Thư gửi Giáo sư Phong Lê
Giáo sư Phong Lê kính mến!
Mong Giáo sư tha thứ cho sự đường đột của một người không quen, thuộc thế hệ đi sau của Giáo sư, vì dám gửi cho Giáo sư lá thư này.
Mới đây thôi, tôi được biết là Giáo sư
có can dự vào một vụ được mọi người trong giới gọi là “Nhân văn giai
phẩm hiện đại”. Vụ việc đã diễn ra khá lâu thế mà gần đây tôi mới biết,
đây âu cũng là một cái lỗi khó tha thứ của một người làm việc trong lĩnh
vực văn chương như tôi. Lý do là vì quá buồn chán với những thứ tầm
thường, tôi tuân theo lời khuyên của dịch giả, nhà nghiên cứu văn học
đáng kính Lê Hồng Sâm: “Hãy tạo ra cho mình một ốc đạo xanh tươi và hãy
đọc những tác giả lớn để nuôi dưỡng thế giới của riêng mình”.
Theo các thông tin đang được lan truyền
thì Đỗ Thị Thoan đã bị đuổi việc, người hướng dẫn khoa học là Phó Giáo
sư Nguyễn Thị Bình bị cách chức, và Giáo sư Phong Lê có tham gia vào Hội
đồng thẩm định lại luận văn của Đỗ Thị Thoan sẽ diễn ra trong những
ngày tới đây. Nếu các thông tin đó là chính xác thì tôi, với tất cả sự
kính trọng mà tôi vẫn luôn dành cho Giáo sư, xin phép được gửi tới ông
một vài lời như sau.
Giáo sư đang tham gia vào một vụ án văn
học sẽ đi vào lịch sử, không thể khác được. Phản ứng của độc giả, của
văn giới trong những ngày gần đây cho thấy nó đã bước những bước vững
chắc vào lịch sử văn học của thời đương đại. Vì thế mỗi hành động, mỗi
phát ngôn của Giáo sư sẽ trở thành chứng tích cho một thời kỳ, sau này
Giáo sư có muốn cũng không thể xóa đi được. Không phải vô lý thì người
ta gọi vụ Luận văn về Mở Miệng là một vụ Nhân Văn Giai Phẩm hiện đại.
Giáo sư Phong Lê là chuyên gia về văn học Việt Nam, hẳn Giáo sư biết rõ
vụ Nhân Văn Giai Phẩm đã diễn ra như thế nào, các nhà văn đã bị vùi dập
ra sao, và rốt cuộc người ta lại trao giải thưởng cho họ. Trường hợp của
Trần Dần nổi tiếng đến mức giờ đây không còn ai là không biết.
Chưa bàn tới những phê phán, quy kết
chính trị nặng nề về luận văn của Đỗ Thị Thoan, chưa bàn tới việc Đỗ Thị
Thoan bị mất việc và Phó Giáo sư Nguyễn Thị Bình bị cách chức, tôi sẽ
đề cập tới vào một dịp khác; ở đây, chỉ nói tới cách thức tổ chức Hội
Đồng thẩm định lại luận văn này. Việc thành lập một Hội đồng như vậy,
việc tổ chức một hoạt động như vậy, chỉ có ý nghĩa khi nó thực sự mang
tính khoa học. Tức là Hội đồng Khoa học mới phải đối chất với Hội đồng
Khoa học cũ, và phải có sự tham của tác giả luận văn. Hội đồng Khoa học
cũ phải có quyền trình bày tại sao họ chấm luận văn như vậy, họ làm việc
dựa trên các nguyên tắc nào. Hai bên phải thuyết phục nhau bằng các lý
lẽ và chứng cứ khoa học. Tác giả luận văn phải có quyền bảo vệ luận văn
của mình trước cả hai Hội đồng.
Tôi trích lại đây một đoạn trong cuốn Bàn về tự do
của triết gia nổi tiếng người Anh John
Stuart Mill: “các thời đại đôi
khi còn vấp phải sai lầm hơn cả những cá nhân; mỗi thời đại đều đã bảo
vệ nhiều ý kiến mà các thời đại sau chẳng những coi là sai lầm mà còn
coi là ngớ ngẩn nữa; và hẳn là nhiều ý kiến hiện nay đang được thừa nhận
rộng rãi sẽ bị các thời đại tương lai bác bỏ, cũng giống như nhiều ý
kiến từng một thời được thừa nhận thì nay bị bác bỏ” (Bàn về tự do, bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Văn Trọng, nxb Tri thức, 2005, tr.53)
Hy vọng Giáo sư sẽ tránh được cái sai
lầm của thời đại này, và nếu Giáo sư đứng ở cương vị chủ trì buổi thẩm
định sắp tới, hy vọng Giáo sư sẽ giúp Hội đồng tránh được sai lầm đó.
Tôi sẽ còn trở lại với nội dung của
những văn bản phê phán luận văn của Đỗ Thị Thoan vào một dịp khác, vì dù
sao đó cũng là công việc của tôi. Trước mắt, về quan điểm cá nhân, tôi
kính trọng Phó Giáo sư Nguyễn Thị Bình vì đã hướng dẫn một luận văn như
luận văn của Đỗ Thị Thoan, và ủng hộ Đỗ Thị Thoan khi cô ấy đã chọn
nghiên cứu về nhóm Mở Miệng và văn học bên lề.
Kính gửi Giáo sư lời chào trân trọng nhất!
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả
No comments:
Post a Comment