Ông Phạm xuân Nguyên ứa nước mắt than thở : Nhìn ông, tôi bỗng ân hận khôn nguôi. Hóa ra
lâu nay mình sống quá vô tình đối với ông.
Nơi
ở hiện tại của nhà văn Lê Lựu ở Trung tâm văn hóa doanh nhân, số 319 đường
Tam Trinh (Hà Nội), chỉ cách nhà tôi chừng 200 số nhà. Vậy mà đã lâu tôi
không gặp ông...
Đời văn của tôi nếu không có những nhà văn như Lê Lựu hẳn
đã chẳng được hanh thông và nhiều khả năng tôi đã rẽ ngả khác lập nghiệp. Năm
1989 truyện ngắn Chạy trốn của tôi dự thi ở tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Lúc
đưa lên chung khảo Chạy trốn bị loại. Lê Lựu là thành viên ban chung khảo.
Ông phản đối quyết định này. Những nhận xét quyết đoán của Lê Lựu đã thay đổi
số phận Chạy trốn. Nó được các thành viên khác đọc lại và chấp nhận đưa vào
khung với giải nhì. Khỏi nói tôi hạnh phúc biết chừng nào khi đứa con đầu đời
được khích lệ. Lúc đó tôi mới chỉ là người viết trẻ đang tập tễnh đi những
bước đầu tiên. Tôi đã quyết định dấn thân vào nghề văn sau truyện ngắn này.
Cũng phải một thời gian sau đó tôi mới có dịp vinh hạnh được gặp làm quen
ông. Lê Lựu tỏ ra mừng rỡ một cách dễ gần và ông cực kỳ hóm hỉnh. À thì ra cu
Tiến chủ lợn đây à. Con lợn lai giống của em nhảy hay lắm. Chả là nhân vật
của tôi trong Chạy trốn có một con lợn đực
theo chủ đi lai tạo giống nòi ở thành phố. Ông nheo mắt rồi cười rất sảng
khoái.
Nhiều năm sau không dám gọi là thân thiết nhưng khi nào có
dịp gần gụi, tôi luôn coi Lê Lựu như một người anh, người thầy đúng nghĩa.
Chẳng riêng cái ơn “vớt” truyện ngắn giải thưởng mà thật sự tôi kính trọng
văn tài của ông. Tôi đã say mê đọc gần như toàn bộ các tác phẩm của Lê Lựu và
học hỏi được rất nhiều. Từ truyện ngắnNgười cầm súng (1970) đến tiểu thuyết
Mở rừng (1976) là những tác phẩm có thể coi là kinh điển của dòng văn học
thời kỳ chiến tranh. Nhưng thật sự khẳng định vị trí vững chắc của Lê Lựu
trên văn đàn phải là bộ ba tiểu thuyết Chuyện làng Cuội (1991), Sóng ở đáy sông
(1994) và nhất là Thời xa vắng (1986) - một cuốn phim đời mang dấu ấn đau
thương của thời đại.
Gần Lê Lựu mới phát hiện tất cả những gì trong cuốn tiểu
thuyết đó mà đậm nhất là nhân vật chính Giang Minh Sài đã ứng nghiệm vào cuộc
đời của ông một cách vô cùng kinh ngạc và đau đớn bội phần. Thời xa vắng đã
được chuyển thể thành kịch bản phim nhựa đưa lên màn ảnh. Hiện tại có nhà làm
phim đang thúc giục tôi mua bản quyền để chuyển thể tiểu thuyết này thành
phim truyền hình dài tập. Nhưng cuộc đời thật của Lê Lựu còn sinh động, còn
đau khổ gấp nhiều lần nhân vật Giang Minh Sài của ông. Nếu được phép ghép
cuộc đời nhà văn và nguyên mẫu tiểu thuyết, tôi tin đó mới là một kịch bản
đích thực về Thời xa vắng. Chẳng dám mơ
đến điều đó, bởi vậy tôi vẫn dùng dằng suy tính...
Nỗi
đau cuối đời
Ngôi nhà cũ của Lê Lựu ở số 8 Lý Nam Đế tôi mới chỉ đến đó
chơi vài lần. Ông ít tiếp khách ở nhà. Một ngôi nhà mà những người thân thiết
của Lê Lựu đều biết bản thân ông cũng chỉ là “khách”. Hai đời vợ, ba người
con nhưng cuối đời ông phải tự mình xoay xở để lo thân dù cơ thể mang nhiều
trọng bệnh và bản thân không cửa không nhà phải tá túc ở trụ sở cơ quan. Thật
khó có thể ngờ một văn tài như Lê Lựu lại đang trong tình cảnh bi đát như
vậy. Những lần hiếm hoi ông mời tôi đến nhà, lần nào ông cũng có việc để nhờ.
Khi thì chú gọi thợ điện đến kiểm tra hộ anh sao cái côngtơ nó quay tốn tiền
thế. Dứt khoát là cái thằng côngtơ này nó ăn gian, nó mõi tiền của anh. Chả
là lúc đó tôi đang công tác bên ngành điện lực. Đại loại những chuyện vặt
vãnh đó ít người ở tầm cỡ như Lê Lựu lại đi nhờ vả. Nhưng ông là vậy. Chân
tình chứ không phải lạm dụng quan hệ. Tôi quý trọng ông một phần cũng ở cái
sự chân thật rất nông dân này.
Tôi đến lúc nhà văn Lê Lựu đang nằm còng queo trên giường
xem tivi trong căn nhà ông đang tá túc. Bộ dạng của ông trong chiếc áo sơmi
và chiếc quần đùi nom thật thảm. May mà khuôn mặt tương phản với toàn bộ cơ
thể ốm yếu, còn đầy đặn và hồng hào. Vừa nhác thấy tôi đến, nhà văn Lê Lựu đã
thốt ra rất tình cảm, Tiến đấy hả em. Rồi ông bảo với cô cháu nhân viên Trung
tâm văn hóa doanh nhân. Đây này, chú Tiến đấy. Chú Tiến nhà văn gốc điện có
cái truyện con lợn đực đi nhảy lai giống nuôi chủ, tao vẫn nhắc đấy. Đã mấy
chục năm ông vẫn nhớ chi tiết ấy. Không kìm nén được, tôi bật khóc ôm lấy
ông. Tôi là người khóc trước Lê Lựu dù bây giờ ông mắc bệnh cứ gặp ai là lại
mếu máo sụt sùi.
Bi kịch gia đình ông, nhiều người đã biết. Lần này, ông kể
rất lâu về tình cảnh hiện tại của mình. Còn đưa ra cả bản sao trích lục của
tòa án vụ ly hôn hơn bốn chục năm trước. Tôi giật mình về những tiết lộ của
ông. Sao lại khốn khổ đến mức đó cơ chứ. Mảnh đất hương hỏa của dòng tộc
thuộc về ông nhưng giờ lại mang tên trong sổ đỏ người vợ cũ dù bản án đã
tuyên minh bạch mọi điều và những người trong cuộc đã giải quyết dứt điểm mọi
tồn đọng. Thêm nữa, người vợ thứ hai sau khi bán ngôi nhà số 8 Lý Nam Đế có
chia một phần tiền cho ông và đưa ra tờ đơn ly hôn. Ông đã ký nhưng lại không
cầm một bản nào. Đến giờ sau bốn năm, người vợ trên danh nghĩa giấy tờ ấy
biệt tăm ông không biết đang ở đâu dù ông đã hết sức kiếm tìm. Nhà văn ước
muốn trước khi nhắm mắt, miếng đất ở quê lại được mang tên ông để ông ủy
quyền cho cháu họ và con gái thay nhau hương khói tiên tổ. Và nữa Lê Lựu muốn
dứt điểm ly hôn người vợ thứ hai đã cạn nghĩa cạn tình. Để làm gì? Để không
vướng mắc khi ông chết, mọi tài sản còn lại của ông sẽ vẹn nguyên dành cho
Quỹ nhà văn Lê Lựu, để tránh được một cuộc chia chác tài sản đau đớn lần thứ
hai.
Chao ôi, đắng đót làm sao. Nhìn ông lần từng bước vịn vào
tường cố đi ra tiễn khách, tôi phải vận sức nuốt ngược nước mắt vào trong.
Tôi đưa ông vài tờ bạc làm quà nhưng Lê Lựu gạt đi. Cảm ơn em, tiền quý nhưng
anh không cần. Anh cần Tiến giúp, cần mọi người giúp cho tâm nguyện cuối cùng
của anh được thỏa ước.
Tôi đi thật nhanh tránh cơn xúc động cứ trào lên trào mãi.
Em tin còn có sự công bằng anh Lựu ạ. Mọi người rồi sẽ cùng nhau giúp
anh...
Lê
Lựu và những cái nhất
Cái nhất đầu tiên là tiểu thuyết Thời xa vắng. Công cuộc
đổi mới đất nước vừa được mở ra thì ngay lập tức văn học đã ghi được dấu ấn
bất ngờ bằng tác phẩm này của Lê Lựu. Ông viết từ mình, rút ruột mình ra mà
kể chuyện mình, chuyện một người nhưng là chuyện của nhiều người, chuyện của
một thế hệ, chuyện của một thời. Cái thời đó tác giả gọi là “thời xa vắng”
nhưng thật ra vẫn chưa qua. Đó là cái thời nhân vật Giang Minh Sài sống không
phải là mình, nửa đời trước sống cho cái mình không có, nửa đời sau sống chạy
theo cái không phải của mình. Nhân vật văn chương này đã được nhớ tên, được
coi như một định ngữ chỉ một kiểu người, một kiểu sống, điều này rất ít có
trong văn chương nhiều năm trước đó vốn chỉ có hình tượng nhân vật tập thể mà
không thể gọi tên một nhân vật cụ thể nào. Thời xa vắng đã được đón đọc nồng
nhiệt, ai đọc cũng thấy mình trong đó, và được giới phê bình coi là tác phẩm
mở đầu cho một xu hướng của văn học đổi mới - xu hướng nhận thức lại thực
tại.
Cái nhất thứ hai là chuyến đi Mỹ đầu tiên của một nhà văn
cựu chiến binh Việt Nam (1988). Hồi đó đi nước ngoài là cả một chuyện khó
khăn về thủ tục, chưa nói đến hành trình, còn đi Mỹ thì càng ngặt nghèo. Nhà
văn gốc nông dân gốc lính Lê Lựu đã phải nằm ở Bangkok ba tuần chờ thủ tục
visa, đã một thân một mình tìm đường ở các sân bay với vốn liếng tiếng Anh
chỉ là hai từ “help me” được mách từ ở nhà. Vậy mà ông đã đến được nước Mỹ
tiếp xúc với các nhà văn cựu chiến binh Mỹ từng là kẻ thù trước đây, gặp gỡ
độc giả, nói chuyện tuần hai - ba ca, giúp cho những người Mỹ được gặp ông từ
còn là hằn thù, nghi kỵ dần cởi bỏ được những vướng mắc, tiến tới chỗ bắt đầu
hiểu nhau. Chuyến đi Mỹ đó của Lê Lựu nói chữ thì là làm “ngoại giao nhân
dân”, còn nói theo cách ví von của nhà văn thì hai nước như hai nhà có xung
đột, đánh nhau, nay muốn tìm cơ hội làm lành thì trước hẵng cứ xua con chó,
con mèo chạy qua bờ rào hai bên xem thế nào đã.
Cái nhất thứ ba là Trung tâm văn hóa doanh nhân. Đất nước
mở cửa, hội nhập, chấp nhận nền kinh tế thị trường, tầng lớp doanh nhân được
cơ hội phát triển, làm giàu cho bản thân và cho xã hội. Nhưng kinh tế không
thể tách rời văn hóa, làm giàu mà chỉ biết có tiền thì chỉ là anh trọc phú.
Lê Lựu đứng ra thành lập trung tâm với tên gọi “văn hóa doanh nhân” quả là
nhạy bén, đúng lúc. Ông giám đốc Trung tâm văn hóa doanh nhân Lê Lựu vốn
không quen nghề buôn bán đã phải vất vả, tất tả duy trì sự tồn tại của nó cho
đến nay. Có ông thì trung tâm vẫn tồn tại.
Cái nhất thứ tư nhưng là cái nhất xuyên suốt là chất nông
dân với tất cả mọi sắc thái ý nghĩa của từ này. Lê Lựu nhìn đã biết là người
của nông thôn, làng quê từ dáng vẻ thân hình, lời ăn tiếng nói, cho đến quần
áo trang phục, cách nghĩ cách cảm. Một chất quê vừa là đặc sản vừa là đặc
trưng. Và ngẫm ra, suốt đời văn của mình, Lê Lựu chỉ viết về người nhà quê trong
người mình và những người quanh mình, dù cho họ có sống ở thị thành bao năm
đi nữa. Có lẽ vinh quang, thành công và cả cay đắng của Lê Lựu trong đời và
văn cũng là từ đấy.
PHẠM XUÂN NGUYÊN
|