Friday, August 23, 2013

“Thằng ngốc” Yuri Yakovlev.

Đăng Bẩy

Thiên phú chỉ là phần nào của tài năng. Câu phương ngôn này đúng với diễn viên được phong Nghệ sĩ Nhân dân Liên Xô từ năm 1976: Yuri Yakovlev. Nổi lên từ Thằng ngốc, trở thành thần tượng với Bài ca kỵ binh, nhận được cảm tình cả khi nhập vai xấu xí trong Số phận trớ trêu… đây là bất ngờ lớn cho những nhà sư phạm nghệ thuật.

“Thằng ngốc” đã trở thành thần tượng
 
 

Yuri Yakovlev (trái) trong phim Bài ca ky  binh
 
Tố chất ở tương lai
Nghệ sĩ Nhân dân Liên Xô Yuri Yakovlev sinh ngày 25.4.1928 tại Moskva, khi Thế chiến thứ hai bùng nổ, theo gia đình sơ tán về Ufa, mới mười ba tuổi đã cùng mẹ làm việc trong viện quân y. Năm 1943, trở về thủ đô, cậu nhận một chân sai vặt ở garage ô tô đại sứ quán Mỹ để đỡ đần bố mẹ. Điều hành cho xe vào xe ra, làm những việc sửa chữa nho nhỏ rồi được tin tưởng, quản lý hẳn một chiếc xe jeep Willys. Với chiếc xe ấy, anh chàng oai phong chở bạn trai bạn gái đi chơi và đến lớp học buổi tối để chuẩn bị thi vào trường Quan hệ quốc tế. Cuối cùng, như có trời xui khiến, anh thi vào trường Điện ảnh VGIK để rồi nhận kết quả… đáng buồn: “không có tố chất điện ảnh”. Ờ… hồi nhỏ, Yuri cũng đã thử vai cho phim Timur và đồng đội rồi đấy, nhưng bị loại ngay... Thế thì chuyển sang trường Sân khấu B. V. Shchukin. Được nhập học (1948-1952), nhưng cũng chật vật: ở bộ môn chủ chốt - diễn xuất – năm thứ nhất chỉ được điểm 2, năm thứ hai điểm trung bình, thành ra nghệ sĩ vào nghề rất lận đận, đến nỗi về sau, đạo diễn thiên tài Ivan Pyriev đã phải an ủi: “Thử xin Riazanov một vai xem sao”.
 
Và hóa thân khác thường trong Số phận trớ trêu
 
Thiên phú chỉ là phần nào của tài năng, phần lớn là do chuyên cần học hỏi”, câu phương ngôn này đúng rắp với Yakovlev. Tuy thiếu một học bạ đẹp, năm 1952, diễn viên trẻ vẫn được tiếp nhận vào nhà hát kinh điển E. Vakhtangov. Nhưng chỉ hai năm sau, cả Moskva phải trầm trồ về một Yakovlev thể hiện rất tinh tế và thiện nghệ vai thái tử ngoại bang trong vở kịch thần thoại Sợ kham khổ thì đừng mong sung sướng của nhà văn thiếu nhi kiệt xuất Samuil Marshak (1887-1964). Tiếp đó, năm 1960 vai Triletsky bay bướm, hài hước và buồn bã trong Vở kịch không tên của văn hào Chekhov, mở ra sức sáng tạo phong phú của Yakovlev, đưa nghệ sĩ lên thời hoàng kim của mình suốt đến thập niên 1990. Năm 1993, vai nhà quý tộc Dudukin trong vở Kẻ phạm tội không có tội của A. N. Ostorovsky (1881-1883, đạo diễn P. Fomenko), Yakovlev còn thể hiện những bản romance Nga cổ xưa, bằng chất giọng đẹp lạ. Với tài năng ngày càng phong phú, Yakovlev đã lên sân khấu trong hơn 70 vai già trẻ, cổ kim…
 
 
Ôi! thằng ngốc…
Nhưng truyền hình và điện ảnh mới mang đến cho Yakovlev lòng yêu mến của bàn dân thiên hạ. Nghệ sĩ bắt đầu bằng vai Chakhotkin trong phim Bên lề sân khấu (1956, đạo diễn Konstantin Yudin), hạ sĩ quan Dibich trong bộ phim chuyển thể tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Konstantin Fedin Mùa hè kỳ lạ (1957, V. Basov). Diễn viên Yakovlev thực sự đóng đinh vào trí nhớ khán giả nhờ Thằng ngốc (1958, I. Pyriev). Tập đầu bộ phim chuyển thể tiểu thuyết của F. Dostoyevsky vừa ra mắt đã thu hút 31 triệu lượt khán giả, được tạp chí Màn ảnh Xô Viết bình chọn là phim hay nhất trong năm và được đưa vào Quỹ phim Quốc gia. Trong phim, Yakovlev sắm vai hoàng thân Myshkin, con trai cuối cùng trong một gia đình dòng dõi hoàng tộc đã bị phá sản, từng phải sang Thụy Sĩ trị bệnh tâm thần, nay phải chứng kiến nhiều chuyện khóc cười trong lòng một xã hội đang bước vào thời nhốn nháo. Là điển hình của thứ lòng tốt đơn thuần và cao thượng: không bận tâm đến thứ bậc, địa vị của con người trong xã hội, trong sáng, đơn độc, nghèo khó, khờ khạo, trung thực, hào phóng, độ lượng và dễ bị lợi dụng, Myshkin còn là người vụng về trong các mối quan hệ xã hội, thường xuyên đau đớn vì chứng động kinh nhưng vẫn ảo tưởng về sự lãng mạn của tình yêu và sự chân thành của tình huynh đệ, bằng hữu… Vai diễn Hoàng thân Myshkin trong Thằng ngốc còn để lại ấn tượng lâu dài và, như một lẽ tự nhiên, mang đến cho Yakovlev hai vai tương tự sau này: Ivan Hung đế thời xưa vừa nghiêm vừa hài và quản gia Punsha thời hiện tại, trong Ivan Vasilievich đổi nghề (1973, Leonid Gaidar chuyển thể kịch của M. Bulgakov). Hóa thân thật kỹ vào một nhân vật như thế, Yakovlev đã có một thời gian mắc bệnh trầm cảm, nên sợ hãi đến nỗi không dám nhận vai trong phần hai phim Thằng ngốc. Đạo diễn Pyriev cũng không tìm được diễn viên nào thay thế, thành thử bộ phim Thằng ngốc chỉ thực hiện được một nửa, nhưng con người lịch lãm trong nghề đạo diễn, lại là Chỉ đạo nghệ thuật của Mosfilm, đã có lời khuyên chí tình cho diễn viên trẻ. Yakovlev nghe theo, và có một cuộc hợp tác ăn ý, lâu dài với đạo diễn khi đó còn chưa nổi tiếng - Eldar Riazanov.
 

Yuri Yakovlev trong phim Thằng ngốc
 
Cùng Riazanov chọc cười thiên hạ
Mở đầu là vai Porazhaev, nhà khảo sát nhân chủng học trẻ tuổi và thẳng thắn trong bộ phim phiêu lưu hài hước Người đến từ chỗ không đâu (1961), nhưng đến vai hạ sĩ quan Rzhevsky trong Bài ca kỵ binh (1962, chuyển thể kịch Ngày xửa ngày xưa của Alexandr Gladkov, lấy bối cảnh chiến tranh năm 1812 - cuộc đối đầu giữa Kutuzov với Napoleon) thì Yakovlev chiếm được lòng tin của đạo diễn và khán giả. Đó là một bộ phim có cốt truyện đã rất quen thuộc trong dân gian, song nghệ sĩ vẫn biết cách thoát ly khuôn mẫu, tạo nên sinh sắc cho một nhân vật có cả tật xấu (thích uống cho đã, hay khoác lác và văng tục), cả những đức tính can đảm, khéo léo, ngay thẳng, biết giữ lời và trung thành với bổn phận, với bạn bè, được lưu truyền ngang với những chuyện ngụ ngôn về sư trưởng Chapaev. Dân Nga thích nhân vật được văn học và điện ảnh hư cấu này đến mức thành phố mang tên Rzhev phải quyết định dựng tượng đài Rzhevsky. Còn một nhân vật nữa, Yakovlev khiến khán giả không thể nào quên: vai Ippolit trong Số phận trớ trêu. Anh chàng hôn phu hí hửng đến nhà cô vợ sắp cưới để cùng đón giao thừa theo hẹn, nào ngờ đến nơi thấy trên giường đã có sẵn một người đàn ông khác, ở trần. Đương nhiên, chàng phải nổi cơn ghen ầm ĩ. Thậm chí thấy khách lạ khi rút lui còn hỏi người yêu… vay tiền để mua vé máy bay mà người yêu mình vẫn mở ví, nên tức lộn ruột bỏ về. Yakovlev công nhận vai diễn Ippolit là tâm đầu ý hợp với mình nhất.  
Nghệ sĩ còn vào các vai Stiva Oblonsky trong Anna Karenina (1967, Alexandr Zarkhi), bí thư huyện ủy Briukhanov trong Tình yêu trần thế (1974) và Số phận (1977, Evgheny Matviev chuyển thể tiểu thuyết Số phận của nhà văn Pyotr Proskurin), nghệ sĩ ma lanh Bi trong phim hài hước viễn tưởng Kin-dza-dza! (1986, Georgi Daneliya)…
Yakovlev là tạng diễn viên giàu nội lực, diễn đạt cảm xúc, nội tâm rất hài hòa, khi kịch tính được đẩy lên cao trào và đạo diễn có giải pháp đúng thì biết tạo nên một nhân vật có tính cách sắc nét. Cuộc sống riêng tư của nghệ sĩ cũng là một đề tài hấp dẫn với một hình tượng Yakovlev - Tình nhân danh bất hư truyền. Đang học phổ thông đã yêu “nghiêm chỉnh” một cô bạn mới mười sáu tuổi, rồi thôi. Đến nhà Nghệ sĩ ở Moskva, thấy cô sinh viên Y khoa Kira Machunskaya đi cùng hôn phu là một đạo diễn nổi tiếng ở Leningrad, anh chàng vẫn phát tín hiệu, khiến cô này nhanh chóng từ bỏ mối tình cũ kèm ý định chuyển về cố đô phương Bắc và tuyên bố đã yêu người khác, là diễn viên. Chẳng lâu sau, hai người cưới thật, dắt nhau về sống ở… đằng sau tủ đứng trong căn hộ nhà bố mẹ vợ, rồi năm 1961 cho ra đời con gái đầu lòng Alena (về sau là đào chính của nhà hát Châm biếm). Lúc này mới vỡ lở ra: Yakovlev lại sắp có con… ngoài giá thú. Người đang mang thai đó là nữ diễn viên Ekaterina Raikina - vợ cũ của diễn viên Mikhail Derzhavin, con gái của diễn viên hài lừng danh Arkadi Raikin - hai người vốn đóng cặp với nhau trên sân khấu. Biết tin ấy, Yakovlev ly dị luôn để kết hôn với cô đồng nghiệp, song cuộc hôn nhân này không tồn tại được bao lâu, chỉ tiện làm thủ tục khai sinh cho cậu con trai Alexei. Sau vài mối tình cuồng nhiệt nữa, Yakovlev mới tìm thấy hạnh phúc gia đình ở người vợ thứ ba - Irina Sergeieva, khi cưới đang là giám đốc bảo tàng thuộc nhà hát Vakhtangov, để đến năm 1969 cho ra đời con trai Anton, lớn lên trở thành một đạo diễn sân khấu uy tín ở Moskva và Petersburg. Năm 1997, Yuri Yakovlev công bố cuốn hồi ức Album thân phận tôi.
Theo Đăng Bẩy

No comments: