Friday, July 26, 2013

LÊ XUÂN ĐỐ

 

Thời “thơ chân đất” những năm 1970 ở Hà Nội, nhà thơ Lê Xuân Đố , lúc đó là biên tập viên đài Tiếng nói Việt Nam thường tụ tập tại nhà tôi cùng với Trúc Thông, Định Nguyễn, Lê Huy Quang, Trí Dũng, Chu Hoạch, Nghiêm Đa Văn …Đố uống rươụ rất giỏi và lúc say thường “gầm gừ”  chuyện  thơ phú nên anh em gọi là “Đố điên”. Thơ Lê Xuân Đố tưởng mộc mạc, giản dị mà dưới sâu nghe như có tiếng khóc.


Tạ lỗi

tạ lỗi chim đàn cánh rũ lũ lụt miền trung
đi mô thì đi đất lành chim đậu
cái dại chết chìm cái khôn chết nổi
địa linh nhân kiệt hồn núi vía sông

tạ lỗi trâu bò lợn gà ngoài đồng trong sân
bạn của nhà nông không bảo vệ được
tạ lỗi hạt lúa củ khoai máu mủ nhà nghèo
cột kèo di sản ông cha không giữ nổi

tạ lỗi chữ nghĩa thầy trò dạt biển trôi sông
lũ bạc bùn đen xoá bôi hy vọng
tạ lỗi câu thơ cát trắng bụi hồng
hò khoan nhịp chày lẻ bạn

tạ lỗi hoa hồng tuổi yêu hoa mua tuổi thơ
tiềng dạ thưa ngơ ngẩn dậy thì
tạ  lỗi những ai giận hờn hối hận
nơi chôn nhau đất Tổ sinh thành

tạ lỗi tạ lỗi      
mạ xáy trầu: cực chi cực rứa ôi trời !
                                   Miền Trung 10/2010
                                        L.X.Đ.
 
 
 Nhớ Hà nội
 
Xứ nóng khó chăm hoa đào
Tết đến sao đành mua hoa nhựa
Lòng thương như đêm trở gió
vế nơi hồn vía ta ơi

Người yêu xưa em đã xa rồi
Bạn bè văn chương bộn lòng tâm đắc
Bước lang thang năm tháng thăng trầm
Không điểm hẹn ruột còn đau thằt

Nhớ Hà nội đâu chỉ mộng mơ
Thơ phú đòi về Tháp Bút
Những tên tuổi lật trang gió bấc
Trong hồn vẳng lại những mùa xuân.

Chú thích: Tết Kỷ Mão, 1999
 
                                                                               

Không chỉ  nổi tiếng vì thơ, Lê Xuân Đố còn nổi tiếng là nhà thơ hay…khóc. Anh có thể khóc rất ngon lành vào một lúc ít ai ngờ tới nhất, và anh…tắt tiếng khóc cũng rất nhanh, ít ai lường được. Hỏi anh sao lại như vậy, Lê Xuân Đố nói là không chỉ trong thơ anh không muốn “đụng hàng”, mà…khóc anh cũng muốn một mình một cõi. “Dù tiếng khóc của mình chẳng hơn ai, nhưng mình không muốn nó giống ai. Khóc là thể hiện chất nhân văn của con người, vì thế mỗi người phải có kiểu…khóc riêng.” Tôi nghe lý thuyết…khóc này rất hay, nên mỗi khi gặp và uống bia với Lê Xuân Đố, tôi rất muốn được nhìn thấy anh…khóc. Quả là Lê Xuân Đố hay khóc thật. Anh vốn là bạn học cùng lớp với tôi ngày đại học. Ngày đó, tuy đói cơm rách áo, lại thời chiến tranh, nhưng chúng tôi đều rất máu làm thơ viết văn. Và Lê Xuân Đố-một chàng ngư dân quê Quảng Bình-là người tỏ ra “máu” nhất trong đám sinh viên văn chúng tôi khi lao vào nghiệp thi ca. Ngày đó, nói “Lê Xuân Đố dang làm thơ” là nói tới một trạng thái đặc biệt của Lê Xuân Đố: anh ăn mặc lếch thếch, đi lang thang, và miệng luôn lẩm nhẩm những gì nghe như bùa chú. Ấy là lúc Đố đang làm thơ. Nhiều đêm, bạn cùng nhà với Đố ở khu sơ tán phải hoảng lên vì những tiếng thở hào hển, những cú xoay người rung cả giường, những tiếng gầm gừ rất ghê gớm từ Lê Xuân Đố. Ấy là lúc, theo bạn bè nói, Đố đang bị thơ “hành”. Có một đoạn thơ hay nhiều khi chỉ là một câu thơ bị tắc, thế là Đố thành ra nông nỗi…Chúng tôi vẫn nói với nhau: sau này, nếu trở thành nhà thơ, thì Lê Xuân Đố sẽ là nhà thơ Việt Nam “tốn sức” nhất khi làm thơ. Vì anh không “làm” thơ, mà anh “đánh vật” với thơ. Xem ra, có hàng nghìn cách thể hiện để có một bài thơ, và có lẽ không nhà thơ nào có cách làm giống nhà thơ nào.

Lê Xuân Đố rất có lý khi nói rằng tới…khóc cũng cần…cá tính, nữa là làm thơ! Sau rất nhiều năm xa nhau do chiến tranh, tôi và Lê Xuân Đố lại gặp nhau ở Hà Nội sau giải phóng. Rồi sau đó, Đố chuyển hẳn vào Sài Gòn, thành công dân thành phố mang tên Bác. Nhưng cách sống, cách làm thơ, cách đọc thơ và cách…khóc của anh thì vẫn y như vậy, không thay đổi. Đố là người sẵn sàng nổi hứng đọc thơ cho bạn nghe, mà không phải đọc một bài. Anh có thể “quất” một hơi mười bài thơ. Dĩ nhiên là thơ anh. Sau đó, khi nhắc về một người bạn đã quá cố, đột nhiên Đố ồ lên…khóc. Anh khóc nức nở, tức tưởi, khóc như chưa bao giờ được khóc. Rồi anh…tạnh, cũng nhanh như khi anh khóc. Lại cười, lại…uống, lại…thơ. Đó là một mẫu nhà thơ hồn nhiên rất hiếm có đang còn sống tại Việt Nam, tôi nói thật đấy! Cứ cách sống hồn nhiên có vẻ vui đâu chầu đấy của Lê Xuân Đố, nhiều người dễ nghĩ anh là nhà thơ…nghèo, thậm chí thuộc diện cần “cứu trợ”. Nhầm! Lê Xuân Đố bây giờ là một “đại gia” hẳn hoi. Anh có một Cty chuyên cung cấp giấy dán tường cao cấp cho những “biệt thự triệu đô”. Anh giàu rất đàng hoàng, do lao động. Nhưng anh vẫn hồn nhiên đọc thơ và…khóc. Cái này thì không cần phải có nhiều tiền mới làm được.
Thanh Thảo

No comments: