Thursday, August 15, 2013

Lạc quan buồn ( tiếp theo )



nhà văn Trịnh Đình Khôi
Cuộc họp thứ ba.

Biên bản họp tiếp Ban thường vụ mở rộng chiều ngày 22 - 11 -1980.

(Có mặt: Các đồng chí có mặt trong cuộc họp ngày 19/11. Thêm các đồng chí: H.T.T, N.Q.C, C.H.C, B.N (thư ký đồng chí T)
 Anh T:
- Cuộc họp hôm nay là để thông qua bản nghị quyết của các buổi họp trước.
Đồng chí B.H đã đồng ý nhận thường trực Hội trong thời gian chờ quyết định trên.
Đồng chí N chưa thống nhất ý kiến trong bản nghị quyết nên chiều nay đồng chí N sẽ trình bày thêm.
- Chúng ta sẽ triệu tập hội nghị chấp hành vào tháng 12. Đồng thời sẽ tiến hành những công tác theo ý của Đảng đoàn và gợi ý của anh T.Đ: củng cố cơ quan Hội, đấu tranh trên báo chí và ổn định lại trường nhà văn.

N.N:
Hôm qua, tôi đã suy nghĩ lại. Từ sau hôm họp ở Ban Tuyên huấn, tôi thấy nhiều điều vu cáo tôi, truy bức tôi. Bây giờ tôi xin nói: tôi không nhận, tôi bảo lưu. Nếu các đồng chí biểu quyết, tôi sẽ không biểu quyết. Tôi xin được gặp đồng chí L.Đ.T và một số đồng chí có trách nhiệm.
N.K:
Từng đảng viên có quyền bảo lưu ý kiến của mình, nhưng khi ở trong tổ chức thì nguyên tắc là thiểu số phải phục tùng đa số. Nếu không phục tùng đa số thì sẽ gây rối loạn, không thống nhất được tư tưởng, gây ra sự chia rẽ, bè phái.
Hôm trước có ý kiến đa số góp là đúng, nhưng có một số ý kiến là quá đà, trong thái độ có chỗ không đúng, vì nói chung anh em không tín nhiệm anh nữa. Anh N cần phải tôn trọng ý kiến của tập thể Đảng đoàn.
G.N:
Cái gốc của tình hình hiện nay là do anh em bối rối. Đảng đoàn phải chịu trách nhiệm một phần về tình hình này. Anh N tự phê bình nhưng anh không giải quyết triệt để. Ta muốn làm cho êm nhưng thực tế là tình hình ở bên dưới vẫn bung ra như ở hội nghị văn học 35 năm. Hội là trung tâm gây ra những ảnh hưởng về tư tưởng, quan điểm.
Anh N không đoàn kết nổi anh em trên những vấn đề cơ bản. Nguồn gốc là ở thái độ anh không rõ ràng có sự lừng khừng nào đó. Cần phải có can đảm nhận ra cái sai. Nếu không giải quyết thì anh N sẽ là cái mầm cho một vấn đề gì đó. Tình hình rõ ràng xấu đi, cần phải đấu tranh. Đã đến thế này, đề nghị trên cần phải giải quyết, nhất là về tổ chức.
Mấy ngày nay, chắc anh N buồn lắm, nhưng nếu không giải quyết rõ về quan điểm thì các anh cũng không làm việc được.
N.V.B:
Nói chung anh em bối rối nhưng có một số kẻ lếu láo rất nguy hiểm đang lợi dụng. Tôi chưa đọc bản đề dẫn nhưng nghe anh em đã đọc thì cũng thấy là có quan điểm lệch lạc. Tôi mới nghĩ thế một cách cảm tính.
Trong tình hình đó, anh N lại nói giữa hội trường: “Nhờ anh T đọc lại bản đề dẫn thì rất có hại”.
Anh N.N khi mới ra làm, ai cũng ủng hộ. Nhưng cái nguy hiểm là anh vô tình đồng lõa với bọn lệch lạc, bọn xấu. Tôi nghe bao nhiêu chuyện, vừa đúng và không đúng. Tôi rất sợ, thấy mình bao nhiêu năm hoạt động ngành này mà vẫn mất cảnh giác. Nếu anh em phê phán có quá đi một chút thì cũng là để anh N tỉnh ra.
Về việc huân chương, Nhà nước đã đề ra tiêu chuẩn, anh N.Q.C đến giục làm, có bàn bạc, thống nhất nhưng làm chưa sâu.
Tôi thấy rõ N.N không làm được việc nữa. Bấy nhiêu ông Đảng đoàn, Thường vụ không ủng hộ ,làm việc sao được nữa?
Tôi buồn là anh N nhiều vấn đề đã tỏ ra quá kiêu căng tự phụ.
Hai năm nay đã nhiều người nói tổ chức Đảng đoàn như một hội đồng văn học. Trong khuyết điểm có phần của anh N, nhưng cũng có phần của ban tổ chức TW.
H.T.T:
 Hôm qua Sở Công an Hà Nội có mời tôi và anh T.Ho đến để hỏi tình hình. Sở Công an nói: “Ban Tuyên huấn họp hai ngày mà phải bỏ ra một ngày rưỡi để nói về Hội Nhà văn”. Tôi đã bác lại ý kiến của Sở Công an là Hội Nhà văn không đến nỗi như thế. Chính là Bộ Văn hóa, có hàng trăm người bỏ đi nước ngoài sao không ai nói đến.
Sang năm 1981 sẽ kỷ niệm trang trọng 25 năm ngày thành lập Hội Nhà văn.
Hội Nhà văn không có người bỏ đi nước ngoài, không có tốn phí hàng triệu đồng trong việc làm phim. Tất nhiên Hội Nhà văn có những vấn đề quan điểm đang có khuynh hướng phủ nhận thành tựu văn học đã qua.
B.Đ.G:
Tình hình thành phố rối lên vì bài của H.N.H, nhất là ở trường đại học. Ở trường đại học, người ta ca ngợi bài của H.N.H nhiều nên anh P.C.Đ đã phải nói lại.
Sau hội nghị đảng viên đã phân ra thành hai luồng tư tưởng trong đội ngũ. Tôi không đồng tình như vậy.
Khi có Đảng đoàn mới, mọi người đều ủng hộ Đảng đoàn mới, ủng hộ đồng chí N.N; nhưng đồng chí N kiêu ngạo, rồi từ quan điểm sai đi đến mất nhân tâm. Từ trước đến nay, chưa có một đồng chí phụ trách đoàn thể văn nào bị mất nhân tâm đến như anh N. Mất nhân tâm đến thế hại cho Đảng biết bao nhiêu!
 Phủ nhận tất cả các ý kiến của tập thể như thế là ở anh N có sự thay đổi về chất. Anh nên tỉnh táo lại. Anh N thế này thì sẽ rối từ trong chi bộ, trong cơ quan rồi trong toàn giới. Không thể kéo dài thế này, nguy hiểm lắm.
B.H:
Khi nghe được đề cử ra làm thường trực, tôi có lo lắng vì nghĩ rằng chính anh N mới gỡ ra được những sự rối ren hiện nay. Tôi định công tác với các anh như làm một cái đinh ốc trong bộ máy chung. Nhưng hôm nay, anh N quay ngoắt 100%.
Tôi nhớ tháng 11 năm ngoái, anh đã tự phê bình mà không bị ai truy bức cả. Nhưng anh đã chấp hành nghị quyết tự kiểm điểm của Đảng đoàn như thế nào, tôi đã nói rồi. Bây giờ anh thế này, tôi cộng tác làm sao được?
Ngày mai tin này loan ra, sẽ bị phóng đại ra, anh N nghĩ về tác hại này như thế nào? Anh cố chấp. Người ta nói là anh “bất chấp”. Vô tình hay cố tình, anh làm hại cho sự nghiệp chung của chúng ta.
Đ/c N.Q.C:
 Tôi không ngờ vấn đề lại nóng đến thế. Mấy hôm nay, tôi không dự họp, nhưng tôi thấy không nên quy khuyết điểm vừa qua vào một người. Tập thể phải chịu trách nhiệm.
Hiện nay văn học có 3 vấn đề cần chú ý:
1 - Đánh giá văn học theo quan điểm xã hội học.
2 - Muốn văn học chỉ nói đến cái gì đẹp.
3 - Muốn xã hội có gì phải nói hết, nếu không nói là không trung thực.
Các vấn đề nói trên cần phải làm rõ mới giải quyết đến gốc tình hình hiện nay. Tất nhiên cá nhân đồng chí phụ trách cũng có trách nhiệm.
Tôi tưởng rằng nghị quyết trước của Đảng đoàn đã được thực hiện. Nếu còn có khuyết điểm thì đó không phải là khuyết điểm của toàn Đảng đoàn mà là của bộ phận chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện.
Đề nghị: mỗi đồng chí Đảng đoàn đều có tự phê bình về phần mình. Có những buổi họp quan trọng tôi không dự được, nên tôi cũng băn khoăn về trách nhiệm của mình.
Phải tập trung giải quyết quan điểm trong bài của H.N.H. Về anh H, tôi đã đề nghị cho anh H thôi nhưng Ban cán sự lại có những đồng chí có ý kiến khác tôi, mà tôi lại không làm công tác tổ chức.
Về nguyên tắc lề lối làm việc, phải thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
Về tổ chức và cán bộ, nên để những người sáng tác thôi Đảng đoàn. Nhân sự cũ chưa sát, nên tính lại và nên coi đó là việc bình thường. Nhiều anh em nói anh N viết tốt nhưng làm quản lý thì không tốt. Đó là những ý kiến có thiện ý.
H.T.T:
Có tình hình phức tạp trong văn học và trong tổ chức. Sau khi có bản đề dẫn, chúng ta đã họp, đã kiểm điểm. Anh N có nhận ra và đã tự phê bình. Đối với các bài của H.N.H, N.T, T.B.Đ, chúng tôi có phê phán. Viện Văn học có làm việc này.
Gần đây có xu hướng phủ nhận nền văn học của ta.
Anh N cơ bản là tốt, nhưng kiêu căng, bảo thủ, công thần, hay nghe những người như T.L, H.P, khi dựa vào trẻ, lúc dựa vào già. Trước kia anh N không thích Viện Văn học, không thích tôi. Trong cuộc họp ở Ban Tuyên huấn, anh đã chỉ trích tôi uống rượu.
Anh N thiếu kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, lại kiêu ngạo, bảo thủ chậm nhận ra sai lầm của mình. Tuy vậy, anh N là người tốt, anh là người lăn lưng ra làm ở Hội.
Có anh bắt đầu đụng đến là chuồn vào Sài Gòn - Chúng ta phê bình anh N là phải. Nhưng nghĩ đi phải nghĩ lại, vì đồng chí N có đủ tư cách để làm.
Anh N nói có sự vu cáo là không đúng, là bảo thủ. Với tư cách là ủy viên Đảng đoàn, là ủy viên Thường vụ Hội; tôi ủng hộ anh N làm việc.
C.L.V:
Anh N bảo Đảng đoàn ốp anh là anh vu cáo. Ai ốp anh? Năm ngoái, chính anh tự viết bản dự thảo, tự kiểm điểm của Đảng đoàn đấy chứ! Nhưng rồi bản nghị quyết của Đảng đoàn không được phổ biến đến các đồng chí Thường vụ, bị giấu đi - Anh T không trấn áp lệch lạc bên Viện Văn học nên bên đó mới nói lên vấn đề đòi cách chức ông H.X.T... Báo Văn nghệ  không phê bình bài H.N.H nên báo Nhân dân phải phê bình. Hội Nhà văn không nghiêm. Đừng nói giới mình tốt, tốt sao có người chạy đi nước ngoài? Văn nghệ phải gõ, mở, đóng đúng lúc. Vấn đề đặt ra bây giờ là ba mũi chính: ý kiến của anh L, bản đề dẫn và bài của H.N.H. Bây giờ như vậy là anh trở lại vấn đề: anh hay anh T.H đúng? H.N.H đúng hay chúng ta đúng?
Trong mấy mươi năm, chưa bao giờ hình ảnh anh T.Hu bị tan vỡ như hai năm dưới cái Đảng đoàn này. Đây không phải vấn đề địch ta. Đây là vấn đề chân lý hay không chân lý. Do trong Đảng đoàn không rõ ràng nên vấn đề này kéo dài.
... Bài của anh H.N.H, sá gì mà tôi phải phê bình. Anh N nói mà không làm. Gần đây, bài viết của V.Q.P trên Báo Văn nghệ có ý không nhắc đến lớp chống Pháp. Lớp nhà thơ chống Pháp không có thơ chống Mỹ à? Anh mở đầu lớp trẻ là D và D bị “đánh”, kết thúc lớp trẻ là T.T, T.T cũng bị “đánh”. Những bài của N.T, L.N.Â, V.T.N là theo quan điểm của N thôi. Quan điểm này sẽ còn làm hại Đảng lâu. Anh N không làm việc được nữa dù có mác - xít 100%.
Hôm nọ, anh từ chối trả lời trước Đảng đoàn. Hôm nay, anh lại nói thế này. Tôi có cảm giác anh trẻ con. Mà để trẻ con làm cái việc nghiêm túc này là nguy hiểm.
Đề nghị Văn nghệ Quân đội kiểm điểm anh N.C.T vì chính anh N.C.T đã góp phần gây rối thêm cho tình hình chung.
Tôi đề nghị anh N nên nghỉ ngay vì anh không đủ tỉnh táo để làm việc.
T.Ha:
Sự phản cung vừa qua anh N là khinh anh em. Nếu cần, tôi sẽ làm thường trực thay anh. Có việc cần thì sẽ hỏi ý kiến anh T, anh T.Ho.
Anh N đã ngăn cản đăng bài phê phán bài H.N.H.
Anh N tham quyền, cố vị và cá nhân. Tư cách đạo đức đã kém như thế mà lập trường quan điểm cũng sai thì sẽ không làm được gì. Đảng đoàn đối lập với Tuyên huấn, với trên nhiều quá!
Theo tôi, anh N nên đi sáng tác. Tôi chống lại việc anh N làm thường trực
H.C:
Tôi vốn ủng hộ anh N.N làm bí thư:
Nhưng mấy ngày nay dự họp, tôi thấy anh N.N luôn dao động. Trước thì anh tự phê bình, xin rút lui, nói thấm thía; nhưng bây giờ thì lại “phản cung”. Anh quằn quại với cái địa vị của mình quá.
Tôi là ủy viên chấp hành được dự mấy ngày hôm nay, tôi thấy anh nên thôi.
Một Bí thư cần hai thứ: một là quan điểm lập trường vững vàng, hai là đoàn kết được anh em. Cả hai yêu cầu đó, anh đều không đủ tiêu chuẩn. Anh N.N nên tự lắng mình và nên xin thôi.
Anh em ở đây không ai ác với anh N, nhưng tình hình của Hội buộc anh em phải phát biểu như mấy hôm nay.
Tôi khuyên anh N.N nên đi sáng tác. Còn nếu anh còn tham, lên báo cáo với Trung ương thì cả tập thể này cũng báo cáo với Trung ương. Và tôi tin là Trung ương sẽ nghe tập thể này.
N.Đ.T: (Tổng kết hội nghị).
- Về tổ chức Đảng đoàn, ngay từ đầu tôi đã thấy không ổn rồi. Hồi đó, tôi có viết thư cho anh T.Đ, đề nghị anh C.H làm Bí thư, anh N.N nên làm phó một thời gian. Đến hội nghị đảng viên, anh N làm bản đề dẫn có nhiều sai sót, sơ hở, viết hấp tấp, không đưa ra bàn kỹ trong Đảng đoàn, cũng không đưa lên Ban Tuyên huấn duyệt. Việc triệu tập lại giao cho người ngoài làm danh sách! Khi có ý kiến phê bình của anh L, dư luận xôn xao mà Đảng đoàn cũng không chịu xem xét; cuối cùng Ban Tuyên huấn phải có ý kiến, Đảng đoàn mới họp để kiểm điểm. Vậy là mãi đến cuối tháng 11/1979 mới có nghị quyết, nhưng nghị quyết lại không được phổ biến trong anh em.
Đồng chí N duy trì nuôi dưỡng tư tưởng lệch lạc, có thủ đoạn chống đối lại ý kiến của Ban Tuyên huấn Trung ương. Về lề lối làm việc, anh dần dần kiêm nhiệm nhiều việc và ngày càng đơn độc, tự quyết định nhiều việc quan trọng, sai nguyên tắc, nên gây thắc mắc trong anh em.
Về anh N, anh N vẫn công nhận bản kiểm điểm của Đảng đoàn trước đây là đúng và mình không duy trì, nuôi dưỡng ý kiến lệch lạc.
Anh N vẫn giữ ý kiến xin thôi bí thư và mọi công việc của Hội.
Về chương trình hành động, sau khi có bài anh T.Đ ở Tạp chí Cộng sản thì Báo Văn nghệ phải có một loạt bài hưởng ứng. Thường vụ giao việc này cho anh G.N.
Sắp tới phải làm công tác giải thích, đấu tranh về tư tưởng quan điểm ở trường và ở trong cơ quan Hội.
Thường vụ chúng ta đề nghị Trung ương có quyết định khẩn trương chấn chỉnh và củng cố các ban lãnh đạo các cơ quan Hội; Đảng đoàn, cơ quan Hội, báo Văn nghệ, Nhà xuất bản Tác phẩm mới và trường.
- Với danh nghĩa Tổng thư ký, tôi đề nghị Thường vụ vẫn giữ đồng chí N ở chức vụ Phó Tổng thư ký. Công việc trực ở Hội có các đồng chí trực, đồng chí N sẽ tập trung vào công tác Bí thư Đảng đoàn.
C.L.V:
Tôi đồng ý với ý kiến của đồng chí T.Đ về chương trình hành động sắp tới. Nhưng trước đây, anh Đ không rõ ràng trong vấn đề này nên vấn đề giải quyết chậm trễ quá. Đề nghị đồng chí N (thư ký anh T) về báo cáo lại với anh Sáu.
N.Q.C:
 Tôi đồng ý đồng chí N tiếp tục làm Phó Tổng thư ký, nhưng cần có một đồng chí khác trực để giải quyết công việc của Hội.
B.H:
Khi đến họp, tôi có ý định nhận trực Hội, nhưng có anh T, anh N cùng làm. Tôi muốn anh N nhận ra sai lầm rồi cùng làm việc. Bây giờ anh N lại nói ngược lại cả, nên tôi rất công phẫn. Nhưng trong tình hình này, tôi đồng ý nhận trực để giải quyết công việc hàng ngày của Hội trong một tháng, trong khi chờ quyết định của trên và chờ họp Ban Chấp hành.
(Để kết thúc hội nghị, đồng chí N.Đ.T đã đọc dự thảo nghị quyết của hội nghị thường vụ mở rộng và các đồng chí đã phát biểu ý kiến về dự thảo nghị quyết./. Hội nghị cử ba đồng chí T, N, H viết lại nghị quyết và sẽ gửi đến các đồng chí Thường vụ. Sau một tuần, nếu không đồng chí nào thêm bớt ý kiến gì, thì dự thảo này sẽ được xem là nghị quyết chính thức và gửi đến các đồng chí thường vụ)./.

No comments: