Văn học có thể làm được gì?
Trong cuốn Tự thuật, xuất bản
ngay sau khi ông mất, năm 1873, John Stuart Mill thuật lại căn bệnh trầm
cảm ngặt nghèo của mình, thời ông ở tuổi đôi mươi. Ông “hoàn toàn vô
cảm trước mọi khoái cảm cũng như trước mọi vui thích, và trong một cơn
khủng hoảng tâm thần, khiến cho những điều trước kia mình lấy làm vui
thích bỗng dưng trở nên vô vị và vô nghĩa”. Thuốc thang thử nghiệm tất
cả đều vô hiệu, và mối u sầu càng kéo dài triền miên. Ông tiếp tục làm
những cử chỉ thường ngày một cách máy móc mà không nghe thấy cảm giác gì
cả. Tình trạng đau lòng ấy kéo dài suốt hai năm trời. Thế rồi nó từ từ
biến mất. Tình cờ lúc đó, Mill được đọc một cuốn sách đóng vai trò quan
trọng khiến ông hết bệnh: ấy là một tập thơ Wordsworth. Ông tìm thấy
trong tập sách cảm xúc của chính mình được thăng hoa qua những câu thơ
tuyệt đẹp:
“Những vần thơ ấy giống như một dòng
suối mang lại cho tôi một niềm vui thanh thản của tâm hồn, nhiều thú vị
của lòng thông cảm và bay bổng mà mọi người ai cũng có thể hiệp thông
với nhau được […]. Tôi bấy giờ đang cần có ai giúp mình cảm nhận được
rằng trong sự chiêm ngưỡng thầm lặng của các vẻ đẹp thiên nhiên có một
niềm hạnh phúc vừa chân thật vừa bền lâu. Wordsworth đã dạy cho tôi điều
đó, chẳng những không làm tôi xa lánh cái cảm giác đời thường và số
phận chung của nhân loại, mà còn nhân thêm gấp bội tình tự tôi dành cho
nó”. (21)
Gần một trăm hai mươi năm sau, một thiếu
phụ bị cầm tù ở Paris: âm mưu chống lại bọn Đức và đã bị bắt. Charlotte
Delbo bị biệt giam một mình trong xà lim, nhốt dưới chế độ gọi là “Đêm
tối và sương mù”, và đương nhiên, không được phép đọc sách. Nhưng, rất
may, một người bạn chí cốt ở tầng dưới, có thể mượn được sách ở thư
viện. Và thế là, Delbo đã tháo sợi chỉ trong chiếc mền thắt một sợi dây
và nhờ bạn treo sách kéo lên qua cửa sổ. Từ giây phút này, Fabrice del
Dongo coi như đang ở cùng phòng với chị. Hắn không nói nhiều, vậy mà vẫn
giúp được chị vượt qua nỗi buồn chán, cô độc. Vài tháng sau, trong một
toa xe lửa chứa loài vật đưa về Auschwitz, hắn biến mất, nhưng Delbo lại
nghe một tiếng nói khác, tiếng của Alceste, gã xa lánh loài người, giải
thích cho chị biết rõ cái hỏa ngục nơi chị sắp đến là thế nào, và chỉ
cho chị thấy tấm gương của tinh thần của tinh thần đoàn kết. Vào trại
tập trung, có nhiều nhân vật khao khát tuyệt đối đến thăm viếng chị,
những: Eslectre, Don Juan, Antigone ([*]). Một vạn năm sau,
Delbo khó khăn khi trở lại với cuộc sống đời thường: cái ánh sáng chói
lòa của trại Auschwitz đã quét sạch mọi ảo tưởng, cấm đoán mọi mường
tượng, quả quyết rằng mặt mày và sách vở… đều là dối trá cho đến khi
Alceste trở lại và quyến rũ bằng lời lẽ cám dỗ của mình. Đứng trước thử
thách tột đỉnh, Charlotte Delbo phát hiện ra rằng các nhân vật trong
sách vở có thể trở thành những người bạn đồng hành khả tín: “Những nhân
vật do nhà văn sáng tạo nên nó thật hơn cả những người bằng máu thịt, vì
họ vô tận. Cho nên họ là bạn, là người đồng hành của tôi, là kẻ nhờ đâu
mà chúng ta liên hệ với người khác trong cái móc xích nhân loại và móc
xích lịch sử” (22).
Tôi chẳng bao giờ phải sống một cách thê
thảm như Charlotte Delbo, tôi cũng chưa hề gặp phải một cơn trầm cảm
đau buồn như John Stuart Mill đã mô tả, vậy mà tôi không làm sao hít thở
mà không cần tới thi ca, không cần tới truyện kể của các nhà tiểu
thuyết. Nó cho phép tôi hình dung mọi cảm xúc rộn rã trong lòng và sắp
xếp lại các sự kiện linh tinh trong cuộc đời mình cho có thứ tự. Nó
khiến tôi mơ mộng, run rẩy, lo âu hay thất vọng. Những khi chìm đắm
trong nỗi đau buồn day dứt, tôi chỉ có thể đọc những câu văn cháy bỏng
của Mariana Tsvetaeva, mọi thứ khác đều vô vị đối với tôi. Một hôm tôi
đột ngột phát hiện một khía cạnh trong đời sống chỉ mơ hồ cảm thấy trước
kia, và cảm nhận ngay tức thì một cách rõ ràng: tôi thấy Nastasia
Philipovna qua đôi mắt của hoàng tử Mychkine, “chàng ngốc” của
Dostoievski; tôi dạo chơi với chàng trên đường vắng của thành phố Saint
Pesteerbourg, thúc đẩy bởi một cơn động kinh sắp đến. Và tôi không thể
cưỡng lại câu hỏi: tại sao Mychkine là một chàng trai tuyệt vời, thương
yêu mọi người hơn chính mình, lại phải chấm dứt cuộc đời trong tình cảnh
dại khùng ở một nhà thương điên?
Văn học có thể làm nhiều việc. Nó có thể
chìa bàn tay thân ái, khi ta thật chán đời, nó xích ta gần gũi hơn với
nhân loại, giúp ta hiểu hơn về thế giới và giúp ta sống còn. Không phải
vì nó, trước tiên, là một phương pháp trị bệnh tâm thần, nhưng vốn là
phương tiện mặc khải thế giới bên ngoài, nó còn có thể trong hành trình
của mình thay đổi tự đáy lòng mỗi chúng ta. Văn học có một sứ mệnh quan
trọng; nhưng muốn thế phải hiểu nó theo một nghĩa rộng lớn và mãnh liệt,
đã ngự trị ở châu Âu cho đến cuối thế kỉ XIX và bây giờ bị cho ra rìa,
trong khi một ý niệm cực kì hẹp hòi và phi lý đang thịnh
hành. Một độc giả thông thường, tiếp tục
tìm tòi trong các tác phẩm một ý nghĩa cho cuộc đời của mình, rất có lý
khi chống lại các giáo sư, giới phê bình và nhà văn, những người đã cho
rằng văn học chỉ nói đến bản thân nó, hoặc chỉ dạy mỗi một môn cho con
người là thất vọng. Nếu như người đọc đó không nghĩ đúng thì chắc chẳng
còn ai đọc sách nữa trong tương lai rất gần.
Cũng như triết học và các khoa học nhân văn,
văn học là tư tưởng, là kiếnthức về thế giới tâm linh và xã hội của
chúng ta đang trải nghiệm. Thực tế văn học muốn tìm hiểu thật đơn giản
(nhưng lại vô cùng phức tạp) là kinh nghiệm sống của nhân loại. Vì thế
chúng ta có thể nói rằng Dante hay Cervantès cho ta thấy rõ thân phận
của con người, ít nữa cũng không khác gì những nhà xã hội học hay tâm lý
học hàng đầu và không có gì xung khắc giữa hai loại kiến thức ấy. “Giới
tính chung” của văn học là như thế, nhưng nó đều có những “khác biệt
đặc thù”. Chúng ta vừa nhận thấy các nhà tư tưởng thời Ánh sáng cũng như
thời đại Lãng mạn đã cố gắng xác định những đặc thù đó; hãy lấy lại
những đề nghị của họ – bổ sung thêm cho quan điểm ấy được hoàn thiện.
Một phân cách đầu tiên là phân biệt cái
riêng và cái chung, giữa cái cá nhân và cái phổ cập. Dù bằng độc thoại
thi ca hay bằng chuyện kể, văn học cho ta trải nghiệm những tình huống
cá biệt; còn triết học thì mân mê các khái niệm. Một bên bảo tồn tính
chất phong phú và muôn hình muôn vẻ của cuộc đời, bên kia thích dùng
phong cách trừu tượng cho phép mình viết những quy luật tổng quát. Đó là
điều khiến cho một văn bản dễ đọc hay khó đọc. Chàng ngốc của
Dostoievski ai ai cũng đọc và có thể hiểu được, vào những thời đại và
nền văn hóa khác nhau; một luận thuyết triết học về tiểu thuyết này, hay
cùng một chủ đề sẽ chỉ một thiểu số quen đọc lối văn ấy mới hiểu được.
Tuy vậy, đối với những ai hiểu những loại hình nói trên thì lời lẽ của
nhà triết học có cái ưu thế là c ái mệnh đề của ông ta đều rõ ràng; còn
các tình tiết trải qua của nhân vật tiểu thuyết hay các ẩn dụ của nhà
thơ thì mang trong mình hàng trăm cách diễn dịch khác nhau.
Khi miêu tả một đồ vật, một biến cố, một
cá tính, một nhân vật, nhà văn không ném ra một luận điểm, mà chỉ mời
độc giả chính mình tìm thấy ẩn ý đó: anh ta trình bày hơn là bắt phải
nghe theo để cho độc giả tự do suy luận và đồng thời buộc họ chủ động
hơn. Bằng cách dùng từ gợi ý, bằng chuyện kể, bằng cảnh ngộ, bằng trường
hợp đặc biệt, tác phẩm văn học
tạo ra một thứ động đất ý nghĩa, nó làm sống dậy bộ máy diễn dịch tượng
trưng của chúng ta, làm sống dậy khả năng liên tưởng của chúng ta và
dấy lên một tác động mà âm ba còn vang mãi sau cái va chạm đầu tiên.
Chân lý của nhà thơ hay của kẻ diễn dịch thế giới bên ngoài, không thể
đạt đến cái uy tính của khoa học, bởi muốn được khẳng định, nó cần phải
có nhiều người hôm nay và hậu thế tán thành; thật vậy, sự nhất trí của
quần chúng là phương tiện duy nhất để chuyển câu: “Tôi thích tác phẩm
này” thành câu “tác phẩm này nói đúng”. Ngược lại, lời tuyên bố của nhà
khoa học, muốn được công nhận là đúng răm rắp và xem như một lời khẳng
định, thường phải kiểm chứng lập tức – nó sẽ hoặc bị bác bỏ hoặc được
thừa nhận. Chúng ta không cần đợi hàng thế kỉ, hỏi độc giả khắp nơi khắp
chốn để xem tác giả có nói đúng sự thật hay không. Các luận chứng trình
bày ở đây sẽ đụng đầu với những luận chứng phản biện. Người ta cứ tranh
luận với nhau về lý trí thay vì chiêm ngưỡng và mơ mộng. Người đọc văn
bản ấy ái ngại, là liệu mình bị lôi cuốn, hay mình suy nghĩ đúng.
Bất cứ lúc nào, thành viên của xã hội
đều bị ngập đầu trong một mớ diễn văn dưới mắt họ như những điều không
thể chối cãi, như những giáo điều họ phải tuân thủ. Đó là sáo ngữ của
một thời, những định kiến tạo thành dư luận, những thói quen suy luận
máy móc và rập khuôn, mà chúng ta gọi là “ý thức hệ chủ đạo”, thành kiến
hay phiên bản. Kể từ thế kỉ Ánh sáng, chúng ta hiểu rằng, thiên hướng
của con người là phải biết tự mình suy luận lấy, thay vì nhìn đời rập
theo các quan điểm đầy rẫy quanh mình. Mà làm sao đạt được tư cách này?
Trong cuốn Emile, Rousseau gọi cái quá trình giáo dục ấy là
“giáo dục phủ định” và đề xướng giới trẻ lánh xa sách vở, để tránh cho
chúng khỏi rập khuôn theo ý kiến của kẻ khác. Nhưng chúng ta cũng có thể
suy luận cách khác, bởi vì các định kiến, nhất là hiện nay không cần
đến sách vở để xâm chiếm tinh thần giới trẻ: vô tuyến truyền hình đang
ngự trị khắp hang cùng ngõ hẻm! Sách vở mà cậu ta tậu được, trái lại có
thể giúp cậu ta xa lánh các ý tưởng giả dối và giải phóng đầu óc mình. Ở
đây, vai trò của văn học rất đặc biệt: khác với những diễn văn tôn
giáo, đạo lý hay chính trị, nó không dân dụ một hệ thống giáo huấn nào;
vì vậy, nó thoát khỏi kiểm duyệt thường xét nét các luận điểm phát biểu
một cách minh bạch. Các sự thật mất lòng – đối với nhân loại trong đó có
cả chúng ta, hay chỉ với chính chúng ta – dễ được biểu hiện và dễ được
nghe qua một tác phẩm văn chương hơn là qua một cuốn sách triết học và
khoa học.
Trong một bài nghiên cứu mới đây,
Richard Rorty – một triết gia Mỹ đã đề nghị xem xét một cách khác đóng
góp của văn học trong việc tìm hiểu thế giới bên ngoài. Ông khuyên chúng
ta không nên dùng những từ như “sự thật” hay “nhận thức” để hàm chỉ
đóng góp đó và khẳng định rằng văn học giúp ta khỏi dốt nát ít hơn là
chữa trị bệnh “duy kỉ”, tức là cái bệnh tự mãn, ảo tưởng của con người.
Đọc tiểu thuyết, theo ông, là một tác phong ít gần gũi với cách đọc sách
khoa học, triết học hay chính trị hơn là một loại hình kinh nghiệm
khác: nghĩa là với cá nhân khác trong một hội ngộ. Biết thêm những nhân
vật mới cũng giống như gặp gỡ những người chưa quen, khác chăng là ở chỗ
chúng ta có thể nhận thấy ngay được nhân vật từ bên trong mỗi hành động
đúng theo quan điểm của tác giả. Nhân vật càng khác chúng ta bao nhiêu,
thì càng nới rộng tầm mắt của ta bấy nhiêu, khiến cho vũ trụ của chúng
ta càng thêm phong phú. Sự nới rộng nội tâm này tương đương trên nhiều
phương diện (với hội họa hình tượng), không thể hiện bằng những mệnh đề
trừu tượng, và vì thế chúng ta khó mà miêu tả được nó; nó biểu thị hơn
hết nhiều phong cách sống trên đời, xâm nhập nội tâm chúng ta, bên cạnh
những phong cách cố hữu. Một kiểu học tập như vậy, không thay đổi nội
dung trí óc chúng ta mà là thay đổi cái vỏ bọc của nó: bộ máy nhận thức
hơn sự vật được nhận thức. Điều mà tiểu thuyết hiến dâng cho chúng ta
không phải là một kiến thức mới, mà là một khả năng giao lưu mới với
những kẻ không giống chúng ta; và trong ý nghĩa này, nó mang tính chất
luân lý hơn là khoa học. Chân trời tối hậu của trải nghiệm này vươn tới
không phải là sự thật mà là tình yêu, hình thái tối thượng trong mối
quan hệ giữa con người với con người.
Có nên mô tả sự hiểu biết mở rộng về thế
giới loài người mà chúng ta đạt được nhờ đã đọc tiểu thuyết như là một
cách uốn nắn tính khí “vị kỷ” của chúng ta, như gợi ý của Rorty trong
trang mô tả của mình? Hay là như công cuộc vạch trần xác thực mới, một
sự thật dĩ nhiên được nhiều người khác chia sẻ? Vấn đề từ ngữ, theo tôi,
không phải là điều quan trọng hơn hết, miễn là người ta công nhận thế
giới bên ngoài và văn học có mối quan hệ mật thiết với nhau, cũng như
vai trò đóng góp đặc thù của của văn học trong phong cách diễn ngôn trừu
tượng. Cái biên giới, như Rorty cũng đã nhận xét, chia cắt băn bản biện
luận và văn bản không phải ảo tưởng mà là tự sự, hư cấu hay chân thật,
khi nó miêu tả một vũ trụ nhân quần đặc biệt không giống vũ trụ của tác
giả: nhà sử học, nhà dân tộc học, nhà báo ở đây cùng đứng về phía tiểu thuyết gia. Họ đều thảy tham gia điều mà Kant đã viết trong một chương rất nổi tiếng về Phê bình khả năng phán đoán –
xem như một bước đi bắt buộc hướng đến một mục đích chung, nghĩa là
hướng tới con người toàn diện: “Suy nghĩ bằng cách đặt mình vào vị trí
của kẻ khác” (24). Suy nghĩ và cảm xúc bằng cách chấp nhận quan điểm của
người khác, nhân vật có thật hay nhân vật tiểu thuyết, là phương tiện
duy nhất tiến đến tinh thần liên đới toàn cầu và cho phép chúng ta hoàn
thành thiên chức của mình. Chính vì vậy, cần phải cổ vũ tinh thần hiếu
học và say mê đọc sách bằng đủ mọi cách – kể cả loại sách mà giới phê
bình đề cập với một thái độ khinh khi và miệt thị, từ cuốn Ba chàng ngự lâm pháo thủ đến Harry Potter:
không những hạng tiểu thuyết bình dân này đã lôi cuốn hàng triệu thiếu
niên, mà còn giúp chúng tạo dựng cho mình một hình ảnh thế giới đầu tiên
thuần nhất, chắc chắn những cuốn sách tiếp theo sẽ gọt giũa và phức
hóa.
Chú thích:
(*) Các nhân vật trong sách mà nữ tù nhân đọc.
(21)J.S.Mil,Autubiography,Boston,Houghton-Mifflin Company,1969,ch.p.81,89;tr.fr.Mes Mesmoires,1874,p.127,141,142
(22)Ch.Delbo,Spectres,me compagnons, Berg International,1995,p.5
(23)R.Rorty, “Redemption from Egontism,Jame and Proust as spiritual exersicel”,Telos,3:3,2001
(24)E.Kant,Oeuvres philosophiques,t.II,Gallimard,1985,S40,p.1073
Nguồn:Văn chương lâm nguy. Trung tâm nghiên cứu Quốc học và Nxb. Văn học, 2011 (Trần Huyền Sâm và Đan Thanh dịch, Trần Thiện Đạo hiệu đính).
No comments:
Post a Comment