Riêng tặng P.Lan và Cung Bách
Tiểu luận này được viết ở mức độ đề cương. Mặc dù sự ảnh hưởng của văn học không chỉ có đối với mỹ thuật mà cả nhiều lãnh vực của nghệ thuật như âm nhạc, kich nghệ… nên tác giả xin được phép giới hạn biên độ quan sát và nhận định, chỉ tập trung cho mỹ thuật. Mặt khác, khi đề cập đến thực tế của mối tương hợp giữa văn học và mỹ thuật, vì mối lương duyên giữa 2 dân tộc Việt và Pháp đã sâu đậm về nhiều mặt trong quá khứ và tác giả là người đã chịu ảnh hưởng trực tiếp của tình trạng lịch sử này nên chỉ dựa vào các tư liệu thuộc lịch sử văn học và mỹ thuật hiện đại Pháp để minh họa thêm cho lập luận bài viết dù vẫn có những hoàn cảnh tương tự ở các trung tâm văn hóa lớn như New York của những thập niên 30-50 của thế kỷ 20 chẳng hạn. Nếu thân hữu và đọc giả có những tư liệu khác và những kinh nghiệm xét thấy có thể sẽ giúp cho bước hoàn chỉnh tiểu luận sau này tốt hơn, tác giả rất hạnh phúc được đón nhận. —Trịnh Cung
1. Vấn Ðề
Có một câu hỏi vẫn thường tìm đến với tôi: Nếu nền nghệ thuật hiện
đại của nhân loại đã không nhận được sự tán đồng và cổ xúy trên tinh
thần bằng báo chí (Revue Immoraliste, Paris năm 1905), viết sách, phổ biến tuyên ngôn (Les Peintres Cubistes 1913, Manifesto Surréalisme 1924, Les Voix du Silence 1951)
của các nhà văn, nhà thơ có ảnh hưởng lớn với xã hội Pháp vào những
thập niên đầu của thế kỷ 20 như Apollinaire, André Breton, André
Malraux, Tristan Tzara… thì liệu nó có tồn tại và trở nên những giá trị
sáng tạo hiện đại vô giá mà thế giới đang thừa hưởng?
Và đối với Việt Nam, giai đoạn vừa thoát ra khỏi văn hóa Hán Nôm, liệu nếu không có sự ra đời của tạp chí Ngày Nay và
Tự Lực Văn Ðoàn vào năm 1935 bởi những nhà văn như Nhất Linh, Thạch
Lam, Hoàng Ðạo, Khái Hưng… thì liệu có sự tỏa sáng của bộ mặt hội họa
hiện đại Viêt Nam non trẻ lúc bấy giờ hay không trong khi mấy ai biết
đến và thưởng thức được tranh của những Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Lê
Phổ… giữa một công chúng Việt Nam còn khốn khó và lạc hậu, con chữ còn
mù mờ huống gì là tác phẩm nghệ thuật?
Ðến giai đoạn Việt Nam bị chia đôi đất nước 1954, Miền Nam với nền
Cộng Hòa non trẻ gặp rất nhiều khó khăn cả về quốc phòng lẫn kinh tế, cả
về chính trị lẫn văn hóa, nếu không có sự xuất hiện sớm của Nhóm Sáng
Tạo và tạp chí Sáng Tạo năm 1956 của những nhà văn, nhà thơ,
nhà phê bình, như Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Doãn Quốc
Sỹ, Thái Tuấn, Duy Thanh , Ngọc Dũng… đã phổ biến nhiều tác phẩm văn
xuôi, thơ, hội họa, kịch, phê bình theo phong cách hiện đại và nhất là
đã dấy lên những cuộc tranh luận bàn tròn để thanh toán cái cũ và hiện
đại hóa văn học và mỹ thuật Việt Nam, thổi một luồng gió mới làm thay
đổi bầu trời văn nghệ Miền Nam vốn rất “êm đềm” đã lâu. Nếu không có
cuộc “nổi loạn” mang tên Nhóm Sáng Tạo ấy để gây nên một hiệu ứng tích
cực cho giới họa sĩ trẻ từ bỏ mỹ thuật trường quy, phiêu lưu vào thế
giới sáng tạo hiện đại hơn bao giờ thì liệu Miền Nam có được một loạt
tài năng như Cù Nguyễn, Lâm Triết, Nguyễn Trung, Ðinh Cường, Nghiêu Ðề,
Nguyễn Phước, Nguyên Khai, Nguyễn Lâm, Hồ Hữu Thủ, Hồ Thành Ðức…những
người đã đóng góp phần rất lớn tạo nên bộ mặt hôi họa hiện đai phát
triển mà kể cả sau ngày nước Việt Nam Cộng Hòa bị xóa sổ 30-4-1975, dấu
ấn của nó vẫn còn in đậm trong ký ức của người Việt yêu mỹ thuật dến tận
hôm nay, sau 38 năm?
Câu hỏi sau cùng hình thành trong tôi có tính khái quát là: Sự tương hợp giữa Văn Học và Mỹ Thuật có phải là điều kiện cần cho sự phát triển của cả hai và ngược lại?
Những câu hỏi này đã theo tôi rất nhiều năm và tôi, mỗi khi có dịp
tiếp xúc với các nhà văn, nhà phê bình văn học thân quen, tôi thường đưa
ra để tham khảo hầu mong có thể tìm được giải đáp cho riêng mình. Và
mãi cho đến hôm nay, tại cuộc hội thảo nhân 70 năm ra đời báo Phong Hóa va tạp chí Ngày Nay do đại gia đình cố nhà văn Nhất Linh, người đã tiếp quản báo Phong Hóa và sau đó thay thế bằng tạp chí Ngày Nay cũng do ông làm chủ biên (cuộc hội thảo do tạp chí Thế Kỷ 21 tổ
chức tại quận Cam – California từ ngày 6-7 tháng 7, 2013), tôi đã nhận
được đầy đủ các điều kiện để có thể giải đáp thỏa đáng cho những câu hỏi
ấy của mình mà không sợ quá chủ quan, vô căn cứ.
2. Những cột mốc lịch sử tiêu biểu
* Trường hợp Nhóm Tự Lực Văn Ðoàn và tạp chí Ngày Nay, 1935
Trong 2 ngày thảo luận ấy, ngoài những bài nói chuyện có tính tư liệu
về cuộc đời của những nhà văn nhà thơ chủ chốt của Tự Lực Văn Ðoàn do
các diễn giả là con cháu họ lần đầu có cuộc đại đoàn tụ vừa để tưởng
niệm vừa để bật mí những uẩn khúc và những riêng tư về cha ông mình một
cách đầy xúc động, còn có nhiều tham luận mang tính học thuật của các
diễn giả nguyên là những nhà nghiên cứu trình giải về vai trò của Nhất
Linh, của nhóm Tự Lực Văn Ðoàn, đã xuất sắc tạo ra những thành tựu rực
rỡ về cách mạng văn học thông qua tạp chí Ngày Nay. Nhưng dù có cả một tham luận nói về mỹ thuật trên các báo Phong Hóa và Ngày Nay của
họa sĩ Ann Phong, hội thảo không có một nhận định nào có liên quan đến
tầm quan trọng mà Tự Lực Văn Ðoàn đã làm được cho mỹ thuật Việt Nam lúc
bấy giờ, và đó cũng là nền tảng cho các bước phát triển của mỹ thuật đất
nước tiếp theo.
Vậy tạp chí Ngày Nay và nhóm TLVÐ đã làm được những gì cho sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam?
Trước hết, TLVÐ đã biết giá trị của mỹ thuật trong việc làm cho báo
chí có sức hấp dẫn không chỉ về mặt hình thức mà cả về nội dung. Tiếng
nói của mỹ thuật là tiếng nói của thị giác, nó tác động trực tiếp và
nhanh nhất so với nhiều ngôn ngữ khác nhưng trên hết là chỉ có nó mới
làm cho tờ báo đẹp. Khi chuyên môn của các họa sĩ được khai thác triệt
để thì bộ mặt chính của tờ báo trở nên rất hấp dẫn, rất quyến rũ người
đọc. Ðiều này là hiển nhiên khi chúng ta làm một phép so sánh nhỏ về
trang bìa giữa báo Phong Hóa và tạp chí Ngày Nay. Sự khác biệt về chất lượng mỹ thuật trong trình bày rất rõ. Phong Hóa thì rối rắm, chạy theo ý nghĩa thời sự, kém mỹ thuật. Ngược lại, với Ngày Nay, Nhất Linh đã tạo ra một bộ mặt mỹ thuật cho bìa báo rất bài bản về nghệ thuật trình bày bìa sách báo. Bộ mặt mỹ thuật của Ngày Nay có sự cân bằng giữa ý nghĩa chủ đề kỳ báo và nâng cao mỹ thuật thị giác để lôi cuốn người đọc.
Quan trọng hơn, Nhất Linh và Nhóm TLVÐ không chỉ nhìn thấy khả năng làm đẹp của họa sĩ cho tạp chí Ngày Nay
mà còn nhìn thấy mỹ thuật là một thế lực có thể làm thay đổi bộ mặt xã
hội về văn hóa và văn minh nếu biết khai thác tiềm năng của nó. Tạp chí Ngày Nay trở
thành bệ phóng tuyệt vời cho mỹ thuật Việt Nam khi tập hợp được gần như
hầu hết các họa sĩ xuất sắc nhất thời ấy như Nguyễn Gia Trí, Trần Văn
Cẩn, Lê Phổ, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Cát Tường, Nguyễn Ðỗ Cung… để cùng với
các nhà văn, nhà thơ, kịch tác gia, nhạc sĩ… của TLVÐ làm cho cuộc cách
mạng văn hóa bùng nổ và thành công vang dội.
Thật vậy, riêng lãnh vực mỹ thuật, tạp chí Ngày Nay đã trở
thành một gallery mỹ thuật trên giấy đầu tiên của Việt Nam khi mà cả đất
nước lúc bấy giờ chưa có gallery dành cho mỹ thuật, và tạp chí này cũng
trở thành một diễn đàn không chỉ cho văn học mà cho cả mỹ thuật dù còn ở
mức khiêm tốn, ở dạng manh nha bằng những bài viết ngắn của Tô Ngọc
Vân, cửa Nguyễn Ðỗ Cung về tranh của Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân…và
nhất là về quan niệm Cái Ðẹp trong hội họa. Cùng hỗ trợ cho việc cung cấp kiến thức mỹ thuật do các họa sĩ đã thực hiện trong tạp chí Ngày Nay, nhà văn Thạch Lam đã cho ra cuốn Theo Giòng,
một cuốn sách gồm những bài viết đưa ra những chủ kiến của tác giả về
Cái Ðẹp. Trong một bối cảnh của đất nước dân trí lúc bấy giờ còn rất
thấp, cuốn Theo Giòng của Thạch Lam có thể được coi như một thứ
lý thuyết cơ bản đầu tiên ở Việt Nam về Mỹ Học cho cả văn chương và mỹ
thuật, không chỉ có ích cho công chúng mà cho cả những người làm chuyên
môn có liên quan. Dù ở mức độ khác nhau, về mặt mục đích phổ biến kiến
thức mỹ học, bắt chiếc cầu cho công chúng và tác phẩm mỹ thuật, Theo Giòng của Thạch Lam cũng không khác mấy so với cuốn Những Tiếng Nói Thầm Lặng (Les Voix du Silence) của André Malraux được xuất bản năm 1951 ở Paris, theo tôi.
Ði xa hơn những thực tế ấy, không biết ông Nhất Linh và Nhóm của ông
có nghĩ rằng mỹ học của nghệ thuật tạo hình có ảnh hưởng tích cực gì cho
sáng tác văn học khi cùng tương hợp với nó? Ông có muốn các nhà văn cần
chú ý đến cách mà giới họa sĩ nói về Cái Ðẹp? Tuy nhiên, có một điều mà
tôi quan sát được từ khi trở thành họa sĩ có chút tiếng tăm cho đến nay
là phần lớn những nhà văn nhà thơ nào xuất chúng của cả Ta lẫn Tây cũng
đều yêu hội họa, có người cũng vẽ tranh, và thường kết thân với những
họa sĩ tài năng, thậm chí có nhà thơ còn lấy vợ là họa sĩ như trường hợp
của Apollinaire. Nhà văn Nhất Linh về phía Việt Nam và nhà thơ Jean
Cocteau về phía người Pháp là hai ví dụ điển hình. Vậy đối với người làm
thơ văn nếu trong họ có mầm mống mỹ thuật thì văn chương của họ sẽ hay
hơn khi họ mô tả nhân vật hoặc thiên nhiên (Nhà Mẹ Lê của Thạch Lam là
một ví dụ), và đối với giới họa sĩ nếu trong họ có chất văn tốt thì
tranh của họ sẽ có chất thi ca hoặc tiểu thuyết (xem tranh của Lê Phổ,
tranh của Marc Chagall). Ðiều này được xác tín khi nhà văn Trần Vũ trong
một lần gặp nhau gần đây, ở California, có nói với tôi: “Xem tranh đẹp
như đọc được một truyện ngắn hay”. Tôi không có kết luận chắc chắn cho
câu hỏi nhưng dựa vào luật tương tác, có thể nói chắc rằng nếu môt nhà
văn tầm tầm bậc trung mà vẽ tranh thì tranh họ sẽ thấp phần chất lượng
mỹ thuật và ngược lại khi họa sĩ bình thường mà làm thơ thì thơ của ông
ấy cũng sẽ không phải là thơ hay. Làm văn hay vẽ tranh chỉ là thay đổi
hình thức ngôn ngữ, những tiêu chuẩn thẩm mỹ vẫn luôn là bệ đỡ của tác
phẩm cho dù là tiểu thuyết, thơ, kịch, âm nhạc, điện ảnh, kiến trúc và
mỹ thuật.
Bìa tuần báo Phong Hóa
Bìa tạp chí Ngày Nay
Cảnh phố chợ Đông Dương của Nguyễn Tường Tam (nhà văn Nhất Linh), tranh lụa khổ 50cm X 75cm
* Trường hợp của nhà thơ Apollinaire, Max Jacob và tạp chí Immoraliste, Paris 1905
Vì vốn là thuộc địa của Pháp, tất nhiên người Pháp bao giờ cũng đi
trước và là “Thầy” của người Việt về Tây học. Sự kiện tạp chí Ngày Nay
và Nhóm TLVÐ không tránh khỏi là một phiên bản của văn học và nghệ
thuật hiện đại Pháp. Từ trường Mỹ Thuật Ðông Dương-Hà Nội đến các trường
Tiểu Học, Trung Học và Ðại Học gần như khởi động tuy không cùng một lúc
nhưng cũng không mấy cách nhau về thời gian vì thế những nhân tố mới
được sản sinh từ những ngôi trường ấy đã đem lai cho Việt Nam những thế
hệ trí thức trẻ bản địa đầu tiên tương đối toàn diện về văn thể mỹ. Họ
là những nhà tiền phong cho sự canh tân đất nước. Nhất Linh và Nhóm TLVÐ
nằm trong số ấy, họ khao khát cái mới, và những gì các văn nghệ sĩ hiện
đại Pháp đang làm ở Paris chắc chắn hấp dẫn họ, chẳng hạn như những
việc làm mới văn học và mỹ thuật Pháp của Nhóm Apollinaire, Max Jacob,
Picasso, André Breton… bằng tạp chí, tuyên ngôn, sách lý luận… Tượng
trưng nhất là với Revue Immoraliste, một tạp chí được xuất bản
vào tháng 4 năm 1905 tại Paris đã mạnh mẽ đề cập đến trường phái Lập Thể
(Cubisme) và nhóm họa sĩ của nó, trong đó Picasso và Braque là những
nhà sáng lập. Không chỉ với Lập Thể, còn có cả sự quảng bá cho nghệ
thuật Hồn Nhiên (Naif) của họa sĩ Henri Rousseau, đề cao họa sĩ Henri
Matisse và thiết lập lý thuyết cho trường phái hội họa Lập Thể.
Kế đến là năm 1913, Apollinaire cho xuất bản cuốn sách Những Họa Sĩ Lập Thể (Les Peintres Cubismes). Sách gồm 2 phần: Phần 1, Những Suy Ngẫm Thẩm Mỹ (Meditations esthétiques); Phần2, Những Họa Sĩ Mới (Peintres nouveaux).
Tiếp theo, 1924, nhà thơ André Breton cho phổ biến Tuyên Ngôn Siêu Thực và đến năm 1951, nhà xuất bản Gallimard Paris cho ra đời cuốn Những Tiếng Nói Thầm Lặng (Les Voix du Silence)
là một tập hợp những bài viết giải nghiệm về ẩn ngữ và tâm lý của nghệ
thuật do nhà văn, nhà chính trị André Malraux viết từ những năm
1947-1949.
Chỉ chừng đó thôi tư liệu, cũng đủ cho thấy vai trò của văn học quan
trọng như thế nào trong việc làm cho mỹ thuật hiện đại phương Tây thống
lĩnh suốt thế kỷ 20 và làm nền tảng cho sự đổi mới sáng tạo nghệ thuật
của những thế kỷ kế tiếp, cho dù ngày nay mỹ thuật đã không còn sống
chung với văn học.
* Trường hợp Nhóm Sáng Tạo và tạp chí Sáng Tạo, 1956
Từ TLVÐ đến Nhóm Sáng Tạo, khoảng cách là 20 năm, dù khác biệt về
phong cách và tiến bộ nhưng cách mà cả hai nhóm này tiến hành các hoạt
động văn chương và nghệ thuật không khác nhau. Tự do sáng tạo và tìm
kiếm cái mới cho văn học và nghệ thuật Việt Nam cũng là mục đích của
Nhóm Sáng Tạo như TLVÐ trước kia, nếu không thì họ di cư vào Nam từ 1954
để làm gì.
Nhóm Sáng Tạo ban đầu là một tập hợp những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ,
họa sĩ, kịch tác gia, nhà biên khảo… từ Miền Bắc di cư vào Nam sau khi
đất nước bị chia đôi bởi Hiệp Ðịnh Genève 1954, đứng đầu là nhà văn Mai
Thảo. Họ cho xuất bản tạp chí Sáng Tạo vào năm 1956 tại Sài Gòn, thủ đô của nước Việt Nam Cộng Hòa.
Sự xuất hiện của tạp chí Sáng Tạo là một sự kiện nóng bỏng
của văn nghệ Miền Nam lúc bấy giờ. Nó phá vỡ sự trầm lắng và đơn điệu
vốn là bản chất của văn hóa vùng sông nước và ruộng đồng phì nhiêu và
đôn hậu. Nó làm tương phản một cách cực đoan giữa văn phong Nam Bộ của
những Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Ðình Chiểu, nhóm Ðông Hồ, Bà Tùng Long, Sơn
Nam… với bút pháp hiện đại của những Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Mặc Ðỗ,
Vũ Khắc Khoan, Doãn Quốc Sỹ… giữa hội họa bình dân của những họa sĩ như
Lê Trung, Nhan Chí, Văn Ðen… với hội họa mới của những Nguyễn Gia Trí,
Tạ Tỵ, Thái Tuấn, Duy Thanh, Ngọc Dũng, Vị Ý…
Bên cạnh những sáng tác, Sáng Tạo còn là một diễn đàn cho sự
lên tiếng, tranh luận, tuyên ngôn của các nhà văn và nghệ sĩ về tương
lai cho văn học và nghệ thuật Việt Nam thời Chiến Tranh Lạnh và chống
chủ nghĩa Marxist. Dưới hình thức những hội thảo bàn tròn bởi các nhà
văn, nhà thơ, nhà phê bình và các họa sĩ của Nhóm Sáng Tạo về cái mới,
chống bảo thủ, thách thức trường quy, khi dành cho văn học, khi dành cho
mỹ thuật, đã tác động mạnh mẽ lên việc tạo ra dòng chảy mới hay đã làm
thay đổi dòng chảy cho văn học và nghệ thuật Miền Nam một cách rõ rệt,
không thể phủ nhận. Một thế hệ nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ trẻ
hiện đại của Miền Nam đã xuất hiện từ ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp
của dòng chảy sáng tạo mới này như văn học có Dương Nghiễm Mậu, Tô Thùy
Yên, Trần Dạ Từ, Nhã Ca, Viên Linh, Trùng Dương, Thụy Vũ, Thảo Trường…
Hội họa và điêu khắc có Nguyễn Trung, Mai Chửng, Dương Văn Hùng, Ðinh
Cường, Nghiêu Ðề, Nguyễn Phước… Âm nhạc có Trịnh Công Sơn, Lê Uyên
Phương, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An…dù chỉ có trong một
khoảng thời gian tạp chí Sáng Tạo tồn tại không quá 5 năm (1956-1961) và trước khi nền Ðệ Nhất Cộng Hòa sụp đổ chỉ 2 năm sau đó.
Hình như lịch sử luôn oan nghiệt với những con người tài hoa, cái vắn số của tạp chí Ngày Nay và Tự Lực Văn Ðoàn, của tạp chí Immoraliste và Nhóm Apollinaire, của tạp chí Sáng Tạo và
Nhóm Sáng Tạo cũng nằm trong thói quen này của lịch sử? Tuy nhiên, mặt
khác, lịch sử cũng là nơi tồn tại vĩnh cửu cho những giá trị đích thực
và cả tội ác của con người.
Tranh Duy Thanh
Bìa tạp chí Sáng Tạo
3. Khi cuộc hôn phối Văn Học và Nghệ Thuật gãy gánh?
* Thực tế Việt Nam
Miền Bắc từ 1954-1975
Phải nhìn nhận, văn học và nghệ thuật tư do là sản phẩm của nền dân
chủ hoặc ít ra nó được hưởng một phần không nhỏ từ nền dân chủ. Khi TLVÐ
và tạp chí Ngày Nay ra đời, dẫu Việt Nam còn thuộc Pháp nhưng
không hẳn hoàn toàn bị cai trị bằng chế độ độc tài toàn trị. Nó phải
được hít thở phần không nhỏ cái không khí của nền dân chủ, người Việt có
một số tự do nhất định như đi học, đọc sách báo, chơi nhạc, vẽ tranh,
kinh doanh… Ai giỏi thì được trọng dụng, làm thầy giáo, làm bác sĩ, làm
kỹ sư, làm họa sĩ… Có người được đi du học ở Pháp để lấy những bằng cấp
cao như Kỹ Sư, Thạc Sĩ, Tiến Sĩ.
Chỉ hưởng xái của nền dân chủ thuộc địa Pháp như vậy mà Việt Nam đã
có được những nhà trí thức như các ông Phạm Quỳnh, Trương Vĩnh Ký,
Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Ðức Thảo…và nhiều
nhà văn, nhà thơ, như các ông Nhất Linh, Thạch Lam, Khái Hưng, Tú Mỡ,
Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ, nhiều họa sĩ như các ông Nguyễn Gia Trí,
Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân, Lê Phổ, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tường Lân,
Tạ Tỵ, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, nhiều nhạc sĩ như
các ông Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao, Nguyễn Văn Tý, Ðặng Thế Phong, Phạm
Duy, Dương Thiệu Tước… Thế mà, khi người Việt từ chối thứ dân chủ
“second hand” ấy bằng cuộc cách mạng đầy huyền thoại của người cộng sản
Việt Nam lật đổ hoàn toàn thực dân Pháp, đưa đất nước trở về độc lập vào
năm 1954 thì Việt Nam phải bị chia đôi. Miền Bắc dưới sự lãnh đạo của
Nhà Nước Xã Hội Chủ Nghĩa xóa sạch hoàn toàn nền văn học và nghệ thuật
tự do mà Tự Lực Văn Ðoàn và tạp chí Ngày Nay tạo ra từ năm 1935
và thay thế bằng nền văn học và nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa.
Cuộc cải cách văn hóa này tuy êm ái hơn cuộc cải cách ruộng đất sau đó
nhưng cũng không kém phần ác liệt. Văn học và nghệ thuật ở Miền Bắc do
đó không còn là một đôi tình nhân mặn nồng như trước kia mà đã phải vào
vai đồng chí trên những công trường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Và Miền
Nam, với nền Cộng Hòa, dân chủ được phát huy nên văn học và nghệ thuật
được sánh vai nhau trên con đường tình như nó đã từng có.
Miền Nam sau ngày 30-4-75
Ai cũng biết đó là ngày đất nước trở về một mối, nước Cộng Hòa Xã Hội
Chủ Nghĩa Việt Nam. Nó đồng nghĩa với việc tự do sáng tạo phải ra đi
hoặc phải tự chết đi cùng với Sài Gòn. Miền Nam không còn Nhóm Sáng Tạo,
không còn Hội Họa Sĩ Trẻ, không còn báo chí, các tạp chí và nhà xuất
bản tư nhân… Mọi thứ đều được kiểm soát và phải hoạt động trong khuôn
khổ được phép của nhà nước. Mọi tư duy văn học và mọi cảm hứng nghệ
thuật đều nhất mực phải đi trên một đường ray do Ðảng cầm quyền thiết
lập chạy suốt từ Bắc đến Nam. Nền giáo dục xã hội chủ nghĩa kết liễu
hoàn toàn nền giáo duc dân chủ, loại bỏ triệt để văn học và nghệ thuật
tự do, đa nguyên. Thực tế này kéo dài hằng thập niên nên hậu quả là nhà
văn, nhà thơ trong nước ngày nay không biết xem tranh thậm chí lãnh cảm
với tranh và ngược lại phần lớn họa sĩ ngày nay ít đọc văn. Có nhiều nhà
văn đã nói với tôi: “Mình rất dốt hội họa, bây giờ nó vẽ cái gì mình
chẳng hiểu”. Báo chí ngày càng không dành chỗ cho mỹ thuật và nếu có
muốn thì cũng không có người có khả năng viết về lãnh vực này. Lỗ hổng
mỹ thuật quá lớn trong hệ thống giáo dục XHCN đã kéo dài quá lâu khiến
người Việt mất cảm giác với mỹ thuật, xa lạ và lãnh cảm với triển lãm mỹ
thuật dẫn tới cảnh vắng người tại các gallery và Bảo Tàng Mỹ Thuật và
như một tất yếu, cái chết của mỹ thuật Việt Nam đang rất gần.
Tình trạng ngày nay ở Phương Tây?
Ở Phương Tây ngày nay, không có sự xáo trộn lớn về chính trị ngoại
trừ khối Ðông Âu, do đó mọi thứ vẫn phát triển. Tuy nhiên, phát triển
cũng mang lại những thay đổi cho con người, thường thì tốt hơn, nhưng
trong lãnh vực mỹ thuật thì sự chia tay giữa văn học và nghệ thuật cũng
đã xảy ra vào cuối thế kỷ 20, nhưng nguyên nhân gây ra lại không phải
chính trị mà là chủ nghĩa Tư Bản Thực Dụng.
Ở giai đoạn đầu, những thập niên 30-50 của thế kỷ 20, chủ nghĩa Tư
Bản chỉ tập trung khai thác lợi nhuận từ sản xuất và đóng vai trò nhà
hảo tâm với các hoạt động văn hóa. Văn hóa, trong đó âm nhạc, nghệ
thuật, văn chương, kịch nghệ… có giá trị làm cho bộ vó của những nhà tư
bản sang trọng và quyền quý hơn nên họ làm người hưởng thụ, khách hàng
và nhà mạnh thường quân. Cho đến khi những nhà trí thức Phương Tây từ
triết gia cho tới nhà văn làm nổi bật sự vô giá của tác phẩm mỹ thuật
bằng quyền lực của ngôn ngữ thuyết giảng, những doanh nhân mới đưa mỹ
thuật vào tầm ngắm của họ. Vũ khí của họ là công nghệ quảng cáo và thế
lực tài chánh. Các gallery bắt đầu xuất hiện cùng một lúc với các tạp
chí chuyên về mỹ thuật. Các art dealer và các cây viết phê bình mỹ thuật
xuất hiện ngày càng chuyên nghiệp tại các trung tâm nghệ thuật lớn như
Paris, London, New York và sau đó là các festival nghệ thuật như các
triển lãm Lưỡng Niên, các hội chợ nghệ thuật (art fair), và các nhà bán
đấu giá như Christie’s, Sotheby’s… Từ đó ra đời một liên minh ma quỷ
giữa gallery và tạp chí mỹ thuật để tác động có hiệu quả cho sự kinh
doanh tác phẩm nghệ thuật. Ngày nay, bạn đừng hồn nhiên mà nghĩ rằng
những bài viết trên các tạp chí chuyên ngành về một nghệ sĩ nào đó đang
triển lãm tại một gallery ở Paris, London, Rome, Madrid, New York… mà
nhà nghệ sĩ ấy không phải tốn kém. Cái giá của nó phụ thuộc vào đẳng cấp
của nhà phê bình và tờ báo mà người nghệ sĩ muốn được ca tụng. Vì
choáng ngợp bởi hào quang danh vọng và sức mạnh của đồng tiền, nhanh
chóng họa sĩ trở thành con bò tơ bị lùa vào thị trường mà giá cả luôn
được định đoạt bởi những nhà kinh doanh nghệ thuật với sự trợ giúp của
ngành quảng cáo thượng thừa bùa phép.
Tình trạng mỹ thuật bị Tư Bản Thực Dụng lũng đoạn đã dẫn tới những
phản ứng chống đối như phong trào Stuckism (Chủ Nghĩa Mắc Kẹt) được ra
đời năm 1999 tại London bởi 2 nghệ sĩ đương đại Billy Childish và
Charles Thomson. Ngoài việc chống lại Nghệ Thuật Ý Niệm và kêu gọi phục
hưng Nghệ Thuật Hiện Ðại, Nhóm Stuckism còn chống kịch liệt sự thị
trường hóa Nghệ Thuật Ðương Ðại của ngành quảng cáo. Ðiển hình là họ đã
phản đối phòng tranh Nghệ Thuật Anh Quốc có tên gọi Tate Gallery và Giải
thưởng Turner hằng năm do sự giựt giây đằng sau của những trùm đầu cơ
nghệ thuật như Charles Saatchi, Lisson Gallery, White Cube Gallery. Với
quyền năng không lường của ngành quảng cáo, Nghệ Thuật Ý Niệm đã không
còn giữ được tính giải phóng tư tưởng và chống lại mọi định chế phân cấp
và định vị Cái Ðẹp của Nghệ Thuật Hiện Ðại và các nền nghệ thuật có
trước như lúc nó được khởi xướng bởi những Marcel Duchamp, Paul Klee…
Các nghệ sĩ Nghệ Thuật Ý Niệm ngày nay cũng bị thị trường xỏ mũi. Tác
phẩm của họ dần dần rời xa chất “đường phố”, dùng chất liệu càng đắt
tiền càng tốt, tác phẩm của họ là thời trang sang trọng của giời siêu
trưởng giả Phương Tây, có giá hằng triệu đến cả trăm triệu USD. Saatchi
hiện nay cũng đang làm ăn lớn ở Việt Nam và hình như cũng đang đứng sau
lưng một số sự kiện nghệ thuật đương đại ở Hà Nội và Sài Gòn.
“Đầu lâu cẩn kim cương” của Damien Hirst
(trưng bày tại Tate Modern)
(trưng bày tại Tate Modern)
4. Kết
Như vậy, trong suốt lịch sử văn học và mỹ thuật từ Thời Phục Hưng cho
đến ngày nay, có thể chọn ra 3 chủ nhân của cặp đôi này, thứ nhất là
Nhà Thờ và Cung Ðình, thứ 2 là Chủ Nghĩa Tư Bản và tiếp theo là Chủ
Nghĩa Cộng Sản. Với 2 vị chủ nhân trên, văn hóa và nghệ thuật được phát
triển theo đúng khả năng của nó dù phải chịu ảnh hưởng của sự biến đổi
bởi nền văn minh ngày một dữ dội, ngược lại với những gì đã xảy ra tại
các nước cộng sản thì số phận của văn học và mỹ thuật đều phải mặc đồng
phục.
Riêng ngày nay, hay đúng hơn là từ cuối thế kỷ 20, khi Chủ Nghĩa Tư
Bản Thực Dụng bành trướng ở Phương Tây và Chủ Nghĩa Công Sản thống trị
một số nước ở Phương Ðông thì có một điểm khá giống nhau về lý do làm
nên tình trạng hủy diệt sự tự do sáng tạo và tự do liên kết trí thức và
nghệ sĩ. Tuy cách thức tiến hành rất khác nhau nhưng tư tưởng của Karl
Marx, tác giả của Tư Bản Luận đã xác định: “Mọi thứ đều là hàng hóa” đã
được các nhà doanh nghiệp mỹ thuật ngày nay áp dụng một cách nhuần
nhuyễn. Cái hồn nhiên nếu không muốn nói là sai lầm của những nhà khởi
xướng cuộc lật đổ chủ nghĩa hiện đại và đòi giải phóng tuyệt đối cho sự
độc lập của nghệ sĩ đã làm chia cách các cá thể sáng tạo thành những chủ
thể cô độc và yếu ớt, phá tan các salon văn nghệ, nơi sản sinh ra các
trường phái văn học và nghệ thuật một thời rất sinh đông ở Phương Tây.
Với cương lĩnh của những nhà cách mạng nghệ thuật đương đại đòi nghệ
thuật phải ra đường phố, phải đưa công chúng vào sân chơi nghệ thuật
cùng với nghệ sĩ… như thủa ban đầu, hình như có cái gì đó rất gần với
chủ nghĩa công sản. Tuy nhiên, cái tốt đẹp như nó hằng chủ trương đã
không đến với đám đông bình dân mà ngược lại cả hai phía cộng sản và tư
bản, mỗi phía một cách đã biến cái gọi là Nghệ Thuật Ðương Ðại trở
thành
con rối hoặc món hàng siêu lợi nhuận cho họ.
Và tất nhiên, ở cả hai phía ấy, văn học và triết học đã mất dần đi
tiếng nói đầy quyền lực từng có của mình, còn nghệ thuật, vốn sống theo
bản năng nên dễ bị sa ngã bởi cám dỗ lợi nhuận hoặc hèn hạ dễ bị chính
trị cưỡng chế, cái thời đẹp nhất của những cuộc tình văn học và nghệ
thuật đầy lãng mạn của con người dù là Ta hay Tây đều đã qua rất lâu rồi
và dường như chẳng có cơ hội nào tái hợp được nữa.
Viết tại California ngày 9 tháng 7-2013
No comments:
Post a Comment