Thursday, August 29, 2013

HỘI HỌA VÀ PHÁI NỮ (2)

 
 Liubov POPOVA - Chân Dung một phụ nữ (1915)
  Suprematisme, họa phái Cực Độ bên Nga, cũng không chịu thua kém các nhóm tiên phong Cubisme với Futurisme của Pháp-Ý. Bên cạnh Tatlin, Malevitch, các nữ họa sĩ  như Popova xuất hiện nơi các phòng tranh và triển lãm ở Petersburg. Cùng với Camille Claudel, Sonia Delaunay...bên Pháp, phái nữ yêu nghệ thuật của nước Nga cũng sôi nổi tham gia vào cuộc cách mạng tạo hình. Bức chân dung của Popova là một thành tựu tổng hợp các cách nhìn lập thể, vị lai, kiến tạo... Đồng thời ta chứng kiến bước nhảy xa của mỹ học hiện đại; hội họa đã thiết lập ngôn ngữ đặc thù để biểu thị một không gian tách biệt với thói quen của con mắt mô phỏng.

MAN RAY - Vĩ cầm của Ingres (1924)
   Từ bên kia Đại Tây Dương, Hoa Kỳ cũng nhập cuộc với triển lãm nghệ thuật hiện đại quốc tế đầu tiên ở New York năm 1913. Tiêu biểu giữa những tên tuổi tạo nhịp cầu văn hóa giữa hai lục địa lúc ấy là Man Ray,  nghệ sĩ tạo hình và nhiếp ảnh gốc Mỹ đã tạo tác cuộc hôn phối giữa tranh vẽ và ảnh chụp, góp phần đáng kể với các bạn họa sĩ DaDa và phái Siêu Thực (Surréalisme) ở Pháp. Tấm ảnh này cùng bức tranh siêu thực của Magritte phía dưới cho thấy ảnh hưởng với thách thức của nhiếp ảnh và điện ảnh nói chung đối với mỹ học hiện đại khiến giới tạo hình phải vượt qua chủ nghĩa tả chân thô thiển của vô số hình ảnh thời sự được ghi chụp qua ống kính cùng phòng tối, rồi phổ biến khắp nơi trên sách báo. Với bút pháp và kỹ xảo riêng, Man Ray hoặc Magritte đã "lạ hóa" chân dung hay thân hình phụ nữ, biến chúng thành các bài thơ của bản năng, vừa dục tính vừa bí ẩn. 


 René MAGRITTE  -  Khám Phá (1927)
   Mấy đường vân đen - dấu tay hay thớ gỗ ? trên  khuôn mặt và lớp da trần đàn bà tạo một bầu khí nửa cám dỗ nửa cấm kỵ. Chất hoang dã đượm thần bí gắn liền với sinh lực mời mọc của người nữ là thông điệp của Magritte, đại biểu xuất sắc của họa phái siêu thực. Nhưng đôi điều phẩm bình và phân tích không nói hết được cái Thần của họa phẩm; người xem phải chiêm nghiệm với toàn bộ tim óc của mình. Với bức tranh dưới đây của Picasso cũng thế, ta đang đối diện một công án hiện đại: người đàn bà này là sản phẩm của ngôn ngữ hội họa thuần túy, bỏ lại phía sau các họa phái tả chân, lập thể, siêu thực... đi tìm sự biểu hiện tương lai ? Hay là nỗi ám ảnh của phi nhân tính và văn minh cơ khí đã tước đoạt tim óc ra khỏi hình hài vô cảm, chỉ còn lại cái đầu của con cào cào cái với chức năng sinh vật?

Pablo PICASSO - Dáng ngồi đàn bà tắm (1930)
    Qua từng bức tranh, ta có thể hình dung nỗ lực của hội họa hiện đại từ phái Ấn Tượng cuối t.k.19 trở về sau. Đây là cuộc thử nghiệm tập thể của nhiều họa phái và nghệ sĩ tạo hình, từ các góc độ và phương pháp đa dạng, khám phá các vùng xa lạ của thực tại. Song song với triết học cùng khoa học thời đại đang chất vấn yếu tính của hữu thể (essence du réel), hội họa không còn đặt niềm tin trọn vẹn vào hình thể và sắc tướng. Như môn thần học trên đà tiêu vong khi không còn Đấng Thiêng Liêng nào bảo chứng, giới tạo hình phương Tây đâm ra ngờ vực con mắt của họ. Sự phản tư này là gì nếu không phải là  ý thức triết học của nghệ thuật, và người họa sĩ khi sáng tác vừa là kẻ thực hành vừa là thí sinh của môn philosophie de l'art ?

Pablo PICASSO - Giấc Mộng (1932)

   Nhưng phản tư của mỹ học cũng không thoát vòng xoáy biện chứng - như quả lắc đồng hồ, giới họa sĩ lại quay về với thực tại hữu hình sau khi đã dấn bước phiêu lưu quá xa theo tư duy triết học. Dĩ nhiên, con người có thể vận dụng hệ thần kinh cao cấp như một thứ siêu-giác quan để sáng tạo. Tuy nhiên, sự từ khước triệt để giác quan và cảm xúc sẽ dọn sạch trần giới kiểu tabula rasa của Descartes, và sau đó chỉ còn ý niệm chập chờn nơi cõi trừu tượng không chiều kích. Dù chỉ là giấc mộng như bức tranh trên đây của Picasso, phái nữ với sắc đẹp tạo hóa ban cho vẫn ám ảnh và an ủi những đứa con của địa cầu này. Nói theo Thiền: " Đầu tiên nhìn ngắm đàn bà; sau đó thấy đàn bà chẳng phải là đàn bà; nay thì đàn bà lại là đàn bà." Đây không hẳn là lời nói đùa; văn- nghệ sĩ phương Tây không ít người đã du lịch, tham quan, học hỏi tư tưởng và nghệ thuật toàn thế giới - đặc biệt là mỹ học phương Đông qua tranh thủy mặc Trung Hoa hay Thiền tông.

 LICHTENSTEIN - Cô gái với quả bóng (1961)
    Trớ trêu thay, trong khi các họa gia đánh đu giữa hư và thực thì chủ nghĩa hiện thực với tả chân bị thị trường tư bản vận dụng thoải mái trong quảng cáo hàng hóa. Bằng các phương tiện media truyền thông đại chúng, dù trong Tivi hoặc điện ảnh, bích chương xa lộ hay các trang báo in ấn sặc sỡ, phái nữ trở thành trung tâm thu hút không chỉ con mắt bị vật chất thôi miên mà luôn cả óc tim khát khao tiêu thụ. Ma lực của mỹ học quảng cáo và thương phẩm dần dà thay thế cho giấc mộng về cái Đẹp vô tư của Kant, đe dọa luôn vị trí tối thượng của Nghệ Thuật trong triết lý Hegel!
   Từ thập niên năm mươi bước sang những năm 60, Pop Art Mỹ ra đời và tấn công giới thưởng ngoạn với hàng loạt tranh vẽ hoặc in của Warhol, Lichtenstein, Rosenquist, Wesselmann...Vào thời điểm ấy, giới tạo hình Hoa Kỳ đã thân thiện bắt tay với văn minh thị trường , không chỉ vẽ để bán nhiều mà còn vẽ nhanh bằng cách sao chép bích chương quảng cáo hay sách tranh hoạt họa. Thay vì phê phán lối sống tiêu thụ vật chất mù quáng và nhàm chán như trường phái Pháp Nouveau Réalisme (Tân Hiện Thực) ở Paris  hay British Pop Art bên Anh  trước đó,  phong trào mỹ thuật trùng tên gọi ở Mỹ gần như đồng lõa cung cách của quảng cáo . Nói theo nhà phê bình nghệ thuật Harold Rosenberg, " cái tôi của nghệ sĩ chẳng còn can dự vào quá trình sáng tạo", và các bức tranh chỉ là sản phẩm của "đầu óc và máy móc" (cerebral and mechanical) hình thành từ ý tưởng có sẵn (The Anxious Object, 75).Tóm lại, sau khi đã đập vỡ nhiều rào vách của thói quen nhìn ngắm và vượt qua nhiều chân trời của thế giới tạo hình , hội họa Âu-Mỹ lại va đầu vào bức tường của một phương thức sản xuất khét tiếng với tham vọng biến mọi thứ thành hàng hóa, như Karl Marx đã cảnh giác khoảng một thế kỷ trước, với nguy cơ trở thành các món hàng mỹ thuật của commercial art.
                                                                                             CHÂN  PHƯƠNG
(còn tiếp )
  
  
  

No comments: