Sunday, August 25, 2013

Nguyễn Thái Tuấn và Sự Phi Lý (Absurd)

Trần Đán

Xem loạt Tranh Đen của Nguyễn Thái Tuấn làm tôi liên tưởng đến Kafka hay Samuel Beckett. Cụ thể tôi xin chọn một bức tranh của họa sĩ để bình phẩm về phong cách Nguyễn Thái Tuấn: bức tranh số 37.





Loạt Tranh Đen, bức số 37

Bức tranh vẽ một người đàn bà (theo lời họa sĩ; nhưng cũng có thể là một người đàn ông, việc đó không quan trọng) không đầu (cái này cũng không tối quan trọng) ngồi trước một máy điện thoại đời cũ đặt trên một cái ghế đẩu. Không gian của họ là một căn phòng không cửa sổ. Ngoại trừ các vật thể đó, căn phòng trống trơn. Họa sĩ sử dụng rất hiệu quả kĩ thuật tối giản để gạn lọc cấu kết của bức tranh, loại đi tất cả những chi tiết không cần thiết.

Người đàn bà tất nhiên là đang chờ đợi một tiếng chuông reo. Nếu không họa sĩ đã vẽ bà ta đang cầm máy. Chỉ qua tư thế hai vật thể đó người xem có thể suy đoán mối liên hệ giữa chúng – sự chờ đợi.


Nghiệm thêm một chút ta sẽ hiểu sự chờ đợi bắt nguồn từ sự thiểu vắng thông tin. Người đàn bà chờ đợi nhận được một thông tin nào đó qua phương tiện là chiếc máy điện thoại. Có thể đó là lời khuyên nhũ của một người mẹ, câu thủ thỉ của một người chồng, tiếng hát của một đứa con ở xa, hay câu thăm hỏi của bạn bè. Cũng có thể đó là câu trả lời của một kẻ quyền thế đang nắm số mệnh của người đàn bà trong tay. Nhưng chiếc máy điện thoại vẫn im lìm.
Xa hơn nữa người đàn bà trong tranh có thể biểu trưng cho cả xã hội con người. Có thể họa sĩ muốn ẩn dụ rằng xã hội này đang mong mõi một tin gì đó. Nhưng tin đó không thấy đến. 
Tôi, người xem, cảm thông với nhân vật trong tranh. Có biết bao nhiêu lẩn tôi mõi mòn trông đơi một câu trả lời. Dù câu trả lời đó có đi ngược với ý nguyện của tôi, Thà tôi biết còn hơn mõi mòn trông đợi.

Trong suốt vở kịch Chờ Đợi Godot, kịch gia Samual Beckett dựng cảnh hai người chờ đợi một nhân vật thứ ba đến. Kẻ thứ ba đó –  tên gọi Godot làm liên tưởng đến God tức Thượng Đế - không bao giờ xuất hiện. Đối với hai người trong cuộc thì không thể nói họ vô vọng được, vì họ vẫn chờ vẫn đợi, vẫn luận bàn về sự xuất hiện – không sớm thì muộn – của nhân vật thứ ba. Nếu có sự vô vọng thì đó là từ người xem. Vì người xem thì vô hình chung biết được câu trả lời và là người cảm nhận sâu sắc sự phi lý.
Trong Phiên Tòa của văn hào Kafka, một người bị buộc tội. Trong suốt câu truyện anh ta phải đương đầu với sự buộc tội ấy nhưng anh không tài nào phát hiện ra do ai và nội dung của sự buộc tội và ai là người có thể giải quyết cho anh. Có thể nói rằng số phận của anh ta chìm ngập trong sự phi lý. Câu truyện chấm dứt  như một sợi giây thừng treo lủng lẳng. Trong truyện này, nhân vật chính là người cảm nhận sâu sắc sự phi lý.
Đọc văn học nghĩ đến hội họa. Dù là hai phạm trù nghệ thuật khác nhau, một bên dùng chữ một bên dùng màu sắc, nhưng chúng chia xẻ cùng một đích đến: gợi lên một tập hợp ý niệm/cảm xúc nhất định. Một cách tối giản, họa sĩ của bức Tranh Đen số 37 đã dàn dựng một cảnh ngộ đầy kịch tính về số phận của con người. Mâu thuẩn giữa ta và chúng ta, giữa người và thiên nhiên, giữa người và lịch sử, giữa người và kỹ thuật xuất phát từ sự thiếu vắng thông tin. 
Một sự phi lý khác nằm ở cảm nhận giữa nhân vật chủ quan trong tranh và ta, người xem, vốn dĩ khách quan. Nhân vật trong tranh còn có thể có hi vọng, do đó còn chờ đợi, nhưng ta – người xem khách quan – ý thức được sự bất khả thi. Đấy là yếu tổ bi kịch trong sự phi lý. Phải có ý thức về sự phi lý thì mới thành phi lý.

Họa sĩ đã chiết lọc ý niệm/cảm xúc đó đến độ tinh tế trong hình ảnh tối giản của một kẻ vô danh và một chiếc điện thoại.

Họa sĩ đã sử dụng kĩ thuật thị giác nào để phát huy ý niệm/cảm xúc đó? Thông thường họa sĩ tạo hình cho một vật thể hiện hữu bằng cách mô phỏng. Nhưng tạo hình cho một sự thiếu vắng?  Họa sĩ Magritte của trường phái siêu thực đã làm được việc đó một cách hiệu quả: bằng cách liên kết các vật thể trong trạng thái mộng mị. Nguyễn Thái Tuấn đã làm được điều đó bằng cách của riêng anh. Bằng bố cục và màu sắc bức tranh. Không cần mộng mị.
Về bố cục người đàn bà không ngồi gần máy điện thoại mà ngồi khá xa. Có thể là trong một không gian thực thì bà ta đã ngồi bên cạnh máy điện thoại và chỉ cần vói tay là cầm được chiếc máy. Nhưng trong không gian tâm lý thì bà ngồi rất xa. Thậm chí nếu chuông có reo lên thì bà cũng không vói tay lấy được. Hoạ sĩ đã khắc họa lên không gian tâm lý rất hiệu quả. Và trong không gian đó họa sĩ gợi lên khoản cách phi lý tột cùng.
Họa sĩ cũng dùng màu sắc để khơi dậy sự thiếu vắng. Đó là màu đen. Phân tích vật lý của ánh sáng đã cho ta biết màu trắng là tổng hợp của tất cả các màu, và ngược lại màu đen là sự thiếu vắng hoàn toàn của các màu. Họa sĩ đã sử dụng màu đen thật đúng chỗ. Người xem không thể không cảm thấy một điều gì bất ổn. Tay, chân, cổ của nhân vật thập thò sau mớ áo quần như những mảng màu đen. Trong những bức khác trong loạt Tranh Đen, có nhân vật có đầu nhưng màu đen. Họ có đầu hay không, theo tôi,  chỉ là một kỹ thuật phụ. Thiếu vắng hoàn toàn những đường nét khả dĩ cho người xem nhận diện được nhân vật. Đó có thể là bất cứ ai. Đó có thể là một trong vô vàn những con người không tên không tuổi nhưng cùng chung một số phận. Nhưng không. Chắc họ không sinh ra như thế. Vậy thì phải hiểu đó là con người đã bị cướp đi cá tính. Bất an hơn nữa là những bức tranh dùng màu đen làm nền khiến người xem không khỏi cảm thấy ngạt thở vì sự thiếu vắng ngập tràn.

Họa sĩ cảm thông với những dày vò trước bao điều phi lý trong cuộc sống.  Bằng các thủ thuật của hội họa đương đại, anh đã thành công trong việc tạo hình cho nỗi dày vò trước sự phi lý.  Tạo hình cho những gì vô hình – những tập hợp ý niệm/cảm xúc – đó là sứ mệnh của mọi ngành nghệ thuật – dù là tranh họa, điêu khắc, múa, nhạc, kịch, trình diễn hay sắp đặt. Nó đòi hỏi óc sáng tạo tỉnh táo. Loạt Tranh Đen của Thái Tuấn là một thử nghiệm qui cũ, gạt dần tất cả những gì dư thừa trong bố cục lẫn màu sắc để đạt đến đích cuối cùng.


Trần Đán

   
    

No comments: