Tuesday, July 2, 2013

Nam Dao

Hà Nội, trong mắt một người mù

Cuốn phim  ‘’Hà Nội trong mắt ai’’ (HNTMA) của đạo diễn Trần Văn Thủy bắt đầu bằng tiếng ghi-ta một nhạc sĩ mù.  Kính đen sụp xuống mũi, nhạc sĩ gảy đàn như thể cố nhìn cho ra Hà Nội. Mắt người  mù chắc chỉ có màu đục của bóng đêm, và ai đó đã ở HN vào năm 82, thuở cuốn phim ra đời, chắc hẳn đều biết khi đêm về lác đác hai vệ đường chỉ  lờ mờ hiu hắt ánh đèn dầu những hàng thuốc lá thuốc lào bán lẻ. Vâng, năm 82 dân ta còn ăn độn bobo, phố phường chỉ toàn xe đạp, nào có đâu  xe gắn máy rú rít quanh bờ hồ, và rồi nay, thời đúpV-tê-U thì nào Lexus, nào Mercedes...chạy vòng vòng ngạo nghễ. Vâng, năm 82, do ông Nguyễn Khắc Viện mời, tôi được xem HNTMA ở nhà xuất bản Ngoại Văn trên phố Trần Hưng Đạo. Ông ngồi cạnh, im lặng,  khắc khổ, đầu hơi cúi xuống. 

Tôi thì không lòng dạ nào đi dạo tìm hơi hướng cô tổ thơ nôm Hồ Xuân Hương, hay viếng Nghi Tàm thăm nơi bà huyện Thanh Quan từng cư ngụ, và cũng chẳng  hề biết mộ phần của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm  cũng đâu đây trong vùng sóng nước Dâm Đàm, tên xưa ta gọi Tây hồ. Hà Nội thời đó với tôi là Hà Nội đói khó, xác xơ, nghi kị đến mức ai nói gì cũng thì thào, và có cái thói quay lại xem sau lưng có ai  nghe thấy mình không. Là Hà Nội lắm mưu đồ phe phái, nhan nhản nghị quyết, và đầy khẩu hiệu viết bằng sơn đỏ trên những mành tường vôi long lở.  Là Hà Nội chập chững trong vòng dây những giáo điều cứng ngắc, tự trói mình và kéo luôn cả dân tộc sa vào một vũng lầy phản lại tiến hóa...Lắng đọng lại trong tâm trí tôi chỉ có tiếng trống Đăng Văn thời nhà Lê có nhắc lại  trong HNTMA. Nếu ngày nay trống có hàng trăm chiếc, dân đến đánh hẳn  đánh đến thủng mặt trống, âm vang vang truyền đến hàng chục đời. Ông Viện [i] ngậm tăm, hình như có thở dài. Rồi ông thủng thỉnh bảo, người làm phim cốt yếu nói đến hai chữ Tâm và Dân, mục đích nhắc nhủ lời Nguyễn Trãi cho những người cầm cân nẩy mực đời nay. 

Nhưng thời đó tôi không hề biết Thủy gặp khó khăn,  nghệ thuật anh ‘’ ám chỉ’’  và ‘’ ẩn dụ’’, khiến  những  kẻ có tật ắt phải giật mình. Tôi có cảm tình, nhưng sau truân chuyên lưu lạc, tôi không  có dịp biết gì thêm về anh. Phải đến khi anh sang Mỹ, và các bạn tôi là Hoàng Khởi Phong và Cao Xuân Huy in ‘’ Nếu đi hết biển’’  năm 2003  và phát hành DVD ‘’ Chuyện tử tế ‘’  năm 2007 [ii], thì tôi mới ‘’ hiểu ‘’ được Thủy phần nào.  Tôi nói với Phong ‘’ chơi được!’’. Phong cười ‘’ quá được đi ấy chứ! ‘’ và khi đó tôi nhờ Phong liên lạc với Thủy. Thế là đến 2013 tôi mới lò mò đến thăm anh. Vui. Và rất thẳng thắn. Kể  về Huy, cậu em rể hụt của tôi, Thủy nhắc đoạn anh chuyện với Huy về Hoàng Sa  và phát cáu quát ‘’ Mày biết và sống  mà không kể lại thì ai kể nào?’’. Nay Huy đã thành người  thiên cổ, tôi xin chép lời anh trong  ‘’ Nếu đi hết biển ‘’:
...Những kỷ niệm về chiến trận,...về tù đày thì nhiều, nhiều lắm. Nhưng điều đáng nhớ nhất lại không phải ở chuyện đánh trận hay chuyện tù đày, mà lại là chuyện không bảo vệ được lãnh thổ, anh ạ. Tết năm 74, tiểu đoàn tôi  đang ứng chiến ở Phú Bài, Huế, thì Trung Cộng đánh chiếm Hoàng Sa....Tiểu đoàn tôi  là lực lượng trù bị của Quân đoàn, được lệnh chuẩn bị ra đánh lấy lại Hoàng Sa...Gì chứ đánh nhau để bảo toàn lãnh thổ,  lính tráng tụi tui thằng nào cũng háo hức, tuy biết  đi là chết nhưng đánh nhau để giành lại đất nước, từ quan đến lính chúng tôi thằng nào cũng hăm hở. Nhưng ngay lúc đó, mặt trận trong nội địa miền Trung cũng nở rộ, những cuộc  tấn công lớn của những đơn vị Bắc Việt đã cầm chân chúng tôi, chúng tôi không có lệnh xuất quân đến Hoàng Sa. Tin tức, hình ảnh ...làm chúng tôi thấy nhục. Nhục chứ anh, địa danh nào trong tay Miền Bắc hay Miền Nam thì cũng là của người Việt Nam. Hoàng Sa bị Trung Cộng chiếm mà không lấy lại, tôi nghĩ, miền Bắc và cả miền Nam đều có tội với tổ tiên, với cha ông.... Ông cha ta  chèo thuyền giong buồm mà vẫn bảo vệ được những hòn đào nhỏ xíu ở tít tận mù khơi. Vậy mà bây giờ, quân đội của hai miền tự nhận là thiện chiến nhất nhì thế giới  lại bỏ mặc  một phần lãnh thổ lọt vào tay ngoại bang. Tôi hỏi anh chứ, chính anh, anh có thấy nhục không? Một trăm năm, một nghìn năm, hay đến tận bao giờ chúng ta mới lấy lại được Hoàng Sa ?... Đã mất, hay sẽ còn mất thêm?
Buổi trưa qua đi, một thoắt. Chúng tôi ngồi với nhau, cứ thế, và bóng chiều xuống dần, nhẫn nhục, chần chừ nhưng không khác được. Chúng tôi nói đủ thứ chuyện, nhưng  rồi  thế sự du du nại lão hà,  cuối cùng vẫn là chuyện tay  gỡ tóc đã bạc màu mà lòng thì khắc khoải chưa làm thế nào kéo lại được bóng dáng một mùa xuân. Ai cũng có một cách thế riêng. Tôi lan man nói về Bờ Kia, một tiểu thuyết tôi cưu mang  hai, ba năm nay nhưng chưa thực hiện được. Tôi thắc mắc đặt những tra vấn chưa thể giải đáp, bắt văn chương còng lưng mang gánh  nợ đời...Thủy  khoát tay, giọng đanh lạ ‘’ Việc đ...  gì mà phải hư cấu, cứ bám lấy  hiện thực, bao nhiêu chuyện tai nghe mắt thấy  còn vượt  hư cấu xa...’’ Tôi đáp, rất bản năng ‘’ Ai có dao dùng dao, ai có súng dùng súng, ai không dao không súng mà chỉ có cái miệng  thì nhe răng ra cắn...   Và nhổ nước bọt ‘’.
Dĩ nhiên, đó là một phản ứng hời hợt. Lẽ ra tôi phải nói HNTMA dẫu là phim ‘’tài liệu‘’  nhưng có cấu trúc thì đã là hư cấu, và chính phần hư cấu là phần hồn của tác phẩm. Giống như  viết bút ký, nào đâu chỉ người thật việc thật. Và dưới ánh sáng văn chương XHCN, người tốt việc tốt. Chạm vào đến thể chất tâm linh trong con người khiến họ cảm thông chia sẻ, làm sao một  tác phẩm nghệ thuật tránh được hư cấu, cách nói đơn giản là khả năng tưởng tượng  một  thứ hiện thực nối dài của cái thấy được, cái nghe được, cái sờ được để cho người đọc cảm được...Nhưng thôi, ngắn ngày ngắn giờ, chúng ta  không nên mất thời gian vào chuyện tào lao chi tướng. Tôi kể Thủy nghe  chuyện hôm trước tôi đến nhà xuất bản Tri Thức, đề nghị (đùa thôi) là Hà Nội ta nên lập ra  Liên Hiệp những người tử tế, và phần tôi, tôi sẽ đề cử Thủy làm Chủ Tịch. Tôi nhủ trong lòng, Thủy này là một tay hảo hán, thứ động vật quí hiếm ngày càng mai một.



No comments: