Thursday, August 15, 2013

Đọc cho vui

Lớp viết văn Nguyễn Du

Xem hình

Sáng 05/8/2013, lễ bế giảng lớp Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du khóa VII (Trung tâm Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du – Hội Nhà văn Việt Nam) được tổ chức tại Bảo tàng văn học Việt Nam (số 275 Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội). Đến dự buổi lễ có Chủ tịch; Phó Chủ tịch Hội Nhà văn; Ủy viên Hội đồng chuyên môn và các ban chuyên ngành của Hội; các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu LLPB đã tham gia giảng dạy khóa học; cùng 86 học viên từ nhiều vùng miền trong cả nước về tham dự khóa học.


PGS. TS Phan Trọng Thưởng – Giám đốc Trung tâm đọc bản báo cáo tổng kết, đánh giá toàn bộ tình hình dạy và học trong khóa bồi dưỡng viết văn. Theo ông, mặc dù khóa học diễn ra trong khoảng thời gian ngắn, nhưng với 18 buổi làm việc liên tục, học viên đã được tiếp xúc và lắng nghe 18 nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu LLPB có tên tuổi, có uy tín chuyên môn cao đến thuyết trình và trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp. Phần lớn các buổi thuyết trình, trao đổi đều có nội dung bổ ích, có tính hấp dẫn. được học viên tiếp nhận với tâm thế và tâm trạng thoải mái.

 Trong quá trình học tập, hầu hết các tác phẩm của học viên mang đến lớp đều được các giảng viên đọc, nhận xét, trao đổi rất kỹ lưỡng, chính xác giúp cho người sáng tác có thêm được sự tự tin và bình tĩnh để tích lũy kinh nghiệm, trau dồi kỹ năng nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng tác phẩm… Một khóa bồi dưỡng ngắn không thể trang bị hết được những điều cần thiết cho một nhà văn. Đó dường như là công việc, là đích phấn đấu của cả một đời cầm bút. Những thu lượm được từ khóa học này cho phép chúng ta tin tưởng và chờ đợi nhiều hơn vào chất lượng của mỗi sáng tác, vào sự trưởng thành của mỗi cây bút.

Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn VN thay mặt BCH Hội nhận xét về khóa bồi dưỡng viết văn, ông kết luận: “Chính những người đã tham gia lớp học là những người tổng kết chính xác nhất về hiệu quả của lớp bồi dưỡng viết văn. Sau khóa học này, nếu học viên nhận ra rằng văn chương là một công việc rất khó khăn thì có nghĩa là lớp học đã thành công, bởi lẽ, theo tác giả của bộ “Văn Tâm điêu long” thì “Nếu coi văn chương là khó thì mọi cái dễ sẽ đến, nếu coi văn chương là dễ thì mọi cái khó sẽ đến”.


Từ trái qua: Nhà thơ Hữu Thỉnh, Đỗ Mai, Lê Tấn Trạch, Phan Trọng Thưởng

Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng mong nhận được những đóng góp tích cực từ phía học viên về cấu tạo chương trình để có thể xây dựng được các giáo trình phù hợp, hoàn thiện hơn ở các khóa học tiếp theo. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đưa ra dự kiến sẽ tổ chức cuộc gặp mặt các học viên sau khi theo học lớp bồi dưỡng viết văn từ khóa đầu tiên, nay đã trở thành những tác giả tên tuổi trên văn đàn trong thời gian tới đây.

Tiếp đó, nhà thơ Hữu Thỉnh và PGS. TS. Phan Trọng Thưởng trao hoa và quà lưu niệm của Trung tâm tặng học viên cao tuổi nhất (ông Lê Tấn Trạch, sinh năm 1931) và học viên nhỏ tuổi nhất (Đỗ Mai, sinh năm 1991) về tinh thần học tập nghiêm túc và nhiệt tình.

Các nhà văn, nhà thơ cùng trao Chứng chỉ hoàn thành chương trình bồi dưỡng viết văn khóa VII cho 86 học viên.


Kết thúc buổi lễ, các học viên cùng giảng viên chụp những bức ảnh lưu niệm ngay tại Hội trường Bảo tàng văn học, cũng chính là giảng đường thân quen trong suốt những ngày qua.

Bài: Phong Lan; Ảnh: Đỗ Hiếu
(Theo vanvn.net)
 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email







Lên đầu trang

No comments: