Tuesday, August 13, 2013

Chỗ trọ




TRUYỆN NGẮN CỦA LA THỊ ÁNH HƯỜNG

1.
NVTPHCM- My dọn tới đây được hai ngày thì chủ nhà cho thuê luôn mặt bằng để bán quán chay. Kể ra thì không có gì ồn ào, bất tiện vì My ở tận tầng 2. Mỗi khi về đến phòng, chỉ việc đóng cửa là mọi thanh âm bị chặn lại bên ngoài. Bất tiện duy nhất đó là chỗ để xe. Mới hôm rồi, báo chí đưa tin nạn mất cắp xe hoành hành ở các quán chay. Kẻ trộm thừa cơ hội cả tin của những người ăn chay niệm Phật, họ không nghĩ ở chốn gần với Phật ấy mà lại tồn tại kẻ trộm nên ỉ y không khóa kỹ xe. Vì vậy mà ở khu vực để xe thường kê thêm cái bảng: coi chừng mất xe. Cái bảng ấy nói lên một điều: thực khách phải tự giữ lấy xe của mình.


Quân thấy vậy, vội sắm cho My cái khóa thắng dĩa cho chắc ăn. Quân là người kỹ tính và chu đáo. Hôm dọn tới đây, anh kiểm tra hết thảy đường dây điện, ống nước… Kê kệ, khoan móc và công đoạn sau cùng là kho luôn cho My một nồi cá, loại cá mà My thích ăn nhất. Vài người bạn bông đùa: “Về ở chung luôn đi, share tiền phòng cho đỡ tốn kém!”. Cả hai cùng cười. Làm gì phải thế cho bó buộc nhau. Cứ như vầy, thích thì gặp có hay hơn không. Vả lại, My với Quân không hẳn là hợp tính. Có nhiều quan điểm trái ngược nhau mà hễ nhắc tới thì thể nào cũng xảy ra tranh cãi. Nói chuyện thì rất hạn chế đề tài. Tính Quân hay ghen bóng gió. My thì sống cởi mở, ít khi có sự đề phòng trong các mối quan hệ nên rất nhiều bạn. Quân vốn có tính đa nghi, ít tin bạn bè. Chỉ nhiêu đó thôi cũng đủ để gây khắc khẩu trong những cuộc nói chuyện. Thỉnh thoảng gặp nhau thì còn được. Gặp nhiều dễ “đứt” lắm! My thì nghĩ vậy nhưng mọi người nghĩ khác: My không chỉ có mình Quân.

2.
Đúng như vậy thật. Hôm sau, trời vừa chập choạng tối, thấy My đi bộ vội vã ra phía chân cầu. Lúc về dắt theo anh chàng cao dong dỏng, khuôn mặt baby và trẻ hơn My rất nhiều. Anh ta xách theo con gà đã làm sẵn - món ruột của My. My thích ăn gà từ bé. Nhưng phải là gà ta. Ngày trước, hồi còn ở quê, nhà My lúc nào cũng nuôi một bầy gà. Lớn có nhỏ có. Nuôi chỉ để ăn chứ không bán. Gà nhỏ thì hầm cao với thuốc Bắc. Gà tơ thì luộc chấm muối tiêu chanh. Gà trống hay mái đẻ thì hầm, rô ti… Tất cả những món ăn từ gà, dưới bàn tay chế biến của mẹ, My đều rất thích. Huy đọc được điều đó trong trang blog cá nhân của My. Nhà Huy ở Bến Tre, mỗi lần lên, quà cho My là một con gà mái tơ béo ú. Thường thì Huy hỏi My thích ăn món gì, để Huy chuẩn bị luôn nguyên vật liệu chế biến. Huy nấu ăn theo kiểu miền Nam, mỗi món ăn đều ngọt và béo.

Khi Huy đến thì nồi cá kho vẫn còn đầy ắp. Huy bê cả nồi lên mũi, ngửi ngửi, bảo: “Hình như có mùi chua rồi!”. My cũng đưa lên mũi: “Em có thấy đâu. Vẫn ăn được mà!”. Trong lúc đó, tự dưng My thấy thương Quân. Nghĩ đến cảnh anh gò lưng mổ bụng, làm vảy, khử mùi tanh, dùng muối để rửa từng lát cá rồi đem kho, mất cả buổi trời. Quân bảo muốn tự tay làm, thay vì để bà bán cá làm cái vèo là xong. Huy cãi: “Em đừng tiếc. Ăn vào đau bụng lại khổ anh chứ ai!”. My vẫn nằng nặc giữ lại nồi cá: “Phí lắm, anh đừng đổ. Để đó em xử lý được mà!”. Huy vui vẻ chiều theo My vì không biết “tác giả” của nó là Quân. Nếu biết, hẳn Huy đã úp cả nồi vào thùng rác rồi.

Bạn bè có người biết Huy người không. Hỏi thì My bảo bồ. Đứa bạn tru tréo: “Bồ gì mà lắm thế?”. My cũng không vừa: “Đã sao? Trai chưa vợ, gái chưa chồng, ảnh hưởng gì ai nào?”. Với gã trai nào, thấy My cũng quấn quýt như là thân thiết lắm. Người thì bảo cô này số sướng, đào hoa. Người khác lại chép miệng thương hại: đào hoa để làm gì, nếu là tình yêu thì cũng chỉ có với một hai người chứ có yêu được nhiều đâu. Con gái như thế chỉ thiệt thân.

3.
Anh chàng thứ ba “diện kiến” phòng trọ mới này là một tay kiến trúc sư. Phong cao to, đẹp trai, hiểu biết và có khiếu ăn nói hơn hai “đối thủ”. My thích nhìn anh trong lúc ăn. Lần đầu gặp Phong cũng là trong bữa ăn. Nhìn anh ăn uống tự nhiên, miệng nhai ngồm ngoàm, My có ấn tượng ngay. Phong thì bảo, thích vẻ nữ tính của My. Dù hôm ấy, My ăn mặc trông rất quậy: áo sơ mi nam rộng thùng thình và quần short ngắn. Không có vẻ gì là nữ tính cả. Phong nói, như vậy mà vẫn nhìn em ra nữ tính thì đích thị em rất nữ tính. Sau này, những buổi hẹn hò, My đều mặc váy. Kiểu váy hoa li ti, xòe rộng là style chính của My. Phong bảo nhìn My mềm mại, dịu dàng như diễn viên Pháp trong phim tình cảm lãng mạn thời xưa.

4.
Quân thì không nói thế. Mỗi khi nằm bên cạnh, anh hay vòng tay qua người My. Chỉ cần những ngón tay anh chạm phải xương sườn hơi nhô lên của My là anh la toáng lên: “Em không nghe lời anh, không chịu ăn uống gì cả. Càng ngày càng gầy đi”. Rồi anh đưa ra một thực đơn cho cả tuần. Bữa sáng, trưa, tối phải ăn gì, uống gì. My thì tự hào vì thân hình mình dây của mình. My cũng thích mỗi lần gặp Phong, Phong nhìn My với ánh nhìn xót xa: “Nhìn em gầy, anh cứ muốn được che chở cả đời”. Nói thì nói vậy nhưng Phong lại không phải mẫu người kho cho My nồi cá hay luộc cho My con gà.

Ai đó đã nói, tình cảm cũng là một món nợ từ kiếp trước. My thì không biết kiếp trước mình nợ gì, nợ những ai nhưng ngay kiếp này đây, My thấy mình đang dốc sức trả nợ cho Phong. Quen nhau vài tháng, My nắm toàn bộ sở thích của Phong. Cố gắng thực hiện mọi điều để làm vui lòng Phong, từ những quan tâm bé xíu như hong khô áo mưa khi Phong tới vào lúc trời mưa, ủi lại chiếc áo Phong treo trên móc trong lúc ngủ trưa tại phòng My, làm những món ăn Phong thích. Lạ thay, những gì My nhận lại đơn giản chỉ là thấy Phong hài lòng về hành động của mình, không một chút đòi hỏi nào khác. Nói thì nói vậy, ai có người yêu mà không muốn nhận sự quan tâm. Có điều, Phong đã quen nhận hơn là cho. Thế là cứ nhận thôi. Khi nào không “cho” gì nữa thì chán ngay.

Một lần, sau cuộc mây mưa, My giả đò nũng nịu than: “Hình như anh chẳng yêu em gì cả!”. Phong vòng tay qua người My: “Sao em nói vậy. Em thấy đấy, anh có ai ngoài em đâu?”. “Vậy chúng mình cưới nhau đi, nha anh!”. Phong ngập ngừng: “Chuyện đó là đương nhiên rồi nhưng chưa phải lúc này!”. My định hỏi lại: “Thế khi nào mới phải lúc?” nhưng lại thôi. Hình như My đã hỏi câu này rồi và Phong cũng trả lời rồi.

5.
Một buổi sáng, tiếng ồn ào dưới nhà làm My tỉnh giấc. My hé cửa ban công nhìn xuống. Bên dưới rất đông người nhốn nháo, chỉ trỏ. Những thanh âm chồng chất lên nhau, My nghe tiếng được tiếng mất. Có tiếng gõ cửa phòng. My ra mở cửa. Khuôn mặt anh chàng có nhiệm vụ giữ xe buồn so: “Xe mất rồi em ạ! Mất tới 2 chiếc, một của chị anh, một của…”. My sững sờ: “Của em à!”. Gã gật nhẹ đầu. My chỉ nói nhẹ: “Vâng, em biết rồi!”. Thái độ của My nói với gã là hãy để My một mình. Gã hiểu ra, đi xuống.

My nhắn cùng một tin nhắn, cho ba người: Quân, Huy, Phong, với nội dung cụt lủn: “Xe của em mất rồi anh ạ!”. Quân gọi ngay lại cho My, hỏi rất nhiều, nào là: “Mất lúc mấy giờ, có nghi cho người nào lấy không? Bây giờ chẳng tin ai được đâu, có khi người lấy chính là người trong nhà, biết đâu còn là chính người giữ xe nữa, em có tin không?”. My mệt mỏi nói: “Sao anh cứ hay đa nghi. Mình có chứng cớ gì đâu mà dám nghi cho ai”. Quân lại nói: “Hay là em không khóa thắng dĩa?”. Đúng là My không khóa. Quân lại trách: “Đấy, có bao giờ anh nói mà em chịu nghe đâu!”. My cúp máy, thấy mệt mỏi  đến không buồn nói gì thêm nữa.

Khi My vừa tắt máy đã thấy có cuộc điện thoại chờ, của Phong. Phong bảo: “Bỏ đi em, của đi thay người. Mà anh thấy xe đó cũng cũ rồi!”. My vâng vâng dạ dạ rồi tắt máy. Cảm giác chênh chao ập đến nhanh như một cơn gió. My đi ra phía lan can, nhìn xuống đám người còn lổn nhổn bên dưới. Phía vệ đường đối diện, gã coi xe ngồi chống cằm buồn bã. Bất ngờ hắn nhìn lên, My vội đi vào nhà.

Điện thoại báo hiệu có tin nhắn, là của Huy: “Sao xui vậy, anh đang tính tuần sau lên mang theo cái còng số 8. Loại còng này kẻ trộm không bấm được, chỉ cảnh sát mới có. Chú anh là cảnh sát nên có cho anh một cái”. My không nhắn lại vì cũng chẳng biết nhắn lại gì.

Sáng hôm đó, My đi làm trễ, đi bộ. Vẻ mặt của My bình thản như không. Chị chủ quán nhìn My: “Xui cho em quá, chị cũng mới buôn bán, chưa có lời nên không thể…”. My không nói gì, chỉ cười nhẹ rồi bước đi. My cũng không hiểu mình như thế nào nữa. Chiếc xe không hẳn là vật quá quý giá với My. Với số tiền dành giụm được, My có thể mua ngay lại chiếc xe trong lúc này. Nhưng có cái gì đó lớn hơn cả nỗi mất mát hiện tại đang hình thành trong My, khiến My muốn khóc. My nhắn cho Phong: “Em buồn quá!”. Một hồi lâu sau, Phong nhắn lại cụt lủn: “Mọi chuyện rồi sẽ qua”. Suốt ngày hôm đó, My không thể làm gì. Người cứ ở trạng thái bồng bềnh, chênh chao khó tả.

6.
My đổi số điện thoại và chuyển phòng. Gã giữ xe là người buồn nhất. Gã luôn nhìn My với ánh nhìn của một người có lỗi, dù My đã nói với gã rất chân tình: “Em không trách anh đâu, xui thôi mà nên anh cũng đừng áy náy!”. Gã hỏi lại: “Vậy sao My không ở lại đây đi?”. My bảo: “Em phải đi, em muốn được một mình”. Rồi đột nhiên My quay lại: “Khi nào muốn ăn món mì xào, anh cứ ghé, địa chỉ là…”. My đọc địa chỉ cho gã. Nhìn gã cảm động đến lập cập, tự dưng My thấy nước mắt mình trào ra.




No comments: