Văn chương lâm nguy
Tzvetan Todorov
Tzvetan Todorov. Sinh năm 1939, năm 1970 cùng Gérard Genette lập ra tạp chí Poétique và tủ sách cùng tên. Tác phẩm chính: Théorie de la littérature, textes des formalistes russes, 1965, Littérature et Signification, 1967, Introduction à là littérature fantastique, 1970, Poétique de la prose, 1971, Théories du symbole, 1977, Symbolisme et Interprétation, 1978, Les Genres du discours, 1978, Mikhaïl Bakhtine, le principe dialogique, 1981, Critique de la critique, 1984, La Littérature en péril, 2007.
Câu hỏi đầu tiên của tôi liên quan tới Văn chương lâm nguy, trong đó ông đã viết những lời rất nặng nề về lý thuyết văn học. Sự phê phán ấy là nhằm tới toàn bộ lý thuyết văn học hay chỉ chủ yếu là việc giảng dạy nó ở trường trung học? Việc giảng dạy này là vấn đề mà ông nêu ra làm điểm xuất phát, nhưng dù thế nào thì người ta cũng có cảm giác về một dạng khái quát hóa.
Sự phê phán của tôi đối với lý thuyết văn học hướng vào cách người ta sử dụng nó, nhưng không chỉ là ở trường trung học. Quả thực là hướng vào cách sử dụng chứ không phải bản thân các công trình, vì tôi thấy rằng các công trình vẫn có nhiều tính chất soi rọi cho việc hiểu văn bản văn học; thế mà cũng có thể nói rằng chân trời tối hậu của mọi công trình về văn chương là làm người ta hiểu các văn bản hơn. Chẳng hạn, những công trình của người bạn thân thiết và cộng sự của tôi, Gérard Genette, về bản tính các văn bản, cả văn học lẫn không phải văn học, đều rất chính xác, nhiều tính chất xây dựng và soi rọi. Xuất phát từ đó, mọi thứ tùy thuộc vào cách người ta sử dụng chúng. Với tôi, điều cốt yếu là làm sao cho phân tích lý thuyết hay hình thức chỉ là một phương tiện chứ không phải một mục đích. Lý thuyết văn học không được trở thành một mục đích tự thân; nếu thành ra như thế, nó sẽ xoay quanh chính nó, các lý thuyết gia bình luận công trình của các lý thuyết gia khác mà không bao giờ tự hỏi xem những đóng góp lý thuyết ấy có thể cải thiện gì cho việc phân tích văn bản hay không. Phiên bản đầy biếm họa của cách nhìn này phát triển ở trường học, tại Pháp thì là ở trường cấp hai và cấp ba, nơi thay vì các văn bản, học sinh lại học các biện pháp tu từ hay các thủ pháp tự sự. Học sinh biết phân biệt métalepse và paralipse, nhưng chưa bao giờ đọc Hoa ác hay Bà Bovary, cũng không có khả năng nói về những tác phẩm ấy, không có khả năng hiểu tại sao ngày nay những tác giả đó vẫn còn được đọc, những nghĩa nào chi phối tác phẩm của họ và đâu là vị trí của họ trong lịch sử văn hóa Pháp. Tôi thấy một kết quả như thế thật là thảm họa.
Cách sử dụng lý thuyết mà ông phê phán có phải là lý do duy nhất khiến văn chương lâm nguy không, hay ta có thể hình dung ra những hướng khác nhằm giải thích sự suy tàn có thể của văn chương? Liệu có phải là quan phương quá không khi quy trách nhiệm sự biến mất của một nền văn hóa văn chương cho một sự áp dụng nào đó của lý thuyết vào trong giảng dạy?
Dĩ nhiên, đó không phải lý do duy nhất. Nhưng cuốn sách của tôi xuất phát từ việc nêu lên thực tiễn học đường, và vì thấy rằng thực tiễn học đường này thật đáng bàn, tôi đã tìm hiểu những điều biện minh cho nó, tức là bản thân lý thuyết. Nói rõ hơn, là cái ý tưởng cho rằng văn chương tồn tại trong một thế giới không có gì chung với thực tại xã hội. Đó là một vị thế lý thuyết đã buộc văn chương phải trở thành một dạng thực hành dành cho một “happy few” [thiểu số hạnh phúc] và làm như thể việc giảng dạy văn chương ở trường trung học chỉ có thể hấp dẫn được các chuyên gia văn học tương lai, trong khi - theo tôi - lẽ ra nó phải hấp dẫn tất cả những người quan tâm tới thân phận con người! Văn chương, đó là khoa học thứ nhất và tốt nhất về con người. Và chính bởi vậy tôi gán cho nó một vai trò hàng đầu, mang tính chất quyết định đối với giáo dục.
Để quay trở lại với câu hỏi của ông: tất nhiên là có những lý do khác nữa và những lý do khác này tên là sự thương mại hóa, sự cạnh tranh của các phương tiện truyền thông khác, quá trình đám đông hóa các thú vui, những cái đó không nhường lại chỗ cho các khoái lạc theo kiểu chậm chạp như các khoái cảm văn chương. Tôi không thích chơi trò tiên đoán như các Cassandre mà nói rằng: mọi thứ đã kết thúc, không còn văn hóa nữa, không còn văn chương nữa; nhưng tôi thấy là thực sự hiện nay đang có một sự đảo điên nào đó. Tuy nhiên, các lực của xã hội ấy khó kiểm soát và làm chủ hơn nhiều, vì chúng không bao gồm các tác nhân đơn lẻ, những chủ thể có thể xác định. Ngược lại, tại một đất nước tập trung hóa cao độ như Pháp, hoàn toàn có thể hình dung được việc thay đổi giảng dạy ở nhà trường, và một hình ảnh khác về văn chương, một định nghĩa khác, có thể dùng làm điểm xuất phát cho công việc đó. Vậy nên, điều mà người ta có thể trách cứ ở trường học là đã không đóng được vai trò của thành trì để kháng cự lại trước những sức ép nảy sinh từ phần còn lại của xã hội.
Vẫn trong Văn chương lâm nguy, ông phê phán tính chất phi dẫn chiếu [anti-référentialisme] của lý thuyết, việc nó đặt văn chương như một cái gì đó tách rời khỏi thế giới. Dòng văn chương phát xuất từ định kiến ấy một cách hiển ngôn sẽ ra sao (tôi nghĩ đến Mallarmé, Raymond Roussel, Tiểu thuyết Mới): nó có chịu cùng sự phê phán ấy không?
Đối với tôi, sẽ là không hợp thức nếu phê phán các nhà văn bởi vì họ viết theo cách thức này chứ không phải cách thức khác. Điều đó hẳn sẽ hàm nghĩa rằng nếu cho họ những lời khuyên tốt, họ sẽ tạo ra được một văn chương hay hơn. Thế nhưng, nếu các nhà văn làm theo những lời khuyên của các lý thuyết gia hoặc những tác giả như tôi, có nhiều nguy cơ là họ sẽ không trở thành các nhà văn giỏi! Trước hết họ phải đi theo một dạng tiếng nói nội tâm, và cách thức viết của họ phải được họ trải nghiệm giống như một sự cần thiết tuyệt đối, chứ không phải như một lời khuyên từ một vị giáo sư có tên tuổi được kính trọng. Vì lẽ đó, sự phê phán của tôi không hướng vào dòng văn chương hình thức chủ nghĩa và tự thu vào chính mình, cái dòng xuất phát từ Mallarmé cho tới Alain Robbe-Grillet, nếu ta có thể tự cho phép mình tạo ra một lối tắt theo kiểu đó (nhưng tất nhiên là không nên rồi!), mà là cái phê bình đã phủ vinh quang lên cho nó. Quả đúng là, cá nhân mà nói, tôi rất ít bị thứ văn chương ấy thu hút. Trong những năm 1960, tôi, cũng như nhiều đồng nghiệp khác, ngây ngất trước những sáng tạo hình thức của các tác giả, nhưng không phải vì thế mà tôi ngừng quan tâm đến chủ đề những cuốn sách của họ, đến cái nghĩa mà người ta có thể tìm được ở trong đó, đến các giá trị và các tư tưởng. Trong cuốn sách đầu tiên có đôi chút tiếng tăm của tôi, Dẫn nhập văn chương kỳ ảo (1970), tôi đã nghiên cứu cả các đặc trưng hình thức của thể loại này, cũng như các chủ đề của cái huyền ảo, những quan hệ của nó với lịch sử xã hội hoặc với cơ chế tâm thần của con người. Càng lúc tôi càng thấy rõ hơn rằng người ta không thể cắt đứt văn chương khỏi lịch sử của sự nhạy cảm, của các tâm thức, của các tư tưởng. Theo cách thức tất nhiên là không trực tiếp và không có tính chất sư phạm, nhưng lại là không thể tránh khỏi, văn chương truyền tải một tổng hợp những cách chọn vị thế trong tương quan với thế giới [un ensemble de prises de position sur le monde]. Nếu không có điều đó, sẽ chẳng ai quan tâm lâu dài đến nó được.
Ông nói rằng ông cũng như nhiều người khác từng ngây ngất với văn chương suy tư, với Mallarmé, với những người khác nữa trong những năm 1960. Vậy với ông sự ngây ngất đó, và rộng hơn là sự can dự của ông vào lý thuyết trong những năm ấy có mang một nghĩa chính trị hay ý hệ không?
Vào lúc đó thì không hề. Sau này, khi xem xét ở bên ngoài công việc của chúng tôi, tôi mới nhận ra rằng nó cũng có một hàm nghĩa có tính chất ý hệ. Khi đến Pháp, hồi đầu những năm 1960, tôi còn chưa làm chủ được hết mọi yếu tố của tình hình, tất nhiên, tôi chỉ là một người mới bắt đầu, hơi có chút loạn hướng. Nhưng hồi đó đã có một dạng tranh đấu về tầm ảnh hưởng giữa chủ nghĩa Marx, từng ngự trị tư tưởng ở đại học trong lĩnh vực của chúng tôi suốt chừng mười lăm năm, và cấu trúc luận. Claude Lévi-Strauss đã đưa cấu trúc luận vào trong các ngành khoa học nhân văn, và ông đã chấm dứt bá quyền mác xít. Một trong những trận chiến đó diễn ra vào năm 1962, nếu tôi nhớ không nhầm, khi Lévi-Strauss, trong chương cuối của Suy tư man dã, đã rời bỏ chủ đề cuốn sách của mình để tấn công Sartre và Phê phán lý tính biện chứng. Trong cái giới nơi tôi thường giao du, người ta có cảm giác rằng Lévi-Strauss đã chiến thắng trong cuộc đối đầu ấy. Đằng sau những tranh luận về phương pháp và các “chủ nghĩa” lấp ló một khuôn khổ chính trị rất rõ ràng.
Như tôi đã viết trong Văn chương lâm nguy, với tôi hàm nghĩa chính trị còn ở xa hơn, vào cái thời tôi còn chưa sống ở Pháp. Khi nhìn vào những năm học tập và những năm ngay tiếp sau đó, tôi thấy có vẻ như hiển nhiên rằng mình từng rất quan tâm đến các nhà hình thức chủ nghĩa người Nga, đến ngôn ngữ học cấu trúc, đến [Louis] Hjelmlev và đến [Roman] Jakobson như là một cách phản ứng lại thứ diễn ngôn thống trị hồi ấy, diễn ngôn của một Kinh Thánh mác xít, lê nin nít, stalin nít. Tôi còn nhớ chuyến viếng thăm đầu tiên của Jakobson tới Sofia, trong một thính đường đông nghịt, tại đó ông đã đọc một bài phân tích ngữ pháp của mình, cái giờ đây với tôi khá là thiếu hụt ở nhiều điểm, nhưng hồi ấy với chúng tôi nó giống như một quả bom vậy. Vì Jakobson có vẻ suy ra nghĩa và vẻ đẹp của một tác phẩm, hôm đó là một bài thơ Bungari mà đứa trẻ con nào ở nước tôi cũng thuộc lòng, chỉ nhờ vào phân tích ngữ pháp và từ vựng. Ông đã sử dụng duy nhất các công cụ của nhà ngôn ngữ học mà không nói một lời tới ý hệ anh hùng hay ái quốc, không phát ngôn những tư tưởng mơ hồ; ông làm nổi bật sự đối nghịch giữa những đại từ nhân xưng, các khía cạnh hoàn thành và không hoàn thành của các động từ! Cứ như là mở một dạng hộp Pandore ra vậy: làm hé lộ cấu trúc bên trong của văn bản cho tới khi ấy vẫn được xem như là một khối. Thế nhưng lựa chọn phương pháp này lại vẫn có một công dụng biểu nghĩa chính trị: nó cho phép thoát ra khỏi khuôn khổ mác xít lê nin nít.
Như vậy đó là một lựa chọn “có tính chất phản ứng” đối với Kinh Thánh mác xít cả của Bungari lẫn của Pháp]. Nhưng việc ông tham gia cấu trúc luận còn có các lý do hay cách biện minh thực sự chính trị nữa không, những thứ độc lập với những gì đã cho phép ông chấm dứt việc đó?
Tôi nghĩ rằng ở đây, chắc hẳn mọi thứ còn tùy thuộc mỗi người, và tôi chỉ có thể nói về mình, có thể cả về G. Genette vì chúng tôi rất gần gũi với nhau trong giai đoạn ấy. Tôi sẽ nói là không, với chúng tôi không có mục tiêu chính trị nào cho dù là mang tính chất nào đi nữa. Nhưng tôi còn nhớ là với những người khác, chẳng hạn với J. Kristeva hay P. Sollers, câu chuyện rất khác. P. Sollers không viết phê bình văn học nhưng ông ấy đã rất hào hứng đón nhận các nhà hình thức chủ nghĩa Nga trong tủ sách “Tel Quel” mà ông ấy điều hành. Có thể là với ông ấy, trong lựa chọn đó còn có gì đó nhiều hơn một triển vọng đơn thuần về việc có thể nghiên cứu các văn bản văn học tốt hơn. Nhưng với G. Genette và tôi, cũng như với một số người khác tập trung xung quanh chúng tôi, hồi ấy không hề có một chương trình chính trị nào hết.
Đó có phải là một trong những lý do khiến rốt cuộc ông đã nhanh chóng rời xa lý thuyết văn học, lại còn đúng vào thời điểm nó bước vào giai đoạn thứ hai, khi chính trị là thứ trở nên nổi bật hơn hẳn, ở phía nhóm Tel Quel cũng như với các bộ máy lớn hay được gọi là hậu hiện đại?
Tôi phải thú nhận rằng tôi thấy rất khó bình luận tiến triển ấy, bởi tôi đã rất nhanh chóng hết quan tâm tới dòng này. Về những gì liên quan đến một mình tôi, tiến triển đó gắn liền với việc tôi nhập vào nước Pháp và, nhìn rộng hơn, vào cuộc đời. Tôi luôn luôn nói là thời gian ấy có hai sự kiện đánh dấu quan trọng đối với tôi: tôi nhập quốc tịch Pháp vào năm 1973 và trở thành bố vào năm 1974. Những sự kiện này theo cách nào đó đã khiến cho tôi chạm chân xuống mặt đất và dẫn tôi đi tới chỗ tìm kiếm một sự tiếp nối giữa tồn tại của tôi và công việc của tôi. Điều này dần dà đã đưa tôi đi về phía một cách lựa chọn vị thế có nhiều tính chất chính trị hơn. Vậy nên giờ đây tôi có thể viết được những cuốn sách về chủ nghĩa toàn trị, về chiến tranh ở Irak, về thái độ đối với người nhập cư ở Pháp, v.v…: những vấn đề chính trị nóng bỏng như thế từng ở cách xa tâm trí tôi vào năm 1965 đến hàng nghìn dặm.
Ông còn yêu quý điều gì trong lý thuyết văn học?
Tôi yêu quý sự nghiêm cẩn của nó và do đó là tất cả những gì nó có thể mang lại cho tôi để cho phép tôi đọc các văn bản tốt hơn. Từ quan điểm này, tôi không hề tiếc đã bỏ ra chừng mười năm để dồn hết sức lực dấn thân vào việc tạo ra những công cụ phân tích văn bản. Tôi vẫn luôn luôn sử dụng các công cụ này để hiểu rõ hơn những âm vọng của một hình ảnh hay các hiệu ứng của một cấu trúc tự sự.
Ngày nay lý thuyết văn học có còn tồn tại hay không, ta có còn cần đến lý thuyết hay không, rồi tới một ngày ta có lại cần đến nó hay không?
Đây là câu hỏi mà tôi không thể thực sự trả lời được vì tôi không biết trong lý thuyết văn học hiện nay người ta đang làm gì, tôi không biết đâu - tôi chỉ trả lời được như vậy thôi. Nhưng có một chỗ cho lý thuyết văn học hay không à? Dù thế nào đi nữa thì cũng có chỗ cho suy tư về các môn nghệ thuật, và do vậy là cả về văn chương nữa. Tôi không biết liệu nó có mang hình thức khá là nhiều biệt ngữ của một diễn ngôn chuyên môn hóa chỉ dành cho các chuyên gia hay không, nhưng, dù thế nào đi nữa, cũng phải tiếp tục suy tư về nghệ thuật. Công trình mới nhất của tôi, mới hoàn thành vào mùa hè vừa rồi - tôi nói với ông là vì nó có liên quan tới câu hỏi của ông - là về một lý thuyết gia và triết gia nữ người Anh, Iris Murdoch: tôi thấy suy tư về văn chương của bà ấy rất dồi dào, vậy nên tôi muốn hiểu bà ấy hơn và định vị bà ấy vào trong lịch sử tư tưởng văn học.
Cao Việt Dũng dịch
(trích từ Vincent Kaufmann, La Faute à Mallarmé. L’aventure de la théorie littéraire [Lỗi của Mallarmé. Cuộc phiêu lưu của lý thuyết văn học], Seuil, 2011, tr. 308-314)
Bản do tác giả hiệu đính và gửi lại ngày 16 - 12- 2011
No comments:
Post a Comment