(1936-2006) là một nhà thơ, nhà văn gốc Việt nổi tiếng như một trong những người khai sáng của lối thơ mới trong Nam bằng tập thơ thể tự do đầu tiên ở Miền Nam Việt Nam nhan đề Tôi Không Còn Cô Độc xuất bản năm 1956.
Tên thật là Dzư Văn Tâm, ông sinh ngày 13 tháng 3 năm 1936 tại thành phố Vinh, Nghệ An và mất ngày 22 tháng 03 năm 2006 tại Minnesota, Hoa Kỳ do ung thư phổi.
Ông theo gia đình di cư vào Nam khi còn rất trẻ.
Năm 1954 ông chủ trương nguyệt san Lửa Việt. Sau đó, cùng với nhà văn Mai Thảo (1927–1998) thành lập Tạp chí Sáng Tạo từ 1956 đến 1960.
Ông được gọi nhập ngũ năm 1962, giải ngũ năm 1966; được tái động viên năm 1968 trở thành sĩ quan cấp Úy của quân lực Việt Nam Cộng hòa.
Sau 1975, ông bị bắt đi học tập cải tạo trong 7 năm, sau đó trở về và được đi định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO.
Thơ của ông, cho đến nay, vẫn còn là một nguồn cảm hứng lớn đối
với nhiều nhà thơ có khát vọng đổi mới.
HẢI ĐẢO
Trên biển mù sóng cuộn
Ngày lộng tuôn như máu loang khô
Sóng thảng thốt dập vùi hải đảo
Cửa ngàn trùng gió mở toang
Nâng niu máu rỉ cườm tay nhỏ
Thời khắc câm tiếng nỉ non
Hải đảo xa vời em
Trên miền non cao rừng rú
Gió gào giận khốn tù
Trong cõi mộng hung tàn
Một mùa đông dài bão táp
Đêm qua ác điểu đậu cành khuya
Thả rớt trái tim ác độc
Trong một tiếng tang thương
Đêm qua gió cắp mộng lên non trốn
chạy
Rồi gió hú van
Trong hành lang tối ám giờ lâm tử
Hải đảo xa vời em
Trời chuyển màu chớp xé
Cánh chim bay cánh chim bay
Vào mùa hư không trôi nổi
Khi bóng đảo chìm
1972
VẪN EM
Vẫn em đồi trăng phơi mờ hoặc
Tóc buông giải thẫm xoá canh thâu
Vẫn em rừng lũng khuya trốt lộng
Ngút đen mắt lạc ruổi tin sương
Vẫn em đồng sông sao trời hạ
Phập phồng tan nát lượng thời gian
Vẫn em dáng cây nghiêng nẻo khuất
Sương muộn ham mê thức lá buồn
Vẫn em ngực thở vùi cơn bão
Trải niềm không, xô xát niềm klhông
Vẫn em trận mưa giông vách núi
Mở buốt mông lung ngõ đất trời
Vẫn em thoáng trắng mây hiền hậu
Ngẩn ngơ soi mặt biển điêu linh
Vẫn em đoá quỳnh run hoảng nở
Hương thầm choàng riết cõi đêm ta.
2-73
(Giai phẩm Văn tháng 11.1973)
ĐỈNH NON XA
Tặng Vũ Duy Hiền và Trần Kim Hải
Hôm ta từ núi cao đi xuống
Trời phả sương mê lạnh nhạt hồn
Đá vách ngún mây kiêu bạc hống
Nhập nhoà tiếng ngậm bặt tang
thương.
Trắng phếu sườn non ngày mới chớm
Một đoá trăng tàn lẩn lút bay
Mùa hiu hắt thổi hoang vu quyện
Lòng ta lạnh vắng như cỏ cây.
Dưới ngọn đèo xa loé nắng xưa
Phiêu bạt rừng già dìu dặt mưa
Triều lũng dựng xanh cuốn gió đáy
Mang mang giọng điệu trí câm mù.
Ta nhớ sau lưng núi thanh thản
Biếc ngây như lệ của đêm điên
Ta nhớ rằng ta không nhớ nữa
Như cây trơ trụi mùa hưu miên
Như phiến gỗ nặng thả theo nước
Bập bềnh trôi nổi ta về xuôi
Như lau lách mọc chen bờ bãi
Phất phơ tóc bạc lả theo trời.
(Giai phẩm Văn 3.9.1974)
HẠ CA
Em vén tóc cho cao
Trưa nay trời nồng nực
Đầu cành xa hoa đỏ trổ ngời
Óng ánh nắng mật
Ngửng trông giếng khơi tuyệt ngấn
mây
Đáy biếc toả
Tháng tư chói lọi vây
Chập chùng lấp loá
Ngày nôn nả ngây
Diễm lệ kinh hoàng
Giấc chon von còn chưa rớt ngã
Rực rỡ im vang.
Này em dừng nghe
Thời gian lặng thiếp cháy
Thong thả thong thả
Tình si thong thả
Lửa đầm say đê mê
Long lanh ngút ảo
Trên phố xá bừng héo hon
Rạng um xanh cây cối
Trổi râm ran điệu ve sầu bôn chôn
Van vỉ như hớt hải mờ tối
Phương hướng nào cũng mở mông lung
Quýnh quáng đốm trời diệu vợi.
Thả em bên kia chiêm bao nghĩ thoáng
Rong suốt giải phân ly
Theo đam mê lững thững
Ô em quỷ mị mùa hè
Sông nước phơi vàng xoá bờ bến
Tịch mịch rơi hạt lệ quạnh không.
Thản nhiên thản nhiên thôi
Tim khờ dại
Ngục tù thênh thang đắm tiếng gọi
Máu thổ hoa ngầu thắm tươi cười
Kìa vầng dương trút rợp huyễn hoặc
Biển khô mù hát trầm vong khôn
nguôi.
4-74
(Giai phẩm Văn 21.5.1974)
THẨM NHỦ
Tặng Cung Tiến
Dưới đáy vực gió cuồng
gió mê say phủ mờ cơn náo động
mặt mũi đám dông
đêm bay hoảng
Tôi đứng đấy như con công tôi múa
xoè bộ mã đời mình nũng nịu
như trên chót đỉnh khoe khoang
Tôi đứng đấy những tơ giăng phù
phiếm
con nhện rớt hoài
trong màng lưới rách bung
của lời đong đưa trắc nết
Này tôi đứng
khoác manh áo cũ
che bụi mưa tàn
mưa lạc mùa mưa thoảng buốt phút sầu
mưa trên cao những bàn tay vẫy
nhịp tình dâng và
những nhịp không
thân nhẹ nhõm phô bày
Này tôi đứng
trên sợi dây treo
ngửa mặt trông đêm nhún nhẩy
nghe nỗi lao đao
mây rong cỏ muộn
những điệu đẩy dồn và
điệu tả tơi
như chút tính mệnh nào còn níu
Tôi thầm nhủ
Ồ, em cơn điên thường lạnh nhạt
khi men tê đầu lưỡi thèm
lời lẽ điếm đàng nuốt chửng
mỗi đêm nay mỗi ngày nay
suốt cơn mê gió nổi
tôi thầm nhủ
trò đùa mãi không thôi
em cười mãi không thôi
chạy nhầu trên đồi xa khuất bóng
và núi hãi hùng
này tôi còn đứng tôi thầm nhủ
1-69
TUẦN GÁC
Bây giờ bốn giờ sáng đêm đang xoè
cánh hư vô
Sông Sài Gòn trôi dưới chân một vết
sương mờ
Trái hoả châu loè sáng rớt xuống
Rớt xuống
Lửa vàng hoen treo đầu tiếng ca
- Em
ơi, em ơi ngồi đây anh nhớ em
Người lính gác trốn rét núp mình
Trong áo tơi chùm kín ủ khúc hát
Chợt đáp trên môi bay cao luồn khoả
ngục
Vỗ cánh
Như con chim chập choạng vòng điếm
hoang
Anh trèo rung thang sắt dốc ngược
Những chiếc xuồng đốt đuốc men bờ
thành
Mò xác người chết đuối
(Thiếu nữ sẩy chân bến Đáy ban
chiều)
Tiếng khóc bật chìm trên cù lao đối
thủ
Như cỏ gianh khua
Như con tàu say lô cốt bấp bênh
Trái hoả châu rụng tàn
Mồi đuốc chập chờn cùng khúc hát âm
vang
Anh bảo: Khua kẻng lên hãy kêu đồng
bạn
Pha đèn sâu trong các vùng tử giác
Tiếng sắt dầy âm u truyền mãi hồi
đối đáp
Trong hang động vô cùng rét lạnh và
cô đơn
Lô cốt thả neo giữa không trung
Trái phá nổ ngậm miệt rừng chồi,
hàng dừa nước ven sông ùa sáp tới
Anh bảo: Đừng ngủ em, chống mắt lên,
chờ kẻ địch
Đừng ngủ em, trời sắp sáng, đừng ngủ
em
Anh trở xuống lẩn vào đám cao ướt
sắc vượt đầu
Và lại nghe khúc hát mỏng như tợ sợi
rét dăng ngang mặt
- Em
ơi, em ơi, ngồi đây anh nhớ em.
Khúc tháng chạp
Cớ sao chim tinh khôn, chim chẳng
hay mùa đông chụp tới? Mùa đông, người thiếu phụ điêu ngoa vẻ u tình, người
thiếu phụ hỗn hào nhẫn tâm quật thúc mê man. Người thiếu phụ không biết hổ
ngươi. Mỗi ngày soi tấm gương hoen âm bầu trời đục dữ dằn, soi mắt mình trong
mắt mình. Leo ngược dốc đứng, dốc trơn trùi nhọn hoắt. Rơi lăn lóc như bụi sạn.
Ôi — Chim hiếm hoi, chim lạ kỳ, chim
bé bỏng. Vụt bay nỗi sầu bi, cánh hân hoan xơ xác. Hiểu không sự lênh đênh cùng
thẳm? Hiểu không ngọn lao đao tuyệt tích? Hiểu không con bấc mù mất dấu trên
đồng bưng mặt ngất? Hiểu không? ... Hiểu không. Những thoáng chốc vi vu nứt nẻ?
Mùa đông nham hiểm. Tiếng vang âm
gian tà. Chuỗi đêm mòn trắng. Cành trụi lá gẫy khô. Trong bưng bít đắm đuối,
thân vang rời mài miệt... Từ đỉnh thầm, đầu ngọn cỏ, thức mây đùn. Ôi mùa đông
hố bẫy, ngời đen ngươi dẫn dụ. Chút bấp bênh đùa rỡn loã lồ xuyên luồn mũi kim
rỉ sét. Ôi — tiếng vang lừng rơi ngã của ham mê, tiếng vang chết yểu giữa tường
vách chật bóng điên loà.
Nội không quạnh quẽ như ngàn cõi
chiêm bao vượt. Đập vỗ, đập vỗ hoài con mắt buốt, con mắt vi ty rụng trụi lớp
mi che, không động thức. Con mắt khờ câm căng chống. Tưởng dáng mùa hè chín ối.
Tưởng nét mùa thu lung linh. Đã bay qua, bay qua nghìn mệt mỏi. Như điệu ngân
hụt hẫng. Mưa buông khít chân trời, mưa rũ liệt làm sao ngớt, mưa giả lả. Những
huyệt trốt cuốn, vật nài chim ngây thơ khoá cánh, vùi dập chim mỏng mảnh trong
khuất khúc giá băng. Đắp điếm những mai chiều như bao giờ xỉn cũ, những canh
tàn giấu cất, những khuya lên rách rưới như bao giờ. Như bao giờ, hiểu không
như bao giờ?
Ôi — Chim bé bỏng, chim bé bỏng
hoài.
Và mùa đông thổi chuyến bay trong
cõi rỗng.
(12-69)
ÓNG ÁNH HƯ NGỤY
Mỗi phen cầm bút viết về văn chương
— làm một thứ văn chương trên văn chương — tôi hiểu rõ mình đang sống thời buổi
khủng hoảng. Văn chương nhất thiết là hồn nhiên, ngây thơ hay không, tôi chẳng rõ.
Nhưng đối với tôi khi nó cần trông thấy nó qua phản ánh của nó, không thể phủ
nhận là nó đang truỵ lạc, sa đoạ. Nhất là buồn bã.
Mỗi phen, tôi đều lập lại với tôi
khẩu hiệu: Enfin, j’écris. Enfin, đó là tín hiệu của người bạn thân phát ra
giúp tôi nhận biết anh ta bắt đầu say. Trong cuộc rượu của chúng tôi đã tới một
thời điểm gay cấn, hãy nhận Enfin, báo động cho bạn bè, những kẻ ngồi chung
cuộc, rằng: bất ổn, bất ổn, chán quá, chán quá, tôi quyết định đẩy cơn say đến
cùng, đánh đắm mình vào mông lung, mù mờ, hỗn độn. Như Hamlet kêu: “The time is
out of joint” (Thời gian đã ly tán). Như Hamlet, chẳng còn hiểu đời sống, hươi
gươm đâm chết nàng Ophélia. Cơn khùng điên óng ánh những mảnh minh trí vỡ nát,
những mảnh sao băng miệt mài, không một giây đốn ngộ, từ khước đốn ngộ — chẳng
thể ôm ấp đời sống mênh mông vô hạn. Đó định mệnh của văn chương trên văn
chương, nỗ lực soi rọi mù mờ bằng những ánh mù mờ, nỗ lực kết tập thời ly tán
bằng những đun đẩy ly tán.
Enfin, j’écris. Enfin, je crie.
Thảm thiết chưa, cũng lố bịch chưa,
văn chương kêu la tắt tiếng trên văn chương. Văn chương soi bóng làm bộ làm
tịch trước văn chương. Mỗi phen tôi đều nổi da gà, nhờm tởm, thấy mình đang
đóng vai chủ chứa trong tấn kịch Bao Lơn (Le Balcon) của Genet. Trong nhà chứa
của mụ này, mỗi phòng được bài trí một kiểu dành riêng cho một vai nhất định mà
khách chuộng đóng — tu sĩ, tướng lãnh, quan toà, cách mạng — với đầy đủ y trang
và các thứ phụ tùng cần thiết để đóng trò — mọi trò điển hình của dục tính thác
loạn — nữ nhân là phụ tùng thiết yếu, nhưng phòng nào cũng có gắn gương để cho
các đương sự có thể nhìn ngắm mà sửa bộ.
Ngôi nhà chứa ở trong một thành phố
dấy loạn. Và trên bao lơn của nhà chứa, khách làng chơi và gái giang hồ dẹp
loạn.
LE POÈTE MAUDIT
“Tôi viết chỉ bởi lẽ tôi không thể
nào làm khác.” (Je n’écris que parce que je ne puis faire autrement) và “Đáng
nguyền rủa thay con tim không biết đường tự chế.” (Maudit soit le coeur qui ne
sait se contenir — "Penthésilée"). Đó là những lời than thở của
Kleist, đối cực của Goethe.
Tôi tự hỏi còn không cái tông giống
thuần khiết kia? Gương mặt ngửng cao dưới bầu trời giông bão, trán hứng nhận
sấm sét và cất giọng gào ca một điệp khúc hân hoan thịnh nộ của con người, ganh
đua cùng trời đất quỷ thần. Quả nhiên là cái tông giống đáng nguyền rủa, dập
vùi. Đáng nguyền rủa cái hào quang của tuyệt vọng, đáng dập vùi cơn đam mê khốn
cùng của một tông giống.
Keats hát: “Hạnh phúc thay ở trần
gian này lại còn có nấm mồ (Je suis heureux qu’il y ait ici bas une chose telle
que la tombe).
Nhưng còn không, còn không những
vầng trán hiền lộng mênh mang của một cõi ngoài, những cửa miệng há mở cho nhảy
thoát con tim đỏ ối, những đôi mắt căng banh dập dồn ánh lửa uy linh một đời
khác? Còn không một tấm lòng trinh bạch? Còn không chút thơ ngây dại dột, chẳng
làm tuồng?
Nhận chịu bị nguyền rủa (không phải được
bị nguyền rủa) - chẳng hiểu sao, bởi không thể khác — như con chim thất lạc
giữa mùa đông băng giá, cất tiếng kêu thảm thiết gọi nắng, gọi hoa và đợi chết?
Chim bị nguyền rủa, chẳng nguyền rủa. Còn không? Còn không?
Dường như sau buổi tân hôn bi tráng
của Kleist, tắm đượm niềm hoan lạc phi thường — Tử thần lẫm liệt uy nghi đã bị
Kleist nặn thành tượng trưng bày — cái tông giống kia không thể tồn tại bởi
không thể vượt hơn. Hãy nghe Kleist viết thư từ biệt cô em gái:
“Que le ciel t’accorde une mort qui
ressemble, ne fûtce qu’à moitié, à la mienne en joie et en sénérité; c’est le
voeu le plus sincère et le plus tendre que je puisse former pour toi.”
(Cầu trời ban cho em một cái chết
hân hoan và thanh tịnh giống như cái chết của anh, bằng phân nửa thôi cũng
được; đó là lời cầu chúc chân thành nhất, âu yếm nhất mà anh dành cho em.)
Chàng thơ ấy bình thản nhìn lần cuối
mớ bản thảo của chàng, một quyển tiểu thuyết đã hoàn tất, hai vở kịch - tất cả
giông tố mê mải của hồn chàng đó — nhưng bấy giờ lặng thinh mọi tham vọng —
không ai màng những của nợ ấy và chính chàng cũng chẳng còn thiết (... J’ai cru
savoir. Je savais toujours. Je sais peut-être mais personne ne veut ce secret
et je n’en veux pas moi-même. Tôi từng tưởng biết. Tôi hằng vẫn biết. Bây giờ
có lẽ tôi biết nhưng không một ai màng đến điều thầm kín ấy và ngay chính tôi,
tôi cũng chẳng thiết — Camus — Trở Lại Tipasa). Và chàng thiêu huỷ đống giấy
lộn kia (như Gogol, Kafka). Chàng viết gửi nhà chức trách bản tường thuật diễn
tiến cuộc tự sát, mở đầu bằng câu: “Chúng tôi nằm chết trên con lộ...”
Kleist với một người đàn bà xấu xí
bệnh hoạn và cũng cô đơn như chàng, thoả thuận chết cùng chàng, hớn hở như đôi
uyên ương cùng rủ nhau đến Wannsee. Họ ngồi uống cà phê giữa trời. Người ta còn
nghe họ cười ròn tan, đi khuất vào đồng cỏ. Đúng giờ đã ghi, hai phát súng nổ.
Kleist đã kề súng bắn vào trái tim của người đàn bà đồng hội đồng thuyền rồi ngậm
họng súng trong miệng mình nổ phát thứ nhì. Tay chàng không hề run rẩy.
“Tôi đã làm tất cả những gì thuộc
quyền năng của một người... Tôi đã thử thách đến điều bất khả. Tôi đã mang đặt
thời vận cuối cùng của đời tôi trong một tiếng bạc. Mấy con xúc xắc định mệnh
đã thẩy lăn, tôi cố tìm hiểu... Tôi thua. (J’ai fait tout ce qui est dans le
pouvoir d’un homme... J’ai tenté l’impossible. J’ai mis ma dernière chance dans
un coup de dés. Les dés fatals ont roulé, j’essaie de comprendre... J’ai
perdu!) — “Penthésilée”.
Tôi thua! Tôi thua! Và “tôi nghĩ tôi
có quyền chết”.
Sau Kleist, không còn poète maudit.
Mọi người đều bị nguyền rủa, đều được nguyền rủa, đều cùng nguyền rủa, đều tự
nguyền rủa. Khốn khổ, thảm hại thay tuồng nguyền rủa. Tuồng văn chương truỵ lạc
đấy thôi. Coi kìa Dosoievski đeo thánh giá, đọc diễn văn dưới chân tượng
Pouchkine. Henri Miller khoác áo mô phạm đứng trên bục giảng đường thuyết pháp.
Sartre từ khước Nobel, xuống đường tranh đấu, tự đoạ mình trong tự do... Nhiều
vô xiết kể. Tất cả những người ấy, hết thảy những người — ít nhiều chăn nuôi ảo
tưởng của văn chương nghĩa lý đều đã mang giấc mộng tột cùng / khốn cùng: trở
thành maudit, đều từng đóng các tuồng tích và đều trở thành hề. Không chừa ai.
Đã tuyệt giống poète maudit. Còn
chăng là những chàng thơ bị ám toán, “triệu triệu chúa Kytô có đôi mắt u sầu và
hiền hậu” (O, million de Christ aux yeux sombres et doux) (Rimbaud).
1973
GIẢI ĐỀ: CHỮ TRINH CÒN MỘT CHÚT NÀY
Bạn ta — “Xuống núi” không tìm gặp
bạn, nghĩ cũng tệ. Thật thì chẳng có lý do nào ngăn trở hết. Mỗi lần đáp xuống
thành phố, vẫn chỉ ngần ấy thói quen: Ngồi quán, gặp vài khuôn mặt thân thuộc
và ngày dứt trong khuya ngất ngưởng. Thế thôi, không gì khác. Ta chẳng thích
mất những thói quen.
Xuống, nghe bạn ta lại phải dấn thân
vào trường “gió tanh mưa máu”, còn mắc nạn nữa. Hơi buồn. Biết làm sao được,
phải không? Đúng là “ma đưa lối quỷ đưa đường, lại tìm những chốn đoạn trường
mà đi.” Cái nhà ông Nguyễn Du, lâu lâu sực nhớ ông, bắt giật nẩy mình. Ngày
xửa, ngày xưa, ta đã cứ thắc mắc hoài về mấy câu nói của nàng Kiều khi tái ngộ
chàng Kim... Chữ trinh còn một chút này, chẳng cầm cho vững lại dày cho tan.
Giờ mới thấm thía, tội cho nàng Kiều biết mấy. Ông Nguyễn Du là chúa độc, hơn
cả anh chàng Tây Độc (hỗn danh của bạn ta đó). Nàng Kiều trầm mình xuống sông
Tiền Đường, tưởng đã thoát nợ kiếp này, ông lôi cổ lên đẩy về nhà, bắt phải mở
mắt mà trông: Này chồng, này mẹ, này cha; này là em ruột, này là em dâu... Cô
ngồi xuống đó đi, trước mắt đông đủ mọi người — hết thảy mọi người, yên ổn và
êm ấm nhưng không thể quên cô — và trước mắt tình lang mười lăm năm cũ cô ngồi
đó trong kiếp đoạn trường nào đâu đã dứt. Cô đã trả món nợ hồng nhan cho ông
trời già cay nghiệt, nhưng chưa xong. Còn cái món nợ tình với chàng Kim nữa, cô
ơi. Ôi, cái món nợ tình, món thế tục cầm chân ta lại trong vòng khiến ta bắt
buộc ngồi đó với bẽ bàng. Cái “bước trần ai” ta cứ động lòng. Nhưng mà động
lòng đến chừng nào, hỡi bạn ta. Còn một chút này.... thật là thảm, bạn ta nghĩ
mà coi. Chút này là chút nào? Chàng Kim chỉ có thể hiểu đến chỗ: Gặp nhau còn
chút bấy nhiêu là tình. Thiệt kỳ cục.
...
Giả như gặp nhau, ta cũng đến lặng
ngắt. Hoặc giả ta khua inh sự lặng ngắt. Thế thôi. Mà ta rõ đã lăn thân vào
chốn ấy, bạn không muốn nghe sự lặng ngắt. Ta cũng đang khua gióng sự lặng ngắt
đây. Bạn ta nghe chăng?
No comments:
Post a Comment