Sunday, July 21, 2013

Nhớ Hoà Vang:

Còn nhiều “món nợ” ngoài trang viết

Nha van Hoa Vang Con nhieu mon no ngoai trang viet
Nhà văn Hòa Vang
Hòa Vang là một người ham sống, ham vui, không phải chỉ có bản năng trước tác lập ngôn. Nói, nhiều khi như một nhu cầu tìm ý tìm chữ cho viết. Đám đông cần anh, như chảo mỡ sôi cần viên tỏi nhao lên lộn xuống để dậy mùi, và anh cũng chả từ chối, lắm khi phả vào đó cả vị mắm tôm chanh.
Mộtsáng, rủ Hòa Vang đi ăn đậu rán bún riêu (tất nhiên có uống), tôi dạy anh mấy câu hát nhại bài “Giải phóng Điện Biên”. Đường về, ngồi sau xe, Hòa Vang phởn quá. “Lắc la lắc lư đoàn quân ra Bắc/ đồng bào thắc mắc sao các anh trở về…/ Sốt rét chúng ông mới về, ốm gần chết chúng ông mới về/…”. Ngã sáu Cửa Nam hôm đó trố mắt nhìn hán tử trung niên râu tóc rễ si rễ đa hát như trẻ con. Mà giọng được của nó mới tệ.
Đó là một trong những “khúc tùy hứng” của Hòa Vang, mà nhiều người bảo anh hay “diễn”, ra ý không thích thế. Nói vậy vừa phải vừa không phải. Anh có nhu cầu ra miệng, thích tác động vào người khác, đem lại sự nhả nhớt bất ngờ, phá đi không khí tẻ nhạt. Hòa Vang là một người ham sống, ham vui, không phải chỉ có bản năng trước tác lập ngôn. Nói, nhiều khi như một nhu cầu tìm ý tìm chữ cho viết. Đám đông cần anh, như chảo mỡ sôi cần viên tỏi nhao lên lộn xuống để dậy mùi, và anh cũng chả từ chối, lắm khi phả vào đó cả vị mắm tôm chanh. Thiếu nó thì không hình dung ra Hòa Vang một cách đầy đủ. Ngay những ngày bệnh hiểm nghèo, dù rất mệt, anh vẫn thích có người xung quanh, vắng là rất buồn.
Cái khí chất chan hòa ấy được đem vào trang viết. Văn Hòa Vang không phải loại khó đọc. Nó cuốn hút, bất ngờ, tuy không phải dễ hiểu. Là bởi vì anh không lộ ý, tuy nhiều truyện, nhất là loại đăng báo kiếm hào, cái ý chính không phải là sâu xa lắm.
Những ngày này, nhiều người viết thích đưa yếu tố ảo vào văn, trong đó có Hòa Vang. Phải nói là không hiểu tại sao tôi dễ chấp nhận cái dị thường trong truyện Hòa Vang hơn nhiều người khác. Vì nó Á Đông chăng? Anh rất thích Nguyễn Dữ mà. Hay vì anh, như cái bản năng ham vui đã nói ở trên, đã thân thiện với đám đông, dẫn dụ họ trước khi để họ thủng cái điều anh định nói? Truyện “Ăn kêu” là một thứ vô chiêu vô ảnh như vậy. Thái độ tác giả, đọc ra trong triết lý, rất chi nghiêm túc. Nhưng sao mà lắm bỡn cợt nhả nhớt làm vậy. Ca ngợi những niềm vui thế tục, biến đời thực thành ảo. Và đánh cho sáng bóng lên những chi tiết ngỡ là ba lăng nhăng. Trong cuộc bay lượn ấy dường như có phản ứng với tôn ti nghiêm ngặt, thói quan liêu, những tín điều, làm ta phải nhớ đến câu tự sự của Tsekhov: “Và mỗi ngày, từng tý một, ta cảm thấy mình là một người tự do hơn”.
Tập truyện ngắn “Hạt bụi người bay ngược” NXB Hội Nhà văn ra năm ngoái, không biết đã “tổng kết” đủ đời truyện ngắn Hòa Vang? Có những truyện để đời được. Như “Sự tích ngày đẹp trời”, “Nhân sứ”. Một kết cấu chắc nịch. Nói chung anh rất thành công ở loại truyện giả cổ, tạm gọi như vậy. Rất nhiều bất ngờ trong tiết tấu, cách dùng chữ. Anh làm chủ ngôn ngữ, biến tấu giỏi, rẽ vào các nhánh “phụ “ rồi trở về ý chính như đùa, tạo ra hiệu quả “zdậy mà không phải zdậy”, như gợi cho người đọc rằng “hãy nhấm nháp, chiêm nghiệm đi, cuộc sống nó thế này thế nọ chứ không phải chỉ thế kia thôi”. Nhưng tôi không thích hai chữ “bay ngược” trong tên cả tập, nó có vẻ vẽ vời. Và đây đó còn thức độn, để đăng báo. Nhưng truyện đăng báo mà viết vậy cũng là tự ăn vào óc mình rồi.
Lại nói chuyện “ăn vào óc mình”, tức là cái nghèo của nhà văn. Dù giấu thái độ, anh vẫn để lòi sự đồng cảm với người bất hạnh. Bà cụ thảo hiền, thằng bé đánh giày, cô gái mù… Đôi khi nó nằm trong những so sánh: con mèo ốm như sợi lá bánh trong thùng rác, bàn tay trẻ dính nhựa đời xóm dệ đê có bà ốc mút, cô lòng tiết chưa thấy người đã thấy mùi. Đó là nhận xét của một người không dư dả gì. Vợ anh, chị Lan, đã bao nhiêu hy sinh, nhường nhịn, để Hòa Vang có được những trang nồng nàn, thấm đẫm tình yêu với cuộc sống dường bao tươi đẹp.
Từ tháng 11 năm ngoái, Hòa Vang bắt đầu chê rượu (anh gọi là “chê cám”). Từ chối hóa trị để tiền cho vợ con, anh không thể nhả nhớt với cái lão “cầm lưỡi hái” nọ. Trong tập “Văn mới 5 năm” có một truyện của Vàng Anh: Cô gái nọ “trót dại”, nghĩ mình có bầu, phải nghĩ đến đứa con, lo đối phó với gia đình, cơ quan, muốn biết thái độ “ thằng kia” nó thế nào. Rồi một hôm “thấy” trở lại, thế là hết chuyện. Tôibảo Hòa Vang về cái tứ “tráng sĩ một đi không trở lại”, kể đời người tưởng chết đến nơi, ngẫm nghĩ này nọ, rồi lại sống nhăn răng sờ sờ ra. Anh nói: “Đó là một câu chuyện vĩ đại!”.
Có kịp không, Hòa Vang?
Trần Chiến

No comments: