Thơ hiện hữu chống lại thơ
24.7.2013
Nhà phê bình Huỳnh Phan Anh
Nhà phê
bình Huỳnh Phan Anh quan niệm: “Thơ không là kinh nghiệm. Thơ là sự chờ
đợi của kinh nghiệm. Làm thơ, nói về thơ… là tìm tới kinh nghiệm thơ.
Như vậy trong chính danh của lời nói, trong chính danh của thơ, người ta
phải nhìn nhận một điều: Không được phép nói về thơ. Niềm im lặng của
thơ biến mọi lời nói, mọi lời thuyết giảng hay chú giải về thơ thành
thừa thãi, ngụy biện ngây ngô”.
Kể từ khi được ấn hành trong tập tiểu luận “Văn chương và kinh nghiệm hư vô” (xuất bản năm 1968) đến nay, Thơ hiện hữu chống lại thơ
của ông Huỳnh Phan Anh vẫn còn là nỗi ám ảnh, day dứt đối với những ai
đã làm thơ, đang làm thơ, hay nuôi ý định sẽ làm thơ, và cho những ai
muốn định nghĩa, cắt nghĩa về thơ. Ông Huỳnh Phan Anh cùng tiểu luận của
ông đã rất đúng khi cho rằng, bất cứ ai trong chúng ta đang ra sức
khẳng định thơ là thế này hay thơ là thế khác, hoặc suy tư về thơ hay,
thơ dở thì cũng đều là mang thơ ra để phủ nhận chính thơ, là thơ chống
thơ theo nghĩa bản chất. Ứng với suy tư ấy của ông Huỳnh Phan Anh trong
thực tiễn phê bình thơ ngày hôm nay, ta thấy, mọi sự phân định thơ dở
thơ hay, thơ ngoại biên hay thơ trung tâm, thơ “rác” hay thơ “linh
thiêng” đều là những cách thức suy diễn chống lại bản chất của thơ. Bởi
vì “thơ” là miền im lặng, và cũng là vì, thi sĩ khi làm thơ thường không
định nghĩa thơ phải thế này hay thơ phải thế kia.
Thơ
cũng như người làm ra nó là một cõi im lặng và hồn nhiên với chính nó.
Nó hướng về hiện hữu để hỏi và chiêm nghiệm về hiện hữu, chứ không phải
là hướng về hiện hữu rồi quay trở lại nghi vấn về sự tồn tại của mình.
Người thơ cất bút làm thơ như một thoáng nghiệm sinh, phiêu lưu cùng
hiện hữu, để hiện hữu ấy qua thơ có thể tự lý giải về sự có mặt của mình
trong cõi đời. Do đó cách tốt nhất để chúng ta hỏi về thơ là hãy im
lặng trước thơ, để nó tự trôi chảy theo ý nghĩ và tuôn trào theo con tim
đến với cuộc đời nhiều đau khổ; hướng con người tới sự xoa dịu êm ái
của ngôn từ như ông Huỳnh Phan Anh từng thông điệp tới các thi sĩ và thế
giới thơ của họ, rằng, “đừng tìm
những cuộc hóa thân đâu xa xôi. Hãy nhìn trở lại con người, và bắt đầu
bằng cái nhìn nó gửi lên sự vật, những cảm xúc của nó, những mơ mộng của
nó, những niềm tin của nó, để thấy sự thay đổi cả một thời đại. Có thể
chúng ta bi thảm vì, nói một cách đơn giản, chúng ta đã đánh mất thơ
ngây. Và bi thảm hơn, chúng ta không thấy điều đó” (Huỳnh Phan Anh - Thơ hiện hữu chống lại thơ).
Nếu như trong phần 1 của tiểu luận Thơ hiện hữu chống lại thơ,
ông Huỳnh Phan Anh đã chỉ ra đặc trưng mơ mộng từ căn tính thơ, rằng,
thơ là một hiện hữu không thể cắt nghĩa, không thể khái niệm và không
thể ban bố thang bậc xác định thế nào là thơ, thì tới phần 2 của tiểu
luận, tác giả của nó đặt thơ vào một vị trí chơi chữ nửa như bông đùa
nửa như mời gọi những nhà phê bình thơ nóng tính hạ bút phê phán mình.
Thơ
có chân lý không? Một câu hỏi đau đầu cho những nhà bình luận. Câu hỏi
ấy đặt ra có nguy cơ lật nhào những quy ước “thang bậc lý luận” cho các ý
niệm thơ hay, thơ dở. Và bởi vì thơ là một hiện hữu im lặng, cho nên
ngôn ngữ dẫu có trác tuyệt, diệu vợi như thế nào thì nó cũng không thể
giải phóng tuyệt đối bản chất mơ mộng, phiêu bồng của tâm hồn người làm
ra nó. Cũng bởi lẽ, ngôn ngữ là phúng dụ của nghĩa, nó mang bản chất
siêu hình học như cuộc vượt biên, trốn chạy đầy mơ hồ trước thực tiễn
sống của thi nhân, cho nên mọi chân lý đặt ra với thơ cũng đều là hành
động chống lại chân lý thơ. Ông Huỳnh Phan Anh với kinh nghiệm phản tư
triết học đã đặt thơ vào tình thế chống lại những nhà phê bình thơ,
chống lại thói quen thẩm định thơ cảm tính, chống lại một hệ thống giáo
điều thơ theo kiểu luân lý, thơ hay phải thế này, thơ hay phải thế kia.
Thơ
cũng giống như người làm thơ chẳng thể nào chỉ gói gọn tâm hồn mình
trong sự nghèo nàn của ngôn ngữ cộng đồng, nó vượt thoát những giới hạn
luật lệ khiến thi nhân phải ngột thở, để oằn mình vươn tới cái khác, cái
bên ngoài, cái phóng khoáng của tưởng tượng. Người thơ với tâm hồn thơ
phiêu bồng, khi thì cưỡi trăng, lúc thì hạ thủy, đêm xuống bầu bạn cùng
mây gió, chẳng thể đậu yên một chỗ như con thuyền trước bóng thì làm gì
có chân lý chuẩn mực của thơ. Chân lý của thơ là sự im lặng. Cõi lòng
thi nhân là cõi lòng không thể dàn trải trong giới hạn của ngôn ngữ.
Ngôn ngữ thơ chỉ là cái cớ để những tâm hồn đồng điệu sát lại gần nhau
trong sự im lặng bất tận của tâm hồn. Sự im lặng ấy sẽ đốt cháy tâm thức
của họ thành cuộc phản kháng chống lại hiện hữu theo nghĩa mời gọi, rủ
rê những ngọn lửa khác bên ngoài đang đi tìm “bóng lửa” của mình. Cuộc
đoàn viên, tụ họp của những bóng lửa ấy sẽ mở ra viễn tượng bùng cháy
bất tận của ngọn lửa thơ, sẵn sàng thiêu đốt mọi giới hạn, mọi quy tắc
áp đặt lên bản chất phóng khoáng, tự do của thơ và người thơ: “lời nói thơ, ngôn ngữ thơ, là bí ẩn là bóng tối, nó chỉ hứa
hẹn, mời gọi mà không bao giờ là sự thật nền tảng, chân lý sau cùng, vật
thể đích thực. Cho nên thơ không khẳng định cái ở đó. Thơ khẳng định
cái ở ngoài, ngoài lời nói, ngoài ngôn ngữ. Cho nên sự khẳng định thơ
không quá rõ ràng, sáng sủa cố định như một mệnh đề luân lý hay một
phương trình toán học” (Huỳnh Phan Anh - Thơ hiện hữu chống lại thơ).
Qua phần 1 và phần 2 của Thơ hiện hữu chống lại thơ,
chúng ta thấy, cốt tủy trong lý luận của ông Huỳnh Phan Anh nằm ở “cái
im lặng” của thơ, từ sự khai minh ý nghĩa của việc nên định nghĩa về thơ
(Câu hỏi về thơ - phần 1) như thế nào?, cho đến Khẳng định của thơ
(phần 2) là một sự vận động tĩnh lặng trong cái cõi thơ siêu việt. Giờ
đây, trong phần 3 này, ông Huỳnh Phan Anh không chỉ dừng lại ở việc
chiêm ngưỡng, nghi vấn, khẳng định cái cõi im lặng ấy, mà còn là cảm
giác vượt thoát khỏi chính ý niệm về sự im lặng. Một sự im lặng dường
như tuyệt đối trước thể tính của thơ. Và cũng có lẽ vì, khởi thủy của
thơ vốn là một miền im lặng thuộc về cõi riêng của thi sĩ, cho nên mọi
sự bàn luận về thơ từ ngàn năm nay của loài người đều là những cách thức
chống lại cái nguyên khởi mơ mộng ấy của thơ, là chống lại vận mệnh
thơ, chống lại sự hiện hữu của thơ và người thơ.
Và
có lẽ chính vì thơ là một cõi siêu việt không thể giải quyết được bằng
lời, cho nên, chân lý của thơ là chân lý của suy niệm và cảm nghiệm hơn
là giải thích và chứng minh. Và vì bản thân thi nhân khi Hắn khai mở ý niệm về thơ thì cũng là lúc Hắn
tự đẩy mình vào những giới hạn của thơ, bởi lẽ, mọi ý niệm đều là những
cách thức mô tả dựa trên các biểu tượng có giới hạn chứ không phải là
một cuộc chuyển động toàn diện về tâm thức.
Thơ
trong quan niệm của ông Huỳnh Phan Anh, theo đó không phải là kết quả
của kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn sống trải, mà là một dự phóng đón
đầu và chỉ đạo kinh nghiệm sống trải của thi nhân - điều mà ông gọi là
“sự chờ đợi của kinh nghiệm”. Vì vậy mà, đa phần thi nhân đều là những
người sống không theo quy luật thường nghiệm. Họ có chút lập dị của kẻ
coi thế giới hữu hình chỉ là cõi tạm, mơ mộng, phiêu bồng, lấy trăng mây
gió núi làm bạn đường. Tư tưởng của họ là tư tưởng của một kẻ không
tuân theo bất cứ tư tưởng nào, lối sống của họ là lối sống của kẻ không
theo thước đo chuẩn mực. Cách nghĩ, cách làm của họ không phục vụ hay
làm vui lòng bất cứ ai hoặc bất cứ giai tầng xã hội nào. Có lẽ vì họ là
những người tự sáng tạo ra lối sống của mình, tự mình làm nên kinh
nghiệm sống và tự mình gánh vác các chuẩn mực do mình đề ra, thế nên,
thơ là cõi lặng của chỉ riêng thi sĩ làm ra nó. Nó không lẫn, không hòa,
không trộn vào làm một với bất cứ thi phẩm nào và của bất cứ thi nhân
nào bên ngoài nó. Nó là miền im lặng của chính nó và của người làm ra
nó, đúng như ông Huỳnh Phan Anh quan niệm: “Thơ
không là kinh nghiệm. Thơ là sự chờ đợi của kinh nghiệm. Làm thơ, nói
về thơ… là tìm tới kinh nghiệm thơ. Như vậy trong chính danh của lời
nói, trong chính danh của thơ, người ta phải nhìn nhận một điều: Không
được phép nói về thơ. Niềm im lặng của thơ biến mọi lời nói, mọi lời
thuyết giảng hay chú giải về thơ thành thừa thãi, ngụy biện ngây ngô” (Huỳnh Phan Anh - Thơ hiện hữu chống lại thơ).
____________
Trích dẫn từ nguồn: Huỳnh Phan Anh, Văn chương và kinh nghiệm hư vô, Hoàng Đông Phương xuất bản, Sài Gòn, 1968, tr.93-115.
No comments:
Post a Comment