George STEINER nói:"Tác phẩm không cần ai bàn thêm" |
Năm nay 84 tuổi, George Steiner là một
văn gia-học giả tiếp nối truyền thống của những hommes de lettres từ thời Âu
châu Phục Hưng. Sinh ra và lớn lên tại Paris, ông học và lấy bằng Tú Tài Pháp
trước khi làm di dân Do Thái sang Mỹ, nơi ông được đào tạo tại hai đại học
Chicago và Harvard trước khi đi vào sự nghiệp giảng dạy và trước tác tại
Oxford, Princeton, Harvard, và viện đại học Genève ở Thụy Sĩ.
Luận án tiến sĩ về tiểu thuyết Nga so sánh Tolstoy hay Dostoievsky của George Steiner đã trở thành sách
bỏ túi quen thuộc trong giới sinh viên ngành Văn, cũng như chuyên khảo After Babel về dịch thuật của ông. Am tường ngôn
ngữ với văn học Pháp, Đức, Anh cùng văn hóa cổ
đại Hi-La, ông là một trong ít tiếng nói có uy tín quốc tế về số phận của các
môn học nhân văn trước sức áp đảo của thời đại văn minh kỹ thuật khi lá cờ khoa
học trở thành thống soái. Kinh nghiệm bản thân với chính sách tuyên truyền lừa
bịp thời Nazi- Hitler giúp ông rèn luyện một ý thức phê phán khắt
khe đối với các lạm dụng ngôn ngữ vì ngôn ngữ theo Steiner là “tinh hoa của
nhân tính” (quintessence of our humanity). Nhiều năm chung đụng với trường phái
phân tích triết học Anh (analytical philosophy) ở Oxford khiến ông cảnh giác
trước tính chất hạn hẹp khô khan của óc duy lý thực nghiệm, cần được bổ túc bằng
chủ nghĩa nhân đạo không tưởng và các
suy nghiệm siêu hình của văn minh Do Thái.
Cũng như Todorov vài năm vừa qua trong cuốn
La Littérature en Péril, hoặc Susan Sontag và
Hans M. Enzensberger trước đó đã báo động về sự vận dụng thái quá của lý luận
và các khái niệm trừu tượng (một phần vay mượn từ các khoa học chính xác) trong
nghiên cứu- phê bình văn học và mỹ thuật, George Steiner kêu gọi chúng ta - những
người yêu quí văn chương – chú tâm đến sự hiện diện của các tác phẩm, đọc thẳng
tác giả không qua sự trung gian lắm lời của lý luận.Có lẽ tập
hợp các bài giảng trong cuốn Real
Presences (University of Chicago,1989) là lời phản biện sâu sắc nhất của ông chống lại tật
đa ngôn của minh giải luận cộng thêm sự lạm phát của đủ thứ diễn ngôn cùng ký
hiệu, một dạng bệnh lý của ngã tính hiện
đại. Tóm
lại, George Steiner đề xướng một thứ thần học của văn chương, nâng tính nhân văn
của sáng tác phẩm lên mức siêu phàm và yêu cầu ở người đọc sự chiêm nghiệm tôn
nghiêm trước chân lý do ngôn từ truyền đạt.
CHÂN
PHƯƠNG giới thiệu và trích dịch.
TOẠ ĐÀM VỚI
GEORGE STEINER
Nicolas WEILL ghi chép trong mục Văn Hóa và Ý Tưởng (Culture&Idées)
trên nhật báo Le MONDE, ngày thứ Bảy (18-5-2013).
Ta đang chứng kiến sự lui bước của Âu châu như một ý niệm. Ông có thấy
lo âu trước sự thoái trào này?
Đương nhiên, nhưng sự bi quan ở tôi có chừng mực. Bởi lẽ Âu châu như ta
nhìn thấy vào năm 2013 này cũng là một phép lạ. Chúng ta ngồi bên nhau trò chuyện
giữa Cambridge,
sau khi hai trận thế chiến phá nát lục địa; rồi vụ diệt chủng Do Thái; bốn vạn
lính Anh quốc đã bỏ mạng vào buổi sáng đầu tiên trong trận Passchendaele năm
1917 ! (...) Ta có quyền nghĩ rằng Âu châu lúc đó đã tiêu vong. Các nền văn
minh lớn khác đã tắt lụn, và Paul Valéry từ năm 1919 đã tiên đoán ngày tàn của
văn minh chúng ta.
Dù sao thì cảnh quan sinh hoạt của trí tuệ phương Tây cũng đã chuyển biến rất
nhiều.
Chiếm ưu thế hiện nay là các ngành khoa học chứ chẳng phải những bộ môn
nhân văn. Khi đến Princeton (New
Jersey-USA), tôi cư ngụ trong “ngôi nhà”
của Einstein; sau đó ở Cambridge (Anh quốc) tôi đã chọn lối sống giữa các bậc vương
hầu của khoa học. Các ngành khoa học là mũi véc tơ lớn của tương lai. Cho dù ta
thấp kém trong lĩnh vực này, ta cũng như thể được hội nhập vào một ê kíp đang vươn
lên, như trên thang điện tự xoay.
Một trong các nỗi buồn to tát của tôi là
khoảng cách ngày càng lớn giữa sự hiểu biết về khoa học chính xác của kẻ
ngoại đạo với chính những người thật sự nắm được tri thức này. Như Galilée từng
khẳng định, không những thiên nhiên “ nói
bằng ngôn ngữ toán học” mà còn nói bằng toán học cao cấp,và thiên hạ không
còn khả năng với tới. Bản thân tôi, tôi chỉ có thể phóng dịch được những gì giới khoa học khảo sát bằng những ẩn dụ - chốn
trú náu cuối cùng của sự dốt nát. (…)
Có phải khoa học đã lấn lướt nhân tính, thắng luôn chủ nghĩa nhân đạo?
Có thể. Nhưng đồng thời Heidegger – tên khổng lồ hung tợn ấy – đã có lý
khi cho rằng các ngành khoa học rất mực tầm phào (extrêmement triviales). Khoa
học chỉ đưa ra những giải đáp. Nhận xét này tuyệt diệu, không tha thứ được và làm
rối trí một cách sâu xa, bởi vì nó chính xác khi cho rằng các bước tiến của
khoa học không thay đổi được thân phận rốt ráo của chúng ta, cho dù ngành y học
đã biến mối quan hệ giữa cái chết với chúng ta một cách triệt để. Hôm nay khi gần
đến phút cuối đời, tôi bám víu vào một câu nói đùa … quen thuộc trong các nhóm
người yiddish ở Brooklyn, New York:
“Có một đấng chúa trời hay không? – Có chứ, nhưng đấng ấy chưa hiện ra”. Mấy chữ “pas encore…” ấy trao cho tôi một sức mạnh nội tâm nào đó.
Trong quyển “Thi ca của Tư tưởng” (Gallimard,2011), ông đã cho thấy là
mọi lý thuyết, dù trừu tượng đến đâu, vẫn phụ thuộc vào nhạc điệu và tiết nhịp
của nó. Đây có phải là một cách thu hẹp vực sâu chia cách công việc lý thuyết của
nhà phê bình với một tác phẩm văn chương?
Trọn đời tôi vẫn cảm thấy có một vực sâu giữa người sáng tạo với người
diễn giải - dù là kẻ tài tình nhất. Lời bình phẩm dù xuất thần nhất cũng là thứ
ký sinh (parasitaire) so với điều bí ẩn của sáng tạo. Một bí ẩn chúng ta không
tài nào thấu hiểu, cho dù đã đặt mọi kỳ vọng vào các lý giải tâm lý học hay não
bộ học. Cái gì đã kích động cái nhíp cò của tuyệt đối (le déclic de l’absolu) ở
người nam và người nữ khiến họ sáng tạo nên những nhân vật sinh động hơn chính
chúng ta: Phèdre, Falstaff, Hamlet, Bérénice? Và bên cạnh các nhân vật ấy chúng
ta chỉ là những bản sao mờ nhạt? Cái gì đã lấy hư cấu làm đầy hiện thực? Cái gì
khiến những bức tranh phong cảnh của một đại họa gia trở nên thích mắt và thuyết
phục hơn nhiếp ảnh đối với người xem? (
dù tôi vẫn khâm phục môn nhiếp ảnh). Cái gì khiến cho Claude Lévi-Strauss có lý
khi ông nói: “Sự phát minh ra giai điệu,
bí ẩn tột cùng của các khoa học nhân văn” ? (…)
(còn tiếp một kỳ)
1 comment:
Gửi riêng bạn thơ Chân Phương
Thôngthường Người nghệ sĩ sáng tạo trên cái trí tuệ hiểu biết và cảm xúc sai lệch về bản chất tối hậu của thực tại.( đây cũng là thảm họa tử huyệt của nghệ thuật phưogTây hơn hai trăm năm nay) khi mà trí tuệ và cảm xúc khoa hoc thực nghiệm đã vươn tới những đỉnh cao gần như khôngtưởng mộtcách bế tắc ) đã thống trị sự hiểu biết và cảm xúc cảu loài người ( tất nhiên trong đó có người nghệ sĩ ) Tôi sẽ theo dõi bài viết này một cách nghiêm túc , thận trọng và khiêm nhường. Và tôi muốn bớt chút thời gian chia sẻ với anh ( nhà thơ Chân Phương )một cách riêng tư hoặc có thể công khai mộtphần nào. Và nếu có thể có một sự liên hệ ( đối thọa , trao đổi, chia sẻ ) với nhà văn GEORGE STEINER quanh quẩn nhứng suy nghĩ của ông mà tôi được lĩnh hội. Ô ! nhưng mà cái tiếng Pháp của tôi hạn chế quá.Cho nên tôi chỉ có thể dám bày tỏ bằng tiếng Việt thôi.
nhà văn Nguyên Đình Chính
Post a Comment