Thursday, July 4, 2013

NGÀY ĐỘC LẬP Ở MỸ

                          

                                                                            CHÂN  PHƯƠNG
 
    
      Một trong những người nước ngoài đầu tiên tham dự Ngày Lễ Độc Lập ở Hoa Kỳ là nhà tư tưởng Pháp Alexis de Tocqueville. Năm 1831 tại Albany- thủ phủ tiểu bang New York, ông được mục thị cuộc diễn hành mừng sự ra đời nước Mỹ và ông  đã viết thư cho em gái như sau:" Anh cam đoan với em rằng đây không phải là một tuồng kịch. Nghe đọc các lời hẹn ước cho nền độc lập khi cả một dân tộc tưởng nhớ lại ngày chào đời của họ, ta cảm nhận được một niềm xúc động sâu xa và thực sự lớn lao." 

   Câu nói - ALL MEN ARE CREATED EQUAL! MỌI NGƯỜI KHI SINH RA ĐỀU BÌNH ĐẲNG!  là kết tinh cao nhất của tư tưởng chính trị trong thế kỷ Khai Sáng (t.k.18 - Siècle des Lumières), tư tưởng này được tái khẳng định trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền cuối năm 1948 và đã nêu tôn chỉ cho mọi bản Hiến Pháp văn minh từ 1776 trở đi. Có thể nói ngày July Fouth là biểu tượng huy hoàng của một khái niệm phổ quát đã hóa thân vào thực tế lịch sử để sản sinh nước Mỹ - quốc gia đầu tiên trên trái đất bảo đảm quyền sống tự do cho mọi công dân, và một nước cộng hòa dân chủ đã nhanh chóng lớn mạnh từ nền móng văn hóa-chính trị ấy. Được chứng kiến và giác ngộ về nếp sống dân chủ Hoa Kỳ trong chuyến tham quan hiếm có ấy, Tocqueville đã thai nghén từ 1835 đến 1840 tác phẩm lớn De la Démocratie en Amérique ( Luận về Nền Dân Chủ ở Mỹ) với một đoạn văn như sau  trong phần dẫn nhập:

                 Une grande révolution démocratique s'opère parmi nous; tous la voient, mais tous ne la jugent point de la même manière. Les uns la considèrent comme une chose nouvelle, et, la prenant pour un accident, ils espèrent pouvoir encore l'arrêter; tandis que d'autres la jugent irrésistible, parce qu'elle  leur semble le fait le plus continu, le plus ancien et le plus permanent que l'on connaisse dans l'histoire. ( Một cuộc đại cách mạng dân chủ đang diễn ra trong [các xã hội] chúng ta; mọi người đều nhìn thấy nhưng không có chung cách đáng giá nó. Có những kẻ quan niệm nó là một chuyện mới lạ, và nghĩ rằng đấy là một tai nạn mà họ hi vọng còn có thể chặn đứng; trong lúc những người khác cho rằng không gì có thể ngăn cản được cuộc cách mạng này bởi vì đấy là một sự kiện liên tục nhất , lâu đời và thường trực nhất trong suốt lịch sử.) 

    Đọc lại mấy dòng này và tham chiếu với thế sự toàn cầu hôm nay, chúng ta một lần nữa học được một kinh nghiệm tri thức (rất quí cho những ai tin theo chủ nghĩa hoài nghi hậu hiện đại chẳng hạn, cũng như một số đầu óc chống phá tinh thần khoa học hoặc sự tiến bộ do lý tính đem lại) : Có những tư tưởng và siêu tự sự vượt thời gian vì chúng tiếp tục truyền đạt các khát vọng phổ quát của loài người. Dù tường Bá Linh đã vỡ nát, dù Mùa Xuân Ả Rập vẫn đang sôi sục - các thế lực phản dân chủ trên trái đất tiếp tục ngoan cố chống trả đợt sóng thần của lịch sử bằng bạo lực quân sự- công an hoặc bằng mớ sách lược mị dân giai đoạn. Và khái niệm cao quí của "Nền Cộng Hòa Dân Chủ" chỉ thành hiện thực trên mặt đất nhờ vào sự đấu tranh bền bỉ của các công dân luôn luôn ý thức về hiểm họa lạm dụng quyền lực của các guồng máy cai trị . Ngày July 4th năm nay với sự kiện Snowden và các cuộc xuống đường ở nhiều thành phố trên nước Mỹ cũng là dịp cho mọi người suy nghĩ về tương quan biện chứng giữa tự do và tù đày, giữa thông tin và kiểm duyệt, giữa dân chủ và chuyên chế - hằng ngày vẫn diễn ra ngay tại cái nôi của Cuộc Cách Mạng Dân Chủ Đầu Tiên trong lịch sử!
                                                                                                                     Boston*, July Fourth 2013
 
  
 * Giữa Boston - thủ đô lịch sử đầu tiên ở Mỹ - và ngày Độc Lập July Fourth có một liên hệ rất đặc biệt.  Sau khi George Washington được Hội Đồng Kháng Chiến bầu làm đại tướng tổng chỉ huy, ông đã mang quân lên Boston để thống nhất các toán nghĩa binh tại Cambridge (thị trấn đối diện Boston bên kia sông Charles) . Tại miếng đất trống bên cạnh đại học Harvard, nghĩa quân đã bầu Washington làm nguyên soái và ông đã đọc lời hiệu triệu ba quân vào ngày 4 tháng 7 năm 1775. Đúng một năm sau, 4-7-1776, Hội Đồng Kháng Chiến (Continental Congress) cùng ký tên vào bản Tuyên Ngôn Độc Lập (Declaration of Independence) do Jefferson soạn thảo. Âu cũng là con số trùng hợp tình cờ nhưng thiêng liêng đối với sự ra đời của quốc gia được dân Mỹ đặt tên là "Glorious Fouth"  (con số bốn vinh quang), khởi sự từ các cuộc biểu tình và chạm súng ở Boston, Lexington, Concord của bang Massachusetts - Cái Nôi của Cách Mạng Mỹ (Cradle of the American Revolution). Cũng tại Boston này mà Nguyễn Ái Quốc trong thời gian học làm bếp ở khách sạn Omni Parker đã có dịp tìm hiểu về cuộc khởi nghĩa chống Anh quốc thuở nào cũng như học tiếng Anh để có thể tham khảo Declaration of Independence của Jefferson mà ông đã sao chép tinh thần trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập đọc tại Ba Đình vào một ngày tháng 9 năm 1945.

Lời hiệu triệu ba quân đọc tại Cambridge

George Washington nhận chức nguyên soái dưới gốc cây này
 
        
             

1 comment:

Harmony said...

Một ngày trọng đại, vinh quang cho một dân tộc, do những bộ óc sáng suốt, vĩ đại làm nên.