Một hiện tượng, tưởng rằng đã chết khi ông Osho tức
Bhagwan Shree Rajneesh bị chính quyền Liên Bang Hoa Kỳ trục xuất về Ấn
Độ vào năm 1987, nay đang có những chỉ dấu sống dậy, không phải chỉ
trong cộng đồng Oregon, Hoa Kỳ như trước đây mà là trong cộng đồng Việt
Nam ở hải ngoại và có thể ở cả trong nước qua một số sách do Osho giảng
được Sư cô Thích nữ Minh Tâm và hội Osho International Foundation dịch
ra Việt ngữ.
Một số sách đó được bầy bán tại các nhà sách ở quận
Cam Hoa Kỳ và quảng bá qua liên mạng Internet. Họ cũng rao quảng
cáo trên một vài nhật báo xuất bản ở miền Nam California, kêu
gọi đóng góp tiền ấn tống hai quyển sách Bát Nhã Tâm Kinh và Kinh
Kim Cương giảng giải.
Nhằm tìm hiểu hiện tượng này, người viết đành phải bỏ thì giờ ra đọc
một số tác phẩm của Osho qua các ấn bản giấy và ấn bản điện tử do
thân hữu hội Osho gửi đến. Càng đọc, người viết càng cảm thấy có
bổn phận phải viết ra đôi lời để những độc giả, hoặc không biết
hay đã biết về Osho, có cái nhìn bao quát hơn về những khía cạnh
khác của ông này.
Mặc dù đã dựa chủ yếu vào các nguồn căn bản cho phần tiểu sử Osho,
người viết thấy cần phải đưa thêm vào những tin tức khả tín nhất
về ông Osho, nhằm mô tả hình ảnh Osho một cách trung thực.
Bài viết được chia làm hai phần, phần đầu viết về con người của Osho
và phần sau viết về một vài tác phẩm của ông giảng dạy về đạo
Phật, như Kinh Kim Cương và Bát Nhã Tâm Kinh.
PHẦN I: THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP
Tên thực của Osho là Acharya Rajneesh, sau đổi là Bhagwan Shree
Rajneesh (1931-1990). Ông sanh ngày 11 tháng 12 năm 1931 tại
làng Rajneesh Chandra Mohan tỉnh Kuchwara, miền Trung Ấn Độ. Vào
cuối đời ông đổi tên là Osho. Song thân ông theo đạo Kỳ Na
(Jainism), nhưng bản thân ông chưa từng gia nhập một tôn giáo nào
trong suốt quãng đời của ông. Từ lúc còn bé, Osho đã tỏ ra là
một con người có cá tính độc lập, cương quyết, nổi loạn và luôn
luôn bảo hộ ý kiến của mình. Theo sách của ông ghi lại, ông đã đạt
định “samadhi” và chứng ngộ vào ngày 21 tháng 3 năm 1953 lúc ông 21
tuổi. Rajneesh đậu bằng Cao học Triết từ viện đại học University
of Saugar. Sau đó ông dạy Triết học tại viện đại học University
of Jabalpur trong chín năm. Cùng thời gian đó ông đi du thuyết
nhiều nơi và trở nên một nhà lãnh đạo tôn giáo.
Năm 1966, ông từ nhiệm việc giảng dạy tại viện đại học
Jabalpur và tập trung các nỗ lực vào việc giáo huấn cho các đệ tử
theo ông. Ông thường tiếp các nhóm tu học và cá nhân ở căn hộ
apartment của ông ở Bombay, ông hành xử như là vị lãnh đạo tâm
linh của họ. Phần lớn các đệ tử của ông đến từ Âu Châu và đã ở
Ấn từ vài năm trước.
Năm 1974, Osho từ bỏ Bombay đến thành phố Pune (Poona), miền Nam Ấn
thiết lập trung tâm tu học. Có nguồn tin từ những người chống
đối ông cho rằng việc ông rời Bombay là do những sự chống đối của
cư dân địa phương. Thực tế việc đến Pune là do nhu cầu phát
triển cơ sở hầu thoả mãn chỗ ăn ở và tu tập cho các đệ tử. Trung
tâm tu học mới rộng sáu mẫu, nằm ở ngoại ô thành phố Pune.
Người ta ước tính có tới năm mươi ngàn người Tây Phương đã đến
đây tu học để tìm cầu giác ngộ với ông. Vào năm 1979, ông nhìn
thấy phong trào tu học theo ông như là một con lộ nhắm hướng bảo hộ dòng
giống sinh sản mới cho nhân loại. Ông nói: “Nếu chúng ta không
thể tạo ra những người mới trong hai mươi năm tới, thì nhân loại
sẽ không có tương lai. Cuộc tàn sát kiểu holocaust trên quả địa
cầu chỉ có thể được ngăn chặn nếu chúng ta cho ra đời những con
người mới”.
Osho dạy một loại thiền mới, một loại thiền động (dynamic meditation)
mà ông lấy từ các đạo Kỳ Na giáo (Jainism), Ấn Giáo (Hinduism),
Phật Giáo, Lão Giáo (Taoism), Thiên Chúa Giáo (Christianity) và
một vài tư tưởng triết học nổi tiếng đương thời, rồi pha trộn
thành của mình.
Năm 1980, ông bị một người theo Ấn Giáo tấn công bằng dao trong khi
ông đang thuyết giảng. Vết thương không nặng nhưng do sức khoẻ
của ông vốn yếu kém từ những năm trước đây nay trở nên tồi tệ
hơn. Một vài đệ tử thân cận với ông cho biết ông thường hay đau
yếu và mắc phải hội chứng mệt mỏi (Chronic Fatigue Syndrome CFS),
bị bệnh tiểu đường loại 2, bệnh đau bắp thịt, bệnh cao áp huyết
và thường xuyên dùng thuốc Valium.
Năm 1981 ông rời Ấn Độ qua Hoa Kỳ chữa bệnh. Các đệ tử của ông mua
một nông trại rộng 65,000 mẫu tại Big Muddy Ranch, Dalles, Wasco
County, bang Oregon với giá 6 triệu dollars. Nông trại này sau
đó được đổi tên là Rajneeshpuram . Ông đã thiết lập được một
làng tâm linh tu học rộng lớn cách thị trấn Antelope 12 miles với
một giảng đường rộng 88,000 square foot, một sân bay nhỏ và 4000
hội viên thường trú, một số được trang bị súng phòng thủ. Đời
sống trong làng bị nhiều áp lực từ ban lãnh đạo của Oshọ cho đến
chính quyền địa phương. Nhiều cư dân địa phương xung quanh sống
lâu đời ở đây đã dị ứng với những người mới đến này. Họ chống đối sự
hiện diện của nhóm người do ông lãnh đạo, và vì vậy đã có những sự
va chạm lẫn nhau. Thành phố từ chối cấp giấy phép xây cất và ra
lệnh triệt hạ những cơ sở đã xây không có giấy phép. Khi các
viên chức chính quyền địa phương ngăn cản việc xây cất không có
phép, thì văn phòng chính quyền liền bị nhóm người lạ mặt ném
chất nổ.
Do hội đồng thành phố tiếp tục từ chối cấp giấy phép xây cất, nên các đệ tử của Osho bầu người của mình vào hội đồng thành phố. Tân hội đồng thành phố lãnh đạo bởi phe thân Osho, đổi tên Antelope thành City of Rajneesh.
Do hội đồng thành phố tiếp tục từ chối cấp giấy phép xây cất, nên các đệ tử của Osho bầu người của mình vào hội đồng thành phố. Tân hội đồng thành phố lãnh đạo bởi phe thân Osho, đổi tên Antelope thành City of Rajneesh.
Hai phụ tá cao cấp của Osho là Sally-Anne Croft và Susan Hagan bị
truy tố liên quan đến một số tội ác, bao gồm cả tội dự mưu ám sát
vị luật sư công tố Charles Turner và vị bác sĩ riêng của Osho.
Hai viên phụ tá này bị kết tội 5 năm tù ở với tội danh âm mưu ám
sát viên luật sư công tố liên bang Charles Turner, trong âm mưu
ngăn chặn việc đóng cửa nông trại. Một số phụ tá khác của Osho
chạy thoát về Thuỵ Sĩ, ở đó họ còn nắm giữ một số trương mục ngân
hàng cho tổ chức Osho.
Năm 1983, thư ký riêng Sheela Silverman của Osho thay mặt Osho tuyên
bố sẽ có đại cơn tàn phá địa cầu trong khoảng từ 1984 và 1999.
Các thành phố Tokyo, New York, San Francisco, Los Angeles, Bombay
sẽ bị xoá tên khỏi bản đồ thế giới. Điều tiên đoán này không
xảy ra và người ta cũng nghi ngờ điều tiên đoán đó không phải của
Osho.
Theo tài liệu lưu giữ tại Quốc Hội Hoa Kỳ Congressional Record và ghi
lại trong quyển sách Germs, New York Times reporter Judith
Miller, [Simon & Schuster Book] cho biết một số đệ tử của
Osho là thủ phạm gieo rắc vi khuẩn Salmonella tại một số nhà hàng
bán salad bar nhằm đe doạ cư dân ủng hộ dự án luật ngăn cấm các
hoạt động của Osho. Trong vụ này có 751 người nhiễm vi khuẩn
Salmonella. Sự cố này đã gây chấn động ở Hoa Kỳ vào năm
1984 khi được các đài truyền hình quốc gia như ABC News, Lehrer NewsHour
of Public Television loan tải trong ngày 1 tháng 10 và trên tuần
báo Time Magazine, số ra ngày 3 tháng 10, với tựa đề là
"America's First Bioterrorism Attack." [01], [02], [03]
Lo sợ bị chính quyền áp dụng biện pháp mạnh, một số đệ tử của Osho đã
thu xếp cho ông di chuyển đến thành phố Charlotte, bang North
Carolina. Nhưng báo Origonian cho biết là Osho đã được các đệ tử
đưa đi trốn qua vùng hải đảo, biển Caribbien bằng một máy bay
riêng của ông, nhưng bị chận bắt khi máy bay dừng tiếp tế nhiên
liệu tại Charlotte, North Carolina. Osho bị bắt giữ vì đã liên
tiếp vi phạm luật di trú Hoa Kỳ. Ông bị kết tội môi giới làm giả
hôn nhân cho những đệ tử mang quốc tịch Ấn kết hôn với những đệ
tử mang quốc tịch Hoa Kỳ để hợp pháp hoá việc định cư. Osho cũng bị
truy tố về tội khai man trên những giấy tờ di trú.
Năm 1987 Osho nhận tội, bị phạt 400 ngàn Mỹ kim và trục xuất khỏi Hoa Kỳ.
Ông trở về lại Pune (Poona) Ấn Độ, ở đó sức khoẻ của ông trở nên
trầm trọng. Osho quyết định khai tử tên Rajneesh (có lẽ là để dấu khuôn
mặt thật của ông bị lộ diện ở Hoa Kỳ) và khai tên mới là Osho.
Ông từ gĩa cõi đời ngày 19 tháng 1 năm 1990. Giấy khai tử ghi
nguyên do tử vong là bệnh trụy tim.
Vào thời kỳ cao điểm, có khoảng 200 ngàn hội viên và 600 trung tâm tu
học trên thế giới. Osho bị nhiều nhóm chống đối coi ông như là
một giáo phái ma quỷ (an evil). Ông cũng được họ gọi là “sex
guru” vì ông quảng bá mạnh mẽ về sex. Ông cho rằng “sự thèm khát dục bên trong mỗi chúng ta có thể trở thành chiếc thang mà qua đó đạt tới ngôi đền của tình yêu", rằng "dục bên trong mỗi chúng ta có thể trở thành phương tiện để đạt tới siêu tâm thức, đạt tới định samadhi.” Ông chỉ bày kỹ thuật giao hoan nam nữ cho dài lâu. Xin trích đoạn: “… Việc
thở của người ta càng nhanh, thì thời gian giao hợp càng ngắn;
hơi thở người ta càng bình thản và chậm chạp thì việc đó càng kéo
dài hơn. Và việc giao hợp càng kéo dài lâu, thì càng nhiều khả
năng từ dục tạo ra cánh cửa tới samadhi, một kênh cho siêu tâm
thức. …. Vào lúc giao hợp chúng ta ở gần với Thượng đế. Thượng đế
tồn tại trong chính hành động sáng tạo cho sinh thành nên cuộc
sống mới, và do vậy thái độ của người ta nên giống như thái độ
của người đi vào chùa chiền, đền đài hay nhà thờ. Vào lúc cực
khoái chúng ta ở gần nhất với đấng Tối cao (From Sex To Super-Consciousness – Osho International Foundation)
Osho phát triển một dạng thiền năng động mới mẻ, được nhiều người
biết với tên Dynamic Meditation, thường khởi đầu với các hoạt
động mạnh mẽ về thể chất như nhảy múa với âm nhạc kích động, sau
đó là thiền im lặng. Phương pháp thiền này, theo Osho, có thể
phát triển đến một trạng thái “không tính” và đạt đến giác ngộ.
Hành giả sau đó sẽ trở thành “no past, no future, no attachment,
no mind, no ego, no self”
Trong thập niên 1980, các đệ tử của Osho thường mặc y phục toàn màu vàng
cam đậm (có khi màu nâu đỏ), không phải chỉ có áo choàng. Vì vậy, họ được gọi là "Orange People". Tên gọi nầy khá phổ thông trong thời kỳ đó. Osho ban tước hiệu mới cho đệ tử. Nam được gọi là “Swami” và nữ được gọi là “Ma”. Mặc dầu đa số đệ tử sống trong môi trường khiêm tốn và đơn giản, nhưng Osho, ngược lại, sống trong xa hoa lộng lẫy, tư thất ông ở có máy điều hoà không khí, có bồn tắm nước nóng. Ông có 27 chiếc xe hơi mang hiệu Rolls Royces do các đệ tử hiến cúng. (Có sách nói 93 chiếc)
cam đậm (có khi màu nâu đỏ), không phải chỉ có áo choàng. Vì vậy, họ được gọi là "Orange People". Tên gọi nầy khá phổ thông trong thời kỳ đó. Osho ban tước hiệu mới cho đệ tử. Nam được gọi là “Swami” và nữ được gọi là “Ma”. Mặc dầu đa số đệ tử sống trong môi trường khiêm tốn và đơn giản, nhưng Osho, ngược lại, sống trong xa hoa lộng lẫy, tư thất ông ở có máy điều hoà không khí, có bồn tắm nước nóng. Ông có 27 chiếc xe hơi mang hiệu Rolls Royces do các đệ tử hiến cúng. (Có sách nói 93 chiếc)
Osho dạy rằng Thượng đế trong mọi người và hiện diện mọi nơi chốn.
Không có gì ngăn cách giữa God và Not God. Ông thừa nhận Jesus
Christ đã giác ngộ và tin tưởng là Jesus còn sống sau khi bị đóng
đinh trên cây Thập tự giá và trốn qua Ấn Độ, ở đó Jesus chết lúc
112 tuổi.
Osho nói rằng ông không chỉ định người kế vị khi ông qua đời, vì tất
cả các đệ tử của ông đều sẽ là những người kế vị ông. Tuy nhiên,
trước khi chết, ông đã chỉ định một hội đồng gồm 21 người điều
hành trung tâm tu học Pune. Trung tâm này đã được phát triển từ 6
mẫu thành 32 mẫu. Ngày nay họ điều hành 20 trung tâm trên khắp
thế giới và trở thành một tổ chức kinh doanh với lợi tức hàng năm
lên đến nhiều triệu Mỹ kim. Ảnh hưởng chính của Osho bây giờ
chính là những sách viết của ông. Cũng nên biết hai phụ tá cao
cấp của Osho là Sally-Anne Croft và Susan Hagan bị kết án 5 năm tù
ở Oregon hồi năm 1995, đã được phóng thích trước thời hạn mãn tù vào
tháng 6 năm 1998 và bị trục xuất về Anh Quốc.
PHẦN 2: ĐƯỜNG LỐI TRUYỀN ĐẠO
Nói rằng ông Osho là một Đạo Sư và những lời giảng dạy của ông là
Giáo lý thì không đúng vì tất cả những lời giảng của ông không có
gì mới lạ, chỉ là sự góp nhặt rồi pha trộn từ một số giáo lý của
các đạo Kỳ Na giáo (Jainism), Ấn Giáo (Hinduism), Phật Giáo, Lão
Giáo (Taoism), Thiên Chúa Giáo (Christianity) và một vài tư
tưởng triết học đương thời. Ông bắt đầu sự nghiệp bằng việc
giảng dạy môn Triết học tại đại học, rồi từ đó chuyển qua dạy về
khoa Tâm linh cho những đệ tử và những người theo ông. Thị
trường khoa Tâm linh học ở Ấn Độ thời đó rất cạnh tranh và ông là một
người giỏi về tiếp thị. Ông đã tung ra thị trường một sản phẩm mới
nhiều hấp dẫn. Đó là những lời hứa hẹn “giác ngộ và giải thoát”
bằng một đường lối rất quyến rũ là con đường tình yêu và tình
dục; mà ông tin rằng sẽ được đón nhận ở cả phương Tây lẫn phương
Đông.
Mặc dầu là một người độc tài, độc tôn, độc đoán, nhưng ông lại là một
nhà thuyết giảng có tài, có mãnh lực quyến rũ và thuyết phục
người nghe, người đọc. Văn tiếng Anh ông viết giản dị, sáng
sủa. Ông thuyết giảng rất nhiều và thuộc đủ mọi đề tài.
Với Phật Giáo, ông ca ngợi đức Phật, dùng những thuật ngữ nhà Phật,
nên người đọc, nhất là những Phật tử mới vào đạo hay những người
có ý muốn hướng về một nền đạo học Đông Phương cảm thấy thích thú
và gần gũi với ông. Ông nói thao thao bất tuyệt về kinh Kim
Cương, Bát Nhã Tâm Kinh và Kinh Pháp Cú. Ông thuyết giảng về Vô
Ngã và Không Tánh của Phật Giáo. Ông cũng giảng và đề cao nhiều
pháp thiền định khác nhau của nhiều tôn giáo, như của Mật tông:
Kundalini, Mandala và Tình Dục, lẫn của cả Thiền Minh Sát
Vipassana của Phật giáo Nam Tông, cũng như thiền quán âm thanh
của kinh Lăng Nghiêm v... v… Ông có lối diễn giảng như hỏa mù, vừa ca
ngợi, vừa xuyên tạc đạo Phật (một cách tinh vi), lại vừa lợi dụng
uy tín của đức Phật, dùng đức Phật như một cái dù che; nhưng thực
chất bên trong nôị dung những điều ông giảng lại chứa đựng những
tư tưởng đối nghịch với tư tưởng nhà Phật. Đây chính là điều mà
người ta thường gọi là “cái bẫy của ngôn ngữ”.
Chúng ta hãy đọc một đoạn của Osho dưới đây: ”Đừng lo sợ
gì cả, vì toàn bộ tiến trình giáo lý Bát Nhã Tâm Kinh sẽ giúp anh
phóng thể, khai sáng cái bản ngã: cái “Tôi” đó thực không hiện hữu –
chỉ cái “Tôi” đó là cái duy nhất không hiện hữu, không thực!
Ngoài ra tất cả đều thực có. Có nhiều đạo sư đã nói: “Thế giới
này là ảo ảnh và linh hồn mới hiện hữu – cái ‘Tôi” là thực, ngoài
ra đều là ảo giác.” Đức Phật lại giảng trái ngược lại: “Cái Tôi là không thực, còn những thứ khác là thực.” Tôi đồng ý với Đức Phật về quan điểm này hơn tất cả những lập thuyết, quan niệm của những đạo sư khác…”[Osho: Bát Nhã Tâm Kinh, Việt dịch: Thích nữ Minh Tâm]
Đức Phật không hề nói “cái Tôi là không thực, còn những thứ khác là thực…”
Những người am tường giáo lý đạo Phật đều biết trong suốt bốn
mươi chín năm thuyết pháp, Đức Phật đều là tuỳ căn cơ, hay nói
một cách khác, tuỳ bệnh “chấp thật” của chúng sinh mà cho thuốc
khác nhau. Ngài phá chấp thật: phá Ngã chấp, Pháp chấp và Không
chấp; [01] ngay cả lời nói của Ngài, Ngài cũng nói là vọng tưởng,
chớ nên chấp thật.
Một đoạn khác, cũng trong Bát Nhã Tâm Kinh, Osho cho rằng Tiểu ngã hoà nhập vào Đại ngã là Niết Bàn: “Chỉ
có người nào yêu và thiền định thì mới có thể chết tỉnh thức
được. Và một khi anh chết trong tỉnh thức rồi, thì anh không
cần phải lộn lạo luân hồi trở lại cuộc đời này nữa, vì anh đã học
xong bài học thế gian rồi. Rồi anh tan biến vào vũ trụ, hội
nhập vào đại thể, hoà mình vào chân ngã – đó là Niết Bàn tịch
tĩnh đấy, anh ạ! [Osho: Bát Nhã Tâm Kinh, Việt dịch: Thích nữ Minh Tâm]
Đây chính là quan niệm của Ấn Độ giáo hay Bà La Môn Giáo. Đối với
Phật giáo thì mọi khái niệm, tư tưởng về Bản Ngã, dù là Tiểu Ngã
hoặc Đại Ngã đều bị quét sạch, kể cả cái công cụ quét cũng bị
quét luôn. Ngay cả đến giáo lý của Phật giảng dạy cũng chỉ được
coi là phương tiện như con đò đưa người qua sông. Khi đã đến
được bến đò thì phải bỏ đò và người đưa đò tức Phật cũng phải bỏ
luôn và phải bỏ luôn cả cái vọng chấp gọi là bến đò nữa mới có
thể đạt tới cái mà sách vở tạm dùng ngôn từ mà gọi là Niết Bàn,
Chơn Như.
Còn trên phương diện hành trì, giáo lý nhà Phật chủ trương
diệt dục vì dục là nguồn gốc của khổ đau và luân hồi thì Osho lại
chủ trương ngược lại. Ông đề cao dục, ca ngợi dục,
quảng bá dục; nhất là tình yêu và tình dục, ông dành nhiều buổi
thuyết giảng về tình dục và viết thành một quyển sách nói về
Dục. Ông chỉ dạy kỹ thuật giao hoan nam nữ cho dài lâu.
Nên lưu ý, đây là điểm quan trọng trong quá trình truyền đạo của
ông, là “đường lối hành trì” để hành giả đạt đến giác ngộ giải thoát,
đến Niết Bàn hay Thượng Đế” của cái gọi là “giáo lý” của “Đạo sư Osho”. Xin trích đoạn:
“..Nhưng người đã nghiên cứu về dục, người đã đi sâu vào
nó, người đã thiền về những kinh nghiệm nhiều kiếp, đều nêu ra
rằng nếu giao hợp chỉ kéo dài một phút thì con người sẽ ham muốn
nó lần nữa vào ngày hôm sau, nhưng nếu nó có thể được kéo dài
trong ba phút thì người đó sẽ không nghĩ về dục trong một tuần
tiếp sau. Hơn nữa, họ đã quan sát rằng nếu giao hợp có thể được
kéo dài trong bẩy phút thì người đó sẽ tự do khỏi dục đến mức không ý
nghĩ đam mê dục nào nẩt sinh trong người đó trong ba tháng. Và
nếu thời kì giao hợp có thể kéo dài ba giờ thì người đó sẽ tự do
với dục mãi mãi; người đó sẽ không bao giờ ham muốn nó lần nữa!
Nhưng kinh nghiệm của con người nói chung chỉ kéo dài trong một
khoảnh khắc; thậm chí khó mà tưởng tượng được một thời kì ba giờ.
Tuy nhiên, tôi lặp lại: nếu một người có thể vẫn
còn trong tư thế giao hợp, có thể vẫn còn trong samadhi đó,
trong sự chìm ngập ba giờ, thế thì chỉ một hành động giao hợp đó cũng
đủ để giải phóng người đó khỏi dục cho phần còn lại trong cuộc
đời mình. Nó để lại sau một kinh nghiệm mãn nguyện, một kinh
nghiệm phúc lạc đến mức nó kéo dài cả đời. Sau việc giao hợp hoàn
hảo đó thì không còn rào chắn để đạt tới vô dục thực sự.
Thậm chí sau cả đời kinh nghiệm dục chúng ta cũng chẳng bao giờ
đạt tới bất kì đâu gần cái giai đoạn tối cao đó, gần điều thiêng
liêng đó. Tại sao? Người ta đạt tới tuổi già chín muồi, đi tới
cuối cuộc sống của mình, nhưng người đó chưa bao giờ được tự do
khỏi sự thèm khát dục, khỏi niềm đam mê giao hợp. Tại sao? Bởi vì
người đó chưa bao giờ hiểu mà cũng không được bảo cho về nghệ
thuật dục, về khoa học dục. Người đó chưa bao giờ xem xét nó;
người đó chưa bao giờ thảo luận về nó với người đã chứng ngộ.
Bạn có thể ngần ngại rằng một kinh nghiệm mà thường chỉ kéo dài
một khoảnh khắc lại có thể được kéo dài trong ba giờ, cho nên tôi
sẽ nêu ra cho bạn một số điểm chỉ dẫn. Nếu bạn chú ý tới chúng,
thì cuộc hành trình tới vô dục sẽ trở nên đơn giản hơn.
Việc thở của người ta càng nhanh, thì thời gian giao hợp càng
ngắn; hơi thở người ta càng bình thản và chậm chạp thì việc đó
càng kéo dài hơn. Và việc giao hợp càng kéo dài lâu,
thì càng nhiều khả năng từ dục tạo ra cánh cửa tới samadhi,
một kênh cho siêu tâm thức. Như tôi đã nói trước đây, việc hiểu
về vô ngã, về vô thời gian, bắt đầu hé mở ra cho con người trong
samadhi-dục đó. Việc thở phải rất chậm. Việc làm chậm hơi thở sẽ
mở ra viễn cảnh ngày càng sâu sắc hơn của nhận thức rõ.
Một điều khác cần phải nhớ trong hành động giao hợp là ở chỗ
nhận biết của bạn nên được tập trung vào giữa hai con mắt, ở chỗ
của agnichakra. Nếu sự chú ý được tập trung vào đó, thì thời hạn
cực đỉnh có thể được kéo dài - thậm chí tới ba giờ. Và một hành
động giao hợp như vậy có thể bắt rễ chắc chắn một người vào mảnh
đất của vô dục - không chỉ cho kiếp sống này mà cho kiếp sống
tiếp nữa..” [Osho: Từ Dục Tới Siêu Tâm Thức (Bài nói thứ 4)©Osho International Foundation]
Có người cho rằng những điều giảng trên không phải là của Phật giáo
mà là của Mật Giáo Ấn Độ hay như Osho gọi chung chung là Mật
tông.
Thêm vào đó, tình yêu và tình dục nam nữ mà Osho đề cao cũng được ông giảng lồng vào trong các kinh Phật,
như trong kinh Kim Cương và Bát Nhã Tâm kinh. Điều này xác nhận
tư tưởng của ông đối nghịch với giáo lý nhà Phật như nước với
lửa. Xin trích đoạn: “…Chỉ có tình yêu lan tràn ra thế giới
mới đem đến cách mạng. Chủ nghĩa cộng sản đã thất bại, chủ nghĩa
phát xít đã thất bại, chủ nghĩa tư bản đã thất bại. Tất cả các
"chủ nghĩa" đều thất bại bởi vì sâu bên dưới tất cả chúng đều kìm
nén dục. Về phương diện này, không có sự khác biệt giữa Washington và
Moscow, Bắc kinh và Delhi không có khác biệt nào hết cả. Tất cả họ
đều đồng ý về một điểm rằng dục cần phải bị kiểm soát, rằng
người ta phải không được phép có niềm vui hồn nhiên trong dục.
Mật tông tới để lập lại quân bình. Mật tông là phương thuốc cho
nên nó nhấn mạnh quá nhiều vào dục. Những cái gọi là tôn giáo nói
dục là tội lỗi, còn mật tông nói dục là hiện tượng thiêng liêng
duy nhất. Mật tông là phương thuốc. Thiền không phải là phương
thuốc. Thiền là trạng thái khi bệnh tật đã biến mất và tất nhiên,
cùng mất đi với bệnh thì phương thuốc cũng mất đi nữa. Một khi bạn
được chữa lành khỏi bệnh, bạn không còn giữ lại toa thuốc và cả lọ
thuốc và thuốc với mình. Bạn vứt chúng vào sọt rác. Xã hội thông
thường chống dục; Mật tông tới để giúp loài người, để trả lại
dục cho loài người. Và khi dục đã được trả lại, thì nảy sinh
Thiền. Thiền không có thái độ. Thiền là sự mạnh khỏe thuần khiết. " [Osho: Kinh Kim Cương Việt dịch: Như Không]
“…Khi anh ân ái giao hợp với một người phụ nữ anh thương,
cái tột đỉnh của khoái lạc chính là đỉnh cao của Chân Không.
Ngay giây phút Chân Không hay khoái lạc cực điểm đó, người đàn bà
không còn là người đàn bà nữa và người đàn ông cũng không còn là
người đàn ông nữạ Những hình thái nam nữ đó đã biến mất. Cái
tính chất phân cực, sự phân biệt giữa đàn ông và đàn bà không còn
đó nữa, sự căng thẳng không còn đó nữa; tất cả đã tuyệt đối buông xả,
thư giản hoàn toàn…” [Osho: Bát Nhã Tâm Kinh, Việt dịch: Thích Nữ Minh Tâm]
Những lời ông giảng về kinh Phật và hành thiền nghe thật hấp dẫn, rất
êm tai, nhưng theo ông, hành giả chỉ có thể đến được với nó qua
đường tình yêu và tình dục. Đây chính là viên thuốc độc bọc đường để mê hoặc lòng người và đó chính là cái bẫy của ngôn từ,
nên những người mới vào đạo Phật cần phải lưu ý mà tránh xa.
Đức Đạt Lai Lạt Ma Thứ 14 đã cảnh giác những ai đi theo con đường
dâm (sex), Ngài nói: “…Nói chung sự tà dâm được thực hiện
bởi sự tham muốn, nhưng người ta cũng có thể làm như thế bởi lòng
sân hận, như khi một người ngủ với vợ của một kẻ thù. Cũng
thỉnh thoảng nó được thực hiện do sự vô minh, cho rằng qua sự giao hợp người ta có thể đạt được các chứng ngộ vĩ đại…” [Con
Đường Đến Tự Do Vô Thượng, nguyên tác Anh ngữ: The Way To
Freedom, Dalai Lama Thứ 14 - Việt dịch: Liên Hoa, Nhà xuất bản
Thiện Tri Thức 1999]
Cũng nên nói thêm, trong cuốn Từ Dục Tới Siêu Tâm Thức, Osho khẳng định không có con đường nào khác hơn để đi đến samadhi là phải qua con đường tình dục:“Con
đường từ dục tới samadhi là con đường dài. Samadhi là mục tiêu
tối thượng; dục chỉ là bước đầu tiên. Và tôi muốn chỉ ra rằng
những người từ chối thừa nhận bước đầu tiên, người chỉ trích bước
đầu tiên, thì thậm chí không thể nào đạt tới bước thứ hai được.
Họ không thể nào tiến bộ được chút gì. Điều bắt buộc là phải tiến
bước thứ nhất có ý thức, hiểu biết và nhận biết. …”
Trong một bài giảng khác, Osho cũng xác nhận rằng: “Sex
contains samadhi, because life contains God. Move from sex to samadhi,
from sex to superconsciousness; this is the only natural and
rightful way. Don't get stuck anywhere in sex. I teach you sex
and transcendence both, because the transcendence is possible
only through it. And the people who are teaching repression are
not teaching transcendence. In fact, they go on pouring more mud
on you. They go on forcing you deeper in the mud because there is
no possibility of transcendence if you have not moved through
these sexual stages of autoeroticism, of homoeroticism, of
heteroeroticism, and then to transcendence. And the lotus blooms, the
one-thousand-petalled lotus. You are containing it in yourself.
Avoid the priests and the politicians and you can achieve it.
They are standing in the way…” [Osho: The Secret of Secrets, Vol
2, Chapter 15 (Available on Audio only) Talks by Titles Subject Index - Audio Talks © Osho International Foundation 1995]
Khi giảng về Thiền Định trong Bát Nhã Tâm Kinh, Osho giảng huyên thuyên, dùng
toàn thuật ngữ Phật giáo nhưng chỉ có chữ mà không có nghĩa, hầu
như không có liên hệ gì với giáo lý nhà Phật, lại còn có những điểm
trái ngược với Phật giáo, như khi giảng về thiền định, ông phân chia Thiền Định làm hai lực đối kháng nhau: Thiền là một cái gì “yên tĩnh, ôn hòa, sâu lắng” trong khi đó Định thì có bản chất “bạo hành, cá nhân bản ngã…” Chúng ta hãy đọc thử một đoạn: “…Định
là ý thức đối đãi, nhị nguyên: bởi thế Định tạo ra sự mệt mỏi,
chán ngán, cho nên khi anh tập trung vào một đối tượng nào, anh
cảm thấy mệt lả. Anh không thể tập trung suốt hai mươi bốn tiếng
đồng hồ liền được, anh phải nghỉ ngơi. Sự tập trung không bao
giờ có thể trở thành bản chất của anh được. Thiền không bao giờ
làm cho anh mệt mỏi. Thiền không bao giờ làm cho anh đuối sức.
Anh có thể thiền hai mươi bốn giờ đồng hồ liền hay ngày nọ qua
ngày kia, năm nọ qua năm kia. Thiền có thể trở thành vô tận vì
chính bản chất thiền là thư thái, an nhiên, tuyệt đối không căng thẳng,
mệt lả, đuối sức. Định là một hành động, một loại hành động có ý
chí mạnh mẽ. Còn Thiền là trạng thái không ý chí, một trạng
thái vô hành….Trong Định, chúng ta đã có sẵn một kế hoạch, một dự
án, một tư tưởng trong tâm trí. Khi anh tập trung tâm trí vào
một đối tượng, đầu óc anh hoạt động dữ dội, anh thấy rõ là anh
đang quán chiếu cái gì, tập trung tâm ý vào cái gì, vì tập trung
hiện ra từ vùng quá khứ….Định sẽ khiến anh trở thành một con
người ý chí. Nhưng thiền sẽ đưa anh đến Chân Không, sẽ đưa anh đến
vùng Chân Như tự tại. Đó là chính xác những gì Phật nói với Xá Lợi
Phất…[Osho: Bát Nhã Tâm Kinh, Việt dịch: Thích Nữ Minh Tâm]
Trong khi đó, Định theo Phật giáo là “trạng thái chú tâm lên
một đối tượng duy nhất bằng sự lắng lọc từ từ của tâm. Định là
một dạng tâm thức, trong đó không còn tính nhị nguyên,
trong đó chủ thể biến thành một với khách thể, lúc đó chỉ còn một
"kinh nghiệm tâm thức" là có thật. Khả năng đạt định là một
trong những điều kiện tiên quyết để tu tập Thiền…, hành giả nhờ
Định (s: samadhi) mà đạt đến một trạng thái sâu lắng của tâm
thức, trong đó toàn bộ tâm thức chỉ chú ý đến một đối tượng thiền định
thuộc về tâm hay vật. Tâm thức sẽ trải qua nhiều chặng, trong đó
lòng tham dục dần dần suy giảm. Một khi hành giả trừ Năm chướng
ngại thì đạt được bốn cõi thiền (Tứ thiền định) của sắc giới (xem
Ba thế giới), đạt được Lục thông (s: abhij) và tri kiến vô
thượng. Tri kiến này giúp hành giả thấy rõ các đời sống trước của
mình, thấy diễn biến của sinh diệt và dẫn đến giải thoát mọi Ô
nhiễm. Hành giả đạt bốn cõi thiền cũng có thể chủ động tái sinh
trong các cõi Thiên (deva) liên hệ.
Trong giai đoạn một của thiền định, hành giả từ bỏ lòng tham dục và
các pháp bất thiện, nhờ chuyên tâm suy tưởng mà đạt đến. Trong
cấp này, hành giả có một cảm giác hỉ lạc. Trong giai đoạn hai,
tâm suy tưởng được thay thế bằng một nội tâm yên lặng và tâm thức
trở nên sắc sảo bén nhọn, xuất phát từ sự chú tâm quán sát. Hành
giả tiếp tục ở trong trạng thái hỉ lạc. Qua giai đoạn ba, tâm hỉ
lạc giảm, tâm xả bỏ hiện đến, hành giả tỉnh giác, cảm nhận sự
nhẹ nhàng khoan khoái. Trong giai đoạn bốn, hành giả an trú trong
sự xả bỏ và tỉnh giác.
Tại Trung Quốc, Thiền có một ý nghĩa rộng hơn rất nhiều. Nó bao gồm
tất cả phép tu như quán niệm hơi thở, Bốn niệm xứ ... với mục
đích nhiếp tâm và làm tâm tỉnh giác. Từ phép Thiền do Bồ-đề
Đạt-ma truyền, Thiền Trung Quốc đã phát triển rất mạnh (Thiền
tông).
Trong một ý nghĩa bao quát, Thiền cũng không phải là những phương
pháp đã nêu trên. Thiền là một trạng thái tâm thức không thể định
nghĩa, không thể mô tả và phải do mỗi người tự nếm trải. Trong
nghĩa này thì Thiền không nhất thiết phải liên hệ với một tôn
giáo nào cả kể cả Phật giáo. Trạng thái tâm thức vừa nói đã được
các vị thánh nhân xưa nay của mọi nơi trên thế giới, mọi thời đại
và văn hóa khác nhau trực nhận và mô tả bằng nhiều cách. Đó là
kinh nghiệm giác ngộ về thể sâu kín nhất của thật tại, nó vừa là
thể của Niết-bàn và vừa của Luân hồi, sinh tử. Vì vậy, Tọa thiền không
phải là một phương pháp đưa con người đi từ vô minh đến giác ngộ,
mà là giúp con người khám phá bản thể thật sự của mình đang mỗi
lúc hiện diện…” [Tự điển Phật Học Đạo Uyển: http://www.daouyen.com/Data/Ph_T/T132.htm]
Còn có quá nhiều điều đối nghịch với giáo lý nhà Phật, nhưng người
viết cho là tạm đủ để độc giả có thể nhìn rõ thêm về ông Osho và
giá trị những lời thuyết giảng của ông về đạo Phật. Osho có phải
là đạo sư và những lời thuyết giảng của ông có phải là khuôn
vàng thước ngọc không, điều đó không tuỳ thuộc vào những điều ông
nói, không tuỳ thuộc vào những khả năng trích dẫn từ kinh điển
Phật giáo mà là từ hành động của ông và động lực để giảng dạy của ông.
Ngài Đạt Lai Lạt Ma Thứ 14 đã nói rằng: “Động lực giảng
dạy (của một vị Thầy) phải trong sạch – không bao giờ vì một ước
muốn danh tiếng hay lợi lạc vật chất… Trong thế giới, nếu không có một
nhà lãnh đạo chân chính thì chúng ta không thể cải thiện xã hội
được. Cũng vậy, trừ phi vị thầy có phẩm chất đúng đắn, thì mặc
dù đức tin của bạn có mạnh mẽ đến đâu, việc theo học vị thầy có
thể làm hại bạn nếu bạn được dẫn dắt theo một đường hướng sai
lầm. Vì thế, trước khi thực sự coi ai là thầy, điều quan trọng
là phải khảo xét họ…” … Nếu như vị đạo sư của bạn buộc bạn
phải làm việc vô đạo đức hay nếu giáo lý của vị ấy mâu thuẫn với
Phật Pháp thì hành xữ như thế nào? Ngài Đạt Lai Lạt Ma nói
tiếp: “Bạn nên trung thành với điều đạo đức và xa rời những gì không phù hợp với Pháp…”
Ở Ấn Độ, một lần kia, một vị thầy có nhiều đệ tử yêu cầu họ đi
ra ngoài ăn trộm. Vị thầy thuộc đẳng cấp Bà La Môn và rất
nghèo. Ông dạy rằng khi những người Bà la Môn trở nên nghèo khó
thì có quyền ăn cắp. Ông nói, là những người được Trời Brahma -
đấng sáng tạo của thế giới – yêu quý, đối với một người Bà la
môn, việc ăn cắp không xấu xa. Những đệ tử sắp đi ăn cắp thì vị
thầy người Bà la môn nhận thấy một đệ tử đứng im lặng cúi đầu
xuống. Ông hỏi anh tại sao không đi. Người học trò nói: “Điều thầy
dạy chúng con bây giờ trái nghịch với Pháp, vì vậy con không nghĩ
rằng con có thể làm được điều đó. “ Lời nói này làm vui lòng
người Bà la môn, ông nói: “Ta đã trắc nghiệm các con. Mặc dù các
con đều là đệ tử của ta và trung thành với ta, nhưng sự khác
biệt giữa các con là sự phán đoán. Ta là thầy của các con, nhưng
các con phải xem xét lời chỉ dạy của ta, và bất kỳ lúc nào lời
chỉ dạy chống trái với Pháp thì các con chớ nên theo.” …”
[Con Đường Đến Tự Do Vô Thượng, nguyên tác Anh ngữ: The Way To Freedom,
Dalai Lama Thứ 14 - Việt dịch: Liên Hoa, Nhà xuất bản Thiện Tri
Thức 1999].
Hoàng Liên Tâm
Chú Thích
[01] Ngã chấp, Pháp chấp, Không chấp: Chấp thật cái thân thể và sự suy nghĩ của bộ não của ta gọi là Ngã Chấp. Chấp thật vạn sự vạn vật trong vũ trụ pháp giới do ta hiểu biết được cho là Thật Tánh Thật Tướng, gọi là Pháp Chấp. Phá được Ngã Chấp và Pháp Chấp, thấy tất cả đều không, chấp cái không này là thật Không gọi là Không Chấp.
[02] Cần biết thêm về ông Osho, quý độc giả có thể tìm mua đọc
Bhagwan: The God That Failed, published by Saint Martin's Press
and written by Hugh Milne (Shivamurti), quyển sách này được viết
bởi Hugh Milne, một đệ tử thân cận với Osho trong thời kỳ ở Poona
và Oregon. Một quyển sách thứ hai cũng nên xem là cuốn: Promise
of Paradise: A Woman's Intimate Life With 'Bhagwan' Osho
Rajneesh, published by Barrytown/Station Hill Press. Cả hai
quyển sách đều không còn, nhưng có thể mua lại sách cũ tại
http://www.Amazon.Com and http://www.Amazon.Com.UK
Sách và Tư Liệu Trích Dẫn:
[01] Has Any American City Ever Faced Biological Warfare?
By George Beres http://www.hnn.us/articles/355.html
Mr. Beres, a graduate of Northwestern's Medill School of Journalism, was sports information director at the University of Oregon.
[02] Oregon. Town Never Recovered From Scare
The Associated Press/October 19, 2001
By Gillian Flaccus http://www.rickross.com/reference/rajneesh/rajneesh8.html
[03] The Story of a Truly Contaminated Election
Columbia Journalism Review/Jan/Feb 2001
By Lawrence K. Grossman http://www.rickross.com/reference/rajneesh/rajneesh4.html
[04] Osho: From Sex To Super-Consciousness – ©Osho International Foundation (ấn bản Anh)
[05] Osho: Từ Dục Tới Siêu Tâm Thức – ©Osho International Foundation (ấn bản Việt)
[06] Osho: The Secret of Secrets, Vol 2, Chapter 15 (Available on Audio only) Talks by Titles Subject Index - Audio Talks © Osho International Foundation 1995
[07] Osho: Bát Nhã Tâm Kinh, Việt dịch: Tỳ Kheo Ni Thích Nữ Minh Tâm
[08] Osho: Kinh Kim Cương, Việt dịch: Như Không, ©Osho International Foundation (ấn bản Việt)
[09] Dalai Latma 14: Con Đường Đến Tự Do Vô Thượng, nguyên tác Anh ngữ: The Way To Freedom - Việt dịch: Liên Hoa, Nhà xuất bản Thiện Tri Thức 1999
[10] Osho: "Autobiography of a spiritually incorrect mystic," St. Martin's Press, (2000) Review/order this book
[11] Osho: "Meditation: The first and last freedom," ST, Martin's Press, (1997). Review/order this book
[12] Osho: "Courage: The joy of living dangerously," Griffin, (1999). Review/order this book This is one of a new series of books in the series "Insights for a new way of living."
[13] Osho: The science of meditation is at: http://osho.com
[14] Friends of Osho has a web site at: http://www.sannyas.net/ They have a list of Sannyasins, [15] Osho information centers, etc. at: http://oz.sannyas.net/friends/
[16] Friends of Osho have a biography of Osho at: http://earth.path.net/osho/osho02.htm
[17] Osho Vision: A lifestyle of meditation and celebration at: http://www.meditate-celebrate.com
[18] Christopher Calder, "Osho, Bhagwan Rajneesh, and the Lost Truth," at: http://home.att.net/~meditation/Osho.html
[19] Article in the New York Times, 1998-MAR-11, Page A21. Mentioned in "Food Poisoning and Biological Warfare,"
[20] "Osho Rajneesh," is a particularly beautiful web site, which covers a wide range of topics: http://osho.toptelemedia.com/index1.htm
[21]Tự điển Phật Học Đạo Uyển:
Sách và Tư Liệu Trích Dẫn:
[01] Has Any American City Ever Faced Biological Warfare?
By George Beres http://www.hnn.us/articles/355.html
Mr. Beres, a graduate of Northwestern's Medill School of Journalism, was sports information director at the University of Oregon.
[02] Oregon. Town Never Recovered From Scare
The Associated Press/October 19, 2001
By Gillian Flaccus http://www.rickross.com/reference/rajneesh/rajneesh8.html
[03] The Story of a Truly Contaminated Election
Columbia Journalism Review/Jan/Feb 2001
By Lawrence K. Grossman http://www.rickross.com/reference/rajneesh/rajneesh4.html
[04] Osho: From Sex To Super-Consciousness – ©Osho International Foundation (ấn bản Anh)
[05] Osho: Từ Dục Tới Siêu Tâm Thức – ©Osho International Foundation (ấn bản Việt)
[06] Osho: The Secret of Secrets, Vol 2, Chapter 15 (Available on Audio only) Talks by Titles Subject Index - Audio Talks © Osho International Foundation 1995
[07] Osho: Bát Nhã Tâm Kinh, Việt dịch: Tỳ Kheo Ni Thích Nữ Minh Tâm
[08] Osho: Kinh Kim Cương, Việt dịch: Như Không, ©Osho International Foundation (ấn bản Việt)
[09] Dalai Latma 14: Con Đường Đến Tự Do Vô Thượng, nguyên tác Anh ngữ: The Way To Freedom - Việt dịch: Liên Hoa, Nhà xuất bản Thiện Tri Thức 1999
[10] Osho: "Autobiography of a spiritually incorrect mystic," St. Martin's Press, (2000) Review/order this book
[11] Osho: "Meditation: The first and last freedom," ST, Martin's Press, (1997). Review/order this book
[12] Osho: "Courage: The joy of living dangerously," Griffin, (1999). Review/order this book This is one of a new series of books in the series "Insights for a new way of living."
[13] Osho: The science of meditation is at: http://osho.com
[14] Friends of Osho has a web site at: http://www.sannyas.net/ They have a list of Sannyasins, [15] Osho information centers, etc. at: http://oz.sannyas.net/friends/
[16] Friends of Osho have a biography of Osho at: http://earth.path.net/osho/osho02.htm
[17] Osho Vision: A lifestyle of meditation and celebration at: http://www.meditate-celebrate.com
[18] Christopher Calder, "Osho, Bhagwan Rajneesh, and the Lost Truth," at: http://home.att.net/~meditation/Osho.html
[19] Article in the New York Times, 1998-MAR-11, Page A21. Mentioned in "Food Poisoning and Biological Warfare,"
[20] "Osho Rajneesh," is a particularly beautiful web site, which covers a wide range of topics: http://osho.toptelemedia.com/index1.htm
[21]Tự điển Phật Học Đạo Uyển:
No comments:
Post a Comment