Nhà thơ Hữu Thỉnh - Sự chân thực là yêu cầu bắt buộc
Nguồn VanVN.Net
-
Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn
học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, từng nhiều năm
làm phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội và Tổng biên tập Báo Văn
nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Ông từng là lính Tăng - Thiết giáp, từng
nhiều năm chiến đấu ở chiến trường và làm báo ở chiến trường. Nhân dịp
Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), ông chia sẻ suy nghĩ của mình
với bạn đọc...
PV: Ông có thể chia sẻ con đường đến với báo chí của mình cho độc giả?
Nhà thơ Hữu Thỉnh: Giống
như một cầu thủ bóng đá, trước khi lên chân giầy, anh phải tập đá chân
đất, đá bóng bưởi, đá bóng rẻ. Tôi có những năm như thế khi làm báo
tường trong những năm học phổ thông. Một trong những người làm báo tường
gắn bó nhất thời cắp sách của tôi là nhà thơ Vũ Duy Thông, một nhà thơ
nổi tiếng, một nhà báo thành danh đã nhiều năm trải qua cương vị Vụ
trưởng Vụ báo chí Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương. Chính niềm đam mê làm
báo thời đi học đã dẫn dắt tự nhiên tôi đến với công việc làm báo sau
này.
PV: Cuộc đấu tranh vệ quốc vĩ đại
của dân tộc với “Máu và hoa”, với chiến thắng sau cùng nhưng cũng có
không biết bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu hi sinh gian khổ mà từng con
người Việt Nam phải nếm trải. Với ông thì cuộc chiến đấu đã để lại gì
cho ngòi bút?
Nhà thơ Hữu Thỉnh: Tôi
có gần 30 năm mặc áo lính và nhiều năm sống ở chiến trường với tư cách
một người làm báo của Binh chủng Tăng - Thiết giáp. Khẩu hiệu của chúng
tôi là: Bộ đội bám địch, nhà báo bám bộ đội. Không hiểu người lính, làm
sao cắt nghĩa được các chiến công. Chính cuộc sống chiến trường đào
luyện nhà báo. Đó là trường học, là người thầy vĩ đại. Cho nên một chữ
viết ra đều liên quan đến cái sống và cái chết. Lương tâm và trách nhiệm
người làm báo lớn lắm.
PV: Có khoảnh khắc nào sâu sắc nhất trong ông, trở thành điểm tựa cho cuộc đời cầm bút của ông?
Nhà thơ Hữu Thỉnh: Đó
là những phút ngồi trong hầm xe tăng, nghe tiếng bom B.52 rải thảm rầm
rầm trên đầu. Một đợt, hai đợt, ba đợt… sáu đợt. Thật ghê rợn. Qua mỗi
trận bom lại thấy cuộc sống được kéo dài thêm. Những lúc thoát chết như
vậy, mới thực sự biết giá trị của cuộc sống, quý trọng từng giờ, từng
phút. Cho nên tự bảo phải làm sao cho cuộc sống có ý nghĩa.
PV: Cùng viết về cuộc chiến đã qua,
thể hiện sự chân thực và sâu sắc thì ngòi bút của một nhà báo với một
nhà thơ có khác nhau không?
Nhà thơ Hữu Thỉnh: Đương
nhiên báo chí và văn học là hai thể loại khác nhau, nên có những yêu
cầu nghề nghiệp khác nhau. Nhưng sự chân thực là một yêu cầu bắt buộc.
Chân thực là yêu cầu hàng đầu, là hồn cốt, là quyết định. Không chân
thực thì làm sao tạo được niềm tin.
Tuy nhiên, cái chân thực trong báo chí
là sự chân thực có tính chất tuyệt đối về sự kiện, con người, tính chất,
địa điểm… Còn trong văn học là lĩnh vực sáng tạo thì sự chân thực thể
hiện ở bản chất, quy luật, xu hướng của sự phản ánh. Hai mức độ, hai đặc
thù nhưng cả báo chí và văn học đều phải tuân theo quy luật của cuộc
sống, “thuyết định luật” của đời sống, của hiện thực muôn màu.
Còn có một sự chân thực khác, sâu xa
hơn, trừu tượng hơn mà rất thật. Đó là sự chân thật của cách nhìn, cách
nghĩ, trong sâu thẳm tâm hồn của người viết. Ở đây có vấn đề liên quan
đến lương tâm và trách nhiệm của người cầm bút.
PV: Có rất nhiều câu thơ làm cho
chiến tranh “mềm” hơn của các thế hệ đã đi qua. Đó là hiện thực chiến
tranh hay hiện thực tâm hồn của người chiến sĩ - nghệ sĩ?
Nhà thơ Hữu Thỉnh: Người
làm thơ lấy cái rung động của tâm hồn để bắt nhịp với đời sống. Và bài
thơ trước hết là sản phẩm của tâm hồn, tài năng của nhà thơ. Nhưng trong
sâu xa lăng kính tâm hồn ấy, tài năng ấy lại luôn luôn mở ra với đời
sống, nhằm tái hiện đời sống một cách có nghệ thuật. Thi ca cần thiết
bay bổng, mơ mộng. Nhưng mọi cánh diều của thơ ca đều phải buộc chặt vào
mặt đất. Đứt dây với đời sống thì cách diều rơi mất.
PV: Chiến tranh đã đi qua gần bốn thập kỷ. Sự hi sinh của các nhà báo, nhà văn - liệt sĩ, trong đó có nhiều đồng đội để lại trong ông những kỷ niệm, những ấn tượng gì sâu sắc nhất? Với ông, trách nhiệm của một người cầm bút là gì? Ông có nhắn gửi gì tới đồng đội cùng thời và thế hệ cầm bút hôm nay?
Nhà thơ Hữu Thỉnh: Cảm
nhận sâu sắc nhất của tôi sau nhiều năm sống và viết ở chiến trường là
lòng yêu nước và sự hi sinh vô hạn của nhân dân ta. Đó mãi mãi là tượng
đài chói lọi nhất, tôn vinh phẩm giá, nhân cách, vẻ đẹp của dân tộc ta,
của Tổ quốc ta trong cuộc chiến đấu vĩ đại vì độc lập, tự do và vì cuộc
sống và hạnh phúc của mỗi con người.
* Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của nhà thơ Hữu Thỉnh!
No comments:
Post a Comment