Friday, July 26, 2013

Tư liệu

Pháp quyền


Trong hầu hết lịch sử nhân loại, giai cấp thống trị và luật pháp đồng nghĩa với nhau, luật pháp đơn giản chỉ là ý chí của giai cấp thống trị. Bước đầu tiên để thoát khỏi chính thể chuyên chế đó là khái niệm pháp quyền, kể cả khái niệm kẻ thống trị cũng phải tuân thủ luật pháp và phải cai trị bằng các công cụ pháp luật. Các nền dân chủ đi xa hơn bằng việc xây dựng pháp quyền. Mặc dù bất cứ xã hội hay hệ thống chính phủ nào cũng đều có vấn đề, nhưng pháp quyền bảo vệ các quyền chính trị, xã hội và kinh tế cơ bản và nhắc nhở chúng ta rằng chính thể chuyên chế và vô luật pháp không phải là những lựa chọn duy nhất.
  • Pháp quyền có nghĩa là không một cá nhân nào, dù là tổng thống hay công dân, được đứng trên luật pháp. Các chính phủ dân chủ thực thi quyền lực bằng luật pháp và bản thân họ cũng phải chịu những hạn chế của luật pháp.
  • Luật pháp phải thể hiện ý chí của nhân dân, chứ không phải ý muốn của các vị hoàng đế, những nhà độc tài, các tướng lĩnh, chức sắc tôn giáo hay các đảng phái chính trị tự phong.
  • Công dân ở các nền dân chủ sẵn sàng tuân thủ luật pháp của xã hội bởi vì họ đang tuân thủ chính những nguyên tắc và quy định của họ. Công lý đạt được một cách hoàn thiện nhất khi luật pháp được xây dựng bởi chính người dân, những người phải tuân thủ luật pháp.
  • Theo pháp quyền, một hệ thống toà án độc lập và vững mạnh phải có sức mạnh, quyền lực, các nguồn lực và uy tín để buộc các quan chức chính phủ, kể cả những nhà lãnh đạo cao nhất phải chịu trách nhiệm trước các quy định và luật pháp của quốc gia.
  • Vì thế các thẩm phán phải là những người được đào tạo tốt, có chuyên môn, độc lập và vô tư. Để thực hiện được vai trò quan trọng của họ trong hệ thống chính trị và pháp lý, các thẩm phán phải trung thành với các nguyên tắc dân chủ.
  • Luật pháp của một nền dân chủ có thể có nhiều nguồn: hiến pháp thành văn, các bộ luật và quy định; các giáo huấn tôn giáo và sắc tộc; các thông lệ và truyền thống văn hóa. Dẫu có nguồn gốc gì đi nữa, luật pháp phải có những quy định bảo vệ các quyền và sự tự do của công dân:
    • Theo yêu cầu được bảo vệ bình đẳng trước luật pháp, luật pháp không được áp dụng riêng cho bất cứ cá nhân hay nhóm người nào.
    • Công dân không bị bắt giữ tuỳ tiện, nhà cửa không bị khám xét mà không có lý do chính đáng hoặc không bị tịch thu tài sản cá nhân.
    • Công dân phạm tội phải được xét xử công khai và nhanh chóng, được đối diện và chất vấn những người cáo buộc. Nếu bị kết án, họ có thể không phải chịu những hình phạt dã man và hoặc bất thường.
    • Công dân không bị ép buộc phải nhận tội. Nguyên tắc này bảo vệ cho công dân khỏi bị ép buộc, lạm dụng hoặc đánh đập và giảm đáng kể tình trạng cảnh sát sử dụng những biện pháp đó.

Quyền hành pháp

Lãnh đạo các chính phủ dân chủ điều hành với sự chấp thuận của công dân. Các nhà lãnh đạo đó đầy quyền lực, không phải do họ chỉ huy quân đội hay giàu có về kinh tế mà bởi vì họ tôn trọng giới hạn mà cử tri trong cuộc bầu cử tự do và công bằng đã đặt ra cho họ.
  • Thông qua bầu cử tự do, công dân của một nền dân chủ trao quyền cho các nhà lãnh đạo của họ theo như luật pháp quy định. Trong một nền dân chủ hợp hiến, quyền lực được chia sẻ để ngành lập pháp ban hành luật, ngành hành pháp củng cố và thi hành luật và ngành tư pháp hoạt động độc lập.
  • Các nhà lãnh đạo dân chủ không phải là những kẻ độc tài được bầu lên mà cũng chẳng phải là “các vị tổng thống suốt đời”. Họ nắm chức vụ với những nhiệm kỳ được ấn định và chấp nhận kết quả của các cuộc bầu cử tự do, ngay cả khi điều đó có nghĩa là mất quyền kiểm soát chính phủ.
  • Ở các nền dân chủ hợp hiến, quyền hành pháp nhìn chung được hạn chế ở ba phương diện: hạn chế bởi hệ thống kiểm soát và cân bằng chia tách quyền hành pháp của chính phủ, quyền lập pháp và tư pháp; hạn chế bởi hệ thống liên bang phân chia quyền lực giữa chính quyền trung ương và chính quyền bang/địa phương; và hạn chế bởi những bảo đảm của hiến pháp về các quyền cơ bản.
  • Ở cấp độ quốc gia, ngành hành pháp bị hạn chế bởi quyền lực hiến pháp dành cho ngành lập pháp và bởi một cơ quan tư pháp độc lập.
  • Quyền hành pháp ở các nền dân chủ hiện đại nhìn chung được tổ chức theo một hoặc hai cách: hệ thống nghị viện hoặc chế độ tổng thống.
    • Trong hệ thống nghị viện, đảng chiếm đa số trong ngành lập pháp sẽ thành lập chính phủ, dẫn đầu là một thủ tướng.
    • Trong hệ thống nghị viện, ngành lập pháp và hành pháp không hoàn toàn tách rời nhau vì thủ tướng và các thành viên nội các đều là thành viên quốc hội. Trong hệ thống đó, đối lập về chính trị là phương tiện chủ yếu hạn chế hoặc kiểm soát quyền lực của ngành hành pháp.
    • Trong chế độ tổng thống, tổng thống được bầu riêng rẽ chứ không phải từ các thành viên trong ngành lập pháp.
    • Trong chế độ tổng thống, cả tổng thống và ngành lập pháp có cơ sở quyền lực và khu vực bầu cử của riêng họ nhằm kiểm soát và cân bằng lẫn nhau.
  • Các nền dân chủ không phải là muốn chính phủ của họ yếu kém mà chỉ muốn hạn chế chúng. Bởi vậy có thể rất lâu họ mới đạt được sự nhất trí về các vấn đề của quốc gia, tuy nhiên, khi đạt được sự nhất trí các nhà lãnh đạo có thể hành động với quyền lực và sự tự tin rất lớn.
  • Trong tất cả mọi thời đại, các nhà lãnh đạo trong một nền dân chủ hợp hiến hành động trong phạm vi mà pháp quyền quy định và hạn chế quyền lực của họ.

Quyền lập pháp

  • Các đại diện được bầu lên trong một nền dân chủ - dù có là thành viên của quốc hội hay không - đều phải phục vụ nhân dân. Họ nắm một số vai trò thiết yếu đối với việc vận hành một nền dân chủ vững mạnh.
  • Ở một nền dân chủ mang tính đại diện, các cơ quan lập pháp được bầu lên là diễn đàn chính cho việc soạn thảo, tranh luận và thông qua luật. Các cơ quan lập pháp đó không phải là những con dấu cao su như được gọi và chỉ biết thông qua những quyết định của một nhà lãnh đạo độc đoán.
  • Quyền giám sát và điều tra cho phép các nhà làm luật công khai chất vấn các quan chức chính phủ về những hành động và quyết định của họ, và là phương tiện kiểm soát quyền lực của rất nhiều bộ trong chính phủ, đặc biệt ở chế độ tổng thống, nơi mà ngành lập pháp được tách rời ngành hành pháp.
  • Các nghị sĩ có thể phê chuẩn ngân sách quốc gia, tiến hành điều trần những vấn đề bức xúc và chấp thuận những người được chỉ định vào tòa án và các bộ. Ở một số nền dân chủ, các ủy ban lập pháp là diễn đàn để các nhà làm luật tiến hành những phiên xem xét công khai những vấn đề quốc gia đại sự.
  • Các nghị sĩ có thể ủng hộ chính phủ cầm quyền hoặc họ cũng có thể là lực lượng chính trị đối lập đề xướng các chính sách và chương trình khác.
  • Các nghị sĩ phải có trách nhiệm trình bày rõ quan điểm của mình một cách hiệu quả nhất có thể. Tuy nhiên họ phải làm việc trong khuôn khổ đạo lý mang tính dân chủ, đó là khoan dung, tôn trọng và thỏa hiệp để đạt được sự nhất trí mang lại lợi ích chung cho tất cả mọi người chứ không chỉ cho những người ủng hộ họ về chính trị. Mỗi nghị sĩ đều phải tự mình quyết định làm thế nào để cân bằng phúc lợi chung với nhu cầu của cử tri địa phương.
  • Cùng với sự giúp đỡ để được các cơ quan chính phủ trợ giúp, các nghị sĩ còn lắng nghe những khiếu nại hay các vấn đề của cử tri. Để làm được điều này, họ thường phải duy trì một đội ngũ những người hỗ trợ được đào tạo nghiêm túc.
  • Các nghị sĩ thông thường được bầu theo một trong hai cách. Trong các cuộc bầu cử theo đa số, ứng cử viên giành được hầu hết số phiếu sẽ thắng cử. Trong hệ thống bầu theo tỉ lệ, thường được tiến hành trong các cuộc bầu cử nghị viện, cử tri thường bỏ phiếu cho các đảng, chứ không bỏ cho các cá nhân và các đại diện được lựa chọn trên cơ sở tỷ lệ phiếu của đảng đó.
  • Hệ thống tỷ lệ có xu hướng khuyến khích hình thành các đảng nhỏ hơn được tổ chức chặt chẽ. Các cuộc bầu cử theo nguyên tắc đa số khuyến khích một hệ thống hai đảng lỏng lẻo hơn. Theo cả hai hệ thống, việc các đại diện tham gia vào các cuộc tranh luận, đàm phán, xây dựng liên minh và thỏa hiệp là những dấu ấn của các cơ quan lập pháp dân chủ.
  • Các cơ quan lập pháp thường có hai viện, và các luật mới thường đòi hỏi phải được cả hai viện, thượng viện và hạ viện, thông qua.


No comments: