Nguyễn Đình Thi, bay qua mùa xuân
Mưa tạnh gầy bóng núi/Trời trong bóng trúc dài
Nguyễn Trãi
Nguyễn Đình Thi về tuổi đời, chẳng kém các nhà Thơ Mới bao xa, nhưng đã thuộc về một thế hệ khác. Bước vào thế kỷ XX, xã hội Việt Nam
phát triển nước rút, khoảng cách giữa các thế hệ, vì thế, bị thu hẹp,
đôi khi khá mỏng manh. Các lớp người văn nghệ cứ như những con sóng cắn
đuôi nhau mà đi tới. Bởi vậy, tuy sống cùng một thời với các nhà Thơ
Mới, nhưng Nguyễn Đình Thi khác với họ từ vốn sống, vốn tri thức đến
thời điểm chín để có thể gia nhập vào một đỉnh sóng kế tiếp khác của thơ
ca thế kỷ.
Thơ Mới khởi phát từ năm 1932, với một tinh thần cách mạng mạnh mẽ,
và đến đầu những năm 40 đã đạt đến thiên đỉnh. Người ta có thể thấy sự
toàn bích của nó ở Lửa thiêng của Huy Cận, Thơ say của Vũ Hoàng Chương. Nhưng bất kỳ một trào lưu nghệ thuật
nào đạt đến độ viên mãn đều đẻ ra những công thức mới, những sáo ngữ
mới có khả năng cầm tù cái mới. Bích Khê, Đinh Hùng nổi loạn, Xuân thu nhã tập chủ trương đổi mới cả lý thuyết lẫn thực hành. Nguyễn Xuân Sanh cách tân thơ bằng sự phá bỏ tính liên tục để thay thế vào đó tính gián đoạn:
Bình tàn thu vai phấn nghiêng rơi
Chén vàng dâng ướp nhạc lòng đời
(Bình tàn thu – 1942)
Những từ ngữ được đặt cạnh nhau dường như không hề có liên hệ cú pháp
hoặc ngữ nghĩa tạo cho câu thơ một âm hưởng lạ lùng, những hình ảnh đẹp
một cách bí hiểm. Tuy nhiên, thơ Nguyễn Xuân Sanh như một nàng tiên
chưa thoát hết lốt cá. Sự đều đặn về số chữ trong câu, số câu trong khổ,
sự đơn điệu trong cách ngắt nhịp, nhất là sự chồng chất ngôn từ Hán
Việt và hình ảnh sách vở đã cầm trói sáng tạo cất cánh. Xuân thu nhã tập đổi
mới không trọn, bởi lẽ sáng tác của họ không theo kịp lý thuyết, không
tạo ra được sức thuyết phục cho lý thuyết. Hơn nữa, trong ba nhà thơ của
họ, thì người có nội lực thơ ca thì lại không có khả năng bứt phá, còn
người muốn bứt phá thì thi lực lại non. Thắng lợi của một trào lưu nghệ
thuật, như vậy, đòi hỏi sự đồng bộ của nhiều nhân tố, mà có được sự đồng
thời, sự cùng lúc đó thì đôi khi lại phụ thuộc vào ngẫu nhiên, hay còn
gọi là số phận của nghệ thuật dân tộc.
Nguyễn Đình Thi sớm đến với Cách mạng tháng Tám. Cuộc cách mạng
xã hội này đã kích thích trong ông một tinh thần cách mạng nghệ thuật.
Bởi thế, thơ Nguyễn Đình Thi khác với Thơ Mới. Cái khác ấy ở ông có hai
khởi nguyên: tâm hồn nhà thơ và hiện thực những năm đầu kháng chiến
chống Pháp. Hai dòng sống này cuốn vào nhau để cất lên một tiếng thơ
mới. Điều này vừa thể hiện ở sáng tác thơ vừa ở lý thuyết thơ trong
“tuyên ngôn” Mấy ý nghĩ về thơ được viết vào 12-9-1949 trước thềm Hội nghị Tranh luận Văn nghệ Việt Bắc.
Thơ Nguyễn Đình Thi là thơ trực tiếp. Trực tiếp vì thơ ông là tiếng nói đầu tiên
“toé lên ở nơi giao nhau giữa tâm hồn và ngoại vật”. Tiếng nồng thơm
của đứa trẻ khi lần đầu tiên cất tiếng. Tiếng trinh nguyên của vũ trụ
khi vừa thoát khỏi hỗn mang. Nhà thơ, theo Nguyễn Đình Thi, bao giờ cũng
là con người đầu tiên, và nhìn sự vật, nói về sự vật bằng con mắt và
tấm lòng của con người đầu tiên ấy. Đó là nhìn và nói bằng hình ảnh. Chỉ
có hình ảnh mới có khả năng đập mạnh cùng một lúc vào cả đầu óc lẫn
trái tim người đọc. Mỗi câu thơ là một sự lựa chọn tối ưu hàng nghìn
phương án diễn ra trong tiềm thức của nhà thơ. Trong căn hầm sáng tạo
tiền ngôn ngữ này vật liệu chọn lựa chỉ có thể là những hình ảnh. Và
những ảnh hình thơ được lựa chọn đó ở Nguyễn Đình Thi xuất hiện khi
“đụng chạm với hành động hàng ngày, tâm hồn tự nảy lên bao nhiêu hình
ảnh như những tia lửa loé lên khi búa đập sáng”. Và, cũng nhờ trực tiếp
như vậy, nên “hình ảnh còn tươi nguyên, bao giờ cũng mới mẻ, đột ngột,
lạ lùng, mới tinh chưa có vết nhoè của thói quen, không bị dập khuôn vào
những ý niệm trừu tượng định trước”.
Hình ảnh thơ Nguyễn Đình Thi không phải là ảnh chụp, bởi ông không
làm thơ tả cảnh. Bởi ảnh chụp là nhìn sự vật từ bên ngoài, một thứ nhìn
mà không thấy. Hình ảnh thơ là hình ảnh tâm trạng, một lối nhìn sự vật
từ bên trong. Hình ảnh thơ Nguyễn Đình Thi cũng không phải là tư duy so
sánh ví von, là thứ dễ trở thành sáo ngữ. “Thơ không phải là tư duy bằng
hình ảnh. Thơ là nơi tư tưởng, tình tự quấn quýt với hình ảnh như hồn
với xác để tạo ra cái biết toàn thể, biết bằng tất cả tâm hồn, không
phải chỉ biết bằng ý niệm, bằng trí thức”.
Muôn ngàn đêm hẹn nhau họp đêm nay
Bến Phan Lương nép bên rừng im lặng
Ngang đồi một tia vàng bay vút
Một vầng sao ngời muôn vàn sao
Tung lên hoa lửa
Bụi ngọc ngập trời
Rơi rơi trên đầu trên cổ
Trên ngón tay
Triệu triệu sao
Rừng Việt Bắc
Ngàn sao phơi phới đang bay
Lòng ta ngợp ánh vàng
Mắt không thấy nữa
Núi lại núi gọi thầm
Hà Nội dưới kia
Hà Nội ngước lên nhìn
Bốn phương nín thở
Những lề đường mòn cũ
Vàng nhộp ánh đèn
Hà Nội…
Ngoài xa rì rào tiếng sóng
Sông Lô đang cuộn
Như dòng sông sao chảy giữa đêm mờ
Trôi tới chân trời xa vút
Ôm những bờ ngô bãi mía quê hương
Ta đứng đây bến thuyền đang nhộn nhịp
Những hành quân áo lá toả bên bờ
Những rừng cây rung gió say sưa
Ngàn sao nghiêng nghiêng chào vẫy
Bãi cát thắp lên từng dòng đuốc lửa
Đò bơi tíu tít mặt sông
Người vẫn sang vô tận trong đêm
Rầm rập đi trong rừng tối
Ta bước đi giữa dòng người như trẩy hội.
1947
(Đêm mít tinh)
Trực tiếp và giàu hình ảnh, thơ Nguyễn Đình Thi là thơ cảm giác. Thơ lãng mạn chủ yếu là thơ truyền cảm.
Thế giới thi ca của nó được đặt trên lưng của cái tôi tình cảm. Nó lấy
tình cảm của nó ra để làm đối tượng kể tả. Mỗi bài thơ là một bể chứa
năng lượng cảm xúc để truyền sang cho người đọc theo nguyên tắc bình
thông nhau. Thơ Tượng trưng là thơ gợi cảm.
Chủ nhân vương quốc thơ của nó, không chỉ là con người xã hội, con
người hữu hình, mà chủ yếu là con người tâm linh, con người vô hình. Đi
vào lãnh địa huyền bí ấy, người ta phải dùng đến biểu tượng, kể cả biểu
tượng tôn giáo, dùng âm nhạc, một thứ âm nhạc ma mị, đều đều, thầm thì
để dẫn dụ. Thơ Tượng trưng là một thế giới hoàn chỉnh, hài hoà, cô đúc,
mơ hồ, có sức mời gọi. Nhưng thế giới nghệ thuật
khép kín, tự đầy đủ trong bản thân nó này, không còn thích hợp trong
thời đại phản kháng. Thơ cảm giác là thơ của các giác quan, thơ của một
con người đang căng mình ra trước một thế giới mới. “Tôi không thích,
Nguyễn Đình Thi thổ lộ, những bài thơ nói ra tâm tình. Nó phải nói cảm
xúc, cảm xúc là tai nghe, mắt thấy, mũi ngửi, tay sờ, cảm thấy thế nào, nói thế ấy”
(ĐLT nhấn). Thơ cảm giác gây phản ứng bởi nó không quen thuộc, đúng hơn
chưa quen thuộc với cái lỗ tai Thơ Mới quen gắn thơ với nhạc, một thứ luật lệ bên ngoài. Thơ cảm giác dựa vào những tiêu chí khác, những luật lệ bên trong, gần với bản chất của thơ hơn. Hình như hành trình đi tới các thể loại văn học
là hành trình gạt bỏ những dị chất để nó trở về với tinh chất, với thực
chất của nó. Thơ, vì vậy càng đi xa càng trở về với tiếng nói đầu tiên.
Thơ cảm giác Nguyễn Đình Thi, có thể nói, là thơ nhịp điệu.
Nhịp điệu xưa nay vẫn là xương sống của thơ. Nhưng trước đây người ta
chưa nhận thức ra điều đó, bởi thơ còn chưa tách hẳn người anh em sinh
đôi của nó là nhạc: thơ cần tựa vào vần điệu. Nhịp điệu, vì thế không
phát huy được sức lực vốn có của nó. Nguyễn Đình Thi giải phóng thơ khỏi
vần, khỏi câu thơ có cùng một số chữ, cùng một cách ngắt nhịp để đưa
nhịp điệu lên bình diện thứ nhất và duy nhất của thơ.
Dừng chân trong mưa bay
Ướt đầm mái tóc
Em em nhìn đi đâu
Môi em đôi mắt
Còn ôm đây
Nhìn em nữa
Phút giây
Chiều mờ gió hút
Em
Bóng nhỏ
Đường lầy
1948
(Không nói)
Gọi thơ Nguyễn Đình Thi là thơ không vần không chỉ là một
cách gọi có tính lịch sử theo kiểu hoán dụ, mà rất tiêu biểu, rất trúng
của “trường phái trọng vần” của Thơ Mới bây giờ đã trở thành thơ cũ. Tuy
nhiên, cách gọi này, dù vô tình hay cố ý, dễ làm cho người đọc hiểu
lầm Nguyễn Đình Thi có chủ ý từ đầu làm thơ không vần. Tức thi nhân là
kẻ hình thức chủ nghĩa. Thực ra, Nguyễn Đình Thi làm thơ không vần là
tuân theo quy luật nội tại của thơ, tức nhịp điệu. “Tôi mong đi tới
những câu thơ như lời nói thường mà đạt tới độ cảm xúc mãnh liệt, nếu
cần nói hơi dài, dùng câu dài. Nếu hơi ngắn, nói ngắn. Những hình ảnh
thơ mới bây giờ tôi tưởng nó cần phải khoẻ, gần gũi, xù xì, chất phác,
chung đúc tự nhiên. Những bài thơ có cùng một nhịp đều đều, tôi không
thể chịu được. Bài thơ chất phác kia tác động vào tâm hồn ta hơn”. Thơ
ấy, cảm xúc ấy, tất phải nhịp điệu ấy. Một nhịp điệu chỉ tựa vào chính
nó nên không cần đến vần. Hiểu như vậy mới thấy Nguyễn Đình Thi chính là
người chống chủ nghĩa hình thức
quyết liệt nhất: nhịp điệu mới phải có vần điệu mới. Có điều vần điệu ở
đây bằng không (Zero). “Còn người dùng những điệu đều đặn mà nói được
nội dung mới phải là thiên tài. Hình thức cũ để tả nội dung cũ. Nội dung
mới, tự nó sẽ tìm đến hình thức mới”. Phép biện chứng đơn giản ấy chưa
được những người chống Nguyễn Đình Thi biết đến, nên vô hình chung họ đã
tách nội dung ra khỏi hình thức (một cấm kỵ trong nghệ thuật cho dù có
tách ra để nghiên cứu), mà cho rằng nội dung và hình thức dù có tách
nhau, mâu thuẫn nhau thì vẫn cứ là thơ. Quả thực, vấn đề ở đây không
phải là thơ có vần hay không vần. Bởi “mỗi thể thơ có một khả năng, một
thứ nhịp điệu riêng của nó”. Nhịp điệu thơ thay đổi khi nhịp sống của
thời đại đổi thay. Người làm thơ phải cảm được nhịp sống của thời đại
lớn của mình để sống và sáng tạo cùng nhịp với nó.
Nhịp điệu thơ Nguyễn Đình Thi là nhịp điệu của hình ảnh.
“Nhịp điệu của thơ không những là nhịp điệu bổng, trầm, lên xuống trầm
như tiếng đàn êm tai, một người ngoại quốc không biết tiếng ta cũng có
thể nghe thấy được. Nhịp điệu của thơ không giới hạn ở thứ nhạc ngoài
tai ấy. Thơ có một thứ nhạc nữa, một thứ nhịp điệu bên trong, một thứ nhịp điệu của hình ảnh (ĐLT nhấn), tình ý, nói chung là của tâm hồn”.
Như vậy, nhịp điệu của hình ảnh, theo Nguyễn Đình Thi, không phải là
nhịp điệu cú pháp, mà là thứ nhịp điệu chỉ nghe được bằng mắt. “Đó là
nhịp điệu hình ảnh của những cảm xúc, hình ảnh, liên tiếp hòa hợp, mà
giữa những tiếng và chữ gọi ra những ngân vang dài, ngay giữa khoảng
lung linh giữa chữ, nhưng khoảng im lặng cũng là nơi trú ngụ kín đáo của
sự xúc động”.
Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em
Gió thổi mùa thu vào Hà Nội
Phố dài xao xác heo may
Nắng soi ngõ vắng thềm cũ ra đi lá rụng đầy
Ôi nắng dội chan hoà
Nao nao trời biếc
Nắng nhuộm hương đồng ruộng hương
rừng chiến khu
Tháp rùa lim dim nhìn nắng
mấy cánh chim non trông vời nghìn nẻo
Mây trắng nổi tơi bời
Mấy đứa giết người hung hăng một buổi
Tháng tám về rồi đây
hôm nay nghìn năm gió thổi
Đàn con hè phố môi hồng hớn hở
ngày hẹn đến rồi
Hôm nay nghìn năm trời muôn xưa
Các anh ngậm cười bãi sú ven sông
Hà Nội ơi núi rừng.
1948
(Đất nước)
Ngôn ngữ thơ Nguyễn Đình Thi thật là giản dị, cứ như lời cất lên của
đất và nước. Toàn từ thuần Việt. Câu thơ được thốt ra y như lời nói
thường. Tính chất trực tiếp này do nhà thơ hoàn toàn dựa vào thực tế,
không tìm kiếm thi liệu ở sách vở. Nó ứ đầy chất sống, nó là sự sống, là
cuộc đời. Những lời nói bình thường này không cần đến vần điệu, đến sự
đều đặn, đăng đối. Tiếng nói tự nhiên và tự do này tìm lấy cho mình một
nhịp điệu tự do. Nói vậy, tức Nguyễn Đình Thi đã học được thứ nghệ thuật
cao cấp nói bằng một ngôn ngữ nguyên sơ. Đó là một ngôn ngữ vừa hồn
nhiên một cách cố ý và cố ý một cách hồn nhiên. Bởi lẽ, nếu chỉ hồn
nhiên không thôi thì sẽ là tiếng đám đông, phi nghệ thuật, còn nếu chỉ
cố ý không thôi thì sẽ là tiếng nói nhân tạo của những chiếc lưỡi gỗ.
Thơ Nguyễn Đình Thi, tóm lại, chứa ở bề sâu của nó những mầm mống sau này sẽ trở thành xu hướng chủ đạo cho nền thơ hiện đại:
tính gián đoạn, tính đồng hiện, cái ngẫu nhiên gây bất ngờ, tham vọng
nới rộng biên giới thơ để thu nạp vào nó cả văn xuôi, cả âm nhạc (lối
kết cấu nhiều bè), cả hội hoạ (lối xé dán), cả điện ảnh (lối lắp ráp).
Những năm đầu kháng chiến chống Pháp, không phải chỉ mỗi Nguyễn Đình Thi làm thơ tự do, thơ không vần. Hồng Nguyên có Nhớ, Trần Mai Ninh – Nhớ máu và Tình sông núi, Hữu Loan – Đèo Cả…
Đó là “hướng động” của cả một thời đại mà chỉ những tâm hồn tươi trẻ,
nhạy cảm mới nắm bắt được. Tuy vậy, các nhà thơ trên chỉ sáng tác có một
hai bài thơ tự do, lại không phải là thơ cảm giác, không có nhịp điệu
của hình ảnh, không có tính gián đoạn, nhất là không có một quan niệm
mới, hoàn chỉnh, nhất quán về thơ hiện đại như Nguyễn Đình Thi, nên thơ
họ vô sự, còn thơ Nguyễn thì được đưa vào nghị sự ở Hội nghị Tranh luận
Văn nghệ Việt Bắc ngày 25, 26, 27, 28 tháng Chín năm Bốn Chín.
Ý kiến trong cuộc tranh luận này có thể chia thành hai loại. Một,
nhận xét thơ Nguyễn Đình Thi từ những tiêu chí của chính bản thân thơ.
Hai, từ tiêu chí ngoài thơ. Loại ý kiến thứ nhất tiêu biểu là của Xuân
Diệu. Từ mỹ học Thơ Mới, lấy Thơ Mới làm hệ quy chiếu, “ông hoàng thi
ca” một thời này đã mô tả thơ Nguyễn Đình Thi rất chính xác, dĩ nhiên
như là một bức tranh âm bản. Theo ông, thơ Nguyễn Đình Thi đầu Ngô mình
Sở, không kết dính, nhiều câu thừa, có tính đầu óc, khó hiểu, không hợp
lý, câu thơ cô đúc quá lại không vần nên không truyền cảm. Nhưng đáng
buồn cho Xuân Diệu, những nhược điểm ông nêu trên lại chính là ưu điểm
nếu nhìn từ chuẩn thơ hiện đại. Bởi đó chính là tính gián đoạn, thơ cảm
giác, thơ hình ảnh, thơ nhịp điệu… Xuân Diệu, ngoài ý muốn của ông, đã
tôn vinh thơ Nguyễn Đình Thi bằng một hình ảnh đẹp: “Những nét thơ rất
đẹp, nhưng chỗ này một nét, chỗ kia một nét, tán loạn như trong một bức
tranh siêu thực”.
Những người khác, “văn hoá thơ” kém hơn Xuân Diệu, thì chỉ nhìn vào
những tiêu chí bề ngoài, “hình thức chủ nghĩa”. Như Thanh Tịnh, với tư
cách là người khai sinh ra thể loại tấu, thơ – tấu, thì cho rằng thơ
Nguyễn Đình Thi không có vần, trúc trắc, khó đọc. Ngô Tất Tố, một dịch
giả thơ Đường, kiên quyết hơn, tuyên bố đã là thơ thì phải có vần,
“không có vần thì đừng gọi là thơ”. Có người kẻ cả cho thơ Nguyễn Đình
Thi chỉ là thí nghiệm.
Thơ Nguyễn Đình Thi cũng được một số người bênh vực như Nguyên Hồng, Văn Cao,
Nguyễn Huy Tưởng. Các tiếng nói này hoặc chỉ bênh vực cho thể loại thơ
tự do nói chung (Văn Cao), hoặc cho thơ Nguyễn Đình Thi có tính chất
trường hợp, riêng lẻ, chỉ phản ánh tâm hồn anh (Nguyễn Huy Tưởng), riêng
Nguyên Hồng coi thơ Nguyễn Đình Thi “không còn là thí nghiệm nữa, mà đã
là thành công rồi”. Chưa ai trong số họ chỉ ra được thơ Nguyễn Đình Thi
là một kiểu thơ khác, dựa trên một mỹ học khác, tức mỹ học hiện đại chủ nghĩa.
Khép lại ý kiến loại thứ nhất và bắc cầu cho loại ý kiến thứ hai là
kết luận của Xuân Diệu: “Ý thơ có thể lờ mờ, điệu tâm hồn thì không thể
lờ mờ”. Điệu tâm hồn ở đây, trong bối cảnh văn nghệ bấy giờ, có thể hiểu
là lập trường quan điểm của tác giả. Điều mà Xuân Diệu chỉ nói xa xôi
thì Tố Hữu lại nói sát sàn sạt. Ông cho thơ Nguyễn Đình Thi có “nội dung
lạ”. Cái lạ đó là cái cá nhân mà văn nghệ kháng chiến đang muốn gạt bỏ,
bởi vậy đọc Nguyễn Đình Thi sẽ gặp phải cái mình đang chối bỏ đó. “Tôi
thấy ghét thơ anh Thi ghê lắm vì tôi thù ghét cái cá nhân nó lại trở về
với tôi”. Hà Xuân Trường
nối điêu Tố Hữu cho thơ Nguyễn Đình Thi cá nhân vì cảm xúc cũ, vì “con
người anh Thi không ăn khớp với kháng chiến”. Cảm xúc cũ là vì còn nói
đến đau thương, mất mát, còn nói đến nỗi buồn của tâm hồn mình, còn xa
rời quần chúng. “Thơ anh Thi chỉ phản ánh một phần nào tâm hồn của anh,
chứ không nói tiếng nói của đại chúng. Thơ anh như hạt ngọc lung linh
chứ không phải dòng suối lôi cuốn người ta đi” (Nguyễn Huy Tưởng). Kết
thúc toàn bộ cuộc tranh luận, Tố Hữu cho lời cuối: “Những bài thơ của
anh Thi tôi cho là không hay vì chưa nói lên được nỗi niềm của quần
chúng”.
Như vậy, người sáng tạo thời nào chí ít cũng phải chịu hai trở lực. Một là những quan niệm thẩm mỹ, những quan niệm nghệ thuật
một thời đã từng là cách mạng, là số ít, là bị trị, thì nay đã thành số
đông, thống trị, xơ cứng và bảo thủ. Hai là thời cuộc bao giờ cũng có
những áp lực hợp lý của nó, dù là sự hợp lý vì nó đang tồn tại. Bởi vậy,
trước cái định mệnh nghiệt ngã muôn thuở đó, ứng xử cá nhân của người
nghệ sĩ là yếu tố quyết định.
Sau Hội nghị Tranh luận Văn nghệ Việt Bắc, có người nói, Nguyễn Đình
Thi chữa tất cả những bài thơ không vần thành có vần. Còn nhà thơ thì
cho rằng anh không chữa mà ngay từ đầu đã sáng tác hai bản: một, có vần
và hai, không vần. Tôi tin lời Nguyễn Đình Thi. Tuy nhiên nếu đúng như
vậy, thì sự việc cũng chẳng khác đi bao nhiêu. Bởi lẽ, sau đó Nguyễn
Đình Thi không làm thơ không vần nữa. Và ở tập thơ in sau đó, Người Chiến Sĩ,
1956, ông chỉ tuyển những dị bản thơ có vần. Nhưng điều đáng nói hơn là
khi đặt hai văn bản ấy cạnh nhau thì văn bản được “vần điệu hoá” đã làm
cũ thơ Nguyễn Đình Thi đến hàng chục năm trời. Đây là bài thơ Không nói có vần:
Dừng chân trong mưa bay
Liếp nhà ai ánh lửa
Yên lặng đứng trước nhau
Em em nhìn đi đâu
Em sao em không nói
Mưa rơi ướt mái đầu
Mỗi đứa một khăn gói
Ngày nào lần gặp sau
Ngập ngừng không dám hỏi
Chuyến này chắc lại lâu
Đoàn thể gọi
Chiều mờ gió hút
Nào đồng chí – bắt tay
Em
Bóng nhỏ
Đường lầy
Bài thơ bị kéo dài ra, xếp thành từng khổ. Vần đã che lấp mất nhịp
điệu tự nhiên của lời nói thường buột ra từ trái tim của nhà thơ. Sự vần
điệu hoá cũng làm cho bài thơ mất đi tính cá nhân, trở thành tiếng nói
của anh cán bộ, nhất là khi được chêm vào những từ như ánh lửa, đoàn thể, đồng chí, bắt tay… Cũng một chiều hướng như vậy, bài Đường núi đến năm 1994 mới được tuyển lại trong tập Tuyển tập Nguyễn Đình Thi, nhưng Tiếng ai hát lênh đênh được thay bằng Tiếng ai hát trên nương, còn Ta nghe ta hát một mình thì bằng Đâu đây tiếng suối rì rào…
Nguyễn Đình Thi là người sớm bắt được mạch đập của thơ hiện đại chủ nghĩa thế giới. Ông đã tìm ra cho mình một thi trình vào chủ nghĩa hiện đại.
Nhưng, có thể ông chưa đủ kiên trì, một sự kiên trì cần thiết để biến
cái trực giác mỏng manh, thoáng chốc ấy thành một quan niệm nghệ thuật
bền vững. Và nhất là đủ trơ lỳ không sợ mất mát, để đi đến tận cùng con
đường ấy. Bởi, lẽ của một nhà thơ, như J.P.Sartre nói, mất là được.
Lý giải hiện tượng này, có người cho Nguyễn Đình Thi chịu áp lực quá
nặng nề của thời thế. Ông lại là con người ham hưởng thụ đời sống, thích
đoàn thể, mít tinh, nên không thể đi mãi được trên đường núi trong tình trạng âm thầm không nói.
Tôi nghĩ, có lẽ còn có một nguyên nhân nào đó sâu xa hơn, nằm trong
chính con – người – nhà – thơ. Đó là sự lưng chừng, không dứt khoát ở
Nguyễn Đình Thi giữa hai cực đối lập: truyền thống và cách tân, giữa mỹ
cảm cũ và mới, thơ có vần và thơ không vần, truyện thơ (Mẹ con đồng chí Chanh
– 1953) và thơ trữ tình tự do… Còn áp lực muôn thuở của thời thế chỉ là
điều kiện để cho sự lưỡng phân này bộc lộ. Đã thế, Nguyễn Đình Thi lại
đa tài.
Đa tài cũng có thời của nó. Thời Tiên Tần ở Trung Hoa, thời Hy Lạp cổ
đại, thời Phục hưng và Lãng mạn ở châu Âu xuất hiện nhiều nghệ sĩ đa
tài. Đó là những thời đại hướng tâm. Con người còn sống hài hòa với
chính bản thân nó, nên tinh lực của họ được tập trung, các tài năng
trong họ đều đi về một hướng. Còn ở thời đại ly tâm, con người không
trùng khít với bản thân, nó bất hòa với chính nó, tinh lực bị phân tán,
các tài năng trong họ dễ trở thành cản trở nhau. Các năng lực thi ca, âm
nhạc, văn xuôi, kịch nói ở Nguyễn Đình Thi tuy không đến nỗi cản trở
nhau, nhưng dễ làm cho người nghệ sĩ ngộ nhận là mình làm gì cũng được.
Bởi thế, khi thơ không vần bị phê phán, Nguyễn Đình Thi không tiếp tục
vượt lên chiến thắng định mệnh mà rẽ sang văn xuôi, kịch nói để tự do
khẳng định mình ở Xung kích, Vỡ bờ, Vào lửa, Mặt trận trên cao nguyên, Con nai đen, Giấc mơ, Rừng trúc… Tôi không dám chắc Nguyễn Đình Thi, như lập thuyết của nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh,
có thuộc về thiểu số “người khôn” biết đào nhiều “hang”, phòng khi bị
bịt hang này thì đã có hang kia mà sáng tác? Nhưng tôi đoán chắc rằng
việc ông không chuyên canh thơ, không đi đến cùng trong cách tân nhằm
đưa thơ Việt sớm thoát khỏi cái ách của Thơ Mới lúc này đã trở nên nặng
nề để đi đến thơ hiện đại chủ nghĩa là một thiệt thòi lớn cho thơ Việt
Nam chung và thơ của cá nhân ông nói riêng. Bởi lẽ, xét cho cùng, thì
dẫu đa tài, Nguyễn Đình Thi chủ yếu vẫn là một nhà thơ. Và, “thơ, như ông thổ lộ, đó là một cái thiết tha nhất của tôi, và cũng là cái tìm tòi rất khổ của tôi”.
Thơ Nguyễn Đình Thi là một cột mốc lớn trên hành trình đổi mới thơ
sau 1945. Sau ông, từ 1956, lại khởi đầu một đợt đổi mới khác là các nhà
thơ Nhân văn Giai phẩm. Thơ Trần Dần,
Lê Đạt phần nào cách tân dưới ảnh hưởng của thơ Maia. Trước hết, tinh
thần sáng tạo ngôn ngữ của Maia thời Vị lai, thời của “đám mây mặc
quần”, đã truyền cho các nhà thơ Việt Nam này sự thức nhận ngôn ngữ. Còn
Maia thời “Cộng sản ngoài Đảng”, thời đồng nhất cách mạng thi ca với
cách mạng xã hội, đã làm sống lại ở một xứ sở khác lối thơ diễn đàn với
cách nói khoa trương và thể thơ bậc thang.
Nhưng nhóm Nhân văn Giai phẩm,
hoặc quá hưng phấn với cái nội dung chính trị văn nghệ nên chưa sẵn
sàng để hiến thân cho nghệ thuật hoặc họ mới chỉ đang đi những bước đầu
tiên thì bị khựng lại, nên những cách tân thực sự về thi pháp của họ chỉ
được thực hiện vào thời hậu Nhân văn, khi họ bị cách ly hầu như hoàn
toàn với xã hội, khi bản thân họ, với tư cách một nghệ sĩ, bị đặt vào
tình thế “cách tân hay là chết?”.
Nguyễn Đình Thi sau Bốn Chín phân thân thành hai con người, người
nghệ sĩ và ông quan văn (nghệ). Sự giằng co giữa hai con người đó là
“bất phân thắng phụ”. Khi thời cuộc không thuận cho con người thư lại
thì con người nghệ sĩ trỗi dậy, và Nguyễn Đình Thi có Con Nai Đen, có Nguyễn Trãi Ở Đông Quan, có Giấc Mơ, có những bài thơ như Hoa vàng, Một khoảng trời xanh kia…
Nhưng sự tán phát tinh lực, sự xuất hiện đơn độc những bài thơ không
vần giai đoạn này không tạo lập một phong trào. Cái thời điểm một cánh
én có thể làm nên cả mùa xuân đã trôi qua cùng với năm 1949. Như vậy,
thơ Việt Nam, ở miền Bắc sau Xuân thu nhã tập một lần nữa, lại nhỡ một chuyến xuân.
Rút từ: Đỗ Lai Thúy, Thơ như la mỹ học của cái khác, Nxb Hội Nhà văn – Song thuy Bookstore, H, 2012, tr.125 – 146. Bản gửi http://phebinhvanhoc.com.vn. Copyright ©
No comments:
Post a Comment