John Blofeld (1913-1987) là một Phật Tử người
Anh và cũng là một học giả Phật Giáo uyên bác, đã sống phần lớn cuộc đời mình tại các nước Á
Châu như Trung Quốc, Mông Cổ, Tây Tạng, Thái Lan... Ông đã từng tiếp xúc và học
hỏi với rất nhiều vị thầy lỗi lạc tại khắp các quốc gia này, và cũng đã qua đời
tại Thái Lan. John Blofeld viết bài dưới đây vào thập niên 1960 và bài này đã
được bà Odette Germain dịch sang tiếng Pháp và đưa lên một trang web Phật Giáo khá
uy tín là Buddhaline (http://www.buddhaline.net/La-Vacuite,109).
Trong bài viết đôi khi tác giả cũng
nêu thêm một vài ghi chú (được đặt trong hai dấu ngoặc) nhằm giải thích thêm một
số sự kiện do chính tác giả đưa ra. Người dịch cũng mạn phép góp thêm một vài lời
ghi chú khác với hy vọng có thể giúp người đọc dễ theo dõi bản gốc hơn. Các lời
ghi chú này cũng được đặt trong hai dấu ngoặc nhưng bằng chữ nghiêng. Sau phần
chuyển ngữ cũng có thêm một vài lời ghi chú mang tính cách tổng quát hơn của
người dịch về bài viết này của John Blofeld.
***
Nếu căn cứ vào sự lý luận lô-gic (sự hữu lý)
thì sẽ không thể có bất cứ một thứ gì vừa
trống-không lại vừa không-trống-không được, tuy nhiên ngược lại thì bắt buộc chúng
ta phải chấp nhận có một thứ gì đó có thể mang hai thể dạng khác nhau. Phật
Giáo đưa ra khái niệm về tánh không hầu giúp chúng ta hình dung ra, hay đúng
hơn là cảm nhận được, thể dạng phi-nhị-nguyên (non-duality) và đấy cũng chính là cốt tủy của tánh không (nhị-nguyên là tính cách đối nghịch giữa chủ
thể và đối tượng, tức là giữa người quan sát và đối tượng được quan sát, dù đối
tượng ấy là một vật thể hay một sự kiện thuộc ngoại cảnh hay là các tư duy và
xúc cảm bên trong tâm thức. Thể dạng phi-nhị-nguyên là một thể dạng cảm nhận của
tâm thức khi nó đã loại bỏ được sự đối nghịch giữa chủ thể và đối tượng. Thật
ra thì đây cũng là cách định nghĩa đặc thù của Duy Thức Học về tánh không).
Tánh
không (tiếng Phạn là sunyata) là cả một
sự huyền bí lớn lao, và có thể xem đây là khái niệm nòng cốt của toàn bộ giáo
huấn Đại Thừa. Thật thế tánh không đã từng là đề tài cho không biết bao nhiêu tập
luận giải. Các bài Kinh cũng đầy ắp những câu gợi ý về tánh không. Thế nhưng tương
tự như tất cả những đối tượng cảm nhận mang tính cách mầu nhiệm khác, tánh
không là một khái niệm mà ta không thể nào mô tả hay định nghĩa được bằng ngôn
từ. Thật thế, gần như hầu hết những gì có thể nói ra được đều không mang một
giá trị nào cả (đấy
chỉ là những quy ước để hiểu ngầm với nhau). Chỉ có một số thật hiếm
hoi các nhà thông thái Tây Phương đã tỏ cho thấy là họ có thể hiểu được (trên mặt lý thuyết)
ý nghĩa của tánh không là gì. Ngay cả trong các quốc gia Phật Giáo, chỉ
trừ một số thật hiếm hoi các nhà thần bí (tức là các vị tu hành cao thâm) là đã từng trực
diện được với tánh không trong những lúc họ lắng sâu vào thiền định, ngoài ra thì
cũng không có mấy ai đạt được một ý niệm nào về tánh không với ít nhiều chính
xác. Đối với số người ít ỏi này nếu họ đã từng đạt được sự hiểu biết phần nào về
tánh không thì đấy cũng là nhờ vào khả năng trực giác bẩm sinh của họ, phối hợp
thêm với một số kiến thức uyên bác mà họ đã từng học hỏi được từ Kinh Sách (Sutra).
Riêng đối với trường hợp của tôi thì còn lâu tôi mới có thể theo kịp được các vị tu hành thần bí, vì thế khi viết lên những dòng này để nói về họ thì đấy cũng chỉ đơn thuần là những sự phỏng đoán mà thôi. Tuy nhiên cũng có hai lý do đã khiến tôi đánh liều chấp nhận mọi sự rủi ro có thể bị sai lầm. Lý do thứ nhất là nhờ vào một số vốn liếng hiểu biết dù còn thật ít ỏi mà tôi đã góp nhặt được qua các vị thầy Trung Quốc và Tây Tạng đã từng truyền dạy cho tôi, và thật ra thì các sự hiểu biết ấy cũng chỉ giúp tôi vạch ra một vài đường hướng suy tư nhằm mang lại một vài ý nghĩa nào đó dù còn thiếu sót về những gì mà kinh sách muốn trình bày khi đề cập đến tánh không.
Lý
do thứ hai khiến tôi phải nói lên là vì tôi nghĩ rằng có một số người Tây
Phương đã sai lầm khi họ kết án Phật Giáo là yếm thế, tuy nhiên tôi vẫn tin rằng
đấy chẳng qua là vì họ đã nhầm lẫn giữa "tánh không" và sự "trống
không" giản dị và đơn thuần (tức là không hàm chứa gì cả) - với một ý nghĩa tiêu
cực phản ảnh thể dạng hư vô - và cũng chính vì thế nên họ đã cho rằng niết-bàn
đồng nghĩa với sự tắt nghỉ (và đấy là một sự xúc phạm đến những người Phật Giáo)
(đây có thể là một
phản ứng vô tình vì sai lầm không hiểu được Phật Giáo một cách đúng đắn, nhưng cũng
có thể là hậu ý của một số học giả và của một vài vị tu hành thuộc một vài tín
ngưỡng lâu đời của Tây Phương nhằm chống lại Phật Giáo bằng cách bôi nhọ Phật
Giáo chủ trương hư vô, khi tôn giáo này đặt chân vào thế giới Tây Phương vào thế
kỷ XIX. Đấy cũng là lý do thúc đẩy tác
giả đã mạnh dạn viết lên bài này để bênh vực cho Phật Giáo. Cũng xin nhắc thêm
là tác giả đã viết bài này cách nay nửa thế kỷ, và ngày nay thì tình hình đã
khác hơn xưa nhiều). Dù sao tôi cũng không thể khẳng định được rằng
tôi đã hoàn toàn thấu triệt đúng những gì các vị thầy tôi đã giảng dạy cho tôi
và những gì tôi đã học hỏi được trong Kinh Sách, và hơn nữa trong những lúc thiền
định thì tôi cũng chưa bao giờ tiếp cận được với tánh không. Vì thế thiết nghĩ [người
đọc] cũng nên giữ một phong cách thận trọng nào đó về những gì tôi viết ra nơi đây,
vì đấy cũng chẳng khác gì những điều mà một người mù suy đoán ra nhờ vào một
người cận thị mô tả cho mình.
Bài
Tâm Kinh ngắn (tức là bản kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa tóm lược
chỉ gồm vài mươi câu) mà hàng triệu người Phật Giáo Đại Thừa trì tụng
hằng ngày bằng tiếng Hán, tiếng Tây Tạng hay tiếng Phạn (có nghĩa là các Phật Tử khắp nơi ở Á Châu tụng
niệm hằng ngày) hàm chứa một câu thật chủ yếu, đấy là câu nêu lên thật
rõ ràng rằng: "Hình tướng là tánh không và tánh không là hình tướng; hình
tướng không khác với tánh không và tánh không cũng không khác với hình tướng".
Mặc dù ý nghĩa thâm sâu và đích thật của câu này có thể không được diễn tả một
cách thật minh bạch đi nữa, thế nhưng nó cũng đủ để nêu lên cho ta thấy là tánh
không là một thứ gì đó hoàn toàn không phải là một thể dạng hư vô đơn thuần. Các
lời bình giải thường thấy [từ trước đến nay] về ý nghĩa của câu này không hề có
một sự phân tách chính đáng nào giữa sự tuyệt đối và tương đối, giữa hiện thực
và những biểu hiện bên ngoài của các hiện tượng, giữa cội nguồn và vũ trụ (chẳng
hạn như "người sáng tạo" và những gì đã "được sáng tạo"). Nếu
cho rằng không có một sự hiện hữu nào có thể độc lập và mang tính cách tự tại được
(tức phải nhờ vào
hiện tượng tương liên và tương tạo mà có) thì sẽ chẳng có bất cứ gì
là thật cả, đấy chẳng qua là những hiện tượng mang tính cách tạm thời (bởi vì mỗi
hiện tượng cũng chỉ là một sự kết hợp của hàng triệu hiện tượng khác và các hiện
tượng này thì cũng phù du hơn cả chính nó): thế nhưng tất cả lại hiện ra rất thật.
Tóm lại nếu hiểu đấy chỉ là những biểu hiện của sự hiện hữu [nói chung] và không
hề mang một thuộc tính [cá biệt] nào thì chúng cũng sẽ chỉ là những thứ gì đó không
thể nào nắm bắt được (tức có nghĩa là không thể định nghĩa hay quy định chúng một
cách rõ rệt và cố định được, bởi vì chúng luôn chuyển động, hiện ra rồi mất đi,
sự chuyển động đó - còn gọi là vô thường - chỉ là biểu hiện bên ngoài và tạm thời
của hiện thực).
Chúng
ta hãy thử nêu lên một thí dụ thật thô thiển, chẳng hạn như các gợn sóng trên mặt
biển: chúng không hề mang tính cách trường tồn, cũng không hề hàm chứa một sự
hiện hữu nào, mà luôn biến đổi trong từng khoảnh khắc một, chúng hoà lẫn vào
nhau và biến mất ngay sau đó - thế nhưng có ai dám bảo rằng không có một thành
phần nào của các gợn sóng sẽ còn tiếp tục hiện hữu, khi mà biển cả vẫn còn đấy?
Sự so sánh trên đây không phải là không có kẻ hở, bởi vì một gợn sóng dù xảy ra
vào một thời điểm nào thì nó vẫn chỉ là biển cả, dù không phải là toàn bộ biển
cả thế nhưng cũng là thành phần của biển cả. Trong khi đó nếu nói đến tánh không
thì sẽ chẳng có gì liên hệ với bất cứ một thứ gì nằm trong sự chi phối của các
quy luật liên quan đến không gian (một gợn sóng lệ thuộc vào biển, thế nhưng tánh không thì không
liên quan gì đến không gian, dù đấy là không gian "trống không")
vì thế dù chỉ là một hạt "vi thể" thế nhưng nó vẫn có thể biểu trưng
cho sự toàn diện ("một
chút" tánh không hay "toàn thể" tánh không thì cũng chỉ là
"tánh không", "một chút" hiện thực cũng là toàn bộ "hiện
thực", một "hạt cát" cũng là toàn thể "vũ trụ", các hiện
tượng cũng chỉ là những biểu hiện bên ngoài và tạm thời của một sự "hiện hữu"
chung). Chính vì thế mà những người Trung Quốc (nên hiểu là các vị đại thiền sư Trung Quốc
trong quá khứ) thường chọn cách so sánh hình ảnh mặt trời phản chiếu
trong nước chứa trong các chậu, bình, hay ao hồ khác nhau. Huai-Hai (Huệ Hải - còn gọi
là Đại Châu Huệ Hải - một vị đại thiền sư Trung Quốc, 720-814) có
nói rằng: mỗi chậu, bình hay ao hồ đều chứa đựng một mặt trời (mặt trời phản ảnh
trong nước), mỗi [hình ảnh] mặt trời ấy đều nguyên vẹn và giống [như
đúc] với mặt trời trên không trung..., thế nhưng mặt trời trên không trung lại không
hề bị sứt mẻ (giảm
bớt đi) một chút nào".
Vị
thiền sư nói lên câu trên đây cũng đã từng đề cập đến sự Giác Ngộ và xem đấy như
là "sự thực hiện được thực thể của hình tướng và cả tánh không" (quán nhận được bản
chất của hình tướng và cả của tánh không chính là sự Giác Ngộ). Thế
nhưng trong một đoạn khác thì vị này cũng lại cho biết là có hai thứ tánh không
khác nhau: một thứ liên hệ đến những gì "không-tánh-không" và một thứ
khác là "tánh-không-tối-hậu" vượt lên trên tính cách nhị nguyên giữa
tánh-không và không-tánh-không (non-vacuité / non-emptiness). Thật hết sức hiển
nhiên: tánh không mà một vị thần bí (một người tu tập cao thâm) nhận biết truớc hết qua
kinh nghiệm cảm nhận của mình là thứ tánh không thứ nhất trong hai thứ tánh không
trên đây (tức là
thể dạng không-tánh-không), bởi vì vị này đã đạt được tánh không đó bằng
một thể dạng tri thức "thông thường" tức là thể dạng thường xuyên chi
phối bởi "không-tánh-không" (tức là thể dạng tri thức nhận biết được hình tướng hay những
biểu hiện bên ngoài của mọi hiện tượng, nói cách khác là một thể dạng tri thức luôn
hiện ra chủ thể và đối tượng), và sau khi đã thực hiện được những kinh nghiệm cảm nhận thần bí (giúp mình cảm nhận
được "tánh-không-tối-hậu") thì vị ấy mong đợi sẽ có thể tìm
trở lại được thể dạng trước đó (tức là thể dạng không-tánh-không do tri thức "thông
thường" cảm nhận được trong giai đoạn trước khi cảm nhận được tánh không
đích thật) Vậy làm thế nào vị ấy có thể tránh khỏi không so sánh thể
dạng tánh-không (tối
hậu đạt được bằng thiền định) với thể dạng không-tánh-không xảy ra trước
đó vẫn còn tiếp tục theo đuổi vị ấy? Dù sao nếu kinh nghiệm cảm nhận của vị ấy đủ
sâu xa thì vị ấy cũng có thể vượt lên trên cả sự thiền định của mình để đạt được
một thể dạng thật cao siêu mang lại một niềm tin tuyệt đối rằng tánh-không và
không-tánh-không không phải là một sự [hiển hiện] luân phiên (chuyển tiếp từ thể
dạng này sang thể dạng khác), bởi vì cả hai thể dạng ấy chẳng những cùng
kết chặt với nhau mà còn hoàn toàn giống hệt như nhau (cách biện luận của John Blofeld thật tinh tế,
giúp chúng ta liên tưởng đến tính cách "Đa Dạng" và "Nhất
Nguyên" hay "Hình Tướng" và "Tánh Không" của hiện thực,
tất cả những thứ này cũng chỉ biểu trưng cho hiện thực đơn thuần và bất khả
phân, không phải là một sự hoán chuyển từ thể dạng này sang thể dạng khác).
[Thế
nhưng] chính ở điểm ấy tính cách lô-gic đã phản bội lại chúng ta. Nếu căn cứ trên phép lý luận lô-gic thì không thể nào lại
có thể có sự trống-không và không-trống-không trong cùng một lúc được, nếu
không thì trên một khía cạnh nào đó phải chấp nhận có một thứ gì đó có hai thể
dạng khác nhau. Người Tây Phương thường được rèn luyện theo cách lý luận lô-gic,
vì thế nên họ rất dễ bị rơi vào tình trạng hiểu biết mang tính cách nhị-nguyên
nhiều hay ít. Dù cho họ có sẵn sàng chấp nhận trên phương diện trừu tượng là sự
trống-không và không-trống-không thật sự chỉ là một thứ như nhau đi nữa, thế
nhưng nền giáo dục mang nặng tính cách lô-gic mà họ được thừa hưởng đã tạo ra nhiều
gò bó trong sự suy nghĩ khiến cho họ khó tránh khỏi phải hình dung ra hai thể dạng
khác nhau của hiện thực - đấy là tánh-không và không-tánh-không - và dù nếu
chúng có tách rời nhau thì đấy cũng chỉ có tính cách tạm thời và chỉ ở vào một mức độ nào đó mà thôi. Một
người Á Đông bình thường cũng vẫn có thể gặp phải các khó khăn này, bởi vì kinh
nghiệm cảm nhận của người này trong thể dạng "thần bí" (tức đạt được tánh
không bằng thiền định) khác với kinh nghiệm cảm nhận của mình trong thể dạng
"thông thường" (tức cảm nhận được thể dạng không-trống không): thế
nhưng người này nhờ vào khả năng suy luận ít bị nhào nặn bởi nguyên tắc lô-gic
của người Tây Phương hơn nên cũng sẽ có thể chấp nhận dễ dàng hơn rằng sự trống-không
và không-trống-không, trên phương diện trí thức, cũng chỉ là một thứ như nhau
và cùng hiện hữu chung với nhau: nhờ đó đến khi luyện tập để thực hiện sự cảm
nhận thần bí về tính cách nhất nguyên của hai thể dạng (trống-không và không-trống không) thì
người này cũng sẽ gặp ít khó khăn hơn.
Người
ta có thể bảo rằng Huệ Hải, vị thiền sư mà tôi đã nói đến trên đây, cũng đã rơi
vào sự sai lầm nhị nguyên khi vị này cho rằng có hai thứ trống-không: thế nhưng
tôi vẫn tin rằng trường hợp của Huệ Hải không giống như như trường hợp của các người
khác, bởi vì không thể nào có thể nghĩ rằng vị ấy lại có thể phạm vào một lỗi lầm
quá ư thô thiển đến thế (tuy nhiên biết đâu ông ta cũng có thể là một nạn nhân
của sự sai lầm đó?). Dù sao thì cũng thật hết sức rõ ràng khi Huệ Hải nêu lên sự
phân biệt ấy (tức
là có hai thứ tánh không) thì đấy cũng chỉ là một hình thức chủ quan
nào đó: bởi vì tánh-không chỉ tương kết với không-tánh-không trong tâm thức của
những người hội đủ khả năng hoán chuyển được cả hai thể dạng là: thể dạng tri
thức nhận thức được tất cả là không-tánh-không và thể dạng tri thức nhận thức
được tất cả là tánh-không, thế nhưng cùng một thứ tánh-không ấy dưới thể dạng đích
thật của nó (tức
là tánh không đúng nghĩa hay đích thật) thì nó luôn độc lập với phương
cách mà nó được cảm nhận (như là một đối tượng) cũng như đối với người đã cảm
nhận được nó (như
là một chủ thể), và lúc nào nó cũng vượt lên trên mọi sự phân biệt
giữa "trống-không" và "không-trống-không" (câu này có nghĩa
là tánh-không và không-tánh-không do Huệ Hải nêu lên chỉ mang tính cách chủ
quan trong tâm thức ông, tánh không đích thật vượt lên trên cả hai thể dạng
này).
Dù
chỉ hiểu được giáo lý về tánh không một cách thật mơ hồ đi nữa - chỉ cần không
hiểu sai là được! - thì cũng đủ để giúp chúng ta không đánh giá Phật Giáo như một
tín ngưỡng yếm thế (có nghĩa là Phật Giáo không hề chủ trương hư vô).
Làm thế nào mà cái chết và sự tắt nghỉ lại có thể khiến gây ra một sự đau buồn
khi mà tuyệt nhiên chẳng có bất cứ một thứ gì [hiện hữu thật sự] để mà chết hay
bị hủy diệt? Cho đến khi nào chúng ta vẫn khăng khăng tin rằng chúng ta thực sự
là những thực thể mang tính cách cá biệt, đang gánh chịu sự sinh, sự tăng trưởng,
sự suy thoái và cái chết, thì khi đó chúng ta cũng sẽ có đầy đủ lý do để mà rơi
nước mắt. Thế nhưng khi nào mọi sự bất thần hiện ra một cách minh bạch (nhờ vào
các phương pháp thiền định đúng đắn) rằng "tôi" không phải là
"tôi", và tri thức của mỗi cá thể thật ra không hề mang một tính cách
cá thể nào cả, và đồng thời thì nó cũng tự nhận diện được mình là một thể dạng tri
thức rạng ngời, hiện hữu một cách độc lập, không đối tượng (không mang một chủ đích nào), và
chính nó cũng chỉ là sự hiện hữu chung của toàn thể vũ trụ - không sinh, không
tử, không hề được sáng tạo (incréé / uncreated / không hề được tạo dựng, tức hàm ý là
không hề được sáng tạo bởi một vị tối cao nào cả) cũng không hề bị hủy
diệt - thì khi đó cá thể ấy cũng sẽ có thể cười vào mặt ý nghĩ về cái chết, dù
đấy là cái chết của mình hay của bất cứ một người nào khác. Dù sao thì cũng phải
chấp nhận rằng cũng có nhiều người bám víu vào sự sống này, tất nhiên là một sự
sống mang đầy những thứ bất toại nguyện, và đồng thời tin vào thực thể của "cái
tôi" của chính họ, khăng khăng đến độ có thể nói rằng ý nghĩ sẽ bị biến mất
vào cõi vô tận (chết)
không đáng cho họ quan tâm bằng chính niềm tin vào sự hiện hữu mang tính cách
cá thể này (tức cái
tôi) của họ (đang có), và họ chỉ ước mong sao cho sự hiện hữu
này (cái tôi của
họ đang có) phải trường tồn dù là dưới hình thức này hay hình thức
khác, chỉ cần một điều kiện duy nhất là phải vĩnh viễn mà thôi (có nghĩa là họ chỉ
muốn được sống mãi không bao giờ chết, dù dưới thể dạng linh hồn hay vong linh,
dù trong thế giới này hay một cõi nào khác cũng được. Chỉ khi nào phải đối đầu
với những trường hợp tuyệt vọng và không còn chủ động được tâm thức của mình nữa
thì khi đó mới nảy ra ý định "muốn" tự tử cho rồi. Đối với những người
luôn bám víu như thế sẽ rất khó cho họ có thể hiểu được tánh không là gì).
Hãy cứ cho rằng ngay trong lúc này [nếu] chúng ta đang hiện hữu với tư cách là
những cá thể [cá biệt], thì tất nhiên chúng ta sẽ phải lo sợ vì đặc tính cá thể
ấy cũng sẽ bị mất đi vào một lúc nào đó (chết) và vì thế cũng sẽ khó cho chúng ta tránh khỏi
lo âu: thế nhưng đối với một nhà thần bí (tức một người tu tập) cao thâm thì người này sẽ
hiểu rằng qua kinh nghiệm cảm nhận sống thực của mình (tức là khi đã đạt được tánh không)
thì không hề có một nhân dạng mang tính cách cá thể (individuality) nào hiện hữu cả, do
đó ý nghĩ bị mất đi đặc tính cá thể (hay nhân dạng, hay cái tôi) của mình cũng sẽ hoàn
toàn không hàm chứa một ý nghĩa nào cả. Tất cả những gì mà chúng ta có thể bị mất
đi - trong kiếp sống này hay trong kiếp sống tương lai - ấy chỉ là các thứ ảo
giác vô nghĩa phát sinh từ sự mong muốn được hiện hữu dưới những hình thức cá
thể ("cái
tôi" hay cái "của tôi"). Nếu hiểu rằng các thứ ảo
giác ấy chính là nguyên nhân tạo ra đủ mọi thứ bất toại nguyện cũng như hầu hết
các nỗi khổ đau trong cuộc sống, thì còn có niềm hạnh phúc nào có thể to lớn
hơn khi đánh mất nó!
Nếu
tôi phải đưa bài viết ngắn này cho một trong số các vị thầy Tây Tạng hay Trung
Quốc của tôi xem thì biết đâu vị này cũng sẽ có thể bảo tôi rằng: "Hãy xé
bỏ nó đi! Đấy chỉ là những thứ biện luận triết học làm mất thì giờ vô ích cho
mi và cho cả người khác, toàn là những thứ luận bàn vô ích về những gì mà Kinh
Sách gọi là tánh không! Hàng chục pho sách bàn về chủ đề ấy cũng không giúp cho
mi hay cho người khác đạt được một sự hiểu biết đúng đắn hơn. Cái tánh không ấy
hiện đang nằm trong tâm thức của chính mi đấy và cả trong cùng khắp mọi nơi. Điều
cần làm là phải cảm nhận được nó. Hãy chấm dứt ngay cái trò viết lách và tìm
tòi trong sách vở, và phải trực tiếp tìm cách thực hiện sự cảm nhận ấy ngay đi".
Tôi
nghĩ rằng khi nêu lên lời khuyên này tất sẽ khiến cho nhiều người phải mỉm cười:
bởi vì ngay cả những vị thầy uyên bác nhất cũng đều phải đi đến chỗ cần phải viết
ra hay nói ra - dù chỉ vừa đủ để giúp cho các đệ tử của mình ý thức được là có
một kho tàng cần phải khám phá nếu không thì tất sẽ khó để giúp cho họ tránh khỏi
tình trạng đánh mất hết năm tháng của đời mình mà không hề nghĩ đến việc phải tìm
kiếm cho bằng được cái kho tàng ấy.
Tuy
nhiên phải nói rằng chưa bao giờ tôi được nghe thấy bất cứ một vị thầy nào của
tôi tự nhận rằng mình có thể định nghĩa được tánh không là gì (tất nhiên là như
thế, bởi vì đấy chỉ là một kinh nghiệm cảm nhận trong tận cùng của tâm thức họ,
cái cảm nhận ấy không thể mô tả bằng lời được). Họ chỉ quan tâm duy
nhất đến trọng trách phải làm thế nào để có thể đưa ra các phép luyện tập giúp
cho bất cứ một người đệ tử nào nếu cần mẫn cũng đều có thể tự mình khám phá ra tánh
không bằng cách vượt thoát khỏi những ranh giới chật hẹp của sự lý luận lô-gic,
luôn bị vướng mắc trong mọi thứ khái niệm và nguyên tắc nhị nguyên, hầu giúp
cho họ hòa nhập vào bầu không gian vô biên của sự cảm nhận đơn thuần.
Các
phương pháp luyện tập của người Tây Tạng nhằm giúp mang lại sự cảm nhận trên
đây thật hết sức đa dạng. Sự đa dạng ấy là một cách thích nghi với các loại chướng
ngại (ngăn chận
việc luyện tập) cũng rất đa dạng. Các chướng ngại này sở dĩ rất đa dạng
là vì trí thông minh, các khả năng bẩm sinh cũng như kinh nghiệm của các người tu
tập rất khác biệt nhau. Tuy nhiên hầu hết các phương pháp trên đây đều có một
căn bản khá giống nhau, đấy là cách chuẩn bị cho tâm thức vươn lên nhờ vào phép
thiền định dựa vào cách thường xuyên trì tụng câu kinh man-tra (chữ man- có gốc từ
chữ Phạn manas, có nghĩ là "tâm thức"; chữ -tra có gốc từ chữ Phạn
traya, có nghĩa lả "bảo vệ" hay "che chở". Các câu man-tra
là các câu trì tụng mang tính cách thiêng liêng của Kim Cương Thừa - còn gọi là
Tan-tra Thừa - nhằm che chở tâm thức của người tu tập) mang ý nghĩa như
sau: "tánh không là bản chất của tất cả mọi thứ dharma (tất cả mọi đối tượng, khái niệm, v.v...) (nói một cách tổng
quát hơn là tất cả mọi hiện tượng) và chính tôi thì tôi cũng chỉ là bản
chất ấy của tánh không". Cách lập đi lập lại thường xuyên câu man-tra trên
đây sẽ mang lại một sức mạnh thật lớn - đủ để có thể giúp loại bỏ được các chướng
ngại hiện ra trong cuộc sống của những ai chỉ biết nhìn vào thế giới hiện tượng
qua những biểu hiện bên ngoài (tức là những thể dạng biến động và vô thường) của
nó. Hầu hết các phương pháp trên đây còn đưa ra một phép luyện tập thiền định khác
nữa, đấy là cách nhìn vào các biểu đồ để quán tưởng. Một loạt nhiều loại biểu đồ
được chọn sẵn để người tu tập quán nhìn vào đấy, càng quán nhìn thường xuyên và
càng quán thấy các biểu đồ ấy minh bạch hơn thì hiệu quả mang lại sẽ càng nhiều
hơn. Các biểu đồ này sẽ tuần tự hòa nhập vào nhau và sau đó sẽ hòa nhập với chính
người hành thiền, và người hành thiền thì cũng hướng vào các biểu đồ ấy để hòa
nhập với chúng. Quá trình hòa nhập và thu hẹp tuần tự ấy (các biểu đồ hòa nhập vào nhau và người hành
thiền cũng hòa nhập vào đấy và tất cả thu nhỏ dần) tiếp diễn cho đến
khi nào chỉ còn lại một điểm bé tí xíu và sau cùng thì chính điểm này cũng sẽ tan
biến vào tánh không. Tất nhiên là quá trình trên đây không phải dễ thực hiện nếu
người tu tập chưa hội đủ khả năng để chủ động thật cao độ tâm thức mình. Tuy nhiên
trong giai đoạn đầu khi mới luyện tập thì cũng chỉ cần đạt được một chút kết quả
thật nhỏ cũng đủ để giúp người tu tập suy đoán ra những gì sẽ còn phải thực hiện
thêm sau này.
Tất
nhiên tất cả mọi sự nhận biết được tánh không dù bằng cách trực tiếp (quán nhận bằng thiền
định) hay gián tiếp (bằng cách học hỏi) cũng đều mang lại lợi ích. Nếu
một người tu tập dựa vào kinh nghiệm của chính mình (thiền định) quán nhận được tất cả
mọi sự vật (tất nhiên trong đó gồm có cả cái tôi của chính mình) đều vô thường
và chỉ có một giá trị tương đối thì người ấy cũng sẽ loại bỏ được mọi sự bám
víu vào các thứ hình tướng (bên ngoài) và các ý nghĩ (bên trong tâm thức) vì chúng chỉ
là trống không. Đấy cũng là điều kiện sơ đẳng và tiên quyết nhất góp phần mang
lại mọi sự thăng tiến tâm linh sau này. Người ấy sẽ cảm thấy mình được giải
thoát khỏi những gì chi phối và trói buộc mình. Cách nhìn của người ấy về tất cả
mọi sự vật trong cuộc sống cũng sẽ theo đó mà hoàn toàn thay đổi hết. Mọi sự
tham lam, thèm muốn, ích kỷ, lo buồn, sợ hãi sẽ không còn có thể kiềm tỏa và
trói buộc người ấy được nữa: bởi vì khi đã vượt thoát khỏi mọi chướng ngại thì
người ấy sẽ thanh thản bước vào con đường hướng đến Giác Ngộ. Đề cập đến chủ đề
tiếp cận với tánh không cũng chính là một cách nêu lên các kinh nghiệm cảm nhận
thuộc vào một lãnh vực vô cùng thiêng liêng, chẳng qua là vì tánh không có thể
ví như chất liệu (matrice
/ matrix / chất liệu hay khuôn đúc) kiến tạo ra sự hiện hữu, là khuôn
mẫu của hiện thực tối hậu, nơi đó quá khứ và tương lai, những gì thật gần hay
thật xa, sự Nhất Thể hay Đa Dạng..., tất cả đều bị loại bỏ, không còn bất cứ gì
tồn lưu để có thể ngăn chận những tia sáng rạng ngời của Sự Thật. Ở cấp bậc hiện
tại chúng ta vẫn còn trông thấy tính cách Nhất Nguyên xuyên qua khía cạnh Đa Dạng
(nhìn thấy các
hiện tượng Đa Dạng và hình dung ra hay suy ra tính cách Nhất Nguyên của chúng),
thế nhưng vào một cấp bậc cao hơn (khi tánh không đã giảm xuống) (tức là khi đã
thăng tiến trong việc luyện tập thiền định thì sẽ nhìn thấy sự biến động và ảo
giác của mọi hiện tượng giảm bớt và lắng xuống) thì chúng ta sẽ thấy
được sự Đa Dạng dưới khía cạnh Nhất Nguyên (trông thấy tất cả mọi hiện tượng đều nhất thể).
Khi nào mục đích đã hoàn toàn đạt được thì cả hai khía cạnh ấy (tức là Đa Dạng và
Nhất Nguyên) sẽ hiện ra dưới thể dạng vô tận của chúng, một thể dạng
vượt lên trên mọi sự phân biệt (không phải là Đa Dạng mà cũng chẳng phải là Nhất Nguyên)
- một thể dạng thật kỳ diệu và thánh thiện vượt khỏi mọi ngôn từ và tư duy (tức có nghĩa là đạt
được Tánh Không Tối Thượng hay sự Giác Ngộ).
No comments:
Post a Comment