Wednesday, July 3, 2013

Nhà văn Fowler


Zelda Fitzgerald: Tiểu thuyết hay đời thực?

Một cuốn tiểu thuyết làm trái tim bạn tan vỡ, làm bạn bị mê hoặc. Một câu chuyện về tình yêu, khát vọng, sự phản bội, về sự tranh đấu của một người phụ nữ đặc biệt để toả sáng trong thế giới này…Báo chí, đang nói về cuốn sách mới nhất của nữ nhà văn Fowler, Z: A Novel of Zelda Fitzgerald, ra mắt ngày 11/4 vừa qua. Và người phụ nữ đặc biệt trong tiểcác cây bút phê bình Mỹ u thuyết này là Zelda Fitzgerald.

Có một trùng hợp thú vị, tháng 5 này LHP Cannes sẽ mở màn với bộ phim mới nhất được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của một trong những nhà văn lớn nhất thế kỷ 20 của nước Mỹ - F.Scott Fitzgerald, The Great Gatsby (qua diễn xuất của Leonardo DiCaprio, Carey Mulligan). Mở đầu The Great Gatsby, tác phẩm đã được xuất bản tiếng Việt (Trịnh Lữ dịch) với tựa đề Đại gia Gatsby, “Một lần nữa tặng Zelda” - Scott Fitzgerald đã đề như thế.  Nếu người vợ của nhà văn lừng danh chỉ ăn chơi khét tiếng để rồi hóa điên và chết trẻ (ở tuổi 48) thì cũng chẳng mấy ai nhớ đến bà. Nhưng Zelda bất tử bởi hình tượng của bà đã được đưa vào tác phẩm bất hủ cay đắng về “sự rỗng tuếch của giấc mơ Mỹ”.
Trong quá trình nghiên cứu để viết một cuốn tiểu thuyết về Zelda, nữ nhà văn người Mỹ Therese Anne Fowler muốn tìm kiếm ở Zelda một con người sâu sắc hơn những gì người ta thường nói về bà: điên loạn, phá phách, hư hỏng và ham giàu sang phú quý (người ta còn nói cũng chính Zelda biến chồng mình thành kẻ nghiện rượu và phá hoại sự nghiệp của ông).
Tất cả đều đúng. Zelda là một người đẹp miền Nam, quê ở thủ phủ Montgomery của bang Alabama, nổi tiếng vì những màn ăn chơi nổi loạn: nhảy nhót trên bàn ở quán rượu, khỏa thân lặn xuống các đài phun nước, leo lên nóc xe taxi ở New York… Có ai muốn sống và viết bên cạnh một người như thế, có lẽ không ai cả, trừ F.Scott Fitzgerald, nhà văn lớn không chỉ của nước Mỹ.
Sinh năm 1900, Zelda là con gái út sôi nổi và cứng đầu của một thẩm phán tòa án tối cao. Khi Zelda gặp gỡ Scott Fitzgerald, một chàng trai Mỹ gốc Ireland lúc đó đang học Đại học Princeton, tại một câu lạc bộ đêm vào năm 1918, cha mẹ Zalda khuyên không nên dính vào.
Hành xử đúng như tính cách của mình, Zelda bất chấp lời khuyên đó, dù chính cô cũng ngại ngần vì Scott đang được huấn luyện trong một căn cứ quân sự địa phương, sắp sửa sang chiến đấu ở Pháp và nhiều khả năng không bao giờ trở lại. Cuối cùng, Scott có đi Pháp thật, nhưng chiến tranh kết thúc trước khi anh đến nơi.
Tiếp đó là quãng thời gian 2 năm yêu nhau đầy biến động, khi Scott cố gắng tạo dựng  một sự nghiệp viết lách. Viết xong tiểu thuyết đầu tiên, This Side Of Paradise (Bên này thiên đường - chính là tác phẩm về sau mang đến danh tiếng và tiền bạc cho Scott), Scott bán cho nhà xuất bản lấy một ít tiền, sau đó bán thêm một truyện ngắn để làm phim. Khi đó, Zelda bỏ nhà để cưới Scott, cô chưa đến tuổi 20.
Đó là đầu thập niên 1920, Thời đại jazz mới bắt đầu. Phụ nữ uống rượu và hút thuốc nơi công cộng, mặc váy đến đầu gối, nhảy nhót theo những giai điệu hoang dại và hôn đàn ông dù chẳng yêu cũng chẳng muốn cưới họ. Trong một xã hội Mỹ nổi loạn như thế vào năm 1920, cặp vợ chồng Fitzgerald không nằm ngoài cuộc chơi mà họ chính là những kẻ dẫn đầu. Nhà Fitzgerald tổ chức những bữa tiệc ầm ĩ ở các phòng khách sạn hạng sang (nghe không khác gì nhân vật Gatsby), sống bất chấp luật lệ và nhanh chóng trở nên nổi tiếng.
Nhưng, thành công đến sớm rất khó dài lâu. Scott quyết định phải viết nhiều hơn, kiếm thêm nhiều tiền và bớt tiệc tùng đi, vì vậy họ chuyển đến Pháp sống. Paris những năm 1920, đó là nơi hội tụ của “Thế hệ mất mát” gồm những nghệ sĩ lớn: Gertrude Stein, Picasso, Cole Porter, Ernest Hemingway. Khi danh tiếng, tài sản càng khó nắm bắt, các nghệ sĩ càng trở nên bất an. Cuộc sống của họ luôn có rượu.
Zelda, người yêu múa ballet, cũng thích viết lách và có cả tài vẽ, đã cố gắng theo đuổi những đam mê của mình trong khi Scott không ngừng di chuyển, tìm kiếm cơ hội. Một trong những tác phẩm của Zelda là tiểu thuyết nửa tự truyện Save Me The Waltz (tạm dịch: Hãy để dành điệu waltz cho em) lấy cảm hứng từ cuộc hôn nhân sóng gió của mình.
Nhưng Zelda không bao giờ có được sự nghiệp văn chương nổi danh như chồng mình, dù một nhà phê bình nổi tiếng thời đó đã nhận xét bà “thông minh hơn chồng”. Còn Scott lại tức giận vì cho rằng cuộc hôn nhân của họ là chất liệu của riêng ông. Scott ngày càng nghiện rượu, viết ít hơn, trở nên đề phòng và khắt khe. Họ bắt đầu cãi nhau, ghen ghét và ngờ vực, rồi lần lượt suy sụp.
Khi bộ phim chuyển thể The Great Gatsby của đạo diễn Baz Luhrmann chuẩn bị ra rạp, một lời đồn đại dai dẳng được nhắc lại: Zelda Fitzgerald và Daisy Buchanan (nhân vật nữ chính trong phim) là một. Chẳng có gì bí mật, Scott rõ ràng đã “mượn” Zelda làm hình mẫu cho nhân vật nữ nổi tiếng trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của mình - Đại gia Gatsby (1925). Nhà văn mượn cả những dòng nhật ký của vợ và chuyện đời của cả hai để đưa vào trang sách. Daisy là một Zelda đáng yêu, lãng mạn hơn. Nhưng nhìn vào cách ứng xử tàn nhẫn của Daisy ở phần cuối cuốn tiểu thuyết và một Zelda phức tạp hơn ngoài đời, sẽ hình dung ra cả một thế giới nội tâm thú vị của người kể chuyện – chính là Scott.
Scott hiểu rõ về Zelda và những cô gái như Zelda (Daisy chẳng hạn), họ giả tạo và phù phiếm, sẵn sàng ngoảnh mặt với người đàn ông vào lúc cuối cùng (điều Daisy đã làm với Gatsby). Nhưng tại sao nhà văn vẫn yêu vợ? Đó mãi mãi là câu hỏi không nên trả lời.
Năm 1930, Zelda bị chẩn đoán tâm thần phân liệt. Bà trầm cảm, kiệt sức và hoang mang. Khủng hoảng tinh thần và luôn hành động trước khi suy nghĩ. Thời nay người ta biết đó là một dạng bệnh tâm thần trầm trọng cần đến thuốc và điều trị, trị liệu. Nhưng thời đó, người ta chỉ đơn giản xếp nó vào dạng vấn đề về cảm xúc.
Scott qua đời năm 1940 ở tuổi 44 vì một cơn đau tim. Zelda qua đời 8 năm sau đó trong một vụ cháy tại một bệnh viện tâm thần ở North Carolina. Bà đang ngủ trong phòng bệnh ở tầng cao nhất. Cặp đôi Fitzgerald nổi tiếng không có được cái kết có hậu như những câu chuyện cổ tích.
Theo Mi Ly 
 
 
 

No comments: