Monday, August 26, 2013

Thơ không đến từ kiểm duyệt




1. Bài phỏng vấn tôi trong loạt bài “Thơ đến từ  đâu” (TĐTĐ) của Nguyễn Đức Tùng đã đăng trên talawas khoảng đầu năm 2007. Sau đó, Nguyễn Đức Tùng có cho tôi biết ý định in thành sách, và xin sử dụng bài phỏng vấn này. Cho đến khi TĐTĐ tạo nhiều dư luận gần đây trên talawas, tôi mới được những thông tin cập nhật, ngạc nhiên khi mình – như đồng tác giả bài phỏng vấn – không hay biết gì. Đọc bài của nhà thơ Thận Nhiên, thú thật, tôi hơi “lạnh gáy”. Bè bạn biết tôi có bài “được” đăng trong nước, mỉa mai nay tôi đã “thỏa hiệp thế nào”, có định đi con đường từ hiện tượng luận Husserl đến Ba Đình bằng xe có còi hú hay không? Và vân vân.
Hỏi Nguyễn Đức Tùng, tôi mới biết anh có tìm cách liên lạc với tôi về địa chỉ e-mail tôi không dùng từ tháng 3-09-2009. Anh cũng gửi gấp cho tôi một cuốn TĐTĐ mới ra lò (NXB Lao Động). Đối với tôi, sự cố tôi “mù tịt” thông tin là một trục trặc kỹ  thuật, thế thôi.
Nhưng không chỉ thể thế thôi được với chế độ kiểm duyệt trong nước. Đọc lại, tôi ngạc nhiên thấy bài phỏng vấn tôi được “chiếu cố” khá nhiều, đục bỏ tất cả 1532 chữ trong hai câu vấn-đáp (không kể làm gì dăm câu đục bỏ khác lẻ tẻ đó đây). Phần được cơ quan kiểm duyệt đục bỏ tôi xin ghi lại bằng chữ đậm, màu xám:

2.  Kiểm duyệt 1
Nguyễn Đức Tùng: …Với Nam Dao, điều không thay đổi ấy có phải là nỗi thôi thúc đi tìm sự thực của lịch sử không? Hay tôi lại đoán trật nữa rồi? Lịch sử đầy gió và lửa có phải là gánh nặng trên vai anh không?
Nam Dao: Không, điều không thay đổi ấy là bông hồng của Cecilia S. một buổi tối mùa đông đã sưởi lại đời tôi thời đóng đá. Tôi sống, và hơn mười năm sau tôi mới viết tiểu thuyết lịch sử Gió lửa. Không có bông hồng đó, chỉ còn tro tàn, làm gì có gió, có lửa, phải không anh? Nói về lịch sử, nếu là những sự kiện thuộc quá khứ, không đổi được, tự thân nó không là gánh nặng. Nhưng khi những quá khứ không đáng lập lại vậy mà vẫn cứ tồn tại, chẳng những ở hiện tại mà còn có khả năng đeo đẳng trong cả tương lai thì quả là gánh nặng khó đèo bòng cho hơn năm mươi ký xương da tôi. Nhưng đó là vấn đề văn hóa, không phải thuần lịch sử nữa.
Trong lời ngỏ Gió lửa, tôi đã viết: “… Những trang sử Việt Nam trên dưới năm trăm năm qua phơi trải chiều dài một cuộc nội chiến vẫn ám ảnh đâu đó như một thứ ác nghiệp đang còn rình rập ẩn náu chỉ đợi cơ hội là lại làm cho lệ rơi máu đổ. Tại sao? Dĩ nhiên, yếu tố tình cờ có, yếu tố khách quan có. Nhưng lịch sử vẫn là, nói cho cùng, sản phẩm của những con người suy tư và hành động trong một mẫu hình văn hoá nhất định. Vậy thì yếu tố nào trong mẫu hình kia là nguồn căn của những cuộc nội chiến mà ta là nạn nhân của chính ta ? Nặn đất sét làm tượng Thành hoàng, phải chăng chúng ta đã quì lậy thì thụp đến độ mê mụ để trở thành nạn nhân của những quyền lực do chính chúng ta cùng dựng lên, một khi, theo qui luật tồn tại, những quyền lực đó xung đột với nhau? Tránh cho cảnh lệ lại rơi máu lại đổ, không thể không đặt cả cái mẫu hình văn hoá đó lên bàn giải phẫu để suy ngẫm, hội chẩn và rồi cắt bỏ những phần nhiễm độc trong tâm thức. Chỉ có như vậy, tương lai mới phần nào rõ nét ngõ hầu hiện tại cưu mang được hy vọng để tiếp tục sống còn’’.
Lời bàn (ngang kiểu Thánh Thán): chết, chết… nước ta làm gì có nội chiến. Nhất định  chỉ có chiến tranh giải phóng thôi mà! Lại nữa, quyền lực đâu là chuyện lấy đất sét nặn ra Thành hoàng rồi thì thụp lạy. Quyền lực là Điều 4 Hiến pháp trong một lịch sử của những con người không còn suy tư hành động gì nữa, và đó là ổn định, điều kiện để phát triển…

3. Kiểm duyệt 2
Nguyễn Đức Tùng: Anh viết:
Quán bia ôm
Ôm đi!
Cho mãi đêm dài
Như dằng dặc những tháng năm qua
Khẩu hiệu xưa trên bức tường nhà
Đang tróc thịt lột da
Chữ cái chữ con lổn nhổn
“ yêu ước nghĩ… à… êu xã… ội chủ… ĩa ”
Em ôm
tôi là tượng đá
Tôi ôm một vòng khẳng khiu
Như cành khô trụi lá
Em kêu một ly chanh đá
Miệng ly vệt son nhạt nhòa
Người ta vào bia ôm để… ôm. Còn anh thì làm thơ. Ngoài đời, anh Nam Dao khô khan đến thế sao?
Nam Dao: Ấy ấy, dzậy mà không phải chỉ dzậy đâu! Đời tôi đi bia ôm ba lần. Lần đầu, vừa đỗ Tú Tài I, bạn bè rủ đi đến một cái quán cạnh rạp ciné Văn Hoa bên Gia Định. Thời đó, xa lắm rồi, chưa có từ “bia ôm’’, tôi thì mới được 16 tuổi, vừa tò mò, vừa nây nẩy sức sống, nhưng nhát nên chẳng dám… làm gì!
Lần thứ nhì, rất ấn tượng. Đó là năm 88, tôi về Hà Nội sau 6 năm biệt xứ vì “hoàn cảnh’’ lắm, và được một người bạn dẫn đi xem Hà Nội “đổi mới’’ trong một quán bia ở trên phố Bà Triệu. Giữa bàn với bàn kia, người ta quây cót, giữ cho khách “vô tư’’ trong hoàn cảnh đất chật người đông và khi “đất nước ta còn nghèo’’, câu đầu lưỡi biện minh cho tút tụt mọi chuyện tạm chưa đáp ứng được. Vừa ngồi xuống ghế (đẩu), hai nàng kiều nữ sáp lại cười cợt, hỏi han, dĩ nhiên là kêu ngay đồ uồng, rất tự nhiên gọi cả cho mình, hoan hỉ bảo “các anh muốn phục vụ thế nào chúng em cũng sẽ phấn đấu tốt…’’. Nhìn quanh là đèn dầu (tối hôm ấy điện bị cúp), ánh sáng mờ mờ ảo ảo. Nhạc thì vẫn đỏ, ò è phát từ một chiếc cát-sét chạy bằng pin, rè rè kêu “… tôi đi giữa trời Hà Nội rực rỡ mến yêu. Đường tôi đi, Ba Đình lịch sử…’’. Cót bên trái, tiếng thở khò khè đứt quãng. Rồi văng vẳng tiếng ấm ức như từ họng nuốt xuống bụng, không ra khóc, không ra cười. Đưa mắt hỏi, cô phục vụ nháy, nói ối a yêu nhau cởi áo cho nhau í mà… Cô gầy ngoẳng, đưa cánh tay khẳng khiu lên choàng vai tôi, môi tô son đỏ chót, răng nhe ra cười, trắng nhởn. Tay cầm ly chanh đá, miệng ly có vệt son, nước đá đọng trên thành ly ứa ra nhìn như vết máu ứa, cô thản nhiên bảo, uống nhanh rồi lại “chỗ’’ em, thân mật, kín đáo, an toàn, bảo đảm. Tôi lắc đầu, bụng chợt thắt lại… Ra đến ngoài, tai tôi vẫn bị cái thanh âm ấm ức không ra khóc, không ra cười đuổi theo, nhìn sang bên kia đường thì mắt thấy một cái khẩu hiệu trải nắng mưa nên chữ còn chữ mất… “yêu ước nghĩ …à …êu xã … ội chủ…ĩa ”
Còn lần thứ ba, mới hè đây thôi. Tôi xuống Vĩnh Long, tối lại được chèo kéo đi karaokê. Thì đi, biết đâu tôi lại phát hiện ra tố chất ca sĩ của mình. Thế là, hốp, sà vào một cái quán sân trong đầy những bóng hồng, bóng xanh, quần bò, váy cũn, áo trên rốn… của thời hội nhập. Bà chủ mở cửa một căn phòng, ghế bọc ni-lông mầu đo đỏ, đèn xanh xanh, ở giữa phòng là giàn karaokê cồng kềnh, đen trùi trũi như một con trâu đang ngủ. Một nàng tiến đến, cúi xuống vỗ về thế nào mà con trâu rú lên, tiếng loa eng éc, nhưng chỉ lát sau là được điều chỉnh lại cho hài hòa hội nhập với nếp sống văn minh. Chúng tôi chưa ngồi thì ba bốn két Heineken đã an tọa, và tiếng mở nút chai lốp đốp như pháo chuột… “Dzô đi các anh!”, một em lên tiếng, giọng miền Nam sao mà dễ thương truyền cảm đến thế! Rồi… “Nhạc chi đây? Cải lương hay tân nhạc, anh?” Cô bé mắt đen lay láy sà vào lòng tôi, tay nâng ly áp vào miệng tôi, hỏi nhưng chẳng đợi tôi đáp, xuống ngay một câu vọng cổ thật mùi. Tôi cảm thấy bàn tay nàng đang vân vê, nhẹ nhàng, tế nhị chứ không có cái kiểu trấn lột cảm giác theo qui luật thị trường, có định hướng gì thì cũng chỉ thuận mua vừa bán. Nhìn sâu vào mắt nàng, tôi cố xem hình bóng tôi? Và tôi ôm vai nàng (đấy nhé, có khô khan đâu), tự hỏi tôi có phải là một người hiệp sĩ đang vào hang hùm để cứu cô gái “chữ trinh còn một chút này” ra khỏi cái vòng áo cơm ngặt nghèo? Tiếng nhạc xình xình đến nhức óc khiến lát sau tôi gỡ tay nàng, mở cửa bước ra ngoài hít thở một chút lấy sức. Nàng theo ra. Chúng tôi trò chuyện. Đại khái, tôi hỏi em bao nhiêu tuổi, tên thật là gì, trước đây làm chi, nay kiếm ăn bằng karaokê được nhiêu một tháng. Nghĩa là tôi hỏi tất tật những câu hỏi vô duyên không đợi bất cứ lời đáp nào. Ậm ừ, nàng nói nhưng tôi đâu có nghe. Lát sau, nàng sẽ sàng, em ca riêng cho anh, anh cho em boa nghe. Rồi tay đánh nhịp, miệng nàng ca, tỉ tê… Và tôi bỗng lạnh sống lưng, nghe một câu. Câu ấy, như thế này: “Anh có học thức mà lại đàng hoàng!” Chu choa, tay nào nghĩ ra câu ca nghe độc vậy cà? Hai từ mà sao thấy nhức nhối lạ! Nhưng từ khi nghe câu ca đó, tôi đâm ra ngần ngại, cứ lúng túng, vẩn vơ, biết mình không là anh hiệp sĩ có dáng dấp nhân vật của Cervantes. Nàng bất ngờ hỏi: “Anh dzề Sè Gòn cho em theo với?”. “Theo anh làm chi?” “Thì sống như mọi người, em ở nhà, nấu cơm chờ anh đi làm về, chớ sống như em thế này cơ cực tủi nhục lắm!” “Tại sao em muốn theo anh?” “Vì anh có học thức mà lại đàng hoàng.” “Sao em biết anh có học thức?” “Anh mang kiếng trắng!” “Sao em biết anh đàng hoàng?” “Vì… anh hổng có… làm tới như mấy người. Em biết mà!” Thế là tôi chỉ còn biết cười – loại cười màu vàng – rủ nàng vô phòng. Lại xập xình kèn trống. Lại dzô, dzô… một trăm phần trăm. Con trâu đen thỉnh thoảng phát khùng rú rít với cái họng 200 watts. Lát sau, tôi lỉnh đi, lên xe, ra băng sau chiếc xe 12 chỗ, lủi thủi nằm một mình. Khi bạn bè ra hỏi, tôi kêu nhức đầu. Và khi xe chạy, tôi ngoái lại nhìn, nàng đang ngơ ngác như đi tìm một cái gì để níu lại, dẫu chỉ có thể là niềm vô vọng…
Kể anh nghe dài dòng để anh hiểu tôi đâu có vào bia ôm để làm thơ! Thơ đến từ đâu? Tôi đoan chắc: Thơ không đến từ những quán bia ôm. Nhưng thơ có thể đến từ cuộc đời của những con người trong những quán bia ôm mà ta có cơ duyên cảm nhận được… Bài thơ “Đêm chợ” anh vừa chép ra tôi làm năm 89. Đến năm 2005, hình như đêm ngày một chợ, đêm hoài, đêm mãi… mình “mà lại đàng hoàng” thì, anh biết đấy, cực kỳ hâm… nhất là khi vào bia ôm!

Lời bàn (dọc, cũng kiểu Thánh Thán):
“yêu ước nghĩ… à… êu xã… ội chủ… ĩa” là kiểu nói ngọng khẩu hiệu xưa, chứ bây giờ thì  phải sống nếp sống văn minh chứ. Tay này viết lách lếu láo, nước mình nay phát triển rồi, nào đâu chỉ có bia ôm, mà có cả nước mía ôm. Cơ bản, ôm là đoàn kết một nhà, có mở Heineken thì dzui thôi, sao nó kêu nó là tượng đá, rồi nó ôm một vòng khẳng khiu? Viết kiểu này, hiện thực có thì có, nhưng xã hội chủ nghĩa thì còn là trong quá trình tiến lên. Và tiến lên là tiến lên đâu? Tiến lên hàng đầu là tiến lên trên… Kiểu tiến xuống (dưới) ai mà chịu được?

4. Xin thôi bàn ngang tán dọc, có vài lời nghiêm chỉnh nhưng giản dị gửi các quan chức trong ngành “tư tưởng”, cụ thể là ngài (chữ thời phong kiến nhưng nay thường được sử dụng) Tô Huy Rứa và ông Hữu Thỉnh, từng một  thời là nhà thơ trước khi săn tay nô dịch.

4.1. Kiểm duyệt, ở đâu cũng thấp thoáng. Trong những nước tiên tiến, văn thơ là những món hàng tiêu thụ và khâu in ấn phát hành thường tuân thủ qui luật cung cầu. Trong điều kiện này, động cơ là lợi nhuận, và cái cơ quan kiểm duyệt cao nhất là đồng tiền. Nó có qui chế: tiểu thuyết chớ quá 300-400 trang, phải có 60% là tình yêu kèm sex, 30% máu me hồi hộp, và độ 10% dành cho sự tuyệt vọng và cái chết, thì mặt hàng mới bán được. Nhà nước tư bản (có trình độ) biết thế nên hỗ trợ những tác gia không rơi vào kinh tế thị trường kiểu vừa nói, hy vọng có những sản phẩm văn hóa không mang tính dung tục, tài trợ in ấn những tác phẩm “ngoài luồng” lợi nhuận. Ở Việt Nam ta, kinh tế cũng thị trường nhưng lại định hướng XHCN, như rao giảng. Thị trường gì mà lại không có nhà xuất bản tư nhân? Giấy phép thì Cục Xuất bản của chính quyền cấp phát cho những nhà xuất bản, và hẳn khâu kiểm duyệt hẳn là phải định hướng XHCN. Định hướng thế nào? Cái đuôi này, ai cũng biết, là cách một thể chế toàn trị nắm chuôi dao, tiếp tục duy trì cái tâm thế xin-cho, và dĩ nhiên là phải lo cái chuyện “đầu tiên” quà cáp.

4.2. “Chơi dao có ngày đứt tay”, nếu không khéo. Bài phỏng vấn tôi đã lên talawas, và khi in mà có kiểm duyệt (kiểm duyệt tư tưởng chứ không là biên tập) thì rành rành khó chối. Tôi lại là Việt kiều, và cùng thời điểm ra mắt tập TĐTĐ, Nhà nước bỏ bạc tỉ ra triệu tập Đại hội Việt kiều lần 1, dùng xe có hú còi thao tác sự  trọng vọng, hô hào Việt kiều đóng góp đôla và chất xám, mà đi kiểm duyệt đục bỏ bài phỏng vấn tôi thì… rất phản tác dụng, hơi hướm kiểu chúng ta quen nghe là “nói dzậy mà không phải dzậy”. Để lời kêu gọi lòng yêu nước, tinh thần xây dựng v.v… trong Đại hội Việt kiều có chút thực tế, tất phải chứng minh rằng hai đoạn bị đục bỏ của tôi nó “ngược  dòng” chính thống thế nào. Động thái kiểm duyệt thô bạo trên có lẽ là thái độ chống báng chính sách Việt kiều của Nhà nước. Nếu vậy, các cơ quan có chức năng cần rà soát lại ý đồ cũng như khả năng nghiệp vụ của Bộ 4T, chứ cứ trống đánh xuôi kèn thổi ngược thì khó khá.

4.3. Văn chương (nói rộng là văn hóa) có quan hệ hữu cơ với lịch sử và, gần hay xa, đều là sản phẩm xã hội. Chính thế mà không thể tước đoạt khỏi văn chương cái phần xã hội, và nhất là tính phê phán, yếu tố giúp kiện toàn những  tiêu cực, yếu kém của xã hội. Đọc văn, xin đừng đọc như một văn bản chính trị. Văn chỉ hiểu được trong ngữ cảnh toàn cục của nó. Những đục khoét văn bản vì là “vùng” nhậy cảm (chẳng hạn tôi viết là màu đỏ trong bài phỏng vấn thì được sửa là màu chóa) chắc hẳn khiến những nhà biên tập điên đầu tới độ bị thần kinh. Và phần lớn, họ cũng là những nhà văn. Biên tập bạn văn sẽ gây ra ân oán, không nhiều thì ít. Vậy đề nghị cụ thể: Cục Xuất bản điều chỉnh thế nào để biên tập viên nặc danh, tránh phân hóa giữa văn nghệ sĩ với nhau, Nhà nước mang tiếng dùng chính sách chia để trị. Và nhất là đánh ba chấm… vào những phần bị đục, mở ngoặc ghi hai chữ “kiểm duyệt”, để mọi bạn đọc biết cơ quan văn hóa nước ta lương thiện và có tinh thần trọng thị người viết. Ở đây, tôi chỉ nhắc lại yêu cầu của nhà văn Bùi Minh Quốc. Ngày xưa thực dân chúng nó còn “tử tế” như thế khi kiểm duyệt kẻ bị trị, lẽ nào ngày nay đất nước đã giải phóng mà ta lại tệ mạt với nhau? Và tệ mạt với một “khúc ruột ngàn dặm” như tôi đây thì quả là vô tích sự.

5. Cho tôi nói một lời với các vị biên tập bài phỏng vấn tôi. Rất hiểu các bạn gặp thời thế, thế thời phải thế. Chuyện cụ Tuân kể, cái tay chém treo ngành trước khi động thủ hát “sống không thù nhau, chết không oán nhau” thì nay tôi xin hát thay hầu các bạn. Tôi biết về hưu được, nhiều bạn sẽ về ngay, chứ cái công việc “đe trên búa dưới” của các bạn quả là kinh hoàng. Nhưng đời còn trói buộc. Vả lại, một người bạn khá gần từng nói với tôi: “lắm khi phải cắt một chút để bảo vệ cái phần tốt đẹp còn bảo vệ được!” Mới nghe, tôi cũng thấy có lý. Nghĩ lại, chém đầu nhưng mong giữ được tứ chi thì chớ, vì cái tốt đẹp còn lại thương tật. Và sống vật vờ thế, sản phẩm văn học của chúng ta như ma chơi lạc lõng, và chúng ta thì “sống mòn” (chữ của Nam Cao). Cũng đành thế mà thôi sao? Năm ngoái, cũng khoảng này, cuốn Trăng nguyên sơ của tôi bị thu hồi ở Việt Nam, một nhà văn đàn anh nhắn nhủ (an ủi thì đúng hơn): nước chảy dễ gì trôi bóng chữ. Nhưng các bạn tôi ơi, đâu chỉ nước chảy mà là lũ, đến  độ “sống chung với lũ” đã thành ngôn ngữ trần gian khốn khổ này.

6. Để tạm kết, tôi xin trích nhà văn Nguyễn Viện: “Fuck với độc tài, chắc là sướng tê tái. (Dù có phải đeo bao cao su cũng chưa phải là mất hết sướng.)”
Phần tôi, tê tái là chắc nhưng sướng hay không, tôi không dám tin. Duy một điều, làm xong thì thôi đạp nó ra khỏi giường mình nằm. Để còn ngủ yên chứ!
© 2009 Nam Dao
© 2009 talawas blog

No comments: