Những nữ nhà văn gốc Việt tỏa sáng thế giới
Ngày càng
nhiều nhà văn gốc Việt chinh phục độc giả quốc tế bằng những tác phẩm
đầy mê hoặc qua những câu chuyện cảm động về đất nước, con người Việt
Nam.
Những giải thưởng lớn
Từ
sau khi đoạt 2 giải thưởng lớn: Newbery Honor Book 2012 và National
Book Award 2011 của văn học Mỹ cho hạng mục Young People Literature,
tiểu thuyết thơ đầu tay Inside Out & Back Again (tạm dịch: Đi rồi
cũng lại về, NXB Harper Collins) của nữ nhà văn Mỹ gốc Việt Lại Thanh Hà
không khỏi khiến độc giả Mỹ lưu luyến. Cuốn tiểu thuyết được đánh giá
là vô cùng đặc biệt như một cuốn hồi ký về chính cuộc đời tác giả được
gắn kết bằng 121 bài thơ tinh tế miêu tả từ cái tết này đến cái tết kia.
Lại Thanh Hà |
Theo
Common Sense Media, cuốn sách được viết bằng các bài thơ ngắn, dễ đọc,
tốc độ nhanh, mô tả và sâu sắc. Dù không mang tính thuyết giáo hoặc
hướng dẫn, song chúng mang lại nhiều thông tin về cuộc sống ở Việt Nam.
Độc giả cũng hiểu được cuộc sống của một người nhập cư như Hà phải đấu
tranh để sinh tồn, để hòa nhập. Với nhân vật chính là một cô bé 10 tuổi,
cuốn sách tràn đầy vẻ đẹp và hy vọng cho dù bối cảnh là chiến tranh
Việt Nam.
Cùng thể
loại tự truyện tương tự gồm nhiều đoạn văn ngắn, với bút pháp miêu tả
tâm lý khá tinh tế, kể lại những biến cố trong cuộc đời tác giả, tiểu
thuyết thơ Ru của nữ nhà văn Canada gốc Việt Kim Thúy đã đoạt giải Grand
Prix RTL-Lire 2010 ở Liên hoan sách Paris, giải The Governor General’s
Literary Awards năm 2010, lọt vào chung khảo giải Văn chương năm châu
2010 (Prix des 5 continents 2010) của các nước nói tiếng Pháp, chung
khảo giải văn học uy tín Canada Scotiabank Giller 2012. Đây cũng là một
trong 15 tác phẩm được lọt vào sơ khảo giải Man Asia Literary 2012 – một
giải văn học châu Á uy tín được tổ chức hằng năm.
Nhật báo
Le Figaro (Pháp) đánh giá: “Văn của Kim Thúy chảy như những vần thơ – nó
chuyên chở và khuây khỏa; nó đầy sinh lực và bắt người đọc suy nghĩ”.
Kim Thúy cũng nhận được khá nhiều lời khen bởi một giọng văn đầy nữ
tính, rung động mà thoát khỏi những giới hạn của đời sống hằng ngày.
Ngay từ chính tựa sách cũng đã ẩn chứa không ít ý nghĩa. Bởi trong tiếng
Pháp, Ru có nghĩa là dòng suối nhỏ, còn trong tiếng Việt là lời ru.
Nhận xét về Ru, nhà văn cho biết: “Cuốn sách nói về những đặc ân của một
vài người may mắn sống sót sau thời loạn và nhìn thấy được cái đẹp theo
những cách không mong muốn nhất”.
Ru được in
bản đầu tại Pháp năm 2009, và nhanh chóng được xuất bản ra nhiều thứ
tiếng tại 20 nước. Chia sẻ về kế hoạch sáng tác sắp tới, Kim Thúy tâm sự
cô muốn xây dựng một câu chuyện về những người đã dạy cô cách yêu
thương.
“Cần viết ra cho thế giới thấy”
Phát hành ngày 17.1.2013 bởi NXB Viviane Hamy, tiểu thuyết đầu tay Bóng mát dịu êm (L’ombre douce) của nhà văn Pháp gốc Việt
Nguyễn Hoài Hương đã đoạt giải nhất văn học Bỉ năm 2013. Cuốn sách được
Hội đồng Văn học Bỉ đánh giá cao, đặc biệt nổi trội trong 20 tác phẩm
đề cử và được đánh giá mê hoặc độc giả bởi chuyện tình lãng mạn nhưng
đầy bi thương giữa Mai và Yann -một cô gái trẻ Việt Nam với một người
lính Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, cũng như những sự lột
tả chân thật về ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng
chiến chống thực dân Pháp giành độc lập tự do. Tuy sinh trưởng tại Pháp
trong một gia đình Việt qua đây sinh sống từ năm 1970, Nguyễn Hoài Hương
cho biết tiếng mẹ đẻ luôn gắn bó với cô và cô đam mê văn thơ từ nhỏ,
luôn tìm hiểu về văn hóa, lịch sử Việt Nam
qua nhiều câu chuyện của bố mẹ và sách báo tài liệu. “Hình ảnh Việt Nam
luôn hiện hữu trong tâm hồn tôi. Và tôi đã chọn con đường văn học để
thực hiện những hoài bão của mình”, cô nói.
Nữ nhà văn
Trần Minh Huy cũng được trao giải văn học Gironde của Pháp dành cho
những cây bút mới năm 2008 với cuốn Nàng công chúa và chàng chèo thuyền.
Tác phẩm được đánh giá đạt tới “sự tinh tế trong việc hòa quyện thực
tại vào tưởng tượng, sự nhạy cảm nằm trong văn phong buồn man mác”, lồng
ghép chuyện cổ tích về Mỵ Nương và chàng Trương Chi cùng chuyện tình có
thật giữa tác giả với một chàng trai người Việt cách đây 14 năm.
Linda Lê với tiểu thuyết Sóng ngầm (Lame de fond) là một trong bốn cái tên lọt vào chung khảo giải thưởng văn học
cao quý nhất nước Pháp Goncourt 2012. Cô độc và những chuỗi dài lưu lạc
là những đề tài mà người ta thường tìm thấy trong những nhân vật của
Linda. Các nhân vật chính ít nhiều đều thể hiện một phần con người chị
và qua đó, nữ nhà văn muốn tìm một sợi dây kết nối với quê hương Việt
Nam. Báo chí Pháp từng phác họa chị rằng: “Đơn độc trong đời sống, bi
kịch trong tác phẩm, bí ẩn với thế giới chung quanh, độc lập với xã hội,
nghiêm khắc với bản thân, phù thủy của ngôn ngữ, một tác giả cay nghiệt
và vĩ đại”. Thời báo uy tín của Pháp Le Monde cũng dành những lời tốt
đẹp khi viết về nữ nhà văn gốc Việt này: “Ngòi bút của Linda Lê rất tinh
tế, khắt khe, cổ điển, được thấm nhuần khả năng phân tích sắc bén như
là sự kế thừa của dòng văn chương thế kỷ 17…”.
Bên cạnh
đó, các tác phẩm như T mất tích, Chinatown, Vân Vy, Made in Vietnam,
Paris 11 tháng 8… của nhà văn Thuận cũng được độc giả Việt và các nước
ưa thích. Bắt đầu sáng tác từ năm 1999, chị cho biết những thân phận ở
Việt Nam luôn là cảm hứng sáng tác cho chị. Vừa trở về Việt Nam tham gia
buổi tọa đàm về cuốn T mất tích tại Hà Nội, chị tâm sự: “Với tôi, sức
cuốn hút nằm ở sự phong phú của 85 triệu mảnh đời trên dải đất này. Và
đấy là “đặc sản” của Việt Nam cần viết ra cho thế giới thấy chứ không
phải chiến tranh!”.
Lại Thanh Hà sinh năm 1965 tại Việt Nam. Cùng gia đình tới vùng Montgomery, bang Alabama, Mỹ sinh sống từ năm 1975, cô tốt nghiệp Trường đại học Texas, Austin và thạc sĩ Mỹ thuật ở Đại học New York.
Kim Thúy
sinh năm 1968 tại Sài Gòn. Năm lên 10 tuổi, cô cùng gia đình định cư ở
Canada, tốt nghiệp Khoa Luật, Khoa Ngôn ngữ và dịch thuật tại Đại học
Montréal. Cô từng làm thợ may, thông dịch viên, luật sư và chủ nhà hàng.
Hiện cô dành toàn bộ thời gian cho việc viết văn.
Trần Minh Huy sinh năm 1979 tại Paris, hiện là trợ lý tổng biên tập tạp chí Văn học Pháp – Le Magazine Littéraire.
Linda Lê |
Linda Lê
sinh năm 1963 tại Đà Lạt, sang Pháp năm 1977. Sáng tác từ năm 1986, tới
nay đã viết trên 20 tác phẩm, được tái bản và dịch ra nhiều thứ tiếng.
Từng đoạt vô số giải thưởng lớn: giải Tài năng Vocation, giải
Renaissance về truyện ngắn, giải Fénéon. Năm 2007, cuốn Hồi tưởng nhận
được giải Prix Femina và giải nhất Grand Prix do Viện Hàn lâm nghệ thuật
Pháp trao tặng. Tháng 11.2010, giành giải Wepler trị giá 10.000 euro
với tác phẩm Cronos.
Thuận tên
thật là Đoàn Ánh Thuận sinh năm 1967, tốt nghiệp Khoa Anh ngữ ĐH Sư phạm
ngoại ngữ Pyatigorsk (LB Nga) năm 1991, làm cao học văn học Anh cổ điển
tại Đại học Paris 7 (1991-1992) và cao học văn học Nga đương đại tại ĐH
Sorbonne (1992-1993).
No comments:
Post a Comment