“Xuất hiện một lớp nhà văn trẻ chững chạc”!
(HNM) - Nhà văn Khuất Quang Thụy - Phó Tổng biên tập Báo Văn nghệ trong nước đồng thời cũng là Phó Chủ tịch Hội đồng Chung khảo cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ (2011-2013). Trước đó ông là nhà văn áo lính ở nhà số 4-Lý Nam Đế.
Dưpới đây là ý kiến của KQT với Báo Hànộimới về hai năm tìm truyện ngắn hay của Báo Văn nghệ (cuối
2011 đến đầu năm 2013)
- Trước hết, cuộc thi này là một hoạt động chuyên môn của một tờ báo văn đã có 65 năm gắn bó với nền văn học nước nhà. Vì vậy, nó rất quan trọng đối với giới nghề nghiệp và cần thiết cho bạn đọc. Qua đây, nó hâm nóng đời sống văn chương, góp phần hình thành đội ngũ tác giả và phát triển thể loại. Điểm đặc biệt là ở chỗ, nó diễn ra trong một bối cảnh mà người đọc, người viết đều đang bị phân tâm. Để thu hút được hơn 2.000 bài viết thật không dễ dàng gì. Một trong những quyết định tôi cho là sáng suốt của BBT lúc đó là sớm thành lập Ban sơ khảo (nhiều cuộc thi lập Ban sơ khảo rất muộn) mời các nhà văn uy tín như Sương Nguyệt Minh, Y Ban… đọc, phân loại ngay từ đầu. Sự xuất hiện của những người viết tên tuổi trong Ban sơ khảo cũng góp phần quảng bá, thu hút các cây bút chuyên và không chuyên tham gia…
- Thông thường, các cuộc thi đều “thành công tốt đẹp”. Ông đánh giá mức độ thành công của cuộc thi này đến đâu?
- Tôi cho rằng đây là một trong những cuộc thi văn chương có số người tham gia hùng hậu nhất với hơn 2.000 bản thảo. Trong đó, với 315 truyện được in trên Văn nghệ, có thể xuất bản được khoảng 10 tập truyện có chất lượng. Chưa kể, lượng bản thảo đạt tiêu chuẩn hiện vẫn chưa sử dụng hết. Bên cạnh đó, cuộc thi đã tập hợp, phát hiện được một đội ngũ tác giả truyện ngắn vô cùng phong phú. Trong đó người cao tuổi nhất đã ngoài 70 và trẻ nhất mới ngoài 20. Cùng với một số ít hội viên của Hội, phần lớn người tham gia là những trí thức hoạt động ngoài văn chương, học sinh, sinh viên, công nhân, nông dân và nhà doanh nghiệp ở khắp các vùng miền, cả hải đảo xa xôi và ở cả nước ngoài. Qua đây, nhận thức về truyện ngắn đã có thay đổi, được nâng cao thêm một bước. Bút pháp đa dạng, có sự tiếp nối truyền thống lẫn những sáng tạo mới. Trong đó, đáng chú ý là cái truyền thống có ở cả tác giả trẻ và cái sáng tạo có cả ở những cây bút đã lành nghề.
Cuộc thi, một lần nữa đã khẳng định truyện ngắn vẫn là một thể loại mạnh, hấp dẫn cả người viết và người đọc trong đời sống văn chương nước ta.
- Cụ thể hơn, các tác giả đã đóng góp gì cho văn học đương đại, rộng ra là cho đời sống ở góc độ đề tài, nghệ thuật thể hiện, thưa ông?
- Theo nhận định của tôi, chưa có một lĩnh vực nào của đời sống không xuất hiện trong cuộc thi này. Đó là sự thăng trầm của văn hóa làng xã Việt Nam trong cuộc chuyển mình lớn lao và không ít đau đớn; là thách thức trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa đối với giai cấp công nhân và tầng lớp trí thức; là cuộc đấu tranh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, bảo vệ môi trường trong một thế giới nhiều bất trắc… Nhưng xuyên suốt là vấn đề xây dựng con người Việt Nam trong thời đại mới trước biến động không dễ lý giải của chính hệ giá trị.
- Ông đánh giá như thế nào về sự đóng góp của những cây bút trẻ trong cuộc thi này?
- Có nhiều cây bút trẻ mới được phát hiện với xuất phát điểm khá cao, đã bắt đầu chững chạc. Họ cũng được chuẩn bị khá tốt với vốn hiểu biết về văn hóa và kỹ năng viết. Các cây bút trẻ có một điểm chung là luôn tìm tòi đổi mới về thể loại. Chúng tôi đánh giá cao điều này cả ở người đoạt giải cũng như chưa đoạt giải. Có thể kể đến Chu Thị Minh Huệ, Nhụy Nguyên, Vũ Thị Thanh Huyền, Uông Triều, Phạm Thị Thanh Thúy, Chu Thùy Anh…
- Trong cuộc thi này có nhiều cây bút chuyên và không chuyên, có hội viên và người ngoài hội, có lão nhà văn và cả những người mới vào nghề. Vậy việc chấm chọn giải có khó khăn gì không, tiêu chí là gì để bảo vệ được kết quả giải, thưa nhà văn?
- Cũng không có tranh luận gì lớn lắm trong việc chọn giải. Tiêu chí cũng rất rõ ràng. Yếu tố văn chương và những đóng góp cho thể loại được đặt lên hàng đầu, cùng với đó là nội dung phải đề cập tới vấn đề bức thiết của đời sống xã hội, của thời đại chúng ta. Chuyện có thể xa xôi, nhưng cuối cùng nhất thiết nó phải rọi chiếu được vào đời sống hiện tại.
- Giải nhất hình như cũng là của một tác giả không chuyên? Chùm truyện ngắn này đã thuyết phục Hội đồng Giải thưởng như thế nào?
- Giải nhất thuộc về tác giả Lê Thanh Kỳ, một chủ hộ kinh doanh gò hàn ở Hà Nam, viết đã dăm năm nay, nhưng cũng là tay ngang. Chùm ba truyện ngắn “Bạn khách”, “Sợi dây”, “Mồng chín tháng tám” của tác giả này đã cho thấy biên độ rộng mở về đề tài của cuộc thi này. Trong đó, “Sợi dây” phản ánh biến động dữ dội của nông thôn Việt Nam, của văn hóa làng xã, của văn hóa gia đình trước sự xâm thực không khoan nhượng của kinh tế thị trường. Còn “Mồng chín tháng tám” đã đặt ra một câu hỏi lớn có tính thời cuộc là số phận của người công nhân trong thời đại công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. “Bạn khách” thì đề cập tới số phận đặc biệt của dân tộc ta khi luôn phải tìm cách chung sống hòa bình với một dân tộc lớn, một nền văn hóa lớn mà trong suốt chiều dài lịch sử luôn vừa là bạn, là thầy nhưng không ít lần là kẻ thù của dân tộc ta.
- Xin chân thành cảm ơn ông!
No comments:
Post a Comment