nhưng không còn như trước, bây giờ ai nấy mang giày Adidas, Nike...làm
tại Trung Quốc, mặc áo thun quần xoóc (chắc cũng Trung Quốc?). Nhớ nhà thơ, tôi
đi, vẫn chiều kim đồng hồ, lòng thầm nhủ cố làm sao bắt kịp bước chân thời đại.
Và tôi lại nhìn mặt những người đang chập
chùng bước tới. Tôi tin nay tôi nhìn thấy mắt họ, và hẳn sẽ chẳng còn cái cảm giác kinh
hoàng ngày xưa.
Nhưng tôi nhầm. Tôi sợ gấp năm
bẩy lần. Mắt họ mở, nhưng không ai nhìn ai. Họ lạnh tanh, mặt khi cúi khi
ngửng, u uẩn, vô cảm. Hình như có một
cái gì đó nén họ xuống, tách họ ra khỏi đám người đồng hành. Hình như có cái gì
đó khiến ai nấy co rút lại để thành một loài động vật cô đơn. Hình như họ nay
là một tập hợp những cá thể rời rã, đang đánh mất ngay cả bản năng cộng đồng
của con ong cái kiến... Ôi, người đất
ngàn năm văn vật đâu rồi? Hà Nội gốc trề môi, bây giờ đa phần toàn người ngụ cư
đến từ nhà quê. Những người nhà quê này
nói, bây giờ chúng tôi mới là người Hà Lội. Phản ứng thô thiển của tôi là mỉm
cười chào họ, không phân biệt đối xử,
bằng cách khẽ gật đầu với tất cả. Nhưng chẳng ai nhìn tôi. Chẳng ai chào lại. Cứ thế, tôi
đi một vòng hồ, rồi hai. Đến vòng thứ
ba, có một người khẽ gật đầu chào tôi.
Ông ta cao lêu nghêu, và tóc vàng, chẳng
hiểu người xứ nào. Đến vòng thứ
tư, hai người đàn bà ục ịch cười với
tôi. Họ nói bonjour, chắc đều là
người Pháp.
Liên kết trong, hội nhập ngoài
Buồn bã, tôi cầm lòng, cố tìm ra
lý lẽ biện minh cho những cái nhìn vô cảm của những con người đất ngàn năm văn vật này. Đi thêm một
vòng hồ, tôi lờ mờ linh cảm rằng sáng còn quá sớm, người người chưa hẳn đã tỉnh ngủ, đầu óc còn mê mê mụ mụ. Thêm một vòng, sáng rõ rồi. Bên nhà bưu
điện trên phố Đinh Tiên Hoàng, tiếng loa đọc tin hàng ngày bắt đầu cất tiếng.
Lại Ủy Ban Nhân Dân thông báo này nọ, Quốc hội họp bàn luật này nọ...Xe Honda
rú rít lồng quanh hồ lúc một ầm ĩ. Và cạnh đền Ngọc Sơn, văng vẳng tiếng nhạc.
Sáp gần, tôi nghe thấy tiếng accordeon
chơi bài cumparsita theo điệu tango. A, phép lạ đây rồi. Một đám độ
gần hai chục người dựng xe cạnh những gốc cây đang ôm nhau nhẩy đầm. Tôi rút
máy ảnh ra, rón rén bước lại. Đàn ông có, nhưng đa phần là đàn bà. Một vị râu
cánh kiến, crà-vạt vét-tông, nghiêng người
mời một nữ lưu tuổi khoảng nửa thế kỷ xuân xanh. Họ dập dìu, điệu
nghệ, phong cách lịch sự. Cạnh họ là hai
bà, tay trong tay, uyển chuyển bước theo
tiếng xập xình. Tôi giơ máy ảnh lên. Một bà cười cười, bảo tôi cứ sáu giờ sáng
là chúng em ra đây thể dục múa đôi với
nhau cho khoẻ, chụp làm gì... Rồi họ tiếp tục chuyện trò về giá vàng, giá đô,
và nên đổi tiền đồng ra sao trong cái thời buổi kinh tế lạm phát đến chóng mặt.
‘’ Em thì cứ vàng, đô cũng là giấy thôi. Cứ vàng là chắc, chị ạ.’’. Bà kia bàn
‘’Nhưng giá vàng xuống cả tháng nay rồi...Còn đô, hôm qua là hai mươi ngàn hai
trăm mười nếu đổi tiền chẵn, nghe nói sẽ còn lên nếu như đồng Ơ-rô xuống!’’.
Một ông đang nhẩy bên cạnh trõ sang ‘’ Bây giờ bọn Ý cũng bắt đầu khủng hoảng
nợ công rồi, Ơ-rô nhất định là mất giá. Nhưng tôi có tiền, tôi đổ vào đất. Bất
động sản là thắng, lâu dài người đông đất chật!’’. Bà đề nghị mua vàng ban nẫy
cao giọng ‘’ Giá nhà đứng rồi ông ạ. Bây giờ có dở hơi mà mua bất động sản. Tôi
nghe có những cái nhà bán mà có đến ba sổ đỏ, kiện nhau bốn năm vẫn chưa giải
quyết, cứ tiền phong bì cho các sở này sở kia
thì rồi vỡ nợ cả đám....’’. Nhạc chuyển qua điệu chachacha. Ông râu cánh kiến đếm nhịp một hai, ba bốn năm. Ông nói
‘’ ai chưa biết thì vào góc kia, tôi chỉ cho mấy bước, nhẩy còn dễ hơn tango. Nào....’’
Phải nói tôi hân hoan. Sau hân
hoan, đến hồ hởi. Vì xã hội ta còn riềng móng đấy chứ. Ít nhất, sự đồng thuận trong khâu thể dục múa đôi, dẫu
qua tango hay chachacha, thì vẫn thể hiện
một liên kết cộng đồng khó phủ nhận được. Sự liên kết này là điều kiện cần (dẫu
chưa đủ) cho xã hội chúng ta hội nhập vào thế giới trong quá trình
đúp-vê-tê-u nhằm toàn cầu hóa trái đất vô tư này.
Vô tư đi mà. Chớ dại nghĩ ngợi
làm gì khi...bất lực.
Tôi cười, giơ tay chào rồi lẳng lặng men bờ
hồ đi về đền Ngọc Sơn, lẩm nhẩm, dân tộc Việt Nam là một, dẫu nhẩy điệu gì thì
cũng vậy.
Làm Luật theo lề
Và chẳng đâu xa, tôi nghe lén một
cuộc thảo luận tay đôi rất sôi nổi về vấn đề lập pháp. Nói ngay, tôi không đề
cập chuyện tam quyền phân lập mà những thế lực thù địch rêu rao kiểu diễn biến
hòa bình gây dị ứng. Tôi sẽ cống hiến cụ thể điều tai nghe mắt thấy. Vâng, tôi
thấy hai cụ tập thể dục giữa hai cái cây cành lá xum xuê. Để khỏi chạm vào
cành, một cụ giơ tay ngang thì cụ kia
buộc phải giơ tay thẳng lên trời. Cụ giơ thẳng nói:
‘’ Cụ nghe phong phanh chuyện
Quốc Hội bàn sẽ ra Luật Nhà Văn chứ?’’
Cụ giơ ngang đáp:
‘’ Dĩ nhiên, chuyện quan trọng
thế ai mà chẳng nghe...Tôi cho là nước
ta ngày càng cần luật, cụ ạ. Luật
có, là đảm bảo tính bền vững, chứ Nghị Quyết thì tính thời cơ tạm bợ nhiều’’
Cụ giơ thẳng chép miệng:
‘’ Vâng, cứ thời cơ mà thay đổi xoành xoạch như bao nhiêu năm qua thì làm sao ổn định! ‘’
Cụ giơ ngang ngắt:
‘’ Ổn định? Mới đây có cuốn sách
Trung Ương cho phép in nhưng Thành Phố Hồ Chí Minh lại ra lệnh thu hồi’’
‘’ Cuốn sách gì mà tựa như
là ‘’nhìn từ lưng chừng
xuống đám đông’’ ấy, có phải
không cụ?’’
Cụ kia thì thào:
‘’ Đúng đấy, sở Thông Tin-Truyền Thông ở địa phương
cho là chuyện dâm ô...’’
Cụ giơ thẳng chép miệng:
’’ Bây giờ Trung Ương một đàng,
địa phương một nẻo, chẳng còn thể thống gì. Thời giặc cào cào đây, cụ ạ’’
Cụ giơ ngang chậm rãi:
‘’ Còn lực lượng thứ ba ...Họ là những nhóm lợi ích đấy,
kinh tế thị trường mà. Cấm là tha hồ bán
sách, dạng quảng cáo miễn phí. Vì thế tôi cho là Luật Nhà Văn cần. Dân biểu
mình ở Quốc Hội nay có trình độ ra
phết!’’
Cụ giơ thẳng buông tay xuống,
xoay người, giọng cao lên:
‘’ Nhưng nó là cái Luật
gì...Chẳng nhẽ lại như báo chí, phân biệt lề phải lề trái, rồi cứ nhè đầu ông
Tổng Biên tập báo mà ghè? Văn thì ghè người chịu trách nhiệm xuất bản, thế là
xong thôi ư...’’
‘’Nhưng thế nào là lề trái trong
Văn?’’, cụ giơ ngang hỏi.
‘’ Là lề phản biện lề phải, đơn
giản như thế!’’, cụ giơ thẳng hỉ hả, rồi gằn giọng ‘’ tôi thì cho rằng cứ lề
trái là cấm viết, in là bắt, bắt là
giam... Còn cứ lý với lẽ, chỉ gây rối lòng dân...’’
Cụ hùng hồn, tay chém ngang, tiếp
:
‘’Hoặc là ta cấm đọc. Cái lệ cấm
này ta dùng quen rồi, một giải pháp gọn,
nhanh, và quyết liệt. Không người đọc, bọn lề trái viết thì để làm gì! ‘’
Cụ giơ ngang chưa kịp bỏ tay
xuống thì cụ giơ thẳng đã giơ ngang, tay đụng tay, mắt nhìn mắt, hai cái miệng
móm mém cùng kêu ‘’ Ơ hay, nhịp nhàng phối hợp nào...’’. Hai cụ cùng giơ tay
thẳng lên trời, nhưng rồi cùng giơ tay
ngang. Lại tay đụng tay, cụ mảnh khảnh hơn lảo đảo rồi ngồi xệp xuống ven hồ,
một chân đong đưa trên mặt nước xanh rêu. Cụ thở hổn hển, nói một mình:
‘’... già mất rồi, tí là lọt
xuống hồ...Thôi, chẳng bàn chuyện nước chuyện non nữa!’’
Biểu tình?
Định đến xốc cụ vừa ngã lên thì
tôi nghe tiếng chân chạy thình thịch trên đường quanh hồ. Hôm nay chủ nhật. Tôi
liên tưởng đến những cuộc biểu tình ‘’tự phát’’ phản đối
đường lưỡi bò trên biển Đông, đến những công dân chăng khẩu hiệu
giữ đất giữ biển thay cho Đảng và Nhà Nước, và nhất là đến Đại úy Minh,
người sử dụng giầy rất điệu nghệ qua
những cú đạp thần kinh quỉ khốc vào mặt một người dám yêu nước mà chưa có phép.
Nhưng không. Nhìn, dăm nhân viên quần áo mầu vàng xỉn, đầu mũ bảo hành xanh xám
đang đuổi bắt một cái bóng cắm đầu chạy về phía đền Ngọc Sơn. Tiếng còi huýt
lên toe toé. Đầu bên kia đền, những bóng
áo vàng xuất hiện tạo thế gọng kìm. Hết hơi, và hết chỗ thoát thân, người chạy
đành ngồi bệt xuống, tay ôm lấy đầu. Đó là một thằng bé chừng 13, 14 tuổi. Kẻ rượt bắt ào đến. Đó là đội canh hồ,
bắt những kẻ câu cá trộm. Thằng bé chỉ có một cuộn giây câu, và một cái cành
cây dài chừng một mét làm cần. Một vị,
có lẽ là người chỉ huy đội dân phố, chìa tang vật vào mặt nó, quát ‘’ Đ. mẹ mày, còn chối nữa không.
Lần này ông bỏ tù mày!’’. Một vị khác giơ một túi plát tích trong suốt, lỏng
bỏng nước, trong có dăm con cá, con to cũng chỉ bằng hai, ba đốt ngón tay. Ông
quát ‘’ mày đánh cắp tài sản của XHCN
nhé....’’. Một bà qua đường thốt, ‘’ ...cá bé thế, ăn uống gì được’’. Một ông
qua đường, ‘’ Không ăn thì xuống bến
Chương Dương bán cho bọn câu cá sông làm
mồi’’. Chợt có tiếng ồ lên: ‘’ Cụ Rùa, cụ nổi lên đây này. Chắc cụ đói!’’. Một
tiếng khác tru tréo ‘’ Nhìn xem chân cụ còn ghẻ không? Hay là bệnh viện 108 nó
cắt béng chân cụ rồi!’’. Chen nhau như đi trẩy hội Ngàn năm Thăng Long, người
người ào ra ven hồ. Chụp thời cơ, thằng bé bị bắt chui qua rừng chân người cắm đầu chạy về phía
phố Hàng Đậu. Ông chỉ huy dân phố hò : ‘’ Anh em, không cho nó thoát, bắt lấy
nó!’’. Xe ô tô, xe honda... vẫn ào ào vù
vù hàng hàng lớp lớp lướt trên đường quanh hồ. Người người nghe tiếng phanh rít
lên như nghiến răng. Bấy giờ, người
người lại quay ngoắt 180 độ, thôi
xem cái chân ghẻ của cụ Rùa, tràn lên hè, mắt ngóng về phía thằng bé vừa băng
qua đường.
Lát sau, tiếng hụ xe cứu thương
vẳng lại, cấp bách, đe dọa. Nhưng đây chỉ là một tai nạn giao thông, một trong
hàng trăm tai nạn của một ngày thường trong Thành Phố hiện quá tải người, quá
tải xe, quá tải bụi và tiếng động. Tuy Chủ Nhật đấy, nhưng không có
biểu tình. Trừ cái tai nạn này, Thủ đô ta vẫn yên ả. Cụ Rùa lặn xuống, để lại
khuấy nước chẳng đủ sức vẽ một vòng
tròn.
Vô tích sự, một cách hành xử
Bỏ lại đàng sau tiếng người nhốn
nháo, tôi lững thững vào đền Ngọc Sơn. Có lẽ ‘’ tối ưu’’ là thắp một thẻ hương
và cầu Thánh Thần phù hộ cho đám người trần mắt thịt, kể cả thằng bé vừa băng
qua đường, đâm đầu chạy bạt mạng vì tội đánh cắp tài sản của nhân dân. Chạy như
thằng bé kia là ...từ chết đến bị thương. Người Hà Nội dạy, trước những
đàn xe máy , ô tô như lũ cung quăng ào
tới một vũng nước đục, kẻ bộ hành phải
lững thững đi với tốc độ không đổi. Tốc độ này đủ chậm để xe
tránh người, chứ người chớ mà tránh xe, dễ rách việc. Tây balô hiểu. Các
ông bà đầm du lịch cũng hiểu. Nay, có kẻ trong bọn du khách dám thuê xe máy chạy vòng vòng, ai bảo Hà Nội
ta không có cung cách giao thông hiện đại
nào.
Tôi mua một thẻ hương, leo lên
cái động ngay ngoài đền, cắm và khấn vái. Lạy chư thánh, làm sao phù hộ cho
thằng bé tai qua nạn khỏi, cá hồ có cái ăn chóng lớn, và chân cụ Rùa lành lặn để còn bơi đến mạn thuyền dâng kiếm
cho người giữ gìn đất tổ quê cha. Leo xuống, mắt rưng rưng, tôi nhìn về phía
cầu Thê Húc. Lá vàng, trời trong, lòng tôi vẩn vơ một nỗi không tên gọi (đoạn
này tôi bị ảnh hưởng văn Thanh Tịnh thời tiền chiến). Nỗi vẩn vơ chẳng rõ là vui, chẳng rõ là buồn, nhưng lênh đênh
nhẹ như tơ đầu gió một mùa thu xa xôi thuở nào (chỗ này tai tôi văng vẳng tiếng
hát một mùa thu năm xưa cách mạng
tiến ra). Cửa đền còn khóa trái. Tôi lấy máy ảnh, chụp lấy dáng cong cong thành
cầu. Hai cụ già nắm tay nhau đang đi liền ngừng bước. Tôi bấm máy, vui vẻ:
‘’ Hai cụ cứ đi tới tự nhiên,
cháu bấm thêm cái nữa nhé...’’
Một cụ đáp, miệng móm mém:
‘’ Già rồi, xấu xí, chụp hỏng máy
đấy’’
Tôi cười:
‘’ Hai cụ cứ nắm tay nhau như ban
nãy, nhìn tình cảm lắm’’
Cụ kia, mắt đeo kính lão, hỏi :
‘’ Ông nhìn tóc dài dài, chắc là
người làm văn hóa phỏng? ‘’
‘’ Dạ cháu vô tích sự, tìm hình
ảnh xem có thể nhặt chuyện viết một cái Ký vô tích sự chứ có văn hóa văn hiếc ghê gớm gì đâu!’’
Cụ móm mém hóm hỉnh:
‘’ Ông bỏ quá, nhưng thế nào là
vô tích sự nhỉ?’’
Chưa biết trả lời thế nào thì cụ
kia đỡ ngay:
‘’ Tiếng mình nôm na là vô công
dồi nghề đấy mà ’’
Mừng húm, tôi vồ ngay :
’’ Vâng thưa hai cụ, cháu đúng là
vô công dồi nghề thôi...’’
Cụ đeo kính chậm rãi:
‘’ Ấy, vô công dồi nghề chỉ công chỉ việc, nhưng vô tích sự thì rộng
hơn thế...Nó còn chỉ cách hành xử thế
nào trong đời nữa cơ...’’
Chưa biết đối đáp làm sao thì cụ
nhìn tôi, giọng khoan hòa:
’’ Tôi cho rằng sống vô tích sự
là sống không hại ai, và mình làm gì thì cũng nhắm để người khác thoải mái, vui
lòng, ông ạ...Sống được như thế, tuyệt vời đấy...’’
Cụ kia cười khà khà, tung hứng:
‘’ mà lắm khi cũng phải giả giả một tí, chứ chẳng cứ mãi thật được...’’
Tôi chen lời:
‘’ Thưa hai cụ, cháu nghe nói xã hội ta thật giả lẫn lộn, nói kiểu miền
Nam thành đồng là nói zậy mà không phải zậy , chẳng ai tin ai, ngôn ngữ
thành cái bẫy đánh sập những kẻ nhẹ dạ cả tin. Thế nên phải giả giả một tí là thế nào?’’
Cụ đeo kính vỗ vai tôi, nhẹ nhàng:
‘’ Vâng, đúng như ông nói, thời
này nó thổ tả thế, nhưng lấy cái thí dụ này, đơn giản thôi. Tôi với ông đây bầu
bạn hơn năm mươi năm, biết rõ gia cảnh nhau từ thời đánh Pháp, chống Mỹ. Hôm
trước có việc tôi đến chơi đúng lúc các
cháu ông ấy đang dọn cơm trưa, và mời tôi. Tôi đáp ông ăn mất rồi, và vỗ bụng
hỉ hả, kêu no lắm nhưng tình thật là chưa có hột cơm nào...Mấy đứa cháu cười tí
toét, xin phép rồi chén, chẳng đứa nào phải sớt phần để cho ông cụ không mời mà
đến... Đấy, giả như thế chẳng hại ai mà lại làm người khác
vui lòng, vô tích sự vậy là dở hay là
hay? ‘’
Tôi chưa kịp đáp, cụ móm mém
lảng:
‘’ Ông bạn tôi thích lý sự lắm, ông nghe cho vui chứ ông mà
phản biện thì mất cả buổi đấy...’’
Cụ đeo kính hì hì:
‘’ Sau cơm trưa, tôi sẽ làm
một việc
vô cùng vô tích sự...’’, cụ vỗ
vai cụ kia, hể hả, ‘’ Tôi đi hỏi vợ bên Hà Đông cho ông bạn tôi đây mới chỉ gần
tám mươi cái xuân xanh, ông ạ!’’
Tuyệt vời, tôi bật miệng kêu rồi
hí hửng xin được đi theo. Ông cụ đeo
kính đùa ‘’ Vâng, nếu như chú rể đây không
phản đối! ‘’. Tôi khẩn khoản thưa
với hai cụ rằng tôi đằng nào cũng phải đi sang Hà Đông và mời hai cụ cùng tôi
đi taxi.
Cụ đeo kính vui vẻ:
‘’ Nhất rồi, chẳng lẽ đi hỏi vợ
mà lại đi xe buýt...Tôi nhất trí,
nhưng chúng tôi chỉ góp tiền hai cái vé
buýt thôi đấy!’’
Nghe tôi kêu ‘’ Không
không, đây là quà cưới của cháu ‘’,
ông cụ đi hỏi vợ cười tít mắt.
Thế là chúng tôi, những người
vô tích sự, hò hẹn nhau vào hai giờ trưa, góc phố Nhà
Chung và Quang Trung, nơi có một cái công viên loại bỏ túi.
Thiện và Ác
A ha, lại chuyện này. Lẽ ra,
những kẻ vô tích sự không nên luận bàn kiểu Tử
viết, nhân chi sơ...vân vân. Nhưng đặng chẳng đừng, vì cái vị ngồi bàn bên trong quán Càphê Nhân nói như
quát :’’ trong đời làm gì có Thiện có
Ác...’’. Nhìn sang, vị đó đang giảng giải cho một đám fan, đầu xanh lẫn đầu bạc, đang ngửng mặt chiêm ngưỡng diễn giả co
chân theo thế ngồi xổm trên ghế, tay
vung lên nhịp mức độ thuyết phục. Cô bé
bưng bê chân khá dài cười mỉm. Tôi ghé tai, hỏi nhỏ. Cô đáp, khách quen đấy, họa sĩ nổi tiếng của ta. Từ thuở hết bao
cấp, giai cấp họa sĩ ăn nên làm ra, rủng rỉnh hơn đám nhà văn nhà thơ nhiều.
Họa sĩ chìa bàn tay ra, tiếp ‘’ Tôi bảo
thật, cái gọi là Thiện chỉ là mặt kia của cái Ác, nguẩy tay như thế này thì cái
này thành cái nọ, như đùa... Nhưng muốn đùa thế, phải có sức. Sức là quyền lực,
và muốn có quyền lực thì còn cần nổi,
nhất là nổi tiếng. Có tiếng, ắt có tiền, thế là chung quanh chúng bu vào
đợi phát chẩn các loại...Có tiếng, ông là nhà văn ông có quyền phong tay này
viết hay, tay kia làm thơ lục bát giỏi. Như ngày xưa vua chúa ban vương tước
cho chư hầu...rồi chư hầu xúm vào xưng
tụng vua, thế là tiếng tạo thêm tiếng. Cũng như tiền làm ra tiền, nước chẩy chỗ
trũng là qui luật. Phải làm đúng qui luật, các ông ạ!’’. Một người đặt ly cà
phê đá xuống, xuýt xoa, đúng thế... rồi buột mồm ‘’ C’est bien dit, très bien’’. Chắc ông ta là Việt kiều Pháp, dáng bệ
vệ, mắt lim dim, tay gõ cho tàn thuốc lá rơi xuống đất. Ông ta nắm tay ông họa
sĩ, chậm rãi ‘’ Phê-đê-rích Niết đã nói thế trong Par-delà le Bien et le Mal
rồi. Nhưng phải tìm ra qui luật như anh thì chưa! ‘’. Ông họa sĩ hồ hởi
‘’ Đông phương chúng ta sâu hơn, cái ta
tìm là bản chất chứ không chỉ nhắm vào hiện tượng ‘’. ‘’ Hay là, ông họa sĩ vỗ vỗ vai ông Việt kiều...
hay là anh dịch cái quyển đó đi, tôi
giới thiệu nhà xuất bản. Anh dịch cái tít thế nào ? ‘’ Ông Việt Kiều
trầm ngâm ‘’ xin tạm dịch là Ở bên Thiện và Ác’’. Ông họa sĩ tru miệng ‘’ Ở
trên, thế mới đúng ý mình! Cái thằng
Niết nào đó nó có tên trong danh sách được đề nghị giải Nobel không anh. Nước
mình có dăm ba người có tên đấy, suýt được cả...’’ rồi cười ha hả một cách khiêm tốn.
Tham
Tôi cũng tham nhưng không tham
nổi tiếng. Tôi chỉ tham ăn, và còn đòi
ăn ngon nữa cơ. Tham ăn ngon, cũng có lúc phát sân, phát si. Nhưng sân si kiểu bị ăn dở thì giải quyết nhanh gọn bằng
cách ăn món khác, chọn nhà hàng khác, cùng lắm thì ăn chay cũng được. Tham nổi
tiếng, gay hơn. Thiếu người tán tụng đâm cô đơn, và trong cái nỗi cô đơn ấy dễ
mắc những cơn vô minh. Thậm chí, có
khi nghiệp nặng đến độ đẩy
vô minh đến mép bờ vô lại. Sợ, sợ
thật...
Nghĩ đến đây tôi chợt thấy đói.
Ly cà phê đen làm quặn ruột, và độ sôi trong dạ dày ồng ộc nhịp bài Bác đang
cùng chúng cháu hành quân. Rời cà phê Nhân, tôi đi ra hàng phở Lý Quốc Sư. Nay hàng phở chỉn chu
hơn, và tôi hùng dũng gọi một tô chín nạm. Ăn, húp, và chao ôi, bát phở xưa đâu
rồi? Bây giờ, nước thếch thác, bánh bùng
bục và thịt hình như là giấy bồi có ướp nước mắm. Dằn bực bội xuống, tôi ăn hai
thìa, gắp một gắp bánh, không nuốt nổi
đành phải nhổ ra rồi đứng dậy trả tiền. Lại thêm một ngạc nhiên, mỗi tô năm
mươi ngàn. Cách đây sáu năm, chỉ mười lăm, hai mươi ngàn, mà là phở ngon. Nay,
giá tăng nhưng không ăn được!
Gần đây, tôi chợt nhớ, còn phở Thìn trên Đinh
Tiên Hoàng. Men Hàng Gai, tôi vòng nhà hàng Hàm Cá Mập rồi băng cái ngã ba
(tư?) Hàng Đậu. Chao ôi, xe đủ loại lúc nhúc vừa thúc còi vừa nhả khói như một
đàn lăng quăng chúi đầu đâm vào một khe
nước đục. Cắn răng (nhưng không dám nhắm mắt), tôi băng khe nước, với một tốc
độ không nhanh không chậm, đủ để những
con lăng quăng có thời gian tránh tôi. Và, đây phở
Thìn. Đầu cái ngõ, vẫn bà bán nước chè, như xưa. Vẫn bàn bọc nhôm, vẫn những
chiếc ghế dài, vẫn lọ đựng đũa, đựng thìa. Vẫn nồi nước dùng to hai người ôm,
khói bốc mờ mờ, và bà bán hàng vẫn dùng con dao to bản đập thịt sống cho thịt
bẹt ra mỏng như giấy. Ông chủ, chắc là con hay cháu chủ cũ, ra vào, chửi tục,
tôi chẳng nhớ chủ cũ có chửi như thế không. Dưới đất, những mảnh giấy chùi
miệng to bằng bàn tay vương vãi khắp nơi như nhộng sắp hóa bướm. Cạnh tôi, một phụ nữ lấy nón quạt quạt, hò ‘’ một đặc biệt đi!’’.
Tôi bắt chước, hò theo, tạo dáng khách sành ăn, tay với một mảnh giấy sạch lau
thìa lau đũa. Hai đặc biệt nào. Cô bé phụ bếp hô theo, đập một quả trứng cho
vào mỗi bát, rưới một thìa mỡ gầu trước khi
bỏ hành tây, hành ta, rau mùi cắt
sẵn. Nước dùng trong bát bốc khói bám vào mặt mũi. Tôi thò tay rút khăn lau mồ
hôi rịn ra từ râu từ tóc, nghe bà bếp quát ‘’ bật quạt máy lên cho khách ‘’. Nào, ta ăn. Và...dẫu có khá hơn phở Lý Quốc
Sư, nhưng tôi không ăn nổi hết cả bát.
Thiện và Ác, về mặt hiện tượng, khác với Ngon và Không Ngon thẩm thấu qua vị
giác. Cái nguẩy tay của một con người
không thể làm cho nước dùng đậm đà hơn, thịt mềm hơn, bánh phở dai hơn
được. Tuy nhiên, hoan hô phở Thìn, bát
phở đặc biệt thế mà chỉ ba lăm ngàn, rẻ hơn phở Lý Quốc Sư thuở còn nổi
tiếng! A, mong manh làm sao cái thứ tiếng tăm hàng phở một thời vang bóng. Tôi
bước ra ngoài, thân nhẹ nhàng nhưng bụng vẫn cứ... lưng lưng. Hà Nội băm sáu
phố phường ngày xưa của Thạch Lam đâu rồi ?
Tình già
Đợi đâu hai mươi phút thì hai cụ
xuất hiện. Cụ đeo kính thắt cà-la-vát, còn cụ móm mém nay đã lắp hàm răng giả,
cười trắng bóng, tay ôm một bó hoa cuộn trong báo Nhân Dân, nhìn trẻ hẳn
ra. Thanh âm không phều phào như ban sáng, cụ ngập ngừng : ‘’ Xin lỗi nhé,
phiền ông phải đợi !’’. Tôi ngạc nhiên vì từ ngày về Thủ Đô, tôi chẳng
còn nghe được hai từ xin lỗi, hai từ
đã biến mất tăm trong nền văn hoá Hà Nội hiện đại. Cụ tiếp, giọng có
chút bực dọc :
‘’.... cái cô hàng hoa tìm mãi mà
không có được một bông hồng, miệng lại
cứ leo lẻo đòi thay bằng hoa huệ... Ông bạn tôi đây kêu ầm lên là người ta đi hỏi vợ mà lại đòi bán hoa cho đám ma...
Đúng là vô tích sự!’’
Tôi không giữ ý được, ôm bụng,
phì cười. Cụ đeo kính tay vẫy taxi, miệng giục, nhanh kẻo trễ giờ tốt, cưới hỏi
phải giờ Mùi giờ Thân, qua giờ Tuất thì chuyện gì cũng ủng oẳng như chó trốn
bọn cẩu tặc chuyên bắt trộm để cung cấp
cho những nhà hàng đặc sản miệt Gia Lâm.
Trên taxi, nhìn ra, con đường dẫn
tới Hà Đông nay chẳng còn gì như trước, hai bên nhà cửa vút lên như vần thắng
một bài thơ xưa khiến thế giới duy vật
hoành tráng vụt cao theo một trong không gian ba chiều trong đó trục hoành và trục tung bị độ tăng dân số
đang bóp teo tóp. Cụ đeo kính thì thào: ‘’
Cái nhân duyên này là tình già đấy’’ Nghe tình già, tôi lẩm bẩm thơ ông
già họ Phan bẳn tính, hai mươi bốn năm
sau, nghe âm vang xót xa:
Nếu chẳng quen lung, đố nhìn ra
được!
Ôn chuyện cũ mà thôi.
Liếc đưa nhau đi rồi!
con mắt còn có đuôi
Không nhịn được, tôi hỏi cụ đi
hỏi vợ. Cụ chép chép miệng:
‘’ À, cái chuyện xưa ấy mà...Tôi
biết ‘’ nhà nó’’ cách đây sáu mươi năm rồi, thời phát động Cải Cách Ruộng Đất
đợt 1 cơ. Thuở đó, ông cụ đẻ tôi bị nống từ trung nông lên địa chủ. Mấy sào
ruộng, nhà cửa, bàn ghế nồi niêu...mất ráo. Cha tôi bị bắt, chẳng biết đội Cải Cách giam ở đâu.
Bu tôi mất sớm, tôi có bà chị cả và còn hai đứa em. Đói chẳng có gì ăn, ra đường gào ối đội ơi là đội, thế này thì chết
mất. Bọn rễ chuỗi xô vào đấm đá, bảo kêu đói là chúng bay nói xấu chế độ, toa
rập với thù nghịch chống chính sách. Đói đến ngày thứ ba thì thằng Đội trưởng đội dân quân mang một rổ sắn tới
nhà, đổi lại thì chị tôi phải để cho nó muốn làm gì thì làm. Đêm ấy, tôi nghe chị tôi gọi, bu ơi, sao bu bỏ con thế này...Nhưng có rổ sắn, lại chẳng có cái
nồi, nấu làm sao. Nửa đêm, con bé hàng xóm len lén bò sang. Biết chuyện, nó về
cắp cái nồi mang cho mượn, thế là chị em nhà tôi thoát chết đói...Con bé ấy
chính là ‘’nhà nó’’ bây giờ!’’
Cụ đeo kính giục:
‘’ Thôi, kể nhanh lên, cứ rề rà
mãi, xe sắp tới rồi...’’
Cụ kia lại chép miệng:
‘’ Chị tôi bảo, mày trốn
đi....Tôi nghe, đi lên miệt Tây Bắc, xung vào đoàn dân công để có cái mà ăn.
Đánh nhau chết như rạ, cần bộ đội cho chiến dịch Điện Biên nên tôi xin vào là
được ngay. Đấy, cụ vỗ vai cụ đeo kính, ở đấy
tôi gặp lại ông đây, người làng bên...Sau chiến thắng giặc Pháp, tôi về
làng, sang thăm con bé năm nào cho mượn cái nồi. Chỉ chưa đầy bốn năm mà sao nó
phổng pháp hẳn lên, ngậm ngùi bảo, em có chồng rồi. Lúc ấy tôi mới thấy mình
buồn đến chết đi được. Thì ra tôi phải
lòng nó mà nào tôi có biết. Trong cơn đau đớn, tôi lận lưỡi lê trong áo đi tìm
thằng Đội dân quân hiếp chị tôi để trả thù. Chị tôi kêu, thằng cháu em năm nay ba tuổi là con nó đấy. Thế là tôi đành tha cho
nó. Thằng khốn, nó quì xuống lậy tôi như
tế sao, bảo tôi có đứa em gái, tôi cống hiến cho chú để tạ
tội. Nghe cũng bùi tai, tôi liền lấy vợ. Ngày cưới, ‘’ nhà nó’’ quà cho một
mảnh lụa, nhưng chẳng nói năng gì. Sau chồng đi B, ‘’nhà nó’’ nghiêm chỉnh ba
đảm đang, nên thỉnh thoảng thấy nhau mà phải làm ngơ. Chồng nó chết mất xác ở
Vĩnh Linh thì...’’
Cụ đeo kính sốt ruột: ‘’ Nhanh
đi...thì tôi cũng chẳng dám hó hé, chứ
gì!’’.
Cụ kia chép miệng:
‘’...tất nhiên, bộ đội với nhau,
có chi đi nữa thì cũng cứ nhịn, cho phải đạo. Lúc ấy, tôi cũng có thằng cả, lại
vừa nhận giấy động viên...Lần này, đơn vị tôi đóng ở Tây Nguyên, vây Plei Me,
cắt đường vào Ban Mê Thuộc..’’
‘’ Nhanh nào, xe sắp đến nơi rồi.
Thôi, bỏ giai đoạn Đại Thắng mùa Xuân nhé...’’.
‘’ Vâng, xin ngắn gọn...Sau Giải
Phóng, tôi về làng được một năm thì bà nhà tôi chết, chẳng biết bệnh tật thế
nào, cứ co giật, bọt mép sùi ra. Thời gian trước đó, ‘’nhà nó’’ đã đi thêm một bước, lại lấy
bộ đội. Ba năm sau ông chồng bị điều lên biên giới chống quân bành trướng Trung
Quốc, bị pháo nó đả, mất đứt bán thân, nằm viện mấy tháng rồi cũng qui tiên.
‘’Nhà nó’’ lại góa. Cũng như tôi, nhưng dẫu hai bên cám cảnh nhau, ‘’nhà nó’’
nghiêm túc, không cho quá đà đâu. Thằng cả nhà tôi đã vợ hai con. Còn ‘’nhà
nó’’ thì hai đời chồng, năm con, đứa bé
nhất mới năm tuổi...Chúng tôi cứ
ngày rằm gặp nhau trên chùa, bạo lắm thì tôi nắm tay khi vắng người...’’
‘’ Nhanh lên, xe nó vào con đường này là tới nơi đấy....’’
‘’ ...Với lại, đó là thời ngăn
sông cấm chợ, ăn bo bo chấm muối thì có... muốn cũng chẳng lấy đâu ra
sức...’’Nhà nó‘’ lại cứ khư khư đạo lý, bảo phải biết làm gương cho con cho
cháu... Đúng là một thời chết dở! Bây giờ, thì chịu. Đạo lý nay không bắt giữ
nhưng... già nên đặng chẳng đừng cũng giữ được. Đôi khi mình muốn bớt đạo lý tí ti để có ...tự do... thì lại
khôn kham ...’’
Không có tuổi
Xe đỗ trước cửa một cái quán ăn,
tên rất lạ, quán ăn Ngon Quá. Mở cửa xe, tôi theo chân hai cụ. Trước quán, một
cụ bà tuổi khó lượng, vồn vã:
‘’ Khiếp, chờ mãi...Hỏi vợ mà đến
muộn thì người ta đi lấy người khác!’’.
Bà phục phịch, mặt mũi đôn hậu,
vẫn răng nhuộm đen truyền thống, cười tở mở. Chắc cụ đây không phải ‘’nhà nó’’, bởi cụ đeo kính thân ái
choàng tay lên vai, giọng rất chân tình:
‘’ Đợi chú rể chứ
không đợi người iu này à?’’
Người iu? À, là người yêu nói trại cho nó đúng trào lưu trẻ hóa
tiếng Việt. Ôi chao, thế hóa ra cụ đeo kính là nhân ngãi bà cụ này. Cụ khà khà,
chỉ tôi:
‘’ Cũng người nhà đàng trai!’’
Quả đàng trai vắng người, chỉ hai
người chúng tôi, thêm vào là thằng cháu,
kết quả vụ hiếp dâm định mệnh vì rổ sắn. Gọi là thằng, nhưng thực ra nhân vật
này cũng trên sáu mươi, đi cùng có mấy đứa cháu nội đều bốn mươi trở lên. Đàng
gái chẳng hùng hậu hơn bao nhiêu. Cụ bà ‘nhà nó’’, tức cụ ‘’ con râu’’, năm con, hai dòng. Nhưng ở đám hỏi sao chỉ thấy độc một gia đình
có ba cháu nhỏ được một bà sồn sồn trên dưới ngũ tuần hộ tống, leo lẻo gọi cụ
‘’con râu’’ bằng bu (mở ngoặc, đáng lẽ
phải là con dâu, nhưng d thành r trong
một số địa phương, tôi cứ nghe sao nói vậy) . Hỏi, mới biết bà này là con út
cụ. Mấy đứa con khác khăng khăng chống
chuyện cụ đi bước thứ ba. Bảo cụ già mà còn nổi nỡm, nhưng tình thật thì họ sợ cụ ‘’ chú rể’’ len vào ăn
chia mảnh đất dưới quê cụ ‘’con râu’’ vẫn còn giữ sổ đỏ, họ nhân danh văn hóa
truyền thống đồng lòng tẩy chay đám hỏi, đám cưới này. Tập thể là thế...Thật
may, trước cửa quán Ngon Quá không thấy
có khiếu kiện đông người, và các vị công an xã mặc thường phục vẫn cưỡi Honda
lượn lờ bảo vệ nhân dân ta.
Quán Ngon Quá khá đơn sơ, có
khoảng chục bàn. Còn sớm nên ngoài chúng tôi không có thực khách nào. Bà chủ
quán vốn có giao tình với cụ đeo kính nên dọn riêng bốn bàn, có phủ khăn trắng
(nói chính xác, mầu cháo lòng), trên bàn
có hoa plát-tích cắm trong những chiếc lọ sứ. Khi
mọi người yên vị thì bà chủ quán hò lên.
Cụ ‘’con râu’’ lúc ấy mới lững thững bước ra, đầu vấn khăn, áo dài, quần lĩnh,
tay che miệng cười ngượng nghịu. Cụ ’’chú rể’’
ôm hoa (nay đã bỏ lớp bọc bằng báo Nhân Dân) đứng lên, tiến tới, khẽ
nghiêng mình trao bó hoa cho cụ ‘’con
râu’’, miệng nói gì chẳng một ai nghe được. Cụ đeo kính kêu, nói to lên...Thế là đám con cháu nhao
nhao. Cụ ‘’ chú rể’’ cứ ngẩn tò te, chưa biết làm gì thì cụ đeo kính đến bên,
giõng dạc :
‘’ Hôm nay, tôi hân hạnh đại diện nhà trai, đứng ra chính
thức hỏi bà Trần thị...về làm vợ cho bạn tôi, ông Nguyễn văn..., bộ đội phục
viên sau hơn hai mươi năm tuổi quân, và bảy chín năm tuổi đời...’’
Sau khi cụ đeo kính dứt lời, cụ
chủ quán đon đả:
‘’ Còn tôi thì đại diện nhà
gái...’’
Bà chưa nói xong cụ ‘’con râu’’
khóc sụt sịt, cụ chú rể cuống lên ấp úng, lại chẳng ai hiểu cụ nói gì. Cụ đeo kính móc túi đưa
cho cụ ‘’ chú rể’’, nói gọn ‘’ Đưa nhẫn
cho bà ấy đi’’. Thế là cụ ‘’con râu’’ chìa ngay tay ra, và cụ ‘’ chú rể’’ lóng
ngóng đeo nhẫn cho ‘’nhà nó’’, mắt cũng đỏ hoe, mũi khịt khịt. Hai họ ùa lên vỗ
tay. Cô bé bưng bê cho quán ăn nhanh tay vặn nhạc tạo không khí. Bọn trẻ kêu, hip hop cho vui nhộn. Các
cụ cũng đành chịu, nói chuyện phải ghé vào tai mà hét trong tiếng nhạc rú rít.
Lát sau, bà chủ quán ra hiệu. Thức ăn đưa ra bày lên bàn, và dăm két bia SaiGon
Tiger để dưới đất. Nhạc tắt, các cụ thở phào. Bà chủ quán đại diện nhà gái bảo
mở bia. Cô bé bưng bê sẵn có nghiệp vụ học thời bia ôm thịnh hành mở kêu lốp
bốp như pháo mừng. Bà chủ quán hò:
‘’ Nào, chú rể cho dăm lời phát
biểu đi...’’
Cụ đeo kính vỗ tay. Cụ chú rể
đứng lên, mắt nhìn cụ ‘’ cô râu’’, hắng giọng:
‘’ Thưa ... (cụ ngập ngừng tìm
danh xưng thế nào cho phù hợp)...tất cả những thân hữu ruột thịt có mặt trong
cuộc vui hôm nay mừng cho chúng tôi (cụ lại nhìn cụ ‘’con râu’’) xum họp sau ba
cuộc chiến - một là đánh thực dân Pháp, hai là chống Đế quốc Mỹ và ba là đuổi
bành trướng Trung Quốc – mà vẫn còn nguyên vẹn, không thương tật...’’
Như một phản xạ vô điều kiện, cụ
rề rà nói về những khó khăn gian khổ. Một thanh niên trên ba mươi chép chép
miệng vì khát cắt lời cụ:
‘’ Cụ ơi, hết giờ nghị quyết
rồi...Thôi, vui duyên mới chớ quên nhiệm vụ! Cháu uống nhé...’’
Đó là cậu con út của thằng cháu,
kết quả của vụ hiếp dâm định mệnh vì rổ sắn thời Cải Cách Ruộng Đất. Cụ ‘’con
râu’’ bênh người iu quát nhỏ ‘’ Thằng hỗn nào, để người ta nói...’’, nhưng cụ ‘’ chú rể’’ không muốn mất vui liền
nâng ly. Thế là mọi người đứng dậy. Cụ đeo kính bảo tôi:
‘’ Anh phóng viên văn hóa cho vài
pô ảnh nào! ‘’
Tôi lôi cái máy Nikon gồ ghề đưa
lên mắt, chụp lấy chụp để. Cụ đeo kính sang sảng :
‘’ Bây giờ, vào nhé!’’
Mọi người đồng thanh hò lên ‘’Vào!’’. Phải nói đây là ảnh hưởng
miền Nam hô Dzô lây lan đến miền Bắc; và nay ba miền đất nước đều hô với ngôn
ngữ riêng để giữ khí thế của truyền thống nhậu nhẹt đã thành nếp. Phần riêng
mình, tôi thích (đám trẻ viết thik) âm hưởng dzô, nghe hoành tráng hơn.
Tôi đến xin chụp ảnh cô râu chú
rể để hai cụ giữ làm kỷ niệm. Cụ ‘’cô râu’’ hỏi tôi là phóng viên báo nào? Chết
chưa, chẳng lẽ tôi lại bảo là báo vô
tích sự, nghe nào mấy ai tin. Mà nói là Việt kiều, e không mấy ai ưa, lại dễ rách chuyện diễn biến
hoà bình này nọ. Nhớ xưa, ông bạn tôi mỗi lần có người hỏi thì đáp hộ ngay: ‘’ à, anh ấy làm trong
viện văn học, môn ngữ văn...tiếng Pháp là chính’’. Thế là tôi cứ bổn cũ soạn
lại. Cụ ‘’chú rể’’ cười:
‘’ Thế mà tôi cứ lo là ông đưa
hình ảnh lên mặt báo thì ngượng chết đi mất!’’
Tôi long trọng hứa :
‘’ Thưa hai cụ, chuyện tư riêng
hai cụ cháu không có cái quyền ấy đâu’’
Mong các bạn đọc cái Ký vô tích sự
này tha cho tôi cái tội không trưng hình
ảnh để
minh chứng tôi không hề hư cấu gì. Cụ ‘’cô râu’’ thì thào:
‘’ Chúng tôi luống tuổi cả...Gần
nhau lo được cho nhau tí gì thì lo thôi,
nào phải chuyện tình ái gì như thời trẻ!’’
Cụ ‘’chú rể’’ phụ họa, giọng vui
vui :
‘’ Nẫy trên taxi ông bạn tôi
chẳng gọi thế là tình già đó sao ?’’
Tôi buột miệng:
‘’ Thưa tình thì làm sao già được...’’
Rưng rưng nước mắt, tôi nhủ mình,
tình không có tuổi. Vậy thì còn le lói
chút hy vọng. Vào một nhân loại còn nợ tình, mãi mãi...
Thiền cười
Ở đất ngàn năm văn vật, muốn
giết thời giờ, không dễ. Đi thăm lăng Chủ Tịch tất khúm na khúm núm, nhà sàn
bác Hồ phải xếp hàng, rồi hai ba viện Bảo Tàng xơ xác cứ dán mắt đọc mới biết
trưng bày cái gì, thì ... chỉ một lần là
ớn chè đậu (nói kiểu Sè Gòn). Thôi, lại ra Bờ Hồ. Khi đói, chớ vào Hàm Cá Mập
đối diện Gà rán KFC ăn một tô bún giá 6 đô. Khát, chớ vào Thủy Tạ, bị nhân viên
phục vụ theo cung cách trước thời đổi mới ngó nghiêng xách mé và phải trả năm
mươi nghìn cho một cốc nước ngọt. Ăn một que kem, giá bình dân năm nghìn có,
nhưng tránh kem Bốn Mùa trên phố Lê Thái Tổ, chém ngọt như lưỡi dao đao phủ mà
không rao ‘’sống không ghét nhau, chết
chẳng thù nhau’’. Có mỏi, lảng cho xa quán Hapro ven bờ nước, nơi chặt nhẹ cũng
cỡ trăm ngàn.
Rửa mắt, ta có thể nhìn tủ
kính những cửa hàng sang trọng trên Hàng Khay, Tràng Thi, Đinh Tiên Hoàng. Có
đủ thứ cho loại ví tiền cồm cộm, từ đồng hồ Rolex đến túi da Gucci, bút máy
Montblanc, nước hoa Channel mọi loại. Và có những nàng tiếp viên chân dài đến
nách, váy cũn kĩn, mặt mày ‘’make up’’ chẳng khác gì những hoa hậu đẳng cấp
quốc tế, biết nói hello và good bye, bonjour và au revoir với giọng nước ngoài rất
chuẩn. Nhưng nếu bạn ăn mặc xuề xòa, tóc tai lởm chởm, đi Honda, không đeo kính
dâm RayBan, và không vênh váo thì cẩn
thận. Các nàng không nhìn bạn đâu, và nếu mon men vào thì các nàng đứng chặn
lối, trỏ tay ra cửa và chỏng lỏn ‘’Vào đây làm gì?’’. Gần đó, một tay bảo vệ
mặc đồng phục đứng nhổm lên, mặt hầm hầm. Cho nên, khi đọc khẩu hiệu mầu đỏ chữ
vàng giăng cao trên trời, xây dựng xã hội giầu mạnh, công bằng, văn minh thì
hiểu trước tiên là phải giầu, phải mạnh đã. Cái trật tự xã hội nó thế.
Thôi, như đã nói, lại ra bờ Hồ
và chẳng biết duyên nợ thế nào tôi lại gặp ông cụ đeo kính dẫn bạn đi hỏi vợ.
Cụ móm mém cười, hỏi ( nhưng thừa), ‘’ anh phóng viên đi chơi’’. Tôi đáp (cũng
thừa), ‘’ dạ, cháu đi chơi’’ nhưng nhắc tôi nghiên cứu ngữ văn chứ không làm báo.
Chúng tôi tha thẩn bên này đường, chỉ dám liếc nhìn từ xa những cửa hàng
sáng loáng bên đường bên kia. Tôi hỏi:
‘’ Cụ ơi, vườn hoa Mai Xuân
Thưởng ở đâu?’’
‘’ Nhưng anh hỏi để làm gì chứ?..’’
‘’ Cháu muốn xem người ta đi
khiếu kiện chuyện nhà đất...’’
Ông cụ ngắt tôi:
‘’ Ối giào, chuyện khiếu kiện
đông người rách việc lắm. Bây giờ người ta đến Trụ Sở Quốc Hội trên phố Ngô
Quyền cơ. Mà xem làm gì? Đầy bọn CSCĐ, chẳng phải đầu cũng phải tai....’
‘’ Cháu nghe Ban Thanh Tra của
nhà nước nói ba năm nay có 1 triệu 6 trăm ngàn lần tiếp dân, và hiện gần 7 trăm
ngàn đơn khiếu kiện chưa giải quyết. Nhà nước mình có cấm kiện đâu! Và cái gì
cụ nói là CSCĐ vậy?’’
‘’ Là Cảnh Sát Cơ Động, quần
áo mầu đen, có mũ sắt, và súng ống... Thôi, đừng dại đến chỗ có vấn đề an ninh. Theo tôi, tôi đưa anh đi chỗ này, vui
hơn’’
Vừa đi ông cụ vừa nói:
‘’ Cứ dưới ba, là không đông
người. Như tôi với anh đi với nhau, ta chỉ hai người, rất đúng luật. Một người
thì nhất, chẳng ai để ý, có cũng như không. Còn một nhóm ba người mà cách xa
nhóm khác mười mét, không thể gọi thế là nhóm sáu người, cũng tuân thủ qui
định, anh hiểu chứ?’’
Tôi gật. Ông cụ tiếp:
‘’ Mời anh đến Thiền trường.
Chúng ta đi thiền!’’
Tôi ngỡ ngàng, hỏi lại, nhưng
ông cụ quả quyết:
‘’ Thiền thật chứ chẳng chơi
đâu. Tuyệt vời để giữ thăng bằng tinh thần cũng như thể xác. Phương pháp tập
luyện lại thuận tự nhiên, không đòi hỏi gì nhiều. Cứ theo tôi!’’
Chúng tôi băng qua đường, men
mé Lý Thái Tổ, đi thêm một khúc khá vòng
vèo rồi đến một công viên có chút bóng cây. Ở đấy, đã sẵn những nhóm ba người, rải rác
cách nhau chừng mười mét. Họ ngồi trên cỏ theo cung cách xếp chân vòng
tròn, hai tay để trên đùi, ai nấy thần thái tươi tỉnh, lặng lẽ nhắm mắt định
thần. Rồi không ai bảo ai, họ rộ lên cười, đồng loạt. Cười độ 30 giây, họ lại im lặng, chừng vài phút sau, họ
lại rộ lên cười. Tôi há miệng, ngạc nhiên, không nói được một
tiếng. Cười và cười, từng loạt. Thế giới vui từ những lẻ loi, thế là hay
lắm chứ. Ông cụ đeo kính thủng thẳng:
‘’ Phái chúng tôi là Thiền cười, nói chữ là Tịnh Tâm Tiếu
Thiền. Một người cười, tiếng cười lây lan khiến mọi người cười, tức là một
người cho mọi người. Rồi ai cũng
cười, vì thế cá nhân tôi cười, anh cười, tức là mọi người cho mỗi người đấy. Ấy
thế mà có dạo họ dọa sẽ cấm, cười đông người
cũng là mất an ninh. Chúng tôi từ đấy phải ngồi xa nhau ra để tuân thủ
qui định tổ tam tam ba người. Tưởng xong, chúng tôi rồi lại bị công an phường
đòi xử phạt hành chính. Chúng tôi phản đối, nhưng trong khi chờ đợi quyết định,
chúng tôi phát huy sáng tạo, cười nhưng chỉ cười trong bụng. Cũng thoải mái,
nhưng hiềm là giữ hơi nên phải, nói xin lỗi, đánh dắm. Đánh dắm thành tiếng, so
với cười thành tiếng, cái nào hơn cái nào?
Kiểm tra một cách nghiêm túc và nhất định rất khoa học, người ta không
bài bản chính thức, nhưng lơ đi, cho chúng tôi cười, vì dù sao cũng tương đối
vệ sinh hơn... Anh đến đây sinh hoạt,
hoàn toàn là sinh hoạt hợp pháp. Bây giờ xin anh ngồi xuống, nhắm mắt, và khi
anh muốn thì cứ việc cười, thoải mái...’’
Khấn thần Kim Qui
Ngày mai tôi đi. Còn một buổi
sáng hôm nay, tôi dậy sớm, lại đi một vòng Bờ Hồ. Lần này, tôi khấn thần Kim
Qui nổi lên thêm một lần cho tôi thấy, hy vọng các bác sĩ ngành y học tiên tiến
của nước ta đã chữa được bệnh ghẻ cho thần.
Tôi đi, một vòng rồi hai vòng. Bây giờ tôi biết truyền thống mới, tôi
chẳng nhìn ai, như người Hà Nội. Tôi tập trung khẩn cầu, và đợi thần nổi lên,
tôi sẽ nói, xin ngài rủ lòng thương cho lại thế gian này cây kiếm bảo quốc mà
thời xưa ngài đã lấy lại để nay chúng tôi cứ hướng ra biển mà nhỏ nước mắt đau
lòng. Tôi khấn, khấn mãi, đi đến vòng thứ sáu thì tôi lại phải tạm chấp nhận,
thêm một lần, tôi bất lực.
Bài mới học chưa quên, tôi bật
cười. Vô tư thôi mà, chuyện đâu còn đó.
Bây giờ, tôi là môn đồ của phái 4T, nhưng đừng lẫn 4T với Thông Tin
Truyền Thông mà phải hiểu là Tịnh Tâm Tiếu Thiền. Bây giờ, bạn hiểu vì sao tôi
thoải mái, và mong bạn thứ lỗi tôi đã nghêu ngao kể những chuyện vô tích
sự vòng quanh Bờ Hồ một ngày vào độ cuối
thu.
Nam Dao
6-05-2012
No comments:
Post a Comment