“Giải thiêng”, thuật ngữ của sự phá hoại?
Câu chuyện luận văn thạc sĩ có đề tài về nhóm Mở Miệng của thạc sĩ Đỗ
Thị Thoan tức nhà văn Nhã Thuyên bị phê bình một cách thô bạo nếu không
muốn nói là đấu tố vẫn chưa kết thúc khi trong tuần này lại xuất hiện
liên tiếp nhiều bài viết tấn công trên nhiêu tờ báo lớn nhỏ trong nước.
Để tìm hiều sâu hơn tại sao một luận văn nghiên cứu văn học lại có số
phận như vậy, Mặc Lâm phỏng vấn TS Vũ Thị Phuơng Anh để làm sáng tỏ thêm
một vài khúc mắc trong câu chuyện này.
TS Vũ Thị Phương Anh trình luận án tại đại học La Trobe
University, Australia về ngành Giáo dục. Là giảng viên và nghiên cứu
giáo dục và hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng và Hỗ trợ chất
lượng giáo dục, Hiệp hội các trường đại học ngoài công lập. Mời quý vị
theo dõi cuộc phỏng vấn qua chương trình Văn hóa nghệ thuật sau đây:
Kết án theo kiểu đấu tố
Mặc Lâm: Thưa tiến sĩ, xin cảm ơn thời gian mà
tiến sĩ đã dành cho chúng tôi ngày hôm nay. Qua các bài viết phê bình
hầu hết đang dựa trên những tiêu chí đạo đức, phẩm hạnh cũng như những
cái đẹp được gọi là cổ điển để xác định là luận văn của Đỗ Thị Thoan đã
lạc hướng và lên án gay gắt chủ nhân của nó là phản động. Theo tiến sĩ
thì luận văn có đáng bị kết án theo kiểu có vẻ như đấu tố như vậy hay
không?
TS Vũ Thị Phương Anh: Vâng, thật ra
có rất nhiều bài viết phê phán nhưng tựu trung lại là nó xuất phát từ
bài của ông Chu Giang Nguyễn Văn Lưu. Tôi đọc kỹ, có hai điều họ phê
phán. Phê phán thứ nhất là khiếu thẩm mỹ không đáng được gọi là thẩm mỹ
đã đành; tức là nó thô tục, thiếu thẩm mỹ. Thứ hai là phạm thượng, từ đó
là phản động. Đó là hai khía cạnh khác nhau. Lúc đầu tôi đọc và thấy
giọng điệu tôi cũng giật mình. Những lời lẽ đó đúng là đấu tố, không nói
khác được.
Sau khi đọc bài viết này thì tôi mới đi tìm đọc Nhã
Thuyên tức là Đỗ Thị Thoan. Vì mình đã đọc bài phê bình trước rồi nên
khi đọc lướt qua thì cảm thấy cô này rất dũng cảm. Tôi cũng đọc và phân
tích phản ứng của những người mà sau này binh vực Đỗ Thị Thoan ttuy có
chậm hơn một chút. Cho tới hôm nay, tôi được đọc câu trả lời thì thấy
chuyện này là chuyện rất nhỏ.
Thứ nhất nếu cô Đỗ Thị Thoan không có công thì thôi chứ
không có tội tí nào, kể cả xét theo tiêu chuẩn cổ hủ của ông Chu Giang
đưa ra vì thật ra do ông ấy hiểu sai cô ấy hoàn toàn. Có một bài của anh
nhà báo Nguyễn Vạn Phú viết rằng: nếu như có sự thô tục, nếu như có sự
phạm thượng thì trước hết nó không phải là của cô Đỗ Thị Thoan mà nó là
của nhóm Mở miệng. Nếu như có tội thì là nhóm kia phạm tội chứ không
phải cô Đỗ Thị Thoan.
Cô Thoan chỉ nghiên cứu hiện tượng đó nên cô phải nhắc
tới, cô phải trích dẫn...trích dẫn lại mà cuối cùng bị kết luận chê bai
đánh đập tơi tả vì nhóm Mở Miệng. Tôi nghĩ cô có quyền trích dẫn từ đầu
đến cuối mà ông Chu Giang không đuợc nói gì hết. Chẳng may vì cô Đỗ Thị
Thoan lại đưa ra một kết luận khách quan và nó khách quan không theo cái
hướng mà ông ấy nghĩ.
Khi tôi tìm hiểu và trao đổi với cô ấy thì cô khẳng định rõ cô không
xét về mặt thẩm mỹ những bài thơ của nhóm Mở Miệng mà cô muốn xem xét
việc họ thực hành thơ. Cô dùng nguyên văn là “các thực hành thơ”. Luận
điểm của cô chỉ vì những người này muốn làm khác, muốn cách tân, họ nói
ngọng nghịu hay họ đưa những chủ đề hơi thô tục. Thật ra tất cả những
điều đó để đạt được mục đích duy nhất là cách tân. Đó là luận điểm chính
của cô ấy. Mọi người đúng là nhặt chỗ này, nhặt chỗ kia vài cái rồi la
hoảng lên. Tôi nghĩ là một người bình thường về đầu óc thì thấy nó chẳng
là cái gì hết, chỉ là bão trong chén trà.
Mặc Lâm: Vâng, qua những bài được gọi là phê
bình nhưng thật ra là ném đá tác giả Đỗ Thị Thoan, TS rút ra được những
gì từ giới đuợc gọi là phê bình nhưng không theo đúng phương pháp khoa
học mà chỉ thiên về cảm tính?
TS Vũ Thị Phương Anh: Có lẽ về vấn
đề này tôi chỉ có thể nói ngắn gọn. Mình không có nền phê bình đúng
nghĩa, theo cái nghĩa khoa học. Những người này họ thiếu khoa học, họ
quá cũ kỹ. Tôi nghĩ tới những cha đạo thời Trung cổ. Tức là chúng ta có
những nhà “đạo đức” cách mạng, những điều mình phải tuân theo mà không
được đặt câu hỏi. Đúng sai gì cũng phải tuân theo nếu làm khác thì có
tội rồi và không hề có khoa học. Tôi không biết nói như thế nào, họ quá
cũ và không khoa học.
Sợi dây chính trị vô hình
Mặc Lâm: Vấn đề này xảy ra trong phạm vi học
thuật, cụ thể hơn là phạm vi trong trường đại học. Là người hoạt động
trong ngành giáo dục TS nghĩ sao khi một giáo sư hướng dẫn cho sinh viên
làm luận văn mà bị cho thôi việc chỉ vì có người tố cáo là luận văn này
có vấn đề. Hành vi này có thể dẫn đến hậu quả gì trong giới học thuật,
đặc biệt trong khuôn viên của đại học?
TS Vũ Thị Phương Anh: Thứ nhất cô
này là cô Nguyễn Thị Bình chú không phải Hòa Bình như trên báo chí chỗ
này, chỗ khác bị sai. Tin cô Thoan vị thôi việc thì đúng; nhưng nguồn
tin bên ngoài nói cô Bình bị cách chức thì không đúng. Tôi có thể khẳng
định vì tôi có quen trong giới nên rất chính xác. Tuy nhiên cô ấy cũng
bị nhiều sức ép.
Theo như tôi biết thông tin ở bên trong do bạn bè thì họ
nói sẽ thành lập hội đồng thẩm định lại luận văn này. Hình như là ngày
mai, 27 tháng Bảy. Đây là những thông tin mình nghe qua bạn bè chứ không
phải nghe từ đương sự cho nên tôi nói với sự thận trọng.
Hậu quả nặng nhất là cô Thoan bị thôi việc. Cô là giảng
viên chỉ mới hợp đồng thôi vì cô mới lên thạc sĩ thì mới được đứng lớp
và cũng chỉ trong hợp đồng chứ chưa đứng lớp vĩnh viễn. Cô đã bị cắt hợp
đồng và tôi nghĩ cô không có đường quay lại. Cô Thoan sẽ rất khó quay
lại để dạy vì cái nghề dạy nó có tác động đến tư tưởng các thế hệ sau
nên cô khó lòng mà quay lại.
Tất cả mọi người đều biết và chính bản thân tôi cũng
biết cô Thoan là một người có tài. Nghề đi dạy ở Việt Nam cũng không
phải là cái nghề quá hấp dẫn. Tôi thấy cô cũng có vẻ bình tĩnh.
Cái đáng sợ hơn là nếu có một hội đồng xét lại thì tôi
phản đối chuyện lập hội đồng như thế ở hai điểm. Điểm thứ nhất là cớ làm
sao đây là sản phẩm của một nhà khoa học trẻ là cô Thoan và có người
hướng dẫn tức là có Senior Researcher hướng dẫn qua một hội đồng khoa
học ở một cơ sở giáo dục có quyền, có uy tín, có kinh nghiệm đàng hoàng.
Họ có đầy đủ thẩm quyền và họ đã quyết định xong rồi mà bây giờ có một
vài ba ông, tạm gọi là những nhà bảo vệ tư tưởng hay là những nhà “cha
đạo của cách mạng” (gọi như vậy nó hơi buồn cười) họ la hoảng lên vài
câu thì lập tức một luận văn, tôi nghĩ, được ấp ủ vài năm và viết cũng
phải mất cả năm của cả thầy trò, rồi cả một hội đồng năm, bảy người ít
nhất cũng là giáo sư, tiến sĩ mà đánh giá xong chỉ có một ông Chu Giang
la hoảng thì ngay lập tức có quyền đưa ra một hội đồng khác phủ nhận.
Như vậy không thể được, không thể chấp nhận. Đó là một
sự xúc phạm quá nặng. Hai nữa điều đó không những là sự xúc phạm mà còn
có sự bất an. Tôi phán đoán xong rồi với tất cả sự hiểu biết của một nhà
khoa học nhưng rồi bất cứ ai trong hội đồng sau họ sẽ đánh giá như thế
nào. Nhất là những phát biểu không mang tính khoa học gì hết mà đủ sức
để đưa ra một quyết định là phải xem lại.
Có một giới nào đó, giới mà tạm gọi là giới “phê bình tư tưởng” lại
đứng cao hơn khoa học như vậy. Đây là chuyện của khoa học. Đây là điều
tôi phản đối. Đây là những người viết theo khuynh hướng Hậu hiện đại thì
nó có giá trị của Hậu hiện đại, tiêu chí của Hậu hiện đại mà lại bị
đánh giá. Tôi không hiểu là họ muốn làm chuyện gì và kết quả ra sao. Cái
tiền lệ đó rất xấu.
Mặc Lâm: TS vừa nhắc đến vấn đề văn học hậu
hiện đại khiến chúng tôi nảy sinh ra một câu hỏi là hình như có một sợi
dây chính trị vô hình nào đó đang được dùng để mà trói chặt các bài báo
phê phán vào cụm từ được họ gọi là “giải thiêng”. Đây có phải là điều
giòng văn học hậu hiện đại đang nỗ lực để phá bỏ phải không, thưa tiến
sĩ?
TS Vũ Thị Phương Anh: Tôi cũng
không dám cho là mình biết đầy đủ về Hậu hiện đại. Hậu hiện đại như tôi
hiểu một cách rất là đơn giản nhất là không hài lòng với cái hiện đại
hay hiện trạng. Không hài lòng ở chỗ như thế này: bình thường không có
gì là hoàn hảo cả. Vậy thì những người Hậu hiện đại, tạm gọi là “nổi
loạn”, tức là họ không hài lòng. Kể cả việc gì có đúng tới 80% mà những
người sắc sảo nhìn ra được cái sơ hở của hệ thống đó. Đó là phản ứng
đối với sự nhàm chán, nói chung là họ ngán sự thiếu sáng tạo hay quá
nhàm chán hay là có những sai sót mà chưa sửa..Họ dùng hình thức tạm gọi là nổi loạn hay là ngông cuồng
hay gay shock để thu hút người khác thôi. Thông điệp họ muốn nói là cái
hệ thống kia nó chưa hoàn hảo. Từ tinh thần đó họ có thể có những từ
gây shock hay giải thiêng hay thô tục..... Từ giải thiêng tôi cho là cái
nghĩa của nó rất là shock. Nó bình thường hóa những cái trước kia mình
thần thánh hóa. Thần thánh hóa đây không phải cụ thể là con người mà
thần thánh hóa một cách làm, một ý nghĩ...”Thiêng” ở đây có nghĩa là coi
nó hoàn hảo rồi. Giải thiêng tức là nói nó chưa hoàn hảo, vậy thôi.
Xin lỗi nói ra ngoài một chút là sau những tranh luận
này thì tôi cũng có một số đồng nghiệp chuyên về văn học Hậu hiện đại.
Chúng tôi cũng có tranh cãi với nhau và họ nói với tôi thật ra Hậu hiện
đại chỉ ra cái chỗ chưa hoàn hảo thôi. Định nghĩa Hậu hiện đại rất khó
nhưng với suy nghĩ của con người hiện nay rất Hậu hiện đại. Tôi nghĩ nói
như thế rất đúng. Có lẽ bây giờ trên khắp thế giới tôn giáo không còn
vai trò độc tôn như xưa nữa. Không ai tin một cách tuyệt đối từng lời
từng chữ tuy tinh thần tôn giáo thì có thể còn. Tin tuyệt đối từng lời
từng chữ, nhìn cái tượng thì phải cúi đầu.... tôi nghĩ là không còn
nữa.
Đó là suy nghĩ của mình trong đời sống bình thường thì
Hậu hiện đại là muốn sống tạm, còn định nghĩa nó là cái gì thì khó.
Trong đám ngôn từ của Hậu hiện đại có chữ giải thiêng. Chữ đó hình như
rất đụng chạm và những người phê phán Đỗ Thị Thoan, phê phán Hậu hiện
đại, hình như họ sợ cụm từ này. Họ nghĩ tới một cái nghĩa rất là cụ thể:
giải thiêng những hình ảnh thiêng nào đó của họ.
Trong đoạn văn của Đỗ Thị Thoan có nhắc đến nhóm Mở
Miệng, nhóm này có nhắc đến Hồ chủ tịch. Và trong bài của Chu Giang coi
chuyện đó như là tội trọng. Ông nói những hình tượng như Nguyễn Du và Hồ
Chủ tịch thì không thể nói bằng từ giải thiêng được. Đìêu đó coi như là
tuyệt đối thiêng liêng đời đời, chắc là như vậy. Tôi nghĩ đó là một
thái độ rất trẻ con.
Bây giờ thật ra là Chúa Trời đi nữa mà tôi là người theo đạo Công
giáo thì cũng sẽ thiêng liêng; nhưng không phải là mình trông thấy tượng
ảnh rồi mình rối rít lên, quì lạy xì xụp, không có như vậy đối với con
người của thế kỷ 21. Giải thiêng theo tôi nghĩ nó hiền lành chứ không
đến nỗi phải qui chụp vào đó. Nó rất nhiều ý nghĩa. Tôi nghĩ là họ ấu
trĩ thôi.
Mặc Lâm: Quay lại với nhóm Mở Miệng, cách diễn
ngôn của nhóm này chắc chắn sẽ gặp phản ứng từ những tín đồ của chủ
nghĩa Hiện Đại mù quáng như ông Chu Giang chẳng hạn. Phải chăng phản ứng
hiện nay nằm trong phạm trù này hay từ một động cơ nào khác?
TS Vũ Thị Phương Anh: Tôi không
phải là Chu Giang nên không trả lời được nó là cái gì. Theo phán đoán
của tôi có lẽ Chu Giang là một người phát biểu nhưng sau đó lại có một
chùm các bài viết khác và có những nguời bị tác động khác. Tôi nghĩ cả
hai đều “possibility”, là khả năng. Nhưng tôi cũng nghĩ là có lẽ đa số
chỉ vì ấu trĩ thì đúng hơn. Ấu trĩ và không tự mình quan sát, phán đoán
mà thấy bài đầu tiên của Chu Giang với lời lẽ rất nặng nể khiến cho
những nguời dễ dãi khi nghe như vậy liền nghĩ: đúng rồi, những cái đó là
thiêng liêng, là “taboo” vì vậy ai dám động tới thì nhảy chổm lên bảo
vệ không suy nghĩ. Tôi cũng không loại trừ những tin tức từ bên trong
cho rằng hay là lợi dụng điều đó để mà đấu đá lẫn nhau?
Mặc Lâm: Xin cám ơn TS Vũ Thị Phuơng Anh.
No comments:
Post a Comment