Saturday, August 10, 2013

Lạc quan buồn ( tiếp theo )



 Nhà văn Trịnh Đinh fKhôi

Cuộc họp thứ hai ngày 18 - 11- 1980.
(Cuộc họp này tiếp tục sau cuộc họp một số nhà văn ở hội nghị 17 /11/11980, tiếp theo cuộc họp 2 ngày ở TH/ TW).
Có mặt các anh T.Đ, T, N, C, N, A.Đ, C.L.V, N.K, Th, G.N.
Vắng: các anh T.Ho, H.T.T (ốm), N.Q.C (đi công tác), anh L (tổ chức Tuyên huấn tới muộn).
Anh Đ:
Anh em ở ngoài chờ đợi ý kiến đánh giá trước tình hình hiện nay ra sao. Phải bàn cái đó. Cần đánh giá tình hình và kiểm điểm cả sự điều hành công việc.

Anh T.Đ:
Nên đánh giá tình hình, có những vấn đề gì, tính chất, nguyên nhân. Có 3 loại ý kiến:
1 - Có loại ý kiến cho rằng có địch có ta, có loại rằng không phải “Nhân Văn” nhưng có gì ghê gớm lắm.
2 - Có loại cho rằng có vấn đề.
3 - Có loại cho rằng không có gì.
Ta cần phát triển ý kiến những vấn đề đó để báo cáo lên trên. Nên phát biểu ý kiến cả về nguyên nhân, phương hướng hành động, khuyết điểm trong việc điều hành.
Về điều hành công việc, trong thời gian qua có những sai sót. Một số công việc lặt vặt, nhưng nếu ghép lại với nhau thì thành hệ thống.
Anh N.N:
 Về việc cử đoàn đại biểu nhà văn đi dự hội nghị những nhà văn đứng đầu các nước XHCN, tôi có cân nhắc: lúc ấy anh T đang nghỉ ở Liên Xô, ở nhà có một số thông tri về vở kịch Nguyễn Trãi, tôi không muốn gọi anh T về sớm vì sợ sẽ gây dư luận hiểu nhầm. Có dư luận cho rằng tôi có động cơ xấu trong việc “không muốn anh T làm trưởng đoàn”. Thật ra, ở Mátxcơva, tôi đã làm việc với anh T rất tốt. Anh Đ.V bảo rằng “có việc loại trừ nhau”, ý ấy không đúng.
Tôi có bàn với anh T.Ho việc cử đoàn đi nước ngoài theo dự kiến của Ban Đối ngoại. Anh Q.S đi là để giải quyết bớt một đoàn bạn mời còn đọng lại từ năm ngoái tới nay còn xếp hàng.
Anh T.Đ có ý không muốn để anh N.K.Đ đi, sau này tôi trình bày lại, anh Đ đồng ý. Tôi đề nghị anh Đ đi là để anh ấy được có điều kiện tập dượt dần trong công tác như tôi đã thấy một số đoàn khác đã làm.
Tôi trình bày việc anh C.V đi Bungari. Bạn mời cá nhân. Đối với Việt Nam mời năm nhà văn. T.Ho bảo ta nên đi bốn. Lúc đầu, tôi đề nghị các anh: C.L.V, B.H, X.D, N.V.B, nhưng anh C.L.V sẽ đi Phần Lan để anh C.V đi thay. (Tình hình yêu cầu giải quyết gấp nên chờ anh em ở miền Nam ra thì xa quá). Tôi đưa ra danh sách ba người: N.K, H.N.H, C.V; anh T.Ho đồng ý C.V. Có dư luận về C.V ở Trại Huế với H.K.L nhưng khuyết điểm của C.V chưa đến mức kỷ luật, cho nên tôi thấy C.V đi cũng được.
Việc đề nghị thưởng huân chương, tôi trình bày lại: Lúc bấy giờ trên yêu cầu danh sách gấp. Tôi đã họp với một số đồng chí Thường vụ để thảo luận về đề nghị. Tôi không hề tự đề nghị. Nhưng anh B và anh T.Ha lại đề nghị và yêu cầu phải báo cáo lên trên như vậy.
Việc anh H.N.H phát biểu ý kiến ở mấy cuộc hội nghị, tôi mời anh H tới nhà mấy lần. Anh H dự hội nghị 35 năm có đưa bài phát biểu cho tôi xem, nhưng khi lên anh H lại nói miệng. Hôm ấy, chính anh H.Tr điều khiển hội nghị chứ không phải tôi. Còn việc anh H phát biểu ở hội nghị Văn học thiếu nhi thì hoàn toàn không có.
Tôi thấy vừa qua, có chuyện muốn ghép tất cả các chuyện ấy thành hệ thống, có ý rất xấu, tôi phản đối.
Anh Đ.V bảo tôi chi phối mọi công tác của Báo Văn nghệ, đến nay thật ra chúng tôi không muốn lãnh đạo tờ báo chặt chẽ và thật sự đã loại bỏ được một số cái không hay (như chuyện báo Văn nghệ đăng tranh ba bác sĩ cầm Seringue cứu hỏa, trong khi vụ cháy ở quân y viện 108 vừa xảy ra).
 Bảo rằng tôi giữ báo để đưa quan điểm sai của tôi là bậy. Anh H.M nói Hội Nhà văn như thế nào mà anh em quân dội chẳng muốn vào. Thật ra thì anh em vẫn vào.
Đối với bản đề dẫn, tôi đã kiểm điểm. Mấy hôm nay, trong không khí áp đảo như vậy, tôi không phát biểu ở Đảng đoàn, mà xin phép phát biểu trực tiếp với Trung ương, có anh T. Đ tôi xin đề nghị như vậy.
N.K:
Điểm xuất phát trong bản đề dẫn là hợp lý, vì tình hình sáng tác đang có những mặt bí, vì bí quá phải dũng cảm mà làm. Có thể đúng có thể sai nhưng phải làm.
Xuất phát điểm thì tốt, nhưng khi thảo đề dẫn, anh N chỉ gặp những người thân thôi, chứ không cảnh giác những người tiêu cực có thể lợi dụng mình để gây thêm tình hình phức tạp.    
Anh N viết bản đề dẫn mê say như sáng tác, vừa viết vừa in, làm việc không tập thể, viết vế này quên vế kia, nhấn giải phóng cá nhân mà không chú ý đến tập thể, nói tuyệt đối hóa nghệ thuật mà không chú ý đến phục vụ chính trị.
Cái sai là khi anh T.Hu đã có ý kiến, anh N vẫn bảo vệ ý kiến của mình. Do đó trong đội ngũ bị phân chia, ai ủng hộ anh T.Hu là cũ, là bảo thủ; ai ủng hộ bản đề dẫn là cách tân, là tiến bộ.
Anh N.N coi trọng bản đề dẫn quá, coi trọng vị trí của mình quá. Anh cũng không nghiêm với bài H.N.H. Là mù, không dứt khoát. Nếu nghiêm thì anh H đã không dám hỗn xược thế.
Anh N kiêu ngạo, ai nói cũng không nghe. Anh độc đoán. Anh mới cầm quyền mà đã thế, anh cho người này là hữu khuynh, người kia là cơ hội, cho nên chẳng nghe ai.
Anh cho mình là người duy nhất đúng trong Hội Nhà văn, mình là người kiên cường sẽ đưa Hội Nhà văn vượt qua mọi gian nan. Anh kiêu ngạo và độc đoán. Anh không cộng tác, không đoàn kết được với anh em. Nói với anh N rất khó, làm việc với anh cũng khó, và khó chịu. Anh N cảm thấy cô độc chính là do anh gây ra. Anh chủ quan kiêu ngạo với mọi người, kể cả với phái viên của Ban Tuyên huấn Trung ương.
Về mặt tài năng, tôi cũng xứng đứng bên cạnh anh chứ, tôi đã nói với anh: tôi chỉ là đồng minh chiến thuật thôi, chứ không thể là đồng minh chiến lược được. Anh dễ hy sinh bạn bè. Nếu anh muốn lấy bạn bè làm phương tiện, công cụ thì tôi chuồn.
Tôi lên gặp anh T.Hu, anh ấy mới biết tôi không phải là chủ mưu trong bản đề dẫn. Làm việc với người có cao vọng về chính trị như anh thì tôi chuồn thôi.
Việc cử anh N.K.Đ đi nước ngoài là rất dở. Ít nhất anh Đ phải là ủy viên thường vụ.
Tóm lại, cái sai của bản đề dẫn có thể sửa ngay thôi, nhưng cái chính là anh N nên bớt ảo tưởng, chủ quan, độc đoán, thiếu đoàn kết, cho mình đứng trên anh em.
N.Đ.T:
Về đánh Tàu có nhiều tư tưởng bàng hoàng vì đang từ bạn thành thù nên tư tưởng chúng ta chưa chuyển kịp. Cuộc đấu tranh giữa hai con đường xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa còn gay go, phức tạp; tất nhiên miền Bắc có dễ dàng hơn miền Nam.
Sau khi phê phán chủ nghĩa xét lại đã nảy nở nhiều xu hướng theo Tàu, do đó khi Tàu trở mặt thì nảy sinh nhiều tư tưởng bàng hoàng. Trong giới văn nghệ còn nhiều tư tưởng cần giải quyết. Nhiều anh em ở chiến trường nhìn ra miền Bắc phải nói thật có tâm trạng vừa thương yêu vừa chua chát.
Anh N còn vấp trong công tác lãnh đạo của Đảng đoàn, trong văn học là do nhiều năm ở quân đội, cách nhìn nhiều vấn đề còn đơn giản. Do đó bài phê phán quan điểm của đồng chí H.N.H cũng đơn giản như vậy. Về lý luận, anh N không tinh thông, còn nhiều sơ hở. Điều này có thể thấy rõ trong bản đề dẫn ở hội nghị đảng viên nhà văn. Làm bản đề dẫn, anh N dựa vào quan điểm của những anh em thân chứ không phải là của Đảng đoàn.
Sau Đại hội IV của Đảng, chủ quan anh muốn làm cho tình hình tốt hơn nhưng cách giải quyết mang nhiều tính chủ quan. Xu hướng phủ nhận thành tựu văn học vừa qua là có thật. Bài anh H.N.H muốn nói văn học ta là Mao - ít, không có giá trị. Nhưng điều H.N.H nêu lên là có thật, nhưng đó không phải là dòng chính của văn học ta. Chúng ta phải dùng thực tiễn, đồng thời dùng học thuật để bác bỏ ý kiến của H.N.H.
Anh T.Ho là người khôn nhất trong Đảng đoàn. Từ lâu lắm anh T.Ho đã có những ý kiến nêu ra về sự lãnh đạo của Đảng. Anh ấy rất biết làm tổ chức.
Ban lãnh đạo mới ra đời (ý nói Đảng đoàn HNV), có một số người bám lấy ngay. Anh N.N lại dựa vào một số người, mà họ là ai thì ta đã biết. Nói trắng ra họ là “Nhân Văn” cả. Anh giao cho họ quyết định những việc rất hệ trọng, như đánh giá tác phẩm, đánh giá tình hình, đánh giá con người.
Số anh em có tư cách thì không ai xán đến. Những bộ phận quan trọng như chọn tác phẩm, đối ngoại cần có người tốt hơn đảm nhận.
Về trường nhà văn, cần giao cho những người có quan điểm tư tưởng tốt hơn.
Anh N cần rút kinh nghiệm về việc đoàn kết anh em sáng tác trong Hội cũng như ngoài Hội. Cần bao dung, rộng lượng với mọi người mới đoàn kết được. Nhưng đoàn kết và giao việc là hai việc khác nhau.
Về việc đi Liên Xô: Trước khi đi Liên Xô nghỉ, tôi có dặn anh N nếu không để tôi dự hội nghị thì nên đánh điện gọi tôi về sớm, đừng để đến ngày họp mới gọi về. Sau đó, tôi được Đại sứ quán ta ở Liên Xô báo cho biết là tôi sẽ ở lại dự hội nghị và làm trưởng đoàn. Tôi ngạc nhiên về việc cử N.K.Đ đi dự hội nghị, vì anh không đủ tư cách là đoàn viên chính thức. Tuy vậy, đối với bạn, để bạn khỏi thắc mắc, tôi đã phải hết sức đề cao anh Đ, nói trước đây do anh Đ ở chiến trường nên nhiều người chưa biết lắm.
Khi về nhà, nghe nói nhiều chuyện về chuyến đi Liên Xô, tôi rất buồn.
Anh N còn phải làm việc nhiều, nên tôi cũng nói thêm việc này để rút kinh nghiệm. Hôm kết thúc hội nghị, anh bảo chúng tôi về trước để anh ở lại làm việc với bạn. Điều này rất dễ gây hiểu lầm.
N.N:
Tôi ở lại làm việc một mình là vì đồng chí Ina hẹn ở lại làm việc về các đoàn năm 80. Anh góp ý như vậy, tôi xin rút kinh nghiệm.
Đ/c G.N:
Gần đây Đảng đoàn có nhiều thay đổi. Việc anh K đi miền Nam làm cho tôi suy nghĩ nhiều. Tôi thấy rõ Đảng đoàn ta thiếu sự thống nhất tư tưởng. Tôi cũng thấy trong cơ quan có sự kỳ thị với anh em cũ.
Việc cử người đi nước ngoài, có một đoàn phần lớn là các đồng chí khu V. Gần đây anh Ngọc có vẻ cô độc, có thể là do chuyện anh K đã đi nói gì đó về anh N.
Đề nghị thay đổi về lãnh đạo của Báo Văn nghệ chưa giải quyết được, gây ra nhiều khó khăn cho tôi. Anh Đ.V không chịu nhận trách nhiệm phụ trách Báo cho đến khi trên có quyết định mới.
Anh C.L.V phát biểu như hôm trước là căng quá.
Về bản đề dẫn, tôi đã gặp đồng chí T.H và đồng chí T.Hu nói: Có bị ai kích động không? Tại sao anh N không cùng lên? Thật ra, tôi có nhắc anh N nhưng anh N không lên, sau đó anh N mới lên và vấn đề bản đề dẫn đã được giải quyết xong. Thực ra bản đề dẫn không phải là vấn đề lớn. Cái chính là anh làm cho người ta thấy anh kiên trì quá nên bọn xấu đã lợi dụng bản đề dẫn để gây ra chia rẽ, mất đoàn kết trong lãnh đạo, trong văn nghệ sĩ.
Trong giai đoạn hiện tại, xã hội còn có nhiều khó khăn, phức tạp nên đánh giá Đảng đoàn Hội Nhà văn là hỏng cả.
Đảng đoàn hiện nay rất khó làm việc nên trách nhiệm cá nhân của đồng chí N.N rất nặng nề. Anh N nên bớt kiêu căng vì làm công tác lãnh đạo ở Hội như làm dâu trăm họ, anh N còn thiếu kinh nghiệm lãnh đạo trong văn học nhiều.
Đề nghị: Trung ương nên quan tâm nhiều đến công việc sáng tác, đến hoạt động văn học của các đồng chí Ủy viên Đảng đoàn.
N.N:
Thời gian vừa qua tôi đã không đoàn kết được các đồng chí trong Đảng đoàn cũng như trong anh em sáng tác.
Tình hình cán bộ của Hội Nhà văn trong những năm qua có nhiều phức tạp, một phần cũng do tác phong và lề lối làm việc của cá nhân tôi. Còn về tư tưởng địa phương chủ nghĩa trong công tác tổ chức cán bộ, trong tư tưởng tôi không có. Trong việc in sách của đồng chí B.H ở Nhà xuất bản Tác phẩm mới có chuyện đưa tin sai, không đúng sự thật - trong việc in sách của đồng chí X.D cũng như trong việc đi máy bay của đồng chí, tôi đã cố gắng giải quyết nhưng do điều kiện khách quan khống chế nên không thỏa mãn nguyện vọng cá nhân được. Trong công tác sử dụng cán bộ của Hội, tôi thấy rất khó khăn vì người thực sự làm việc với Hội rất ít nên tôi phải kéo một số cán bộ về làm như đ/c T.R, Đ.D, Đ.C. Anh em về Hội nhưng lại khó khăn để xếp công việc và chỗ ở.
Trong việc anh T và tôi ở Liên Xô, anh T đã báo cáo trước hội nghị là không có vấn đề gì, nhưng ở ngoài lại có dư luận xấu về quan hệ giữa anh T và tôi. Đây là do động cơ xấu của một số người tạo ra dư luận này.
Anh G.N:
Anh N phải xây dựng cho được một ê kíp làm việc mà ê kíp đó phải có cả các đồng chí cũ và đồng chí mới. Về phương pháp lãnh đạo, anh còn chủ quan trong việc cử C.V, N.K.Đ đi nước ngoài. Trong Đại hội công đoàn, góp ý kiến về lãnh đạo, anh em đã nêu việc anh N.K đi phê phán anh N ở nơi này nơi nọ.
- Về việc đề nghị thưởng huân chương, nếu xem lại biên bản sẽ thấy không hay, vì anh N nói đề nghị thêm người này, người nọ, sẽ dắt dây! Anh N cần đoàn kết với cả những người đối phó với mình để làm việc.
- Những vấn đề phức tạp trong tình hình văn học vừa qua một phần do khách quan xã hội tạo ra. Dư luận bên ngoài bây giờ thật đáng sợ.
Đ/c T.Đ:
Từ hôm qua đến nay, dự họp nghe nhiều điều thú vị. Khi chỉ định Đảng đoàn Hội Nhà văn, anh T.Hu và tôi rất mừng và tin tưởng, vì các đồng chí trong Đảng đoàn là những người có trình độ. Nhưng bây giờ thì thấy tình hình khó khăn do sự phức tạp của tình hình văn nghệ hiện nay. Tôi không đồng ý với anh N chung quanh việc anh T đi Liên Xô. Chúng tôi có ý định cử anh T làm trưởng đoàn. Sau khi đồng chí N xuống tìm hiểu thì thấy điện đánh cho anh T ở lại, dự Hội nghị nhà văn Liên Xô nhưng không đánh ở lại làm trưởng đoàn. Do đó chúng tôi phải đánh thêm một bức điện sang nói rõ anh T làm trưởng đoàn. Trong văn nghệ, đang có những vấn đề về quan điểm, nguyên tắc rất quan trọng của đường lối văn nghệ (như phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, chức năng của văn nghệ...)
Xuất phát điểm của anh em là tốt, là do muốn tìm tòi. Nhưng về sau, sai lầm, lại bị kích động, nếu càng lao vào cái sai thì nguy! Ở đây đang động đến những vấn đề chí tử của văn nghệ nên tính chất của vấn đề là nghiêm trọng. Nếu có địch xen vào thì càng nguy hiểm!
Chúng ta đã để tình hình kéo dài gần hai năm. Như vậy là chậm thật! Tình hình này đang trên chiều hướng phát triển. Nhưng khuynh hướng sai xuất hiện trên báo chí, trong các cuộc nói chuyện, v.v...
Chúng ta phải có kết luận nhất trí và chặn đứng ngay. Giải quyết xong cái này mới có cơ sở để giải quyết những vấn đề khác.
Anh N chưa nhận ra một cách sâu sắc khuyết điểm nên thái độ có chỗ chưa dứt khoát. Anh đã ủng hộ bài anh H.N.H nên sau này không phê phán triệt để anh ấy. Ở đây, anh N phải dũng cảm mới giải quyết được vấn đề.
H.N.H tin rằng anh ta sẽ thắng vì có một số quần chúng hưởng ứng, thái độ của lãnh đạo (ý nói Đảng đoàn) lại chưa nhất trí và anh ta lại dựa vào một số lý luận nào đó của Liên Xô.
Chúng ta phải có chương trình hành động cấp bách bao gồm cả việc đấu tranh trên mặt trận dư luận (cả bằng nói và viết). Hiện nay, chính khí thì tù mù, tà khí thì đang len lỏi, nó đang lợi dụng sự chập chờn của chúng ta.
C.L.V:
Cần có tiếng nói dứt khoát, không nên do dự. Anh N còn do dự trong việc nhận khuyết điểm về bản đề dẫn (đ/c C.L.V phân tích dài sai lầm của bản đề dẫn).
- Người gây ra tình hình này là anh N.N. vô hình chung hình thành một cái trung tâm: đó là ông N, ông T.Ho, ông B, ông H.N.H... Chính anh N xây thành những cái tổ kén khá bền chắc: T.S, N.T.L, H.P, H.N.H, v.v... Bây giờ lâu ngày rất khó gỡ.
- Anh N điện cho anh T ở lại Liên Xô dự hội nghị nhưng không nói rõ ai làm trưởng đoàn. Anh có dụng ý gì? Anh đề nghị anh B huân chương là không xứng đáng. Còn anh, tác phẩm so với X.D, A.D còn kém hơn. Anh cũng như Đ.V, như vợ tôi... thôi chứ!
- Trong tờ Lotus: bài nói về anh không đúng ý của Hội Nhà văn, sao anh không có ý kiến nói lại? Có một số việc như việc huân chương, sao không báo cáo lại với Đảng đoàn? Đảng đoàn to hơn đồng chí Bí thư chứ! Bí thư phải báo cáo với Đảng đoàn chứ!
- Anh N kiên trì không thi hành nghị quyết. Anh T.Hu cứu anh nhiều lần nhưng anh từ chối. Anh bị bao vây về lý luận. Anh ở đây nhưng có cảm giác anh có phái viên đi các nơi hoạt động. Bản đề dẫn tuy vậy cũng không nghiêm trọng lắm. Nghiêm trọng là thái độ đối với nó.
- Ít người làm việc với anh vì anh chọn người phe phái của mình.
- Anh là Bí thư thì còn hại cho Đảng. Anh không nên làm nữa, và anh đấu tranh cho Đảng thì chúng tôi sẽ ủng hộ anh.
N.N:
Đối với anh T, tôi không có dụng ý xấu. Tôi không nghe thấy anh T nói gì về vấn đề này.
Tôi xin lỗi các đồng chí vì trong một thời gian dài, tôi đã không nhận ra sai lầm; do đó, đã tác động rất lớn đến tình hình chung. Tôi rất chủ quan, tin vào sự trong sáng của mình (muốn làm cho mọi việc được tốt) nên đã kiên trì giữ nhiều ý kiến. Tôi thấy văn học ta chưa đáp ứng được yêu cầu của cách mạng. Tôi muốn làm tốt hơn. Nhưng ý kiến cá nhân tôi đã vi phạm đến nhiều điều nguy hiểm. Tôi đã không thấy được tình hình chính trị chung, đã để cho một số sự việc, hiện tượng xảy ra, gây tác hại cho uy tín của Đảng. Tôi xin rút lui những ý kiến đã bảo vệ trước đây và xin Đảng cho phép tôi sửa chữa. Tôi tin rằng tôi dám hy sinh cho cách mạng thì tôi cũng có dũng khí để sửa chữa. Tôi không hiểu anh em nên đã có định kiến.
Xin cảm ơn các đồng chí đã góp ý kiến.
N.K:
Anh N.C.T đã gây tác hại nhiều đến uy tín Đảng đoàn Hội Nhà văn, làm hại anh N.N.
Anh N.C.T có tác dụng phá hoại, kích động ghê gớm lắm. Anh hết sức “Mao”. Tai họa cho anh N là từ khi anh T ra ở 4 Lý Nam Đế, N.C.T nói: Nay mai lịch sử sẽ tính bản đề dẫn là một cái mốc! N.C.T dặn để từng người nên nói gì khi có cán bộ của Ban Tuyên huấn đến tìm hiểu tình hình.
N.C.T kêu gọi tôi nên ủng hộ N.N vì nay mai, anh C.H.M sẽ làm trưởng ban tổ chức và anh N sẽ được ủng hộ.
Đối với sai lầm, khuyết điểm của anh N trong sự điều hành công việc chung, thời gian đầu tôi phải liên đới chịu trách nhiệm với anh N. Còn về sau, cùng chịu trách nhiệm với anh N phải có anh T.Ho.
Không thấy anh N kích động ai trong quân đội.
Tôi rất sợ anh T.Ho. Điều hành công việc có nhiều sai lầm là do anh N bàn với anh T.Ho.
Trên cho anh T.Ho là nhà văn lớn, yêu anh lắm! Công an hình như tin anh! Anh lên bằng sự hiểu lầm của mọi người! Tôi cho anh T.Ho không thể có tác phẩm gì lớn.
Đ/c T.Đ:
Việc giới thiệu đ/c N.C.T chủ trì cuộc họp đảng viên là không đúng. Việc cử đồng chí vào Hội đồng nhà trường cũng không xứng đáng. Đ/c N cần chú ý đến quan hệ với anh N.C.T.
Anh N đã nhận rõ sai lầm trong công việc và có quyết tâm sửa chữa là tốt lắm. Bây giờ cần có chương trình hành động cho tốt.
Tờ báo Văn nghệ cần phải có tiếng nói của anh N, anh T khẳng định quan điểm của mình đối với bài của anh H.N.H. Cần đề phòng những xu hướng xấu phát triển. Cần phê bình thân ái và thông minh.
Đ/c N.Đ.T:
Nhân có anh Đ, tôi xin nói với anh về việc riêng của tôi. Mong rằng trên hiểu rõ cho tôi là. Dư luận nói tôi viết vở Nguyễn Trãi định ám chỉ một đồng chí nào là không đúng. Suy nghĩ, và nguyện vọng của tôi là được viết những điều mình thấy là nên viết. Trong phê bình của Trung ương về vở Nguyễn Trãi, tôi xin phép không tiếp nhận điều phê bình là tác phẩm có biểu tượng hai mặt, vì tôi không có những ý đó.
Đ/c G.N:
Về tổ chức cần rà lại cơ cấu tổ chức của Báo - Xuất bản - Trường để xây dựng củng cố các cơ sở.
Đ/c T.Đ:
Cuộc họp đã giải quyết được một việc quan trọng là anh N đã nhận ra sự sai lầm về quan điểm trong thời gian qua và quyết tâm sửa chữa, đã thống nhất được trong Đảng đoàn. Mọi người cần xúm lại để giải quyết công việc mới được

No comments: