Tuesday, August 27, 2013

HỘI HỌA VÀ PHÁI NỮ

CHÂN  PHƯƠNG

Mona Lisa, Leonardo Da Vinci
 Da VINCI  -  Mona  Lisa  (thời Phục Hưng)

  
 Biên khảo này tặng riêng ĐINH CƯỜNG, TRỊNH CUNG, CAO BÁ MINH, NGUYỄN TRỌNG KHÔI, NGUYỄN XUÂN VIỆT, BÙI QUANG NGỌC cùng các bạn họa sĩ gần xa.


   Với chủ nghĩa nhân bản, hội họa thời Phục Hưng ở Ý bắt đầu thoát khỏi văn hóa tôn giáo và cung đình. Con người và cuộc sống thường ngày được các họa sĩ thể hiện trong tranh, cùng với sự hoàn chỉnh của kỹ thuật và chất liệu sơn dầu đã phôi thai cuối Trung Cổ nơi các thương cảng Hòa Lan. Có thể xem bức Mona Lisa của danh họa Da Vinci là cột mốc của sự giao phối văn hóa-tư tưởng với mỹ thuật-hội họa thời kỳ ấy. Sang thế kỷ 17, với họa phái flamand ở Hòa Lan càng thịnh hành mấy thể loại tĩnh vật, phong cảnh, nhất là chân dung của giới thương gia đang lên. Bức sơn dầu của Verspronck cho thấy tính hài hòa trong bố cục và các gam màu,  bên cạnh sự điêu luyện nghệ thuật còn mang thêm thông điệp chính trị-văn hóa hàm súc: giai cấp tư sản đã ra đời với ý thức về giá trị của cá nhân.

 VERSPRONCK - Thiếu nữ áo xanh (1641)
   Bên cạnh một hình thái sản xuất giàu tính khai phá và năng động, văn hóa tư sản càng ngày càng đề cao lối sống trần thế với các lạc thú vật chất. Nhân sinh quan này đẩy hội họa ra khỏi các xưởng lớp hàn lâm với sao chép bảo tàng, các họa sĩ cầm cọ vác giá vẽ về với thiên nhiên và màu sắc của vạn vật. Gần cuối thế kỷ 19,cùng các bạn Manet, Cézanne, Monet... , nhà danh họa Renoir chuyên về loại tranh nu phụ nữ , tiếp tục sự nghiệp ngợi ca phái đẹp của các tiền bối như Botticelli, Rubens, Goya, Ingres...Sau cơn say tạo hình của chủ nghĩa lãng mạn mà Delacroix là đại biểu, ta thấy bút pháp các họa sĩ  như Renoir cũng được giải phóng, từng bước thể nghiệm các kỹ xảo ấn tượng chủ nghĩa (impressionisme) hay điểm họa (pointillisme) với gam màu tươi mát gần với sự thật tự nhiên.

RENOIR - Dáng ngồi gái tắm (1883)

   Cùng lúc với sự thắng thế của mỹ học thể nghiệm qua các cuộc triển lãm lạ mắt ở Paris là sự chinh phục thế giới của thực dân da trắng. Tầm mắt phương Tây không còn gò bó trong các salons và soirées trưởng giả vì lẽ đương nhiên là hải thuyền, hỏa xa, máy hơi nước cùng điện khí đang tiến hành cuộc cách mạng kỹ thuật rộng lớn có khả năng thu hẹp khoảng cách địa lý. Toàn cầu hóa giai đoạn một bắt đầu; và các văn-nghệ sĩ - cọng râu ăng ten của cộng đồng người (Ezra Pound) - đã nhạy bén  chụp bắt cái mới đến từ nhiều phương trời: Phi châu, Mỹ châu, Trung Đông, Á Đông, chưa kể văn minh bộ lạc còn rải rác đó đây khắp địa cầu.

VAN GOGH-Đàn bà với cẩm chướng(1887)
   Mộc bản Nhật cùng loại tranh in các màu đơn sắc mỏng trên mặt giấy của Utamaro và Hokusai, hoặc chất liệu với âm sắc sơn mài Viễn Đông trao xúc động cùng cảm hứng mới mẻ cho một số tâm hồn đang say men chủ nghĩa lãng mạn-tượng trưng, khao khát được chao cánh trên những bến bờ xa.
  Họ có tên là Van Gogh, là Gauguin, là Picasso...Trong tấm chân dung bình dị trên đây, ngoài bút pháp tiếp thu từ các phái ấn tượng và điểm họa, người xem đã nhận thấy ảnh hưởng của tranh Nhật đối với Van Gogh qua các màu cơ bản và không khí trầm lắng. Nhưng đi xa nhất có lẽ là Gauguin, rời bỏ Thủ đô Ánh Sáng tìm về văn minh nguyên khai của các sắc tộc hải đảo Thái Bình Dương. Với ông, chân dung phái nữ vừa là thể nghiệm màu sắc hình thể ngoài mọi trường phái vừa là lời kinh cầu huyền bí, rất gần với các bài thơ tượng trưng chủ nghĩa chất chứa một nỗi ám ảnh không tên gọi.

GAUGUIN  -  Các bài thơ man rợ (1896)
    Không chỉ cách tân quan niệm mỹ học và chất vấn Cái Đẹp phương Tây từ thời cổ đại, các họa sĩ Âu châu từng bước nâng phái nữ lên hàng công dân nghệ thuật, không phân biệt đẳng trật hoặc màu da. Đây là thứ tuyên ngôn bằng tranh tượng cho bình đẳng và quan hệ hữu nghị, các trụ cột cho văn minh toàn cầu. Cũng như âm nhạc, nghệ thuật tạo hình là sứ giả đầy quyền năng của tình anh em bốn bể, không cần phải ngôn thuyết lắm lời vẫn giúp các cộng đồng nhân loại cảm thông nhau.

PICASSO  -  Đàn bà chải tóc (1906)

   Có thể trong hội họa hiện đại, Picasso là gạch nối lớn giữa mỹ học của hai thế kỷ. Với sức tổng hợp sáng tạo hiếm có, tranh tượng của ông là bộ bách khoa của nghệ thuật tạo hình. Chỉ phân tích sơ bộ bức chân dung trên đây, ta nhận ra sự giao thoa của mặt nạ Phi châu, chủ nghĩa biểu hiện pha trộn cổ đại Hi-La và tín ngưỡng phồn thực, chưa kể gam màu tiền sử thời văn minh hang động. Tuy nhiên , tranh này vẽ năm 1906, thời điểm khai mạc thế kỷ hai mươi của tinh thần duy lý và tiến bộ khoa học không ngừng nghỉ. Phải chăng người đàn bà chải tóc  một cách mộc mạc tự nhiên này, cũng như các sơn nữ của Gauguin, mang thứ thông điệp thiết yếu mà nghệ thuật trao cho con người đang bị máy móc vây bủa hoặc tấn công: Đừng quên trực giác, bản năng, cảm xúc, tâm tình, và các điều huyền diệu khác vượt ngoài lý tính!

  MATISSE  -  Phụ nữ đội nón (1905)
  Phái nữ và hội họa hiện đại đã gặp nhau trong biện chứng của sáng tạo và thưởng ngoạn. Những họa phẩm vô cùng tân kỳ lúc ra mắt khán giả, dần dà đã cải tạo thị giác thẩm mỹ và tập quán xem tranh. Các bức ấn tượng hay dã thú chủ nghĩa (fauvisme) như tấm tranh Matisse trên đây khi cây cọ bôi màu mè một cách vô chính phủ lên dung nhan với trang phục người mẫu đã khiến giới phê bình la toáng lên " Rừng rú! Dã thú! (Les Fauves)". Với thời gian, chúng trở nên tiêu chuẩn của cái đẹp thời đại, được treo nơi các bảo tàng quốc tế và trở thành vô giá. ( Vì sao nghệ thuật bị thương phẩm hóa là một đề tài phức tạp, ta sẽ bàn vào lúc khác).

 Jean METZINGER  -  Giờ uống trà (1911)

   Trên đây ta vừa nhắc đến"biện chứng" . Các nhà lý luận khó tính cũng như giới phê bình uyên bác sẽ thắc mắc: Còn biện chứng thần kinh học thì sao, cặp bán cầu não bên trái và bên phải đâu giống nhau! Khoa học tâm lý đã đào sâu vào cõi bí mật của sáng tạo, và lịch sử nghệ thuật tạo hình từ thời Hi-La đã chứng minh tính liên đới giữa lý trí và trực giác như thế nào. Một bằng chứng phổ thông là sự ứng dụng của hình học vào hội họa hay kiến trúc, đặc biệt từ các họa gia Phục Hưng ở Ý hoặc những suy tưởng kỹ hà của Cézanne... Sang đầu thế kỷ 20, ta chứng kiến sự ra đời của các họa phái Lập Thể (Cubisme) hay Kiến Tạo (Constructivisme) khi óc duy lý tham gia vào thao tác tạo hình bằng tư duy ý niệm. Bức tranh chân dung người đẹp của Metzinger được nhà phê bình André Masson đặt tên là "Mona Lisa lập thể"., một trong những họa phẩm khai sáng trường phái Cubisme , từ Paris ảnh hưởng khắp Âu châu và thế giới. Tóm lại, bước sang thế kỷ hai mươi cũng là bước ngoặt quyết liệt của giới họa sĩ Âu châu, đặc biệt ở Pháp, khi họ đưa hội họa đi xa hơn chân trời của chủ nghĩa hiện thực hay tả chân, phiêu lưu vào không gian tạo hình thuần túy tiếp cận với bờ cõi trừu tượng của nghệ thuật ý niệm (art conceptuel).

  (còn tiếp)

No comments: