Wednesday, August 28, 2013

Thanh Thảo


Thanh Thảo 


Vũ Trọng Phụng nhìn thấy trước

Vũ Trọng Phụng viết phóng sự Kỹ nghệ lấy Tây năm 1934. Ngót 70 năm sau khi tác phẩm này ra đời, vấn đề mà ông nêu ra vẫn còn mang tính thời sự.


Nói như Suzane, một nữ nhân vật trong kỹ nghệ độc đáo này, thì "những người Tây ấy... nuôi đầy tớ sợ nó ăn cắp, thà lấy một người vợ, vừa được sai bảo vừa được... việc khác nữa. Đã không cùng nói một thứ tiếng, người vợ lại chỉ coi ông chồng là cái tủ bạc thì người chồng dễ mỗi lúc đã đem tấm ái tình ra tặng vợ hay sao". Vậy là đã rõ. Đây chỉ là một dạng hợp đồng của kinh tế thị trường. Mà bây giờ ta đang kinh tế thị trường, nên đọc cái phóng sự này vẫn thấy như mới. Thử hỏi, có cái phóng sự nào, có nhà văn viết phóng sự nào mà 70 năm sau đọc vẫn "vào", vẫn mang tính thời sự như phóng sự Vũ Trọng Phụng?

Nhà văn không chỉ phản ánh mà còn phải nhìn thấy trước. Tác phẩm và nhân vật của họ không chỉ là tấm gương cố định hay "tấm gương kéo trên đường" mà còn phải là tấm gương có khả năng tái sinh qua thời gian. Dự cảm về bản chất nhân vật, bản chất hiện tượng của nhà văn đã khiến tác phẩm như tự tái sinh trong mắt người đọc nhiều thế hệ, và những vấn nạn mà tác phẩm đặt ra, những tính cách mà nhân vật thể hiện vẫn còn là những vấn nạn của hiện tại, những tính cách có sức cuốn hút trong hiện tại.

Sức sống bền lâu

Vũ Trọng Phụng chỉ sáng tác trong khoảng 10 năm, nhưng hàng loạt nhân vật trong nhiều tác phẩm của ông đã có sức sống tới bây giờ. Chúng như những gien mạnh, những gien trội, dù cơ thể xã hội có nhiều thay đổi nhưng chúng vẫn tìm đúng được môi trường để "nhân rộng điển hình". Đó là thành công rất lớn của Vũ Trọng Phụng.

Nhưng cơ sở nào để nhà văn xây dựng được nhân vật, lại là những nhân vật "sống lâu", mang tính tiên báo? Trước hết, có thể nói Vũ Trọng Phụng là nhà văn có được một hệ thống ngôn ngữ mới mẻ vào loại bậc nhất so với những nhà văn cùng thời ông. Nhân vật của ông, tùy từng kiểu người, đều có cách nói riêng rất tự do, rất "đời", rất "bụi". Và cũng không giống lắm với tác phẩm của một số nhà văn hiện thực bấy giờ, Vũ Trọng Phụng đứng riêng, bởi ông không phải nhà văn lãng mạn đã đành, ông cũng không phải nhà văn phản ánh hiện thực một cách "thật thà". Cái hiện thực trong tác phẩm Vũ Trọng Phụng bao giờ cũng là cái hiện thực được làm quá lên, được cường điệu theo một ý đồ nghệ thuật riêng.

Do nghề làm báo, ông có dịp tiếp xúc với nhiều loại người, và có thể nói, loại người cơ hội, đạo đức giả khiến ông căm phẫn nhất. Ông quyết đưa chúng vào tác phẩm của mình dưới cái dạng đúng như thực của chúng, chứ không phải như cái dạng giả mà chúng trình bày trước cuộc đời. Ấy nhiều khi siêu thực lại thực hơn cả hiện thực, là vì vậy. Nó lột được bản chất của hiện thực, nó tái tạo con người (chủ yếu là phần bên trong) như con người nó thế, và sẽ như thế.

Phép ngoa dụ (hyperbole) trong tác phẩm Vũ Trọng Phụng lại hàm chứa phép ẩn dụ (metaphor), và con đường thăng tiến cực kỳ vô lý của anh Xuân Tóc Đỏ trong Số đỏ chẳng hạn lại được bảo đảm bằng một phép biện chứng cứng rắn (a hard dialectique). Thật không dễ gì vô hiệu hóa được những Xuân Tóc Đỏ trong cuộc đời. Vũ Trọng Phụng đã sờ tới được cái dây sắt, cái xương sống bằng inox của phép biện chứng này. Ông không bi quan, không bị tư tưởng định mệnh chi phối khi sáng tác như có nhà phê bình từng nhận định. Đơn giản là ông đã thấy trước, đã báo trước, và đã chịu đựng trước cái tiếng kèn thuốc lậu "mới tinh và sạch bóng như cái kèn mặt trời" trong thơ Apollinaire, tiếng kèn ấy do những Xuân Tóc Đỏ thổi lên trên những "con phố mà anh đã quên mất tên". Phải sống hằng ngày với những nhân vật như thế, thì họa có robot mới không bi quan theo một nghĩa thông thường. Nhưng là nhà văn thì sự bi quan hay lạc quan trong tác phẩm của họ phải được hiểu một cách khác, cao hơn, rộng hơn, và cũng cụ thể hơn.

Vũ Trọng Phụng (1912 -1939) nhà văn, nhà báo nổi tiếng của Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. Tuy thời gian cầm bút rất ngắn ngủi nhưng ông đã để lại một kho tác phẩm đồ sộ: hơn 30 truyện ngắn, 9 tập tiểu thuyết, 9 tập phóng sự, 7 vở kịch cùng hàng trăm bài báo... Trong đó có những tác phẩm đáng chú ý như các phóng sự: Cạm bẫy người (1933); Kỹ nghệ lấy Tây (1934);  Cơm thầy cơm cô (1936); Lục xì (1937). Tiểu thuyết: Giông tố (1936), khi đăng trên Hà Nội báo có tên Thị Mịch; Vỡ đê (1936); Số đỏ (1936); Làm đĩ (1936); Lấy nhau vì tình (1937)...

Thanh Thảo

02.05.2013

Những không gian xúc cảm của tiểu thuyết

Nhà tiểu thuyết danh tiếng người gốc Séc, Milan Kundera có nói một câu rất đáng để nghiền ngẫm: "Cấu tạo một cuốn tiểu thuyết là đặt cạnh nhau những không gian xúc cảm khác nhau, và theo tôi, đấy là nghệ thuật tinh vi nhất của một nhà tiểu thuyết" (M.Kundera – Nghệ thuật tiểu thuyết – bản dịch của Nguyên Ngọc – NXB Đà Nẵng). Dĩ nhiên, lý thuyết, dù hay cách mấy, vẫn là lý thuyết. Không một nhà viết tiểu thuyết nào sau khi đã nghiền ngẫm tất cả những lý thuyết hay ho về tiểu thuyết, lại có thể lập tức viết được những cuốn tiểu thuyết hay ho như… lý thuyết. Nhưng có lẽ, một người sáng tạo bao giờ cũng có cái giật mình khi soi chiếu một lý thuyết làm mình bừng ngộ với những sáng tạo phẩm của mình. Tôi nghĩ, Nguyễn Đình Chính sau khi đã in Đêm Thánh Nhân (phần I), có thể suy nghĩ về luận thuyết này của Kundera.

       Đêm Thánh Nhân, theo tác giả cho biết là văn xuôi dài kể chuyện một ông bác sĩ già trông coi nhà xác, cuối đời bị mắc bệnh tâm thần phân lập thể nhẹ, ông bỏ đi lang thang và gặp rất nhiều người trên lộ trình vô định của mình. Và tác giả tự bạch: Tôi viết tập sách này hình như là theo thể loại du hý chương hồi cũ rích, tất cả những nhân vật trong truyện đều là những người dân bình thường có cuộc đời vất vả éo le, đầy những lầm lỗi ăn năn. Họ ở những bậc thang thấp nhất của xã hội…" (trích Lời tựa). Khoan hãy nói những nhân vật trong truyện thuộc hạng người nào, quý tộc hay bình dân, trên tầng hay dưới đáy, ta hãy quan tâm đến nhân vật chính, ông bác sĩ Trương Vĩnh Cần. Ông này, vốn là một người bình thường, khỏe mạnh, làm bác sĩ trong một bệnh viện hàng tỉnh, có một người vợ là quan chức cấp tỉnh gì đó, gia đình vốn cũng không điều tiếng gì. Rồi tai bay vạ gió, ông Cần, một người "bị chứng liệt dương từ năm 44 tuổi" đột nhiên bị bắt quả tang có "hành động hủ hóa với gái vị thành niên, bị khép tội, không chống án được, bị (hay được) đưa về làm người trông coi nhà xác của bệnh viện. Nếu chỉ như thế thôi thì cũng chưa thành tiểu thuyết. Do hàng ngày làm việc ở nhà xác, tiếp xúc quá nhiều với người chết, tới một lúc, ông Cần tự nhiên phát hiện mình có khả năng nghe được người chết nói, và nói được cho người chết nghe. Đó là khả năng đối thoại với người cõi âm. Nếu là người tháo vát, thì trong thời buổi kinh tế thị trường này, ông Cần chắc đã làm ăn được nhờ khả năng siêu nhiên tình cờ này của mình. Nhưng ông vốn là người thật thà, chậm chạp nên ông phát hoảng vì khả năng mới lạ này, tới mức, hình như ông cảm giác mình mắc bệnh, một bệnh tâm thần phân lập gì đó. Và ông lặng lẽ bỏ việc, bỏ cái nhà xác lạnh lẽo và căn phòng tập thể 9 mét vuông cũng chẳng ấm áp gì hơn, để lầm lụi lên đường, làm một cuộc viễn du được chăng hay chớ, trên "một lộ trình vô định". Và trong những chuyến đi có phần ngẫu hứng và lẩn thẩn đó, bên cạnh khả năng đối thoại với người chêt, ông Cần chợt phát hiện là mình còn khả năng đối thoại với người sống, một khả năng tưởng đã bỏ ông vĩnh viễn kể từ khi ông bị "biếm" về trông coi nhà xác. Xây dựng tiểu thuyết dựa trên một trục ngang là nhân vật chính cùng chuyến du hành bất định của ông ta, Nguyễn Đình Chính đã dễ dàng khi xử lý những trục dọc cắt tình cờ qua đời sống du hành của trục ngang – Trương Vĩnh Cần bằng những lát cắt cũng tình cờ. Và ở đây, có thể coi những trục dọc đó là những không gian xúc cảm được đặt cạnh nhau tại những tiếp điểm với trục ngang là nhân vật chính. Con người của tiểu thuyết là con người đối thoại, khi đối thoại với chính mình thì gọi là độc thoại, con người đó càng mở được nhiều kênh đối thoại thì những không gian xúc cảm càng bất ngờ và phong phú. Trong cuộc du hành lẩn thẩn của mình, bác sĩ Trương Vĩnh Cần, thực ra không hề bị bênh tâm thần phân lập gì cả mà chỉ có năng lực mở ra được nhiều kênh liên lạc đối thoại với cả người sống lẫn kẻ chết, và khả năng đặc biệt ấy đã giúp ông đến được với nhiều số phận, nhiều thế giới, trong những xúc cảm khác nhau và không nguôi. Đối thoại với một người chết là bà Nhàn trưởng một ga xép, ông bác sĩ Cần lại tình cờ rơi ngay vào nhà tù để gặp tướng cướp Thạch gà gáy, rồi từ đó lại về quê thạch để chuyện trò với người mẹ đã mất từ lâu của Thạch, rồi gặp thuyền trưởng Mùi cá ngạnh một cách cũng tình cờ, lại đối thoại và đối thoại. Những số phận liên tiếp đến rồi đi trên con đường vô định của bác sĩ Cần, đó chính là những không gian xúc cảm mà nhà tiểu thuyết muốn đặt chúng cạnh nhau một cách sao cho có vẻ ngẫu nhiên nhât, như chính cuộc đời vẫn vậy. Nếu mỗi con người là một tiểu thế giới, thì ông bác sĩ Cần đã chu du qua bao nhiêu là thê giới, và ở đâu ông cũng được đón nhận do khả năng mở của tâm hồn ông. Cách dựng truyện như thế này vừa dễ lại vừa khó. Dễ vì tuyến truyện cứ thế mà phát triển, người đọc dễ theo dõi. Khó vì nếu không "cao tay ấn" thì những người những chuyện dọc đường, hay nói cách khác, những không gian xúc cảm sẽ nhạt phèo và không còn cảm được ai nữa. ở đây, không gian hư cấu dành cho tác giả là rất rộng lớn, tác giả tha hồ "bịa chuyện", miễn là những "chuyện bịa" ấy nghe được, "vào" được người đọc. Nguyễn Đình Chính đã làm được điều này, những "không gian xúc cảm" mà anh dựng nên đã gây được xúc cảm cho người đọc. Và người đọc bắt đầu nhìn cuộc đời và số phận những con người trong truyện cới cặp mắt và tấm lòng của bác sĩ Trương Vĩnh Cần, một người tuy ú ớ nhưng nhân hậu, tuy có vẻ vô dụng nhưng lại cần thiết trong một cuộc sống cộng đồng chưa đủ tình thương, chưâ đủ công bằng nhưng lại hời nhiều oan trái. Tình nguyện lắng nghe, biết lắng nghe từ số phận người khác là bước đầu tiên để có thể biết chia sẻ, biết thông cảm. Biết chia sẻ và thông cảm là đã biết biến thế giới này thành nơi sống được cho mọi con người. Y sĩ Sự đã chết với lòng căm thù con người nhưng cái mà ông ta nhận được lại là sự tha thứ, là lòng trắc ẩn, nó giải thoát cho linh hồn ông ta được về cõi trên, nó làm mất hẳn cái mùi thối khắm như một biểu tượng cho sự độc ác và nỗi đau đớn chưa được tha thứ và thông cảm. Giá mà với từng số phận khác nhau ông bác sĩ Cần từng gặp, tác giả đừng quá cường điệu và rút nhanh ra những "bài học nhân quả" thì có lẽ những "không gian xúc cảm" sẽ được tự nhiên hơn, và cái cách mà những không gian ấy tìm đến với nhau cũng tự nhiên như chính ở cuộc đời vẫn vậy. Trung thành với cách viết của mình, Nguyễn Đình Chính đã không né tránh những "gai góc" dù anh đã khôn ngoan "chẩn" cho ông bác sĩ Cần một bệnh tâm thần thể nhẹ. Không ai bắt lỗi người tâm thần, phải chăng tiểu thuyết Việt Nam trong những năm gần đây, dù tiến chậm, nhưng vẫn có những bước tiến rõ ràng nếu so với tiểu thuyết cũng của Việt Nam khoảng vài chục năm về trước. Bởi tiểu thuyết gắn liền với số phận con người. Và số phận của tiểu thuyết cũng thăng trầm như số phận con người. Bây giờ, giữa internet và truyền thông đại chúng, tiểu thuyết lại tìm được người đọc. Sự "phục hưng" dần dà này của tiểu thuyết trong thế kỷ vi điện tử là có thật.

Quảng Ngãi, 17-2-2000


No comments: