Nhà văn NHẬT TIẾN : NHẤT LINH năm tháng cuối đời (kỳ 4 )
Giai Phẩm VĂN HÓA
NGÀY NAY
(tiếp theo)
Dịch giả Trương Bảo
Sơn sau này góp bài viết trong cuốn “ Nhất Linh, Người Nghệ Sĩ-Người
Chiến Sĩ” do Thế Kỷ xuất bản năm 2004, đã nêu nhận xét :
“ Tập Văn
Hóa Ngày Nay bán chạy như tôm tươi mấy số đầu, đã bị ế đi. Nhà phát hành độc
quyền của chính phủ đã thi hành độc kế không gửi đủ số báo cho các tiệm sách đã
đặt mua. Chúng tôi khi buộc báo thành từng bó đã cố ý đánh dấu riêng, khi nhận
báo từ nhà phát hành trả về, thấy những dấu ấy vẫn còn y nguyên, tức là nhà
phát hành đã không làm đúng nhiệm vụ, đã giữ báo của chúng tôi trong kho, không
phân phối đi. Có những tiệm sách đến điều đình mua thẳng báo với chúng tôi để
có đủ báo bán, nhưng chúng tôi phải từ chối vì sợ chính quyền gài bẫy. Ðã nghèo
lại bị thua lỗ, chúng tôi đành đình bản tờ Văn Hóa Ngày Nay.”
Có thể đấy lý do
chính mà tờ Văn Hóa Ngày Nay bị đình bản, nhưng cũng chưa hẳn đó là lý
do duy nhất. Dù tờ báo có bị chính quyền cấm cản bằng những thủ đoạn nào
thì cũng không thể bỏ qua yếu tố độc giả, là những người cũng đã ít nhiều trực
tiếp tham dự vào sự sống còn của một tờ báo. Sau vài số báo, có chăng sự kiện độc
giả không còn hứng thú theo dõi VHNN như trước nữa nên báo ế và nhà phát hành
có thể đã kìm hãm những cọc báo không gửi đi các tỉnh cho đỡ tiền cước
phí ?
Dẫu sao thì sự sút
giảm độc giả hẳn cũng làm nản lòng người chủ trương VHNN. Cũng trong bài
“Người Bác” nói trên, nhà văn Thế Uyên còn cho biết :
“Sau khi Văn Hoá
Ngày Nay số 8 phát hành, Nhất Linh tuyên bố với người thân: “Thôi, không làm
nữa!”. Bạn bè xúm lại can. Nể người thân, ông chịu để Tường Hùng và Duy Lam
tiếp tục. Ra tiếp hai số, ông cương quyết kết liễu Văn Hoá Ngày Nay. “Nó đã
làm xong nhiệm vụ!”.
Nếu sự thể đã xẩy ra
đúng như vậy thì số báo cuối cùng do Tường Hùng và Duy Lam thực hiện chỉ còn 98
trang kể cả 8 trang quảng cáo, so với số đầu dầy tới 180 trang, tức là về hình
thức đã sa sút gần một nửa.
Trong ngót 100 trang
của số 11, tức số cuối cùng này, truyện dài Cô Mùi của Nhất
Linh chiếm tới 25 trang, tức hơn ¼ số báo, một điều khá kỵ trong kỹ thuật làm
báo. Cũng như vậy, truyện ngắn Ả Hầucủa Đỗ Tốn cũng bị chia cắt
thành 3 kỳ (khởi đăng từ số 9), cũng làm độc giả bớt hứng thú theo dõi. Cũng
trong số này, nhà thơ Bùi Khánh Đản chiếm tới 7 trang Thơ, cũng là một sự thiên
vị bất thường. Và theo thông lệ, ngòi bút Duy Lam vẫn giữ vai trò chủ lực. Ông
có tới 5 bài, 2 bài bình luận : một về Văn, một về Hội Họa, 3 bài còn lại là
văn vui. Tường Hùng chỉ có một bài duy nhất “Kiểu mẫu Thanh Niên”, cũng là văn
vui.
Ngoài ra, những sáng
tác khác vẫn gồm 4 truyện dài của Nhất Linh, Nguyễn thị Vinh, Linh Bảo và bản dịch
truyện của Leon Tolstoї.
Một số báo như thế
báo hiệu sự sa sút rõ rệt về mặt nội dung, càng là lý do để ta có thể
đánh giá mức độ đón nhận của độc giả đối với tờ VHNN ra sao.
Tuy nhiên, tờ Văn
Hóa Ngày Nay đình bản dẫu vì bất cứ lý do nào, kể cả sự liên đới của nhà
văn Nhất Linh đối với vấn đề chính trị lúc đương thời, thì cũng là một điều
đáng tiếc !
Tiếc nhất là VHNN chỉ
ra được 11 số nên không còn cơ hội tiếp tục vun trồng và khích lệ những cây bút
mới như: Duy Lam, Tường Hùng, Tuyết Hương, Trần Tuấn Kiệt, Lê Tất Điều, Đỗ
Phương Khanh, Đặng Phi Bằng.. v.v.. .. và cả chính tôi, Nhật Tiến nữa. Một số
người trẻ đã nhờ Văn Hóa Ngày Nay mà có đà để đi được những chặng đường xa hơn.
Do quen biết với gia
đình nhà văn Nguyễn thị Vinh nên sau khi VHNN đình bản, tôi còn có vài cơ hội gặp
gỡ nhà văn Nhất Linh ở nhà in Việt Liên, đường Gia Long Sài Gòn do bà Nguyễn thị
Vinh làm chủ. Có một buổi gặp gỡ mà mãi sau này trong ký ức của tôi vẫn thấy
như là mới mẻ, đó là buổi tối của hôm trước khi xẩy ra cuộc đảo chính
ngày 11-11-1960. Nhà tôi, Đỗ Phương Khanh thì đã lên lầu trò
chuyện với anh chị Trương Bảo Sơn và Nguyễn thị Vinh. Ở tầng dưới, nhà văn Nhất
Linh ngồi trầm ngâm bên một cái bàn nhỏ, chung quanh đầy những cột ram giấy
của nhà in chất cao nghệu.
Thấy tôi, ông mỉm cười
và rủ tôi chơi bài domino. Thế là tôi xà vào bên ông, vui vẻ đổ cỗ bài lên mặt
bàn và ngắm nhìn ông xếp những con bài nhựa bằng đôi bàn tay đã bắt đầu hơi run
run. Có lẽ đấy là lần đầu tiên tôi có cảm giác gần gũi với ông nhất. Bởi vì sự
liên hệ giữa tôi và ông lúc này chỉ là hai con người trong một trò giải trí chứ
chẳng phải là giữa một nhà văn vốn đã lừng lẫy trong suốt một chiều dài của
lịch sử Văn học Việt Nam với một thanh niên mới chỉ có 24 tuổi đời,
vừa chập chững đi vào thế giới của văn chương. Tôi nhớ là mình đã “gí” ông tận
tình và rất thích thú nhìn đôi lông mày rậm của ông nhíu lại, vầng trán cao ngất
phảng phất nhiều nếp nhăn, và mỗi khi phản công lại thì ông mỉm cười, nụ cười
nom rất hiền từ và bao dung khiến tôi thấy lòng mình như ấm áp hơn lên.
Trong những giây
phút thân ái đó, tôi thật đâu có ngờ là đầu óc của ông lại còn đang suy tưởng về
một cuộc đảo chính sắp sửa xẩy ra, chỉ trong vài giờ sau đó !
1 giờ 30 sáng
ngày 11-11-1960, tiếng súng bắt đầu rộ lên trong thành phố.
Tiếng súng của phe đảo chính !
Cuộc đảo chính mà
sau này nhiều người cho là ông không trực tiếp tham dự nhưng biết trước
và có ủng hộ tinh thần. Tôi cũng muốn đồng ý như vậy, bởi vì nếu ông là người
có dính líu đến nội vụ thì hẳn tối hôm trước, ông đã chẳng ngồi chơi domino với
tôi như thế.
Thế nhưng một đồng chí của ông, dịch giả Trương Bảo Sơn trong bài “Những
kỷ niệm riêng với Nhất Linh Nguyễn Tường Tam” in trong cuốn “Nhất Linh, người
chiến sĩ - người nghệ sĩ”, do Thế Kỷ 21 xuất bản năm 2004, thì lại cho biết về
việc làm truyền đơn trong biến cố 11-11-1960 này như sau :
“ Khi thảo
truyền đơn, trong danh sách những người ký tên, chúng tôi đã để tên Nguyễn Tường
Tam lên đầu, rồi mới tới tên các cụ Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương, Trần Văn
Văn, Nguyễn Xuân Chữ v.v... Ông Tam đã sửa lại để tên ông sau tên ông Chữ. Trước
sự ngạc nhiên của tôi, ông giải thích: “Anh đừng quên người ta vẫn nói miền Nam của người Nam, mình là người Bắc di cư, phải lưu tâm và
tôn trọng điều đó.”
Mặc dù có liên quan
hay không thì ông vẫn bị chính quyền quản thúc tại gia và đưa ra tòa xét xử vào
ngày 11-7-1963. Thế nhưng, ngày 7-7-1963 ông đã dùng độc dược quyên sinh vì đời
ông, ông chỉ chịu để cho lịch sử phán xét.
Sự ra đi của ông là
một mất mát lớn lao cho văn giới.
Không mất mát lớn
lao sao được khi một nhân tài lỗi lạc như thế đã không còn nữa.
Một nhân tài mà quý
nam của Nhất Linh, ông Nguyễn Tường Thiết đã tóm gọn một câu về cuộc đời của
thân phụ ông trong cuộc phỏng vấn do ký giả Lê Quỳnh Mai thực hiện trên Tạp
chí Hợp Lưu số tháng 7 & 8 năm 2008, như sau :
“Tôi suy nghĩ về
toàn thể cuộc đời ông. Từ hồi ông có bài thơ đăng báo Trung Bắc Tân Văn năm ông mới 16 tuổi, cho đến ngày ông mất
năm ông 57 tuổi. Ông đã sống một đời lỗi lạc, làm được quá nhiều việc trong một
đời ngắn ngủi. Một người bận rộn như thế, nổi tiếng như thế, thì làm gì có được
một cuộc sống thanh thản, bình dị, như cuộc đời nơi mỗi chúng ta?”
Và ông Thiết đã kết
luận chính xác như đã nói thay cho mọi người rằng :
“ ...Tôi tin rằng
sự nghiệp của cha tôi sẽ trường tồn không phải đơn thuần nhờ vào văn tài của
ông mà còn nhờ vào sự ngưỡng mộ và quý trọng về cả con người, cuộc đời và cái
chết của ông nữa. ”
Còn riêng đối với
tôi, một người cầm bút sau Nhất Linh cả một thế hệ, khi ông mất đi, tôi vừa thấy
đã mất một nhà văn lão thành, vừa mất một nguồn khích lệ lớn lao trên con đường
văn nghiệp của tôi vì ông đã khuyến khích tôi rất nhiều sau khi đọc xong bản thảo
cuốn truyện dài đầu tay của tôi. Rồi ông lại dành chỗ trang trọng để đăng tải
những truyện ngắn của tôi trên Văn Hóa Ngày Nay, tờ báo tiếp nối công trình của
Phong Hóa và Ngày Nay. Ông cũng lại ân cần giới thiệu tôi vào Trung Tâm Văn
Bút, nơi mà tôi đã có dịp được sinh hoạt liên tục trong suốt gần 20 năm sau đó,
cho đến khi miền Nam mất vào tay CS. Có thể nói tóm gọn, con đường đi vào thế
giới Văn chương Chữ nghĩa của tôi đã có được sự khích lệ của nhà văn Nhất Linh
rất nhiều.
Để có cơ hội viết bài này, tôi cũng xin cám
ơn nhà văn Phạm Phú Minh và những vị trong ban tổ chức Triển lãm và Hội luận về
hai tờ báo Phong Hóa - Ngày Nay. Nếu không có lời mời tham dự của quý vị thì
tôi không có dịp ngồi ôn lại những kỷ niệm trong lãnh vực văn chương ở vào thuở
khai sinh Việt Nam Cộng Hòa mà khi đó mọi người đã cùng gắng công vun đắp một
Miền Nam Tự Do với vô vàn sinh hoạt văn hóa phong phú, đa dạng mà sức lan tỏa vẫn
còn cho đến tận ngày nay.
NHẬT
TIẾN
Garden Grove, California ngày 20 tháng 5 năm 2013
(còn nữa)
(còn nữa)
No comments:
Post a Comment