Sunday, July 28, 2013

Nguyễn Hữu Đang



 Con người Phùng Cung và những bài thơ hay trong tập Xem Đêm
Thân ái tặng NXB Văn Hóa - Thông Tin
cũng là một Đạm Tiêm đem thơ trả lại người được giải oan
N.H.Đ
 
Cách đây ba năm, khi tôi còn ở quê (Thái Bình) và Phùng Quán còn sống bên Hồ Tây, ông khoe với tôi tập thơ hãy còn là bản thảo của Phùng Cung mà ông khen hết lời. Tôi nửa tin nửa ngờ: văn xuôi thì qua truyện ngắn Con ngựa già của Chúa Trịnh nổi tiếng, Phùng Cung đã tỏ ra có nghệ thuật vững, còn Phùng Cung làm thơ thì chưa chắc đã hay. Nhưng khi được đọc bản thảo, dù khó tính, tôi cũng thích thú. Nhiều bài hay, có những bài đáng coi là tuyệt tác. Và tôi cùng ông Quán cố gắng tạo điều kiện cho tác phẩm ra đời.
Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin đã sốt sắng nhận làm bà mụ đỡ đẻ cho đứa con tinh thần này của Phùng Cung. Khi đón nhận nó với cái tên ngộ nghĩnh Xem Đêm, tôi nghĩ ngay đến một câu của thi hào cổ đại Horace như đã "ứng" vào trường hợp này: "Tôi sẽ không chết tất cả"[1] (ngụ ý sau khi thi sĩ qua đời, tác phẩm của ông là một phần con người ông sẽ còn sống mãi), Phùng Cung cũng hoàn toàn tin tưởng lạc quan ở sức sống lâu dài của thơ ông như Horace nghĩ về thơ mình. Và cố nhiên bấy lâu ông hằng mong thơ ông chóng thoát ly bản thảo để sức sống kia được thử thách và cống hiến.
Thơ Phùng Cung tích lũy trong thầm lặng khắc kỷ đã phải nằm chờ hơn hai mươi năm dưới lớp bụi thờ ơ, như Hằng Nga ngủ trong rừng, chưa có Hoàng tử Đẹp trai đến đánh thức, nay một phần được in là tín hiệu việc quản lý văn nghệ có khả năng mở ra một thời kỳ đổi mới -một thời kỳ mà Ehrenbourg[2] gọi là "đợt tan băng giá"- chí ít cũng hứa hẹn sẽ phóng khoáng hơn trước. Hứa hẹn chung với mọi người thì chưa chắc đã thực hiện được, nhưng riêng với Phùng Cung thì rõ ràng ông là một cây bút vốn bị hoàn cảnh không bình thường kìm hãm, đang giành lại chỗ đứng dưới mặt trời. Nếu không, sẽ chẳng bao giờ chúng ta biết đến một tập thơ đáng trân trọng.
Tập Xem đêm đem lại cho chúng ta những vẻ đẹp bất ngờ trong môi trường nông thôn cũ (chưa cơ khí hóa, điện khí hóa, tập thể hóa), nơi có hai nét đặc trưng cổ truyền là quang cảnh thanh bìnhtinh thần thuần phác mà văn học thường phản ánh như sự đền bù cho tình trạng nghèo khổ, lạc hậu, hai nét đặc trưng mà những đồng bào đi sinh sống ở nước ngoài thường nhớ tới như diện mạo quê hương. Nói cho đúng, đó là hình ảnh tổng hợp những nét chung của nông thôn miền châu thổ sông Hồng trong một quãng dài lịch sử ngàn năm, một hình ảnh mà tác giả tha thiết giữ trong ký ức vì ông đã quyến luyến nó từ "thời mũi rãi". Cái nôi yêu quý ngày xưa đã trở thành nguồn cảm hứng phong phú ngày nay cho một tâm hồn bén nhậy.
Hiện thực ở đây đã được chắt lọc qua rung động thẩm mỹ nên thơ mộng, nhưng cũng rất thật. Thân quen biết mấy, những cánh đồng bát ngát, ruộng lúa, bãi ngô, vườn dâu, nương vừng, xóm trại, khúc sông, bến đò, quán chợ, giếng đình, giàn trầu, giàn bí, lũy tre, ao bèo, củ khoai, nải chuối, quả ổi, trái ớt, hoa bưởi, hoa cau ... và cả một thế giới động vật nhộn nhịp những trâu, bò, gà, chó, chim, cò, giun, dế, chuồn chuồn, đom đóm... xung quanh những con người lam lũ, hiền lành, có cô con gái "ý tứ soi gương đáy nón", có truyện cũ chàng trai si tình "đề thơ vạt áo", có người mẹ trẻ "sữa con so ướt yếm", có người vợ đảm về chợ tối "bước sấp ngửa" ... Bấy nhiêu hình ảnh tràn ngập không gian vang vọng tiếng gọi đò, tiếng sáo diều, tiếng tù và, tiếng chó sủa, tiếng ru con ... Tất cả chung đúc lại thành bức tranh quê quen thuộc mà một Anh Thơ hay một Đoàn Văn Cừ đã có lần ghi chép thật thà, mộc mạc, hoặc kết thành một khúc nông ca (bucolique) mà Virgile[3] đã để lại mẫu mực.
Nhưng tập Xem đêm không chỉ có thế. Do tự nhiên thuận lợi hay sáng suốt lựa chọn, Phùng Cung đã tìm được cho thói quen tằn tiện lời nói của mình một địa hạt đắc dụng là địa hạt thơ, nó đòi hỏi phong cách diễn đạt hàm súc. Thơ hai-kai của Nhật Bản mà thế giới đánh giá cao đã chứng tỏ khả năng truyền cảm, gợi ý tối đa của lời văn tối thiểu.
Tuy vậy Phùng Cung cũng chưa yên tâm mà vẫn đầu tư biết bao công sức để tìm những lời thơ "xuất thần", tìm không mệt mỏi như dân hải đảo mò ngọc trai. Ôi công sức của Phùng Cung, có lẽ bậc thầy Đỗ Phủ cũng phải bằng lòng vì đã mặc nhiên thực hiện câu thề nguyền của nhà đại thi hào đối với thơ: "Lời không làm cho người ta kinh hãi thì chết cũng chưa thôi" (Ngữ bất kinh nhân, tử bất hưu).
Bằng một thứ ngôn ngữ cô đọng như tinh chất, tế nhị như hương thơm, ông mời bạn đọc làm quen với một Nàng Thơ đẹp kín đáo duyên lặn vào trong và khó tính, để tìm hiểu đến trở thành tri kỷ. Tôi tin rằng với nhiệt tình yêu thơ, vào cuộc họ sẽ nhận ra tác giả gắn bó với tình người và sự thanh cao. Có điều là vào cuộc ở đây cần đến cảm quan trực giác nhiều hơn là trí tuệ thông minh.
Mặt khác, ngoài hai tính cô đọng và tế nhị phù hợp với thơ nói chung, ngôn ngữ Xem đêm còn đậm đà tính dân gian phù hợp vời đề tài thôn dã, được vận dụng điêu luyện trong những vần thơ êm nhẹ như cánh cò bay mà làm rộn lên trong tâm trí chúng ta lời ăn tiếng nói của bao thế hệ ông, cha.
Chúng ta hiểu vì sao nhà thơ Quang Huy, trong bài giới thiệu in ở đầu sách, đã khẳng định hoàn toàn khách quan, công bằng: "Phùng Cung xứng đáng là bậc thầy về nghệ thuật ngôn từ".
Chính nghệ thuật ngôn từ đã là một trong những yếu tố quan trọng làm cho thơ Phùng Cung độc đáo. Độc đáo là một tiêu chuẩn văn học khó đạt được mà Guy de Maupassant[4] đề cao đanh thép như thách đố: Nhà văn xứng đáng với tên gọi ấy phải biết nhìn như chưa từng có ai nhìn như thế, biết nói như chưa từng có ai nói như thế.
Nhờ chiều sâu vốn sống và biết nhìn, biết nói như tính độc đáo yêu cầu, Phùng Cung đã tìm ra cái mới, cái lạ. Nhưng cái mới, cái lạ thường làm cho độc giả bỡ ngỡ, có khi không hiểu. Tôi muốn nói đến những điểm tối nghĩa trong Xem đêm, những điểm dễ bị người ta chê trách, hoặc là ẩn ý mà người ta không nghĩ tới, hoặc là bỏ lửng mà người ta không đoán ra, hoặc là ước lệ riêng về cách viết mà người ta không chấp nhận. Có thể đó là những sáng tạo chưa hoàn chỉnh, nhuần nhuyễn nhưng tác giả có quyền mạnh bạo đem thí nghiệm. Cũng có thể, như trong âm nhạc cổ điển, hội họa hiện đại, đó là những sản phẩm đặc biệt mà người muốn thưởng thức phải có "vốn" để thưởng thức. Nếu không ... nếu không thì người "ngoại đạo" bao giờ cũng thiệt vì "ngoại đạo", người "vô minh" bao giờ cũng bị thiệt vì "vô minh", chính kẻ viết bài này cũng đã "ngoại đạo", "vô minh" đối với một số điểm tối trong Xem đêm[5]. Còn về phía người làm thơ, dù không đi vào quỹ đạo những trường phái thơ kín mít, người làm thơ tự tín, tự trọng cũng tán thành lời nhắn nhủ của nhà phê bình trứ danh Pháp Sainte Beuve (1804-1869): Thi sĩ không nên vì tham vọng chiều ý được hết thảy mọi người mà "pha loãng nước hoa của mình".
Không phải vô lý nếu đã trên một trăm năm rồi, người ta nêu trách nhiệm tìm hiểu của người đọc là phải "đọc tích cực", phải "tự tìm ra thìa khóa", phải "đi gặp tác giả ở giữa đường". Về những điểm tối trong Xem đêm, tôi có ấn tượng tác giả tin tưởng và chờ đợi chúng ta sẽ thông cảm bổ sung, vì cái kho ngôn từ của ông dù đã phong phú cũng không đủ để ông bộc lộ được hết ý mình. Nhìn dưới góc độ tiến hóa chung, quần chúng hưởng ứng những sáng tạo của nhân tài như thế là phần năng động, phát huy trong sự phân công lao động xã hội.


*

Sau khi nhận biết thế mạnh và những đòi hỏi của tác giả để thực hiện độc đáo, chúng ta tìm hiểu tác phẩm tận gốc của nó là nguồn cảm hứng. Trên kia nói nguồn cảm hứng thứ nhất (về thẩm mỹ) của Xem đêm là những vẻ đẹp nông thôn đã hấp dẫn tác giả từ thuở nhỏ. Một nguồn cảm hứng nữa (về tư tưởng) đã đưa đến việc sáng tác hàng loạt những bài thơ chiếm gần nửa nội dung tác phẩm là tình thương cao cả của con người Phùng Cung.
Không phải ông chỉ thương số phận bất hạnh con người, mà thương cả số phận bất hạnh loài vật và cỏ cây là những sinh vật chung sống với người như hàng xóm, như bạn bè.
Ở đây hiện tượng xa lạ với hành động của một nhân vật lãng mạn, sướt mướt tưởng tượng bông hoa chết như người, rồi thương hoa, khóc hoa, chôn hoa. Cũng không phải trường hợp nhà văn dùng thủ thuật nhân cách hóa trong bút pháp hoặc mượn loài vật làm ẩn dụ để nói người. Ở đây hiện tượng là con người Phùng Cung trong đời thường, với tư cách là một sinh vật, có ý thức đồng loại với những sinh vật khác và lấy đạo đức bác ái đối xử với đồng loại, cụ thể là thật sự có tình cảm với loài vật, cỏ cây.
Tôi biết Phùng Cung không chịu ảnh hưởng của thuyết luân hồi - kiếp nghiệp trong đạo Phật mà tình thương của ông cũng chan hòa rộng khắp đến mức trở thành ý kiến hiếu sinh đại đồng.
Cố nhiên tình thương ấy theo trật tự lô-gích ắt phải bắt đầu từ nhân loại và giành ưu tiên cho những người thân nhất. Trước hết, đi vào quá khứ, ông thương bà thân sinh quanh năm khó nhọc tảo tần miếng cơm, manh áo, nuôi con đến bước trưởng thành:
            Mồ hôi mẹ
            Tháng ngày đăm đăm
                               nhỏ giọt
            Con níu giọt mồ hôi
            Đứng dậy làm người
                               (Mẹ, trang 8)
Rồi thương người vợ hiền đã cùng mình chia sẻ cuộc đời điêu đứng:
            Em vất vả
            Tối ngày tất tả
            Lưng áo em
            Ngoang vôi trắng xóa
            Cái trắng này vắt tận trong xương
                               (Mồ hôi xương, trang 33)
Đến thương một nhà thơ:
            ...
            Nửa thế kỷ
            Bị lưu đày
            Trong cõi tung hô.
                               (Tội nghiệp, trang 37)
Thương một gia đình cùng kiệt xác xơ:
            ...
            Rổ không hờ hững quang treo
            Nắng thả chào mào nghiêng nghé
            Chó vẽ bóng gầy sân bếp
            Gió khều tã vã múa may
                               (Gia cảnh, trang 19)
Thương những người xiêu bạt kiếm ăn:
            Cửa liếp nối xa xăm
            Người đi từ dạo đói
            Chiều ghé sân hoang.
            ...
                               (Nắng hàn vi, trang 45)
 
Thương xóm nghèo:
            Trang trại trưa hè khát bữa
            Lẻ tấm
            Búng đèn
            Đũa mắm
            Đểnh đoảng mùi cháo - canh
            Gịuc cả xóm cởi trần.
                               Cháo - canh, trang 23)
Thương người cán bộ phụ nữ luống tuổi, phải về hưu non, sống khó khăn trong nghề bán rượu lậu, ba-lô nặng chĩu:
            Nửa đời
            Nước thải
            Hưu non
            Vã mồ hôi son
            Tảo tần chiều sớm
            "Cuốc lủi" lưng vơi
            Ngẫm câu tục ngữ[6]
            Mắt trước mắt sau
            Kinh hoàng di lụy
            Tóc bạc vào mùa
            Răng hơi bị đuối
            Trệu trạo trái sung
            Ruột tím cơ hàn.
                               (Tím cơ hàn, trang 102)
Thương người con gái chết đuối:
            Chớm tuổi yếm son
            Em hay xấu hổ
            ...
            Chiều mưa ấy
            Dốc ao trơn
            Em sẩy chân
            Bất ngờ - ân hận
            ...
            Xóm khóc - ngậm ngùi
            Từ đấy ao hoang
            ...
                               (Ao hoang, trang 49)
Thương những người nằm dưới đất:
            Lạnh nhịp sương rơi
            Chiều - gạo đổ
            Dế gào chân mộ
            Trăng lên.
                               (Nghĩa trang, trang 25)
Nhìn sang thế giới bên kia, ông thương những cô hồn lang thang:
            Gió nã từng cơn
            Bùa trấn trạch
            Nấp trong giấy bản
            Bến đò, quán chợ, ngã ba
            Vật vã mùi cháo thí đêm hè.
                               (Cháo thí, trang 32)
Đã nghĩ đến những nghịch cảnh chung ở thế giới bên kia, hẳn Phùng Cung không quên những nghịch cảnh chung ở thế giới bên này. Ông thương đồng bào chịu gian khổ trong vùng lũ lụt:
            Đê tiền triều gẫy khúc
            Đồng ngập trắng
            Con lềnh đềnh cõng vắng bơi suông
            Thương em đứng giữa mùa nước mắt.
                               (Mùa nước mắt, trang 47)
Thương những người già trong kháng chiến phải bòn sức lao động sản xuất, đói vẫn hoàn đói:
            Giặc quấy
            Làng queo quắt
            Tụi trẻ đi - đi hết
            Dờ dật sức già gãi đất
            ...
            Cái đói tròn
            Lăn kín bốn mùa
                               (Gãi đất, trang 65)
Thương những người chết trận, nạn nhân của chiến tranh khốc liệt và chủ nghĩa anh hùng dã man thời phong kiến:
            Mỗi chiến thắng
            Một lần gươm tắm rượu
            Ruồi vẫn qua lùng máu
                               sa trường
            (Gươm báu, trang 68)
Thương giai cấp nông dân sống cơ cực không lối thoát trong nền sản xuất lạc hậu:
            Mặt trịn nắng
            Ngả màu chum, vại
            Hì hụi lối mòn tử đạo
            Lưng cơm chan đẵm phong trần.
                               (Phong trần, trang 71)
Thương một dân tộc tàn lụi sau một thời cường thịnh huy hoàng:
            Chiều Phan Rang xanh đau
                               ngọc nát
            Nắng Chiêm Thành quanh quất
                               tháp hoang
                               (Tháp Chàm, trang 84)
Thương nhân dân nước nào đó sống lầm than dưới cường quyền:
            ...
            Phải đâu nhật thực triền miên
            Ngày tối hơn đêm
            ...
            Quỳ gối chống tay vẫn còn sợ ngã
            Mặt đất quá cheo leo.
                               (Đêm vó ngựa, trang 20)
Đến đây tôi muốn giới thiệu một Phùng Cung lãng mạn "như ai", thương tiếc những mối tình không trọn, cố nén lòng giữ giọt lệ khi gặp lại hai người yêu cũ, một đã thành sư bác mà vẫn chưa quên những ngày dan díu:
            ...
            Nhìn trước nhìn sau
            Em khẽ khóc
            ...
            Ngại đường tu dang dở
            Em vội lau nước mắt
            ...
            Trót nhớ mãi
            Một chiều nghiêng lụy.
                               (Nghiêng lụy, trang 100)
Người thứ hai dáng dấp gian truân, tiều tụy, không còn đủ can đảm nhìn người cũ:
            ...
            Lâu lắm gặp em
            Em chỉ khóc quay đi
            Bước héo
            Áo gầy
            Gió va nón cũ
               Tôi hiểu em
            Tôi chẳng nói được gì.
                               (Gặp em, trang 29)
Với lòng trắc ẩn ân cần đến có thể cưng chiều, ông mủi lòng về những tâm hồn trong sáng nhưng yếu đuối, không chịu nổi một sự buồn phiền nhỏ, như người phụ nữ thảo hiền đa cảm, khóc vì lo người thân phải chờ mong, tủi thân vì thiên nhiên cản trở:
            Bước sấp ngửa
            Em về chợ tối
            Gió bãi khoai quấn quít
            Làm em mau nước mắt
            Đèn con xóm trại đang chờ.
                               (Về chợ tối, trang 101)
Người được thương không có điều gì bi thảm, chỉ vì đức hạnh mà xúc động ngây thơ nên ông vì quý mến mà vỗ về, an ủi. Một tình thương dẹp dịu như ánh trăng thu!
Cũng với lòng trắc ẩn ân cần ấy, ông hận cho những cánh bèo trôi nổi không cùng:
            Lênh đênh muôn dặm
                               nước non
            Dạt vào ao cạn
            Vẫn còn lênh đênh
                               (Bèo, trang 7)
Ông không thể cầm lòng trước cảnh những quả chuối mới trổ, bấy bớt như trẻ sơ sinh mà phải chịu rét mướt mùa đông, thân trần trụi:
            Gió bấc về
            Chuối vừa mới trổ
            Dằn vật lỗi mùa
            Băn khoăn chung chiếc khố
            Lấy gì che chắn gió xung quanh.
                               (Chùm gió bấc, trang 96)
Nếu trong thơ Đường, hoa đào vô tình bên cái chết bi thảm của người con gái ốm tương tư, vẫn thản nhiên "cười với gió Đông" thì, trong thơ Việt Nam, Phùng Cung
            Thương cây đào ốm
            Xuân về chẳng nụ hoa
            Lá gầy run gió lạnh.
                               (Cây đào, trang 21)
Vì ốm, cây đào thiếu vẻ đẹp trong mùa xuân đã là đau khổ nhưng sự sống chưa mất hẳn, còn cây cà:
            ...
            Cõi bẩn thỉu
            Cố xanh, cố tím.
            ...
mà bị sâu róm ăn hết lá, nhất định cây cà sẽ chết:
            Cành suông chết điếng tím, xanh.
                               (Chết điếng, trang25)
Đối với cây, dù ông quan tâm như vậy, tình thương của ông cũng không nhiều bằng đối với loài vật có tri giác như người[7]. Điều đó ngẫu nhiên phù hợp với một luồng tư tưởng tiên phong hiện nay trên thế giới đòi cho loài vật được đối xử như người, muốn mở rộng dân chủ đạo lý đến loài vật là đối tượng mà nhà văn kiêm nhà sử học Pháp Michelet (1789-1874) gọi thân thiết là "những anh em hạ đẳng của chúng ta". Phùng Cung không chú ý đến luồng tư tưởng ấy và những phong trào hưởng ứng[8], song đối với ông, thương loài vật như thể thương người là một đạo đức đi đôi với đạo đức "thương người như thể thương thân".
Tình thương của Phùng Cung đối với loài vật cũng như đối với người và cây, bắt nguồn từ ước mơ sẽ không còn thảm cảnh trên trái đất này, một ước mơ quá đẹp đã là một trong những động cơ của các tôn giáo lớn, các chủ nghĩa xã hội cũ và mới. Đâu phải chuyện hão! Từ thời tiền sử, sau khi con người homo sapiens (con người trí tuệ, tinh khôn) xuất hiện, ước mơ và hy vọng không bao giờ hết đã chiếm nửa cuộc sống loài người.
Nặng lòng ước mơ, Phùng Cung buồn rầu nhìn cái chết của con dế bé bủn và vô tội, biết "gào chân mộ", biết "tìm lại tiếng mình đêm trước", bỗng
            ...
            Chiều mưa dội
            Nước dềnh sân
            Một xác dế bồng bềng.
                               (Dủi, trang 61)
Ông càng bùi ngùi về cái chết của con chào mào
            Dây bẫy cần
            Cánh xõa gió bung biêng
            ...
                               (Gốc vườn, trang 62)
Lại còn lũ gà con "nhú đôi cánh sữa" gặp rét thấu xương:
            Gió bấc về
            Gà con lên cơn sốt
            Nhong nhóc đi, đứng
            Chen nhau tìm chỗ ấm
            Cẳng gầy lội gió.
                               (Chùm gió bấc, trang 96)
Đều là thảm cảnh. Trong chuỗi thảm cảnh của loài vật được ông phản ánh trong Xem đêm có lẽ số phận con trâu mà bài Ê ẩm hé mở cho thấy, làm ông đau xót hơn cả, đau xót và công phẫn. Kiếp trâu bạc bẽo, bạn hiền của người mà bị đối xử dã man đến cực độ, lúc khỏe kéo cầy là "đầu cơ nghiệp", khi kiệt lực bị giết để người ta ăn thịt lại còn lột da bưng trống.
Bên cạnh thảm cảnh của con trâu là thảm cảnh của con cua, con vạc; cả hai đều hèn mọn:
            Cua đồng (trang 34)
            Phận lấm
            Tối ngày đào khoáy
            Lưng nắng vẽ
            Hoa văn tiền sử
            Chài chãi đồng chiêm
            Mấy kiếp rồi.
 
            Vạc (trang 28)
            Nắng táp cánh đồng
                               xơ xác
            Bước liêu xiêu
            Cái vạc ăn ngày.
Hai bài thơ trên cùng với những bài Gia cảnh, Nắng hàn vi, Cháo - canh, Mùa nước mắt, Gãi đất, Nắng cũ, Ra Tết, Bánh trôi, Bữa đẹp, Nhỏ to, Nắng thừa, Dập gẫy, ... và hàng chục bài nữa, làm nổi lên cái hiện thực nghèo khổ của nông dân Việt Nam đến nay vẫn chưa hết. Con cua, con vạc khốn khổ gợi cho người ta nghĩ đến hàng bao nhiêu triệu gia đình nông dân đuối kém đang mong đến lượt mình được "xóa đói giảm nghèo".
Bình luận tập Xem đêm, một tờ báo xuất bản ở Đức nhận xét:
"Một đặc điểm của Xem đêm là không có bài nào động chạm trực tiếp đến các biến cố lịch sử trong đời sống dân tộc mấy chục năm qua", thay vào đó là "Những mảnh cắt từ một nông thôn Việt Nam nghèo khổ" và "Phùng Cung, ở mặt này của hiện thực, đã đạt tới độ sâu sắc chưa từng thấy trong thơ ca Việt Nam mấy chục năm đổ lại đây".
Một tháng sau bài báo nói trên, đài phát thanh Úc cũng lên tiếng khen ngợi tập Xem đêm, so sánh thơ Phùng Cung với thơ Octavio Paz (Mê-hi-cô) và Seamus Heaney (Ai-len) là hai người được tặng giải văn học Nobel, để rút ra nét gần gũi, tương đồng giữa ba cây bút.
Còn trong nước, bào Tiền Phong (Chủ nhật) ra ngày 18-8-1996 viết: "Sự trở về" của Phùng Cung gây ấn tượng cho làng thơ không phải chỉ vì sự đột ngột của nó mà còn vì sự tinh luyện của hồn thơ, của câu, chữ."
Báo Tuồi trẻ (Chủ nhật) ra quãng từ 6 đến 12 tháng 10-1996 viết: "Thời gian xuýt phủ rêu lên tên ông nhưng lưỡi dao thơ ông kịp cạo rơi màu quên lãng ấy".
Chẳng có "ban bệ" nào nâng đỡ, thơ Phùng Cung tự lực gặt hái đã tỏ ra là một thành tựu được dư luận rộng rãi chú ý, hoan nghênh. Và tất nhiên có nhiều người muốn biết thi pháp nào đưa đến thành công ấy. Nhưng Phùng Cung là người làm thơ không theo một lý thuyết vay mượn nào, kể cả những lý thuyết đã có uy thế một thời; ông cũng không tự đặt ra lý thuyết để áp dụng. Giá có ai thân mật hỏi "Thế nào là thơ hay?", "Phải làm những gì để thơ hay?", chắc ông sẽ chẳng có một "khoa học làm thơ" trong túi để đưa ra giới thiệu, mà sẽ khiêm tốn trả lời né tránh như là mình chỉ biết vâng theo tình cảm, xúc động, ngẫu hứng và ngôn ngữ quen dùng.
Nói khái quát, thơ Phùng Cung đã hình thành trong thực tiễn ghi nhận tinh tế và sâu sắc những phản ứng tự nhiên của tâm hồn và nhân cách trước hiện thực: hiện thực nhiều vẻ đẹp làm ông say mê thì nội dung thơ ông thẩm mỹ; hiện thực nhiều thảm cảnh khiến ông xót thương thì nội dung thơ ông hướng thiện. Phải nói ngày là ông coi trọng hướng thiện hơn thẩm mỹ. Ở điểm này thái độ Phùng Cung giống thái độ Romain Rolland (1866-1944), nhà văn Pháp nổi tiếng (được tặng giải văn học Nobel năm 1915), người đã từng tuyên bố: "Tôi sẵn sàng đặt lòng từ thiện lên bậc giá trị cao hơn nghệ thuật trăm lần[9]".
Chính vì thơ Phùng Cung xuất phát từ sự phản ứng tự nhiên của tâm hồn và nhân cách trước hiện thực nên trong khi thơ Lê Đạt muốn "vượt vũ môn" để tìm sức sống nơi bóng chữ thì thơ Phùng Cung -cũng như thơ Trần Dần đã được Hội nhà văn tặng giải thưởng năm ngoái- vẫn chân chỉ, trung thành với bóng người. Cái bóng của Phùng Cung là bóng một con người nhân hậu, khoan hòa, có lý tưởng công bằng, bác ái, yêu đời, yêu nước và làm thơ chưa đẫy sức. Chưa đẫy sức vì hoàn cảnh chưa thuận lợi cũng có, vì bản thân thơ chưa trưởng thành cũng có. Nếu tôi được ủy quyền chọn lại những bài thơ trong tập Xem đêm, tôi sẽ loại đi ít nhất một phần tư với lòng tin tưởng tác giả sẽ không dừng lại chỗ ấy.
 
 
*
 
Tôi vừa cố gắng tiếp cận với tiềm năng thơ Phùng Cung mới triển khai đầy hứa hẹn, trước hết với thế giới thơ của tập Xem đêm có những vẻ đẹp đồng quê thể hiện qua ngôn ngữ dân gian, có những cảnh nghèo khổ nông thôn được nhẫn nại chịu đựng, có một tình thương rộng lớn ân cần, đến với những số phận bất hạnh. Nhưng tôi không tin là sự phân tích của tôi có thể vẽ lại không sai sót chân dung một dạng thơ chưa quen thuộc về cả nội dung và hình thức. Để minh họa thêm rõ, tôi xin dẫn ra đây một số nhỏ trong những bài thơ mà tôi cho là tiêu biểu, cũng là những bài mà tôi thích nhất.
 
            Văn Miếu (trang 84)
            Chim hát thánh thi
            Vườn cổ thụ
            Xum xuê hoa trái Đại Xuân
            Nao nao gió thổi gác Khuê Văn
            Gỗ, đá rêu phong
            Văn Miếu hiện dấu tay
                               bác phó
            Nhúng mồ hôi điểm chỉ
                               gửi tương lai.
 
            Đêm Nguyên tiêu (trang 74)
            Cổng Phật chuông lay hoa rụng
            Mõ dẫn kinh ruổi nhịp
                               luân hồi
            Vương lụy hương bay đứt, nối
            Cành sương trăng níu
            Giọt nguyên tiêu.
 
            Say (trang 18)
            Ai chuốc rượu
            Cánh buồm say lảo đảo
            Quanh quẩn quãng sông chiều
            Quên nẻo ra khơi.
 
            Đổ vỡ (trang 70) - tản cư để tiêu thổ kháng chiến
            Bình minh níu giọt tranh khoảnh khắc
            Đổ vỡ trong lặng im
            Hoa ngóng gió
            Gửi hương tị nạn
 
            Buồng thơm (trang 114)
            Đêm vắng
            Buồng thơm
            Em soi gương trộm
            Ngọn đèn mượn gió nghé nghiêng.
 
            Dâu, biển (trang 8)
            Chiều xâm xẩm
            Vườn dâu đòi xanh biển
            Con chim chích buông cành
                               bay liệng
            Vẽ vòng sóng vỗ xa xưa.
 
            Tìm em (trang 55)
 
"Tìm em như thể tìm chim
Chim ăn bể Bắc đi tìm bể Đông
(Ca dao)
            Tìm về gặp em
            Em đã đi
            Vách, giường thơm lạnh
            Mùi khăn áo cũ
            Đêm nghiêng gió - chập chờn
                               mưa gõ lá
            Không có sông
            Sao có tiếng gọi đò.
 
            Ê ẩm (trang 27)
            Chợt nghe động trống
            Trâu bò nhớn nhác
            Dùi quật liên hồi
            Ê ẩm tấm da khô.
Tôi nêu bài Ê ẩm sau cùng để tiện nói thêm ngay vài cảm nghĩ nóng hổi về một bài thơ đan thanh kiệt tác, hay nhất trong hai trăm bài của tập Xem đêm[10].
Con trâu chết đi do sự tàn ác của chủ, để lại nỗi oan khiên ẩn náu trong mặt trống. Đánh trống mà mặt trống thấy đau, tiếng trống vang lên mang theo oán hờn, tác động đến tinh thần những trâu, bò xung quanh, gây sợ hãi, kinh hoàng... Đem trí tưởng tượng nâng tri giác loài vật lên tới ý thức, lên tận cõi tâm linh kỳ diệu, tác giả đã biến bài thơ thành huyền thoại[11].
Trong văn học Việt Nam trước đây, những bài thơ có đôi cánh tiên bay bổng đến thế (của Hàn Mặc Tử, Huy Cận hay Vũ Hoàng Chương) ta có thể đếm trên đầu ngón tay.
 
*
 
Tiềm năng thơ Phùng Cung là vốn quý chẳng những của riêng cá nhân ông mà còn là của chung xã hội. Với ý thức phát triển văn hóa, những cơ quan quản lý xã hội không thể thờ ơ với nó khi nó còn gặp khó khăn trong một hoàn cảnh chưa được bình thường hóa dứt điểm.
Ở tuổi thiếu niên, truyện cổ tích thần thoại đã in vào trí nhớ ngây thơ của chúng ta hình ảnh những tiên nữ trên Thiên đình đánh rơi chén ngọc, bị đày xuống hạ giới[12], chịu khổ cực mãi rồi cũng có ngày trở về trời. Trải qua nhiều năm hoạn nạn, bất đắc dĩ phãi nghỉ ngơi, bây giờ được phục hồi sức lực và nhiệt tình, Phùng Cung đĩnh đạc bước ra khỏi vòng u uất. Tuy hơi muộn, ông cũng đến với làng thơ, đắn đo góp hai trăm bài nho nhỏ -những bài tưởng như đã nộp cho thần thánh để thanh minh, khiếu nại về một sự hiểu nhầm tai hại. Chúng ta mừng cho sự nghiệp văn chương của ông sau cái rủi có cái may, như kiếp tài hoa của Thúy Kiều gian nan hết mức suốt mười lăm năm, cuối cùng đến sông Tiền Đường xuýt chết đuối còn được Đạm Tiên đem trả lại thơ. Trả lại thơ với ý nghĩa "sổ đoạn trường rút tên ra" là bước đầu sửa sai của định mệnh vô tri, mù tối.
Tâm tư Phùng Cung, tôi hiểu được. Tiếp tục làm thơ hướng thiện bằng mồ hôi, nước mắt và chút sở trường là lẽ sống của ông
 Còn phận bạc của ông trong hiện thực có sẽ kết thúc như phận bạc của Thúy Kiều trên trang sách hay không là việc của xã hội. (Trên trang sách, Thanh Tâm Tài Nhân đã tạo điều kiện cho Thúy Kiều làm lại cuộc đời có tình yêu đổi thành tình bạn của chàng Kim, có đại gia đình yên vui, đầm ấm, có đời sống vật chất đầy đủ, có am thờ Phật để tu tại gia, thực hiện "chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài"). Gần đây định hướng xã hội chủ nghĩa và khẩu hiệu xã hội công bằng, văn minh được đề cao, phải chăng đã đến lúc Phùng Cung, ngoài lòng tự tín, tự hào vốn có và niềm vui tìm thấy trong sáng tạo nghệ thuật, còn được "công bằng", "văn minh" đến khuyến khích Nàng Thơ và nâng cao đời sống?
Bước tới ngưỡng cửa của thế kỷ hai mươi mốt, văn nghệ Việt Nam một lần nữa chuyển mình, đang thu hoạch một mùa thơ có vẻ "trăm hoa đua nở" với hàng ngàn tác phẩm đủ các cỡ và một đội ngũ người làm thơ đông đúc như ngày hội. Nếu yêu cầu giá trị thật trong những bản in hoa mĩ thì phương pháp vẫn phải là đãi cát tìm vàng. Trong cái bề bộn vàng thau lẫn lộn, rất có thể là khủng hoảng trưởng thành, thật đáng phấn khởi khi được đọc tập Xem đêm, một tập thơ đích thực của một con người đích đáng. Thơ và người đều mang đặm bản sắc riêng mà không cách biệt với lý tưởng chung của dân tộc là sống yên lành, phúc đức -phúc đức hiểu theo Nho học gồm "nghĩa" và "nhân", nói theo Tây học là "công bằng" và "bác ái".
Công bằng và bác ái tương đối và thể hiện qua một tình thương rộng lớn không giới hạn trong chủ nghĩa nhân đạo, đó là tư tưởng cao đẹp của tập Xem đêm, của thơ hướng thiện.
Đó là thông điệp của Phùng Cung
Hà Nội ngày 25 tháng 10 năm 1996
Nguyễn Hữu Đang

No comments: