Giai Phẩm VĂN HÓA
NGÀY NAY
Tập 1 (Tháng 6-1958) Tập 11- (Tháng 4-1959)
Số đầu
Số cuối
Năm 1958, Nhất Linh chủ trương Giai Phẩm Văn Hóa Ngày Nay mà số đầu ra mắt vào ngày 17-6-1958, một ngày mà theo nhà báo Hiếu Chân thì Nhất Linh cố ý lựa chọn vì 17-6-1930 là ngày mà những liệt sĩ Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí bị Thực dân Pháp đưa lên đoạn đầu đài xử trảm tại Yên Bái.
Văn Hóa Ngày Nay
(VHNN) không được chính phủ đương thời coi là một tờ báo. Nó chỉ được gọi tên
là một Giai Phẩm. Theo dịch giả Trương Bảo Sơn, một đồng chí thân cận của Nhất
Linh thì vì chính quyền lo ngại tên tuổi của Nhất Linh nên
VHNN không được phép xuất bản như một tạp chí được phát hành có định kỳ. Ngoài
ra, theo ông thì tờ báo còn bị Cơ quan kiểm duyệt Bộ Thông Tin cố tình giữ
lâu mới trả bản thảo để mang in, gây tình trạng báo ra chậm trễ nên không thể
có hạn kỳ nhất định cho ngày ra báo.
Trong bài “Văn
Hóa Ngày Nay với Văn Hóa Việt Nam” mở đầu cho số ra mắt, coi như một “tuyên
ngôn về văn hóa”, nhà văn Nhất Linh nhận định:
“Văn Nghệ Việt Nam hơn mười năm nay vẫn ở trong tình trạng
ngưng đọng, chưa tìm được lối đi. Một số lớn bình luận gia và văn nghệ sĩ cho rằng
văn nghệ chậm tiến vì không biết phụng sự thời đại; họ cố bắt mạch cho được
ý thức công cộng của nhất thời để khơi xúc động trong lòng độc giả. Thế rồi nhiều
tác phẩm ra đời để ướm thử, thăm dò dư luận nhưng chỉ ít lâu sau đều chìm trong
lãng quên !” (VHNN tập I- trang 17)
Để khắc phục tình trạng
bế tắc này, Văn Hóa Ngày Nay đề ra chủ trương :
“ Không đề cập đến vấn đề chính trị, kinh tế,
khoa học : tập san của chúng tôi sẽ nặng về phần tìm sống hơn về phần
tìm hiểu”(VHNN tập I- trang 18)
( phần chữ in
nghiêng là của chính tòa soạn VHNN muốn nhấn mạnh).
Hẳn cũng đã có nhiều
độc giả thấy khó nắm vững được ý tưởng của tòa soạn trong chủ trương này, vì hiểu
như thế nào là tìm sống ? Và tại sao lại gắn chuyện tìm
sống với chuyện tìm hiểu để có chủ trương tìm
sống sẽ đặt nặng hơn tìm hiểu. Mà nếu coi nhẹ việc tìm hiểu thì thành quả của
sự tìm sống sẽ có được tốt đẹp không ?
Tuy nhiên, suy nghĩ
kỹ thì ý nghĩa của hai chữ “tìm sống” hình như đã được giải thích thêm trong đoạn
dưới của bài nhận định :
“Về tư tưởng,
chúng tôi sẽ giải quyết những thắc mắc thời đại và cố đi đến một nhận định đúng
đắn về vũ trụ, về đời người; đã đến lúc loài người phải giở sổ soát lại vốn tư
tưởng quá khứ để định hướng đi tương lai, tìm chân lý làm kim chỉ nam cho người
đời giữa biển khơi sóng gió” (VHNN -Tập I-trang 19)
Đoạn văn này cho người
đọc cái cảm tưởng như đấy là một chủ trương của một tổ chức tôn giáo hơn là đường
lối chỉ đạo cho nội dung của một tờ báo. Nhưng ở nhiều trang khác, nhà
văn Nhất Linh lại đã luôn luôn nhấn mạnh đến quan điểm nghệ thuật của Văn Hóa
Ngày Nay là: “Văn chương phải có giá trị vượt thời gian và không gian”.
Quan điểm này không
có gì phải thắc mắc. Trong gia tài văn hóa dân tộc đã có đầy dẫy những tác phẩm
có giá trị “vượt không gian và thời gian”. Nhưng trong sinh hoạt chữ
nghĩa, dù là sách hay báo, nhiều khi những vấn đề nhỏ nhặt thời sự hàng ngày -
hay nói theo ngôn từ của Giai phẩm Văn Hóa Ngày Nay là ý thức
công cộng của nhất thời - sẽ cũng vẫn là những
nhu cầu của độc giả. Nhất là trong bầu không khí khởi sắc của những năm cuối thập
niên 50’s, dân chúng miền Nam bắt đầu tạo dựng cho mình một đời sống
tự do khác biệt với miền Bắc CS.
Ở thời điểm đó, sau
cuộc chia đôi đất nước mới chỉ vài ba năm nên có thể coi như một vết chém chia
lìa dân tộc chưa ngưng rỉ máu. Cuộc di cư khổng lồ với cả triệu con người từ Bắc
vô Nam tất gây xáo trộn trong cả nước và như thế thì hẳn đời sống có rất
nhiều vấn đề thời sự nóng hổi bầy ra trước mắt. Vậy thì việc từ bỏ ý
thức công cộng của nhất thời để chỉ đi tìm những
đề tài vĩnh cửu sẽ có khiến cho người sáng tác quay lưng lại với thực tế hay
không ?
Nói thế không phải
tôi phủ nhận quan điểm làm báo của VHNN. Thế giới chữ nghĩa là cả một rừng hoa
với nhiều mầu sắc. Văn Hóa Ngày Nay đương nhiên là một tạp chí tô điểm thêm cho
sinh hoạt báo chí thời đó vốn đã vô cùng sôi nổi với nhiều tờ báo danh tiếng
khác như Đời Mới, Vấn Đề, Sáng Tạo, Bách Khoa, Văn Hóa Á Châu, Quê
Hương..v..v..
Tuy nhiên, sau vài số
đã phát hành, có vẻ như Văn Hóa Ngày Nay đã hiện diện như một bông hoa tuy nhiều
hương sắc nhưng lại có vẻ như lạc lõng giữa dòng đời đang trôi đi hối hả. Đọc
những trang chính Nhất Linh trả lời thư độc giả ở những số đầu, ta thấy hầu như
Ông chưa nhận ra được sự lạc lõng này. Ông vẫn bộc lộ sự chủ quan qua những lời
lẽ như nhận mình là con voi nằm thù lù trong sở thú, hay trách
độc giả sao bắt ông làm việc quá nhiều trong khi ông cũng chỉ có 24 giờ như mọi
người...
Mặt khác, Nhất Linh
lại là một nhân vật nổi tiếng với nhiều thành tích văn học quá lẫy lừng. Phải
chăng chính sự nổi tiếng này đã trở thành một yếu tố bất lợi cho chính ông bởi
vì các độc giả đã kỳ vọng ở nơi ông quá nhiều. Cứ nhìn số báo ra mắt Văn Hóa
Ngày Nay được đón nhận thế nào thì đủ thấy. Theo học giả Đoàn Thêm trong cuốn
“Hai Mươi Năm Qua, việc từng ngày”, thì VHNN số đầu tiên đã bán hết tới 10 ngàn
số, và Thế Uyên, người cháu gọi Nhất Linh bằng Bác còn tiết lộ trong cuốn “Chân
Dung Nhất Linh” do tạp chí Văn ấn hành, rằng :
“Trước khi phát
hành Văn Hoá Ngày Nay số 1, Nhất Linh dự đoán sẽ bán được năm ngàn số. Duy Lam
lạc quan hơn, đưa con số tám ngàn. Tất cả đều đoán sai. Tám ngàn là con số bán
hết trong mấy ngày đầu, sau đó phải in đi in lại nhiều lần.”
Nếu đúng như thế thì
đây là một kỷ lục mà sau đó chưa có một tạp chí văn nghệ nào theo được bén
gót. Nó cũng nói lên rằng độc giả đã quý trọng và đón chờ công trình văn hóa mới
của Nhất Linh như thế nào sau biết bao nhiêu biến cố lớn lao của đời sống, cả
chính trị lẫn văn học.
Ta hãy thử xem
trong VHNN số đầu tiên đã chứa đựng những gì ?
Điểm sơ qua thì thấy Nhất
Linh dành tới 6 trang để trả lời thư độc giả xa gần ở nhiều tỉnh từ Huế
vào Sài Gòn, từ Biên Hòa, Vũng Tầu xuống Mỹ Tho, Trà Vinh ....Báo chưa
phát hành mà đã có nhiều độc giả gửi thư về tòa soạn đến thế. Họ có thể
là những độc giả tò mò hay hối hả gửi thư chất vấn ông ngay cả khi tờ báo chưa
ra số đầu chăng ?
Ngoài phần trả lời
thư độc giả, Nhất Linh còn viết 4 bài khác, trong đó có 2 sáng tác gồm truyện
ngắn Bắn Vịt Trời và truyện dài Xóm Cầu Mới, cộng
1 bài nghị luận “Văn Hóa Ngày Nay với Văn Hóa Việt Nam” như đã nhắc ở
trên và thêm một bài khởi sự cho tập biên khảo “Viết và đọc Tiểu Thuyết”.
Nhà giáo Nguyễn
Thành Vinh, một đồng chí của Nhất Linh trong lãnh vực chính trị, viết 1 bài
bình luận nêu cao chủ trương “Văn chương phải có giá trị vượt thời gian và
không gian”, Trương Bảo Sơn dịch Một Bản Đàn của
Leon Tolstoї, Nguyễn thị Vinh có truyện dài Cô
Mai, Duy Lam, một cây viết mới có tới 4 bài, và Tường
Hùng cũng là một cây viết mới có 2 bài, hầu hết là loại văn vui. Sau
cùng là những truyện ngắn của các tác giả, cả mới lẫn cũ như Khái Hưng,
Đỗ Đức Thu, Bình Nguyên Lộc, Linh Bảo, Quỳ Hương.
Một nội dung như thế,
có thể gây đôi chút cảm giác ngỡ ngàng cho người đọc sau những ngày chờ đợi. Gọi
là ngỡ ngàng vì Giai phẩm VHNN hầu như không đáp ứng được nhu cầu đọc sách của
độc giả lúc đương thời. Hàng triệu con người vừa di cư vào Nam, trước cuộc sống
mới vô vàn khó khăn, bỡ ngỡ, với biết bao nhiêu nhu cầu đặt ra trước mắt và biết
bao nhiêu vấn đề phải đối phó, tất nhiên nội tâm của họ phải sôi động, tâm tình
phải gắn bó với cuộc sống đang dồn dập thay đổi xẩy ra từng ngày, từng giờ ở
chung quanh. Sống trong một hiện trạng xã hội như thế, hẳn độc giả rất muốn được
nghe tiếng lòng của Ông, hoặc nghe ông kể về những kinh nghiệm dầy dạn
trong sinh hoạt cả về Văn Chương lẫn Chính trị khi họ tuyên xưng Ông vừa là một
Văn gia, lại cũng vừa là một Chính trị gia lão thành.
Vậy mà trong những
trang sáng tác mới, những nhân vật vượt không gian và thời gian của Ông như Cô
Mùi, như Ông Năm Bụng, như Bà mẹ Lê..v..v.. tuy vẫn là những hình tượng vĩnh cửu,
nhưng lại thiếu ngọn lửa hừng hực của cuộc sống đương thời và đó không phải là
những nhu cầu mà người đọc đã nôn nóng chờ đợi như khi vừa nghe tin
“nhà văn Nhất Linh xuống núi, ra báo trở lại”.
Cảm nhận này không
chỉ ở phía đa số độc giả mà ở ngay cả những người trong nhà, lại là những người
cũng đã trở thành nhà văn sau này. Tôi muốn nói đến hai nhà văn Thế Uyên và Duy
Lam, những người có họ hàng ruột thịt với Nhất Linh và cũng đã tiếp cận với ông
khi VHNN đang được chuẩn bị ra số đầu. Duy Lam thực sự là một cây bút chủ lực của
VHNH, nhưng Thế Uyên thì lại không thấy xuất hiện bài nào. Trong cuốn “Những
Ý Nghĩ Của Bọt Biển”, nhà văn Thế Uyên đã thuật lại rằng khi chủ
trương ra tờ Văn Hóa Ngày Nay, Nhất Linh đã nói với
ông rằng : “ cháu viết được nhưng kiểm duyệt không cho đăng đâu.”
Khi VHNN đã ra được
vài số, cả Duy Lam lẫn Thế Uyên cũng đều có cảm nhận giống như tôi đã trình bầy
ở trên. Trong tập “Chân Dung Nhất Linh” do tạp chí Văn ấn hành, Thế Uyên đã viết
trong bài “Người Bác’ như sau:
“ Cả hai đứa đều
không chịu nổi những bài khảo luận linh tinh, những bức thư Nhất Linh viết trả
lời độc giả. Đọc loạt bài này đôi khi thấy cũ kỹ và lẩm cẩm. Về văn, tuy vẫn phục
nghệ thuật phân tích tâm lý, nghệ thuật trình bày nhân vật, nhưng tôi đã cảm thấy
Nhất Linh không còn là nhà văn của thế hệ trẻ. Trường giang tiểu thuyết Xóm Cầu
Mới có những nhân vật đặt trong một không gian thật xa cách.”
Điều này hầu như cũng
là nguyên do khiến cho chỉ sau vài số, số lượng báo VHNN bán ra đã sút giảm dần.
No comments:
Post a Comment