Tuesday, July 23, 2013

Phạm Thành


Đôi lời ngỏ với ông Trương Quang Đệ: Chữ có đạo và chữ vô đạo
 
Nhân đọc bài “Bối cảnh lịch sử của phong trào Nhân văn – Giai phẩm” của ông Trương Quang Đệ
Thưa ông, tôi chỉ là bậc hậu sinh so với ông. Khi Nhân văn Giai phẩm bị đàn áp tôi còn là một đứa trẻ học cấp I đang tung tăng đến trường.
Khi trưởng thành và được sống và làm việc trong môi trường báo chí tại Hà Nội tôi cũng cất công tìm hiểu qua các bài viết về Nhân văn Giai phẩm. Không dám nói là đọc hết, nhưng là đọc nhiều. Đọc rồi tự mình lại càng không hiểu Nhân văn Giai phẩm là một “sự vật” gì: Chống chế độ, chống Cộng sản, thân Tàu Công hay thân Nga – Xô Viết?
Đến nay, đọc bài của ông thì tôi rõ hẳn ra: Họ chẳng chống chế độ, chẳng chống Cộng sản mà chỉ muốn được tự do, đặc biệt là được tự do trong sáng tác văn học nghệ thuật. Mà cái đòi tự do này của họ được nhóm lên từ từ khi ông Khơ- rup- sop ở bên Nga, mang hàm cấp; Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên bang Xô Viết khi ông Khơ chống Sit-ta-lin, chống tệ sùng bái cá nhân trong chế độ Xô Viết.
Tôi định vị răng, việc họ đòi tự do, đặc biệt là tự do trong sáng tạo vốn là nhu cầu tự thân có trong mỗi con người. Những người Cộng sản nhân danh tự do để phát động cuộc đấu tranh với giai cấp tư sản và đạt được kết quả là nhờ ở khẩu hiệu ấy. Nhưng có một hiện thực đã phát lộ ở nước ta, khi chính quyền đã nằm trong tay một số ít người thì họ lai cấm đoán và đàn áp những người muốn tiếp tục đi tiếp con đường tự do.
Đó là cái hỏng, cái lật lọng đểu cáng của một số “lãnh tụ” trong chính quyền. Và vì vậy, những người tài giỏi, có công và công chính ư tú nhất của dân tộc đã lên tiếng chống lại sự áp bức tự do đó, và cái họ nhận lại là sự đàn áp, cầm tù, hành hạ họ suốt cả cuộc đời.
Ngọn lửa nhân văn đến giờ vẫn còn cháy trong lòng trí thức và được kính trọng chính là ở lý do này. Đó là cái được của họ, dù ngọn lửa này chỉ cháy lên một cách tự phát.
Ấy vậy mà ông Đệ viết rằng, “Đương nhiên những kẻ chống cộng trong và ngoài nước chớp lấy cơ hội vàng để bôi bác chế độ miền Bắc, coi như minh chứng về sự khắc nghiệt của chế độ cộng sản”.
Ông Đệ viết như vậy là sai ở chữ “bôi bác” và cụm từ “coi như minh chứng”.
Chăng nhẽ người ta (bất kỳ ai) lên án hay phê phán một việc làm sai là “bôi bác” ư? Chăng nhẽ một hành động đã xảy ra rồi mà có thể “coi như” đươc ử? Không thể.
Thực tế, những người Nhân văn Giai phẩm bị đàn áp tàn tệ cho đến tàn đời và cái hành động khôi phục rồi trao giải thưởng này nọ cho họ có thể biện minh cho những “sai lầm chết người” được ư? Không thể. Nó chỉ như những giọt nước mắt của cá sấu rỏ ra giả bộ thương tiếc khi hắn đã nuốt xong con mồi vào bụng, mà thôi.
Cái tàn ác dã man, đểu giả và sắt máu cúa chính quyền nhân danh nhân dân đã xuất hiện từ thời đó. Họ thẳng tay chuyên chính với bất kỳ ai. Những người trong Nhân văn Giai phẩm là những người tài năng, những người có công với đất nước, là bạn, là đồng chí với họ, nhưng chỉ cần khác họ, dù chỉ là một hành động nhỏ nhoi: văn nghệ sĩ cần được tự do sáng tác, thì ngay lập tức họ trở thành tên tù khổ sai, có người phải chịu đựng suốt 30 năm trời.
Tôi cứ nghĩ rằng, giá như họ chống đối, họ muốn lật đổ chế độ để chính quyền có lý do để mà hành hạ họ, cho cam. Đằng này, họ chỉ muốn cho mình có một chút tự do, dân tộc mình có một chút tự do theo đúng những gì chính quyền đã long trong tuyên ngôn mà họ phải chịu cảnh thân bại, danh liệt đến trọn kiếp.
Tôi trộm nghĩ rằng, cái cần phải nghiên cứu, cần phải tốn giấy mực không phải chỉ dừng ở mức tìm hiểu họ, vì sự tìm hiểu cho rõ ràng về họ, rồi khen, rồi chê họ, phỏng để làm gì nếu không đi cùng với nó là tìm cho ra thủ phạm rồi lên án, phê phán nó thì đó mới là sự nghiên cứư có ích, mới là những chữ có đạo.
Mạo muội cảm xúc mấy lời mong ông tiếp nhận cho.
Kính ông.
Phạm Thành


No comments: