Monday, August 19, 2013

Cõi ồn rồi cõi lặng


 Trịnh Đình Khôi
 
 
 Từ trước tới nay trong Đảng chẳng có anh nào dám động đến Ủy viên Trung ương, chứ đừng nói đụng đến Ủy viên Bộ Chính trị, chỉ có tôi ngu dại dám mó dái ngựa mà lại là thủ trưởng trực tiếp, người quyết định số phận chính trị của mình. Một anh Đ trưởng Ban sắp lên Chủ tịch nước, một anh V phó Ban thường trực sắp vào Bộ Chính trị lên thay trưởng Ban, ai dám đụng đến. Hôm tôi đến nói chuyện với các cụ lão thành ở câu lạc bộ Thăng Long, có cụ bảo tôi: “Cậu to gan thật. Không khéo vào tù có phen”. Tôi cũng hơi hoảng. May thay những điều mình nói đều là sự thật, và động cơ tốt nên chỉ bị đá nhẹ.

Từ ngày về Ban Trung ương, tôi đã vinh dự được làm việc với hơn mười đời trưởng Ban. Bắt đầu là bác T.H, nhưng cũng chỉ sau này thôi, khi tôi về, bác mới là ủy viên Ban Bí thư. Sau mới dự khuyết, sau nữa mới ủy viên chính thức Bộ Chính trị và sang cơ quan khác. Chỉ có trường hợp sau đại hội IX, bác Đ không phải là ủy viên Bộ Chính trị phụ trách khối tư tưởng văn hóa như tiền lệ mà trực tiếp làm trưởng Ban. Có lẽ bác Đ vượt lên nhanh quá, người ta không thể xếp bác lên đầu mấy ông kì cựu. Trước đây chỉ có những Ban quan trọng như Ban tổ chức mới có ủy viên Bộ Chính trị làm trưởng Ban. Trong chính giới, chức tước của bác Đ to hơn sự cống hiến và uy tín nhiều quá. Mới đầu không chỉ tôi mà nhiều anh em văn nghệ mừng lắm. Trong Bộ Chính trị mười lăm người thì bác là nhà thơ, người hiểu văn hóa hơn cả, bác bảo văn hóa A là A, văn hóa B là B. Các đồng chí lãnh đạo, ai cũng mải chăm chú vào cái mình phụ trách. Hình như tôi đã nói riêng với bác Đ nhưng bác không để ý. Đến hôm mang danh sách những nhà lí luận phê bình ở các ngành văn học nghệ thuật sang làm việc hai buổi với Bác, tôi cũng nhắc lại ý ấy khi chuẩn bị cho Ban bí thư quyết định thành lập Hội đồng lí luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương.
Được làm việc, được gần gũi với bác nhà thơ mà lại làm to thế, mình lại là quân của bác, có ngu mới dám đụng chạm đến bác. Chỉ tìm cách nịnh thôi. Nịnh trực tiếp sợ lộ liễu dơ dáng thì nịnh khéo. Người ở xa, kẻ ở gần thi nhau nịnh bác. Thế mà tôi lại láo, láo khi nằm trong tay người ta. Lúc tôi gửi lá thư cho Trung ương, cho Bộ Chính trị cũng là lúc trong xã hội từ người dân đến các quan chức đang truyền tai nhau cái tin bác Đ sẽ lên làm Chủ tịch nước. Miền Trung có truyền thống giữ chức vụ này. Miền Bắc thường là Tổng bí thư. Miền Nam thường là Thủ tướng. Nghe người ta đồn đại cơ cấu thế có vẻ hợp lí và đã có tiền lệ với đất nước có hình chữ S. Hơn nữa các bác ở miền Trung đều đã cao tuổi. Bác Đ là người còn trẻ trong Bộ Chính trị. Đại Hội X đổi mới, cử người tài đức là chính. Người Việt Nam thì quê đâu cũng được, miễn không phải người nước ngoài. Chỉ đến đại hội mới thế còn trước đại hội thì lắm tin đồn. Tin nào cũng có chứng cứ thuyết phục. Còn có tin một đồng chí cố vấn vẫn yêu cầu theo công thức cũ. Người như thế mà dám động đến à? Có mà cho kẹo em cũng không dám. Không có lửa làm sao có khói? Có đấy, có một tí lửa thôi. Lửa ở trong lá thư. Trước khi tiến hành đại hội Đảng X gần nửa năm, tôi có gửi lá thư góp ý xây dựng Đảng gửi Bộ Chính trị và Trung ương, chủ yếu tôi góp ý về bộ máy Đảng. Ý kiến tôi hơi mạnh, phương án một tôi đề nghị giải tán tất cả các Ban của Đảng tập trung vào Văn phòng Trung ương. Phương án hai giải tán và nhập một số Ban lại, chỉ cần một số Ban xây dựng Đảng, sau khi đã ghi công trạng của các Ban trong suốt mấy chục năm hoạt động. Ý kiến của tôi tự nhiên cũng phù hợp với nguyện vọng của đại đa số Đảng viên các cấp ủy nên sau đại hội Đảng việc nhập lại và giải thể một số Ban đã diễn ra. Hôm kỷ niệm năm mươi năm thành lập Hội Nhà Văn, mấy ông nhà văn lão thành có sỏi trong đầu, bốn mươi năm tuổi Đảng, gặp tôi ở hội trường Ba Đình, bắt tay: “Chúc mừng cậu đã góp phần giải tán Ban cứ tưởng văn hóa Trung ương”. Chữ “cứ tưởng” tôi dùng đã lâu. Trong bức thư đó, tôi có liên hệ đến tính ít hiệu quả của Ban này và có đụng đến hai bác K.Đ trưởng Ban và H.V phó Ban thường trực. Lời lẽ góp ý thẳng thắn, chân tình tâm huyết của một Đảng viên đầy ý thức xây dựng Đảng và rất phù hợp với nguyện vọng của đại đa số đảng viên. Bộ máy Đảng phải tinh gọn chọn lọc. So với những ý kiến của người khác nói về xây dựng Đảng thì ý kiến của tôi quá nhẹ nhàng. Một nhà văn trưởng lão đọc xong lá thư giơ lên nói với anh em:
 - Đây là một áng văn chương chứ kiện cáo gì?
 Thế mà có ông bạn Trung ương ủy viên đi họp về gọi điện ngay cho tôi mời đến chơi để nói một chuyện cơ mật:
 - Tôi nói để ông tránh, nếu không người ta có quyền có chức mà lại sắp lên to hơn, đánh lại là ông chết.
 Ông bạn khuyên tôi rút lại lá thư xây dựng Đảng và dọa:
 - Ông cứ gửi thì chuẩn bị mà đỡ đòn. Người ta không thiếu gì cách đánh ông đâu? Lúc này phải cẩn thận”.
 Lời ông bạn sau đó đã được chứng minh. Người ta mượn gió bẻ măng, té nước theo mưa, dùng quyền lực những ngày cuối cùng, lợi dụng sự ngây thơ khờ dại của tôi để định biến con kiến thành con voi, nhưng ngàn năm xưa và có lẽ ngàn năm sau nữa, ma thuật thế nào thì kiến cũng không thành voi được. Họ xúi giục, khuyến khích những kẻ đã chịu ơn họ định bôi nhọ tôi. Tôi làm phúc phải tội nhưng hồn nhiên trong sáng nên không bị nhọ mà họ càng nhọ thêm vì ai cũng nhìn ra bàn tay vấy bẩn, âm mưu đen tối của họ. Sự việc được thanh tra và kết luận không có gì sai. Tôi hết sức cảm ơn ông bạn vì ông là người thứ hai khuyên tôi sau bác Đ, thủ trưởng của tôi. Tôi đã không ăn nhời cả hai ông, một là ủy viên Bộ Chính trị, một là ủy viên Trung ương. Không những thế, tôi còn gửi lá thư thứ hai góp ý kiến xây dựng Đảng sau Đại hội kết thúc. Bức thư này còn quyết liệt hơn. Tôi vẫn kiên trì đề nghị giải tán một số Ban của Đảng và chứng minh trong giai đoạn cách mạng mới, hoạt động của nó không hữu hiệu, không cần thiết; nếu không muốn nói là nó đã hoàn thành vai trò lịch sử của mình.
Tôi xin quay lại cuộc gặp gỡ hai lần với bác Đ. Sau khi tôi gửi lá thư góp ý kiến xây dựng Đảng trong đó có xây dựng cho bác. Tôi sang phòng bác nhưng bác đang họp. Tôi gửi đồng chí thư kí. Ngoài bì thư tôi ghi tên và “Gửi ông N.K.Đ, đề nghị ông đọc và cho ý kiến trước khi tôi hoàn chỉnh gửi Bộ Chính trị”. Tôi gửi lúc hai giờ thì khoảng năm giờ có điện của bác mời tôi sang phòng làm việc. Tôi khất sáng hôm sau sẽ gặp, bây giờ tôi phải đi có việc. Sáng hôm sau đúng hẹn, tôi sang nhưng ngoài bác còn có đồng chí phó Ban kiêm Bí thư Đảng bộ và đồng chí Vụ trưởng Bí thư chi bộ. Mỗi người ngồi yên vị rồi, bác Đ nói lí do mời hai vị cùng có mặt. Tôi không đồng ý vì bác mời tôi sang làm việc với bác kia mà. Bác giải thích một hồi, tôi cũng không nghe. Cuối cùng, tôi đồng ý để đồng chí phó Ban ở lại cùng làm việc với bác; còn Vụ trưởng, Bí thư chi bộ phải ra. Tôi nghĩ đồng chí phó Ban lại là Bí thư Đảng bộ chứng kiến cuộc đối thoại cũng được. Hơn nữa anh cũng là người trung thực, không nhiều tính toán, không lá mặt lá trái. Nội dung cuộc đối thoại hôm ấy cũng ngắn gọn thôi. Bác Đ khuyên tôi không nên gửi lá thư ấy lên trên vì tôi là người ở trong Ban, nói ra bất lợi. Bác bảo tôi có ý kiến gì thì nói ở trong Ban và tỏ ra thông cảm với tôi, vì đã công tác ở Ban lâu năm, có nhiều thành tích lại là thương binh và hứa sẽ bàn với Ban tổ chức Trung ương nơi quản lý tôi có chế độ chính sách hợp lí. Trước mắt, bác sẽ đề nghị với Ban Bí thư bổ sung tôi vào Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương. Trước đó mấy năm đã đưa tôi vào Ban thư kí của Hội đồng nhưng tôi không nhận quyết định và trả lại phụ cấp. Bác Đ bảo: “Anh đã có mấy cuốn sách về lý luận văn nghệ, tham gia Hội đồng là hợp lí”. Việc này bác Đ hứa và thực hiện ngay. Sau đó ít ngày tôi nhận được văn bản gửi Ban bí thư bổ sung tôi vào Hội đồng lý luận phê bình văn học Trung ương. Tôi vẫn giữ văn bản làm kỷ niệm. Việc thứ hai bác sẽ nghiên cứu và ra tờ Tạp chí Lí luận văn học nghệ thuật Trung ương và bố trí tôi phụ trách. Anh phó Ban Bí thư Đảng ủy cũng hứa hẹn, ý anh muốn bổ nhiệm tôi phụ trách một Vụ trong Ban. Hôm đó hai anh đều nói thật và hình như các anh đã giật mình. Không suy nghĩ gì nhiều tôi trả lời ngay: “Thưa hai anh, tôi viết thư này với tinh thần góp ý xây dựng Đảng. Tôi muốn các Ban hữu ích cho việc xây dựng Đảng. Ba mươi năm ở đây, tôi không thấy nó có tác dụng bao nhiêu mà nhân dân cứ phải đóng góp nuôi nấng nó một cách tử tế. Còn tôi, tôi muốn xin về hưu sớm và có thế xin nghỉ sinh hoạt Đảng”. Sợ mình sống không có ích, cuối đời tôi muốn viết được một cái gì. Tất nhiên viết cũng không dễ. Về là hưu luôn. Tôi cười và nói giọng đùa cợt. “Có phải tôi viết cái thư này để xin mề đay đâu. Hai bác chắc nhớ bài thơ tự trào của cụ Tú Mỡ”, tôi đọc luôn bốn câu thơ:
“Ở sở phi năng có một thầy
Già đời chưa được cái mề đay
Nay cái mề đay thầy đã được
Cái giọng chua cay hết sạch rồi”.
Bác Đ không cười còn tôi lại cười. Câu chuyện kết thúc bằng những lời hứa hẹn, còn tôi không dám nhận. Hai bác bảo tôi cứ về suy nghĩ kỹ đi. Chúng tôi chia tay vui vẻ. Sau đó, bác Đ đi Thừa Thiên Huế, hình như để gặp cử tri. Mọi việc giao cho Bí thư Đảng ủy làm việc với tôi. Anh Bí thư Đảng ủy gặp tôi mấy lần vẫn khuyên tôi đừng gửi lá thư đi trước hội nghị Trung ương XIII (khóa IX). Hội nghị quyết định nhân sự. Anh nói sẽ không chờ tờ Tạp chí ra đời, có thể lãnh đạo sẽ quyết định tôi sang phụ trách Văn hóa vì ở đó đang khuyết Vụ trưởng. Anh nói tôi làm việc ở đó là đúng nhất vì tôi đã thâm niên ở văn hóa văn nghệ, hiểu biết công việc và chắc là sẽ tốt. Tôi cám ơn sự quan tâm của anh. “Công danh ai rẽ lối nào cho qua” mà xã hội ta một chức quèn cũng dễ kiếm ăn. Có phải làm gì vất vả đâu? Nhận nhiệm vụ để lĩnh lương, lĩnh phụ cấp trách nhiệm, ngồi chơi xơi nước và đi họp lãnh phong bì thì anh nào chả làm được. Mình làm thừa sức, vừa có lợi cho Ban, cho bác Đ, bác V mà cũng có lợi cho bản thân. Tôi hơi đắn đo, nhưng không được, danh dự một con người cao hơn. Mới mở mồm nói tí sự thật, vừa được miếng mồi danh vọng nhử nhử đã ngậm miệng. Tôi giữ nguyên quyết tâm. Khoảng một tuần sau, bác Đ đi công tác về gọi điện cho tôi sang ngay. Vào phòng, vừa ngồi xuống ghế, bác hỏi ngay:
 - Anh đã suy nghĩ kỹ chưa?
 - Tôi đã nghĩ rồi anh ạ! Tôi không thay đổi ý định, nhưng nể anh và đồng chí Bí thư Đảng ủy nên tôi sẽ gửi thư đi sau hội nghị Trung ương XIII.
Bác Đ không vui lắm nhưng cũng có vẻ bằng lòng. Sau đó hai anh em nói nhiều chuyện khác. Nhân nói chuyện về chọn những người biết tham mưu và làm sang cho sếp, tôi nhắc lại chuyện trao giải thưởng của Hội Nhà văn. Tôi không biết nịnh cấp trên như những anh khác, nhưng tôi đã làm nhiều việc để bảo vệ uy tín của Ban và lãnh đạo. Tôi nghĩ đến việc anh Vương Trí Nhàn gián tiếp cảm ơn anh Đ hôm nhận giải thưởng lý luận phê bình cho cuốn “Những kiếp hoa dại”. Thế là hoa dại Vương Trí Nhàn vào giải. Anh Nhàn biết tôi to mồm nhất trong số Hội đồng sơ khảo hôm xét cuốn của anh và còn có ý kiến với Ban Chấp hành về cống hiến lý luận của anh. Ít ra anh Nhàn cũng một lần được giải. Một lần Ban Chấp hành ghi công cho cuộc đời làm lý luận phê bình đầy sóng gió và thường bị đánh giá không đúng. Anh Nhàn cứ nghĩ tôi làm việc đó theo ý ông bạn cùng lớp học Đại học Sư phạm ngày xưa. Ông bạn cũ còn ngó mắt đến mình. Bác Đ im lặng, tính bác vẫn thế, im lặng cả những khi cần nói. Làm việc với bác bao nhiêu năm, tôi chỉ thấy bác nói nhiều ở những hội nghị giao ban báo chí, lúc thể hiện vai trò của Tổng biên tập hơn sáu trăm tờ báo và tạp chí, họp hành trong nội bộ, với các cấp dưới. Lúc đánh giá “Những kiếp hoa dại” trước hết vì bản thân cuốn sách, tôi còn nghĩ đến sự công bằng. Anh Nhàn học cùng một khóa Đại học Sư phạm với nhà văn Tô Hoàng, nhà văn Nghiêm Đa Văn, nhà thơ Phạm Tiến Duật, đạo diễn điện ảnh Lâm Quang Ngọc, nhà văn Tô Nhuận Vỹ và cả với bác N.K.Đ. Bây giờ bác Đ trèo cao chút vút, còn anh Nhàn chỉ là biên tập viên bình thường, không có lấy chút trưởng phó. Vương Trí Nhàn không nghĩ nhiều nhưng người quản lý anh, các cơ quan cấp trên phải quan tâm. Tôi nghĩ, mình phải làm được việc gì đó có ích với cái cương vị đang có của mình. Không thể nhắm mắt thờ ơ, thậm chí vô tình trước những điều quá phi lý bất công. Ở đời, người ta mất cái nọ thì phải cho người ta cái kia mới là công lý. Phải “chiến đấu” cho anh Nhàn được cái giải thưởng trước khi về hưu. Tôi đinh ninh trong dạ. Có ông ủy viên Hội đồng chung khảo chê “Những kiếp hoa dại”. Tôi tranh luận: “Nó chưa thật hay nhưng phải nhìn mặt bằng văn chương. Toàn trung trung bình bình mà không có đỉnh. Giải thưởng một năm kiếm đâu ra đỉnh, với lại phải chú ý đến một số nhà văn có quá trình cống hiến, phải nhìn cả đời văn, hoặc có lúc họ thật hay mà ta bỏ qua. Anh Nhàn cũng thế”. Đến lúc bỏ phiếu, ông ủy viên Hội đồng chung khảo ghé phiếu cho tôi nhìn tận nơi ý bảo, tôi nghe anh. Với tư cách thành viên trong Hội đồng lý luận của Hội Nhà văn, tôi đã làm như thế không phải một vài lần. Người ta phù thịnh, tôi lại phù suy, có vẻ là dại. Nhưng lòng mình thế, tâm mình thế biết làm sao? Người cầm bút xưa nay thường thế.
Bác Đ thì tôi biết rồi, từ khi còn ở trong Huế cho đến khi ra Bộ Văn hóa rồi lại kiêm Tổng thư ký Hội Nhà văn một khóa. Tôi thấy bác cũng làm được nhiều việc và cũng có chính kiến, nhưng cũng có những việc không chuẩn. Cùng một thời gian, bác vừa làm cái việc tôi phục, lại vừa làm cái việc tôi không phục. Hôm ấy, hội ý Ban Chấp hành Hội Nhà văn xong, bác bảo tôi ở lại hỏi:
 - Này, sao trên Ban đề bạt cán bộ vội vàng thế? Có cân nhắc kỹ không? Bộ tôi vừa tổng kết thấy giới thiệu ông X là Vụ trưởng thay mặt Ban dự với Bộ, tôi lạ quá. Anh em xì xào. Ông ấy trước ở dưới cơ sở thuộc Bộ, trình độ yếu lắm. Nhiều anh em hỏi, tôi không biết trả lời thế nào?”. Sau này về Ban, những con người như thế bác vẫn đề bạt, không biết bác có bị ông anh đổi ngôi cấp trên xuống làm cấp dưới thúc ép không.
Đây là lần đầu tiên hai anh em tôi chạm nhau và cũng có thể bác đã cố chấp, định kiến với tôi từ ngày đó cho đến khi về làm trưởng Ban. Cuộc đụng độ xuất phát từ học thuật ấy diễn ra khi anh Đ còn là Thứ trưởng Bộ Văn hóa phụ trách mảng báo chí xuất bản. Cũng vì tôi muốn gọi đúng tên sự vật sự việc, thực hiện công bằng đối với một nhà văn lâu nay bị thành kiến. Lúc đó, tôi chưa biết nhà văn Vũ Bằng là người thế nào, nhưng tôi thấy tác phẩm của ông hay quá. Hồn Việt trong những trang sách làm ta bâng khuâng. Ông yêu nước theo cách của ông. Sau này mới biết ông còn hoạt động cách mạng, làm tình báo cho ta. Ông ở lại vùng địch, vào Nam theo địch đều có cớ chính đáng. Khi tôi đọc “Thương nhớ mười hai”, “Miếng ngon Hà Nội”, “Bốn mươi năm nói láo” và một số cuốn sách của ông, tôi nghĩ không ai có thể cho ông là người xấu. Bị người ta tuyên truyền, lại tin vào truyện ngắn “Đôi mắt” của Nam Cao nên không ai dám nghĩ khác. Người ta bảo vợ chồng nhân vật Hoàng là ông bà Vũ Bằng. Và đôi mắt ấy là đôi mắt của ông. Nhưng bằng trực cảm tôi vẫn nghĩ ông là người tốt, là một nhà văn có tài, giàu tinh thần nhân văn và dân tộc. Sau này, thực tế và lịch sử đã chứng minh ông là người tốt. Tôi thương ông mà trách mấy ông nhân danh bạn bè hoặc là bạn bè thật đã không đưa được con người yêu Hà Nội đến quặn thắt, đến đau đớn về thăm Hà Nội gặp gỡ văn giới dù chỉ một lần. Sau giải phóng, từ 1975 đến 1984, mười năm trời còn lại của cuộc đời, ông không được nhìn lại cố hương tinh thần. Trong một bài kí ca ngợi đường sắt Bắc Nam khá dài của tôi, tôi có nhắc đến ông Vũ Bằng đã mơ ước đến đường sắt xuyên Việt đưa ông về xứ Bắc, về Hà Nội, đưa ông về hưởng những món ngon Hà Nội ngay trên đất Hà thành chứ không phải miếng ngon Hà Nội trên đất khách hoặc miếng ngon làm nhái Hà Nội. Nhưng ông đã không về, mãi mãi không về. Buồn quá! Thế mà bây giờ vài ông bà nghị sĩ nhà quê chưa đọc đã phán xét “Bốn mươi năm nói láo”. Số là Nhà xuất bản Văn hóa của nhà thơ Quang Huy đã mang “Bốn mươi năm nói láo” lên phục vụ cuộc họp Quốc hội. Không may cái nội dung mà tôi đánh giá nó “đề cao, thậm chí say mê sứ mệnh cao cả của người cầm bút, đặc biệt là nghề “nói láo” “làm báo”. “Những trang viết chân thực tâm huyết phản ánh tình hình thực tiễn xã hội trong một giai đoạn biến động nhất của lịch sử nước nhà trong nửa thế kỷ qua” ấy lại khoác cái bìa đỏ chữ vàng, khiến người chưa đọc đã liên hệ suy diễn. Thế là sóng gió nổi lên ở hành lang, ở trong Hội trường Quốc Hội. Ông nhạc sĩ Bộ trưởng cuống lên, gọi điện quặc ông nhà thơ Thứ trưởng. Không khí như sắp có bão vì cuốn sách và cả nhân thân Vũ Bằng. Tác giả, lại một lần nữa lại bị xem là: nhà văn có vấn đề.
Tin Quốc hội về đến Ban, lãnh đạo điện cho tôi và yêu cầu có báo cáo nhanh. Tôi đọc lại tác phẩm và viết báo cáo cho kịp thời. Qua nội dung cuốn sách và cả sự cảm tình với những gì ông đã viết trong cuốn sách, cộng với tâm trạng phù suy đối với một tác giả tên tuổi đang bị hiểu lầm, xếp không đúng chỗ trong lịch sử văn học; bản báo cáo tôi viết gửi cho cả Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin. Giám đốc Nhà xuất bản Quang Huy, người già đời trong công tác xuất bản, đã có lúc người ta định cất nhắc anh lên làm Cục trưởng Cục xuất bản. Anh thông thoáng một cách khôn ngoan. Quang Huy vội vã gửi báo cáo của chuyên viên Văn học Ban Tư tưởng văn hóaTtrung ương lên Bộ góp phần làm thầy cãi cho khuyết điểm in Vũ Bằng. Sau đó, anh gọi điện cho tôi bàn cách xử lí với tư cách thằng anh nhờ thằng em tham mưu. Trước tiên anh cám ơn tôi vì đã có cách đánh giá đúng mực về cuốn sách. Tôi góp ý cuốn sách chỉ cần thu về bóc cái bìa đi thay bằng bìa khác. Tôi đùa anh Huy: “Bác khôn ngoan tinh quái có sạn trong đầu mà lại duyệt cái bìa như thế. Màu đỏ màu vàng mà lại đi với chữ “láo” thì ăn đòn là phải, còn nội dung cuốn sách theo tôi là tốt, có thể phổ biến rộng rãi”.
Ngày 27 tháng 12 năm 1993, tôi nhận được một bức thư hỏa tốc đóng dấu đỏ của thứ trưởng N.K.Đ gửi cho tôi. Ý bác cuốn sách “chưa thể ra được”. Ở ta “chưa thể ra được” tức là chìm luôn, chẳng bao giờ ra nữa. Tôi xin phô tô báo cáo của tôi, bức thư và cả bì thư của bác Đ để bạn đọc đọc cho vui. Không bình luận. Tôi và một số anh em biết chuyện này, kể cả anh Quang Huy, người cũng quý bác Đ đều lắc đầu. Dấu hiệu văn nghệ không hi vọng, mất nhờ ông to này manh nha từ đó. Gặp bác Đ ở hội nghị tổng kết Bộ Văn hóa thông tin, tôi vẫn giữ quan điểm của tôi. Bác ấy sắp lên Bộ trưởng nên phải thế chăng? Cụ Vũ Bằng và tác phẩm của cụ không phải là cái cớ để người ta cản chân bác. Tốt nhất là co cẳng đạp ông già sang vệ đường. Thế là xong. Sự khác nhau cơ bản giữa tôi và bác Đ là giữa nói và làm. Tôi ngâm mấy câu thơ của anh Phùng Quán: “Yêu ai cứ bảo là yêu/ Ghét ai cứ bảo là ghét” từ hồi còn đi học nên vui buồn yêu ghét là nói thật. Còn bác Đ hơi khó hiểu, khó thấy. Nhiều người đã bị nhầm. Bảo thủ hay cách tân? Hay nói cách tân làm bảo thủ. Nói nhẹ nhàng mà làm dữ dội. Nói một đằng làm một nẻo. Đây là biểu hiện đầu tiên. Cũng như sau này, hôm vào đại học Sư phạm, bác khen nhà thơ Trần Mạnh Hảo và kết luận: “Tôi thấy anh Hảo nói đúng cả”. Sau đó các giáo sư phản ứng, bác lại thay giọng và có vẻ nghiêm khắc với Hảo. Cũng như tôi khi chưa có lá thư gửi Trung ương, gửi Bộ Chính trị; bác nhìn tôi khác. Cũng may tôi sống trung thực, chuyên môn anh em đánh giá loại giỏi. Anh Từ Sơn, con nhà văn Hoài Thanh là người đứng đắn, dù bực thằng em lắm khi kiêu căng nhưng tổng kết năm nào cũng nhận xét rất tốt về tôi. Anh đánh giá cao cái điểm báo của tôi và bảo: “Các cụ khen lắm”. Nhiều năm nay, tôi thay mặt Vụ điểm báo báo chí văn nghệ và trang văn nghệ cho Trung ương, các báo cho Bộ Chính trị đọc. Cụ Đào Duy Tùng, Bí thư thường trực Bộ Chính trị rất khen và còn đề nghị văn phòng Ban phụ cấp hàng tháng một trăm đồng. Một trăm đồng lúc ấy còn to, tôi ủng hộ công đoàn ba chục, lĩnh bảy chục. Anh Từ Sơn quay sang nói nhỏ:
 - Cậu là cánh tay phải của tớ.
 Tôi cười trả lời:
 - Bác thuận tay trái cơ mà. Hôm nay vô tình em ngồi bên phải nên bác cứ tưởng thế.
Đọc lá thư tôi gửi Bộ Chính trị, mấy lần gặp tôi, bác Đ có một thoáng ân hận, ân hận chứ không phải hối hận. Bác đã đánh giá nhầm. Tôi có cái “oai” của tôi, không phải mượn oai của Ban mới làm được việc, tôi không mượn oai của Ban như nhiều người khác. Những người gần gũi đi lại với tôi, tâm giao chứ không phải xã giao, phần nhiều là những tên tuổi, họ vì nể mà không biết sợ hãi bóng vía đâu. Các anh nhà văn Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Nguyễn Quang Thân, rồi nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phạm Tiến Duật, nhà văn Đỗ Chu và một số anh em khác đã không dưới một hai lần nói với tôi trước mặt mọi người: “Ở trên Ban mà hiểu anh em, gần gũi anh em được như cậu là tốt đấy”. Họ còn nói hơn thế nhưng tôi không dám ghi lại. Tôi cũng chỉ muốn là anh em, để hiểu anh em. Tôi biết cái giới này “mục hạ vô nhân” đến các anh to đùng họ còn chẳng sợ nữa cái thứ mình. Họ yêu tôi, thân tôi không hẳn vì yêu Ban, thân Ban. Có khi ngược lại. Họ ngại nhiều hơn, có người sợ nữa mà làm người ta sợ, người ta ngại thì còn ra cái gì, kể cả mấy ông to. Dù sao tôi cũng được anh em trong giới nghĩ: “Thằng này ở trên Ban nhưng chơi được”- lời của một nhà văn đàn anh trong giới nổi tiếng khó tính đánh giá.
Tôi cũng mừng cho bác Đ, bác đã về đúng chỗ của mình. Để không mất cái tên, về vườn và làm thơ, thế là tốt. “Danh lợi bất như nhàn”, đó là sự cao khiết của các bậc tiền nhân. Hóa ra văn hóa vốn công bằng, vị trí trong chính trị thay đổi là hết. Người ta không còn nhớ đến cả cái tên, nhưng nhà thơ thì người ta vẫn còn nhớ ít nhiều. Những bài thơ gần đây khi đã là “dân thường”, bác chân thực hơn, nói thực lòng mình hơn và có lẽ dân dã, ít đại ngôn. Thu hẹp dần khoảng cách giữa hai cách nghĩ lãnh đạo và dân thường, bác động đến cả việc nhân dân vẫn nghĩ, vẫn làm mà các quan khi mất chức mới nghĩ mới làm. Cán bộ thường xa cách nghĩ cách làm của dân. Bác trở về đời thường có vẻ chật vật trăn trở, coi cái đó làm mới cuộc đời mình. Có gì mới đâu? Bây giờ bác mới thấy đời mình “là một trong mọi người”, sau khi đã đứng trên mọi người mà không để ý đến số phận người khác. Mừng là bác đã đi vào “cõi lặng” không ồn ào như đã ồn ào, gần nhân thế hơn, tri và ngộ kiếp người hơn. Có vẻ như bác sám hối cái con đường mà mình đã lao vào sầm sập. Nhà thơ đã lật giở và xem xét lại chính mình. Làm cái điều thành thật ấy không dễ, không phải cứ muốn là được, nhất là trong thơ ca nghệ thuật. Đọc thơ bác gần đây tưởng như thấy một N.K.Đ khác. Có vẻ cô đơn, có vẻ nghĩ ngợi, nhưng người đọc vẫn thấy có cái gì không tự nhiên, có chút cố tình. Nỗi đau trong thơ bác là nỗi đau cá nhân hơn là nỗi buồn nhân thế. Nỗi đau và sự cô đơn nghệ sĩ không chỉ bằng thời gian rời khỏi chính trường mà có, mặc dù thơ bác có buồn hơn, có lặng hơn. Dù thế vẫn không buồn, không cô đơn hơn bài thơ cũ đã được phổ nhạc rất hay. Bác có thể ngồi một mình lặng ngắm dòng Hương, có thể đạp xe một mình trên phố vắng, có thể ăn ngủ với bụi đường, ngồi quán cóc, dù thế vẫn là một ông quan “vi hành” chưa phải của một ông dân. Bác có thể tưởng tượng ra “bao giọt mồ hôi rơi trên mặt ruộng” bằng sự thương cảm từ trên nhìn xuống. Cuộc đổi mới tâm hồn đâu dễ như cuộc đổi mới chính sách. Người trong “cõi lặng” lại nói hơi nhiều.  Chỉ thật sự tỉnh táo mới dám nhìn lại mình. Cái còn lại trong bác, cuối cùng vẫn là một chút thơ. Thế cũng là quý rồi.
Bây giờ, mỗi buổi sáng đi tập thể dục ngoài lăng Bác, tôi vẫn qua cửa trụ sở cơ quan và ngước lên phòng bác. Tôi buồn buồn nghĩ đến bác. Cái ghế bác ngồi đã có người thay thế, mà tôi cứ nghĩ bác vẫn còn quang quẩn đâu đây. Có lẽ bác chẳng nhớ tới ai ở cái Ban bác làm việc, rất ít tri âm, tâm giao, nhan nhản xã giao, xu nịnh. Tôi, trong bộ nhớ của Bác theo cách khác. Đúng như bác nói “Nhiều khi đá dạy ta mềm mỏng”. Và tôi vẫn hoài niệm. Hoài niệm về một thời, hoài niệm về một gương mặt.

No comments: