Monday, July 1, 2013

Trần Văn Thủy và

 “Chuyện nghề của Thủy”

Mặc Lâm,l
bia-sach-305.jpg
Bìa sách “Chuyện nghề của Thủy”.
Courtesy PhươngNamBook

Đạo diễn Trần Văn Thủy người nổi tiếng với những bộ phim tài liệu như “Hà Nội trong mắt ai” hay “Chuyện tử tế” vừa hoàn tất cuốn sách mang tên “Chuyện nghề của Thủy” kể lại quảng đường nghể nghiệp vui buồn truân chuyên mà ông đã trải qua. Tác phẩm tuy mới ra mắt nhưng đã chiếm cảm tình của độc giả sau khi đạo diễn có chuyến đi xuyênViệt nhằm giao lưu với người yêu thích ông cũng như tác phẩm của ông. Mặc Lâm được ông cho biết những điều xảy ra phía sau tác phẩm từ khi thai nghén tới khi thành hình.

Ai cũng có một nghề

Trước tiên Đạo diễn Trần Văn Thủy chia sẻ:
Trần Văn Thủy: Xin chào anh Mặc Lâm. Tôi muốn trả lời anh một cách giản dị như thế này: Trong cuộc sống ai cũng có một cái nghề. Tôi cũng như mọi người cũng có một cái nghề. Nghề của tôi là làm phim tài liệu, như mọi người biết đấy, cũng có chuyện vui, chuyện buồn, chuyện khó, chuyện dễ từ khi niên thiếu, cho đến khi trưởng thành, cho đến khi làm nghề. Bây giờ thì nhiều tuổi rồi,viết hồi ký để lại cho con cháu, cho bạn bè đọc chơi thì cũng hay.
Thế nhưng mà lười, ngại bởi vì chuyện nghề của tôi thì có lúc vất vả, có lúc gian nan cho nên tôi cũng ngại ngùng lắm. Tôi cũng không hào hứng để làm việc đó. Nhưng rồi bạn bè lại thúc giục và tình cờ tháng 11 năm 2011 có hai nhà điện ảnh Mỹ là Michael Ronof, hiệu phó trường Đại học Điện ảnh North Carolina và ông Leninson – một chuyên gia tiến sĩ về điện ảnh, các vị ấy yêu cầu hợp tác với tôi để làm cuộc phỏng vấn dài để thực hiện một chương trình nghiên cứu mang tên “Chuyện tử tế của Trần Văn Thủy, Tâm linh người chính trị”.
Trước đây tôi có sang North Carolina để nói chuyện, chiếu phim cho sinh viên xem vì vậy về mặt xã giao thì tôi cũng đã làm việc với họ trong một thời gian dài. Tổng cộng thời gian làm việc với nhau cũng đáng kể, rồi khi kết thúc công việc thì tôi mang những tài liệu đó dể bạn bè đọc chơi.
Nghề của tôi là làm phim tài liệu, như mọi người biết đấy, cũng có chuyện vui, chuyện buồn, chuyện khó, chuyện dễ từ khi niên thiếu, cho đến khi trưởng thành, cho đến khi làm nghề.
-Trần Văn Thủy
Một trong những người bạn đọc tài liệu đó là anh Lê Thanh Dũng, tiến sĩ khoa học. Anh rất thích thú với những tài liệu mà tôi đã đưa cho anh đọc. Nhưng anh có một băn khoăn là vì thực ra đây là vấn đề của người Việt Nam mà viết ra cho người Việt đọc với nhau thì có khi nó có ích hơn. Anh cũng bảo rằng dầu sao thì người Mỹ cũng có thiện chí và sự hiểu biết cùng với nền văn hóa của họ thì cũng được. Thế nhưng người Việt Nam nên đọc những thứ này.
Do sự thúc giục của anh Lê Thanh Dũng cùng bạn bè của tôi thì chúng tôi vào việc. Tôi cùng với anh Lê Thanh Dũng thực hiện cuốn sách này trong vòng 10 tháng. Chúng tôi bàn thảo với nhau và chúng tôi viết lại một cách rất trung thực những gì đã xảy ra trong cuộc đời làm nghề của tôi. Nó cũng mất nhiều thì giờ lắm vì phải lục lọi trong trí nhớ, trong quá vãng những chuyện vui buồn, những chuyện trong chiến tranh, chuyện tôi đi học ở Nga, rồi sau đó tôi trở về nước và tôi làm những bộ phim. Đôi khi có những khó khăn, những mắc mớ, những hiểu lầm… Hai anh em ngồi viết với nhau.
Mặc Lâm: Thưa đạo diễn chúng tôi rất ngạc nhiên vì cuốn sách có thể được xem là tự truyện của ông nói về quãng đường sáng tác trong vai trò của một đạo diễn nhưng trên bìa cuốn sách lại xuất hiện một cái tên thứ hai là Lê Thanh Dũng, đặt lên trên cả tên của ông nữa. Chắc là có điều gì thú vị và rất quan trọng mới có chuyện lạ này xảy ra, ông có thể cho thính giả biết thêm chi tiết về đồng tác giả Lê Thanh Dũng hay không?
Trần Văn Thủy: Chúng tôi cộng tác với nhau vì như thế này: Có đoạn tôi kể miệng thôi còn anh Dũng dùng máy ghi âm ghi lại, sau đó thì anh ấy viết lại bằng văn phong, bằng trải nghiệm của anh ấy. Nói chung, khi tôi kiểm tra lại thì những đoạn này cũng rất xúc động và cũng rất là trung thực, nghĩa là đúng với dĩ vãng của cuộc đời tôi. Có lẽ số lượng tôi cũng tự viết cũng rất nhiều bởi vì kể cho bạn mình viết thì cũng hay nhưng mà mình viết bằng ngôn từ của mình thì thích hơn.
IMG_1765-250.jpg
Đạo diễn Trần Văn Thủy (đội mũ) và ông Lê Thanh Dũng tại buổi giới thiệu sách ở Hà Nội ngày 18/6/2013. Courtesy VOV.
Có nhiều đoạn tôi tự viết và anh Lê Thanh Dũng đánh máy giúp tôi. Nói chung những phần anh Dũng viết hay những phần tôi viết thì chúng tôi đều bàn nhau, đều góp ý cho nhau để làm sao nó được trung thực, được đúng. Hai chúng tôi thân nhất là đêm viết hai văn bản cuối cùng và cái tên của nó là “Chuyện nghề của Thủy”. Anh Lê Thanh Dũng đứng tên bên trên và tên tôi bên dưới vì nói cho cùng nếu không có anh Dũng thì việc này không xúc tiến được.Tóm lại là không có anh Lê Thanh Dũng thì không có cuốn sách này.
Mặc Lâm: Theo như chúng tôi biết thì Hà Nội trong mắt ai và Chuyện tử tế đã từng có thời được xem là nhạy cảm, làm sao cuốn sách thoát lưỡi kéo kiểm duyệt khi xuất hiện lại một cách rất chi tiết trong cuốn sách thưa ông?
Trần Văn Thủy: Điều này cũng sẽ là một điều thú vị bởi vì thực ra anh Lê Thanh Dũng và tôi cũng rất là lo lắng và cũng rất là hồi hộp. Trước tiên là không biết có được ấn hành hay không, có được phép in không. Thế nhưng rất may mắn là những người chịu trách nhiệm và đặc biệt là người biên tập của nhà xuất bản Hội nhà văn là những người rất là nhiệt thành ủng hộ công việc của chúng tôi. Sau khi so đi tính lại thì nói chung đây là cuốn sách hiếm hoi có những vấn đề đụng chạm nhưng đã được in nguyên xi và từ khi viết cho đến khi in thì nó cũng không có thay đổi gì. Nó trung thực như là bản thảo của chúng tôi. Đây là một giai đoạn rất quan trọng khi mà cuốn sách ra đời thì nó phải nộp lưu chiểu, phải được xem xét, cân nhắc để quyết định phát hành. May mắn là nó cũng được phát hành.

Không vì lợi nhuận

Mặc Lâm: Còn nhà phát hành thì sao? Họ có gặp trường hợp hậu kiểm duyệt như những cuốn sách có vấn đề trước đây sau khi thoát kiểm duyệt vẫn bị tịch thu vì nội dung...
Trần Văn Thủy: Tôi muốn nói về nhà sách Phương Nam; Nó nằm trong công ty Phương Nam. Đây là công ty rất lớn làm những việc về văn hóa. Chúng tôi cho rằng kinh doanh về văn hóa ở Việt Nam rất khó khăn bởi vì có những vấn đề nhạy cảm, có những vấn đề đụng chạm đến khái niệm khác nhau, những quan niệm khác nhau, đặc biệt là những vấn đề chính trị. Công ty Phương Nam cũng đã cố gắng phấn đấu trong lĩnh vực này và làm được những việc có ích, nhiều khi không phải về mặt lợi nhuận mà là vì lợi ích của xã hội, của cộng đồng. Đây cũng là một trong những việc mà Phương Nam đã làm. Thật ra cuốn sách này không có lãi bao nhiêu, thậm chí còn phải lỗ nữa.
Mặc Lâm: Vâng thưa đạo diễn, sau khi cuốn sách ra mắt bạn đọc thì chúng tôi biết là ông có một cuộc hành trình từ Nam ra Bắc, tới rất nhiều điểm để gặp độc giả và nghe những phản hồi của họ. Một cách nhìn chung thì họ phản hồi như thế nào về cuốn sách thưa ông?
Nói cho cùng nếu không có anh Lê Thanh Dũng thì việc này không xúc tiến được.Tóm lại là không có anh Lê Thanh Dũng thì không có cuốn sách này.
-Trần Văn Thủy
Trần Văn Thủy: Anh biết đấy, khi cuốn sách ra đời thì được tổ chức xuyên Việt để giao lưu. Tổ chức ở Sài Gòn ngày 8 tháng 6 rất đông ở tầng hai ở tòa nhà  trung tâm Sài Gòn. Tôi thấy đấy là cái buổi rất là xúc động bởi vì phần lớn là những người đầu bạc, phần lớn là những người trí thức, những người có vị thế rất cao về văn hóa đến dự. Sau đó đến ngày 11 thì tổ chức ở Nha Trang.
Ở Nha Trang có người của Phương Nam, có anh Lê Thanh Dũng và tôi; Anh em hiệu sách cùng với bạn bè của chúng tôi, những người thân thiết và hiểu nhau và có những kỷ niệm xa xưa với nhau thì cùng phối hợp tổ chức. Ở Nha Trang có gần 30 cơ quan đại diện của báo chí ở trong và ngoài nước đóng ở Nha Trang vì vậy sự kiện ở Nha Trang cũng gây được sự chú ý.
Sau Nha Trang chúng tôi tổ chức ở Đà Nẵng. Đà Nẵng tổ chức rất xúc động vì thời chiến tranh tôi đã quay phim ở Đà Nẵng. Tôi đã làm phim về những nhân vật, những người ở đó nên đã hiểu biết nhau trong cùng một thời gian ác liệt nên đã quần tụ lại cùng với độc giả, cùng với những nhà văn hóa, những nhà nghiên cứu của Đà Nẵng tụ tập lại và cũng làm vui vẻ và sang trọng lắm.
Tiếp theo là Huế, chúng tôi làm vào ngày 16 tháng 6. Không gian ở Huế có thể nói là đặc biệt nhất vì ở Huế mà lại bên cạnh sông Hương nữa nên nó rất sang trọng và đẹp. Một không gian tuyệt vời và mỹ mãn. Sau đó chúng tôi ra Hà Nội. Ở Hà Nội chúng tôi cũng tổ chức tại nhà sách Phương Nam.
Nói chung thành phần tham dự thì cũng na ná như ở những điểm trên. Tôi có nói đùa với đám chúng tôi đi với nhau như thế là giống một gánh hát. Cũng hơi mệt nhưng kết quả của các buổi giao lưu, đặc biệt là những ý kiến sâu sắc của phía độc giả, của bạn bè cũng đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Sau đó thì về.
Mặc Lâm: Ai là người đứng phía sau lệnh cấm bất thành văn không cho “Hà Nội trong mắt ai” trình chiếu rộng rãi có lẽ là câu tò mò nhất của người thích cuộn phim này. Không biết sau bao nhiêu năm, Chuyện nghề của Thủy có hé lộ đìêu gì có liên quan đến câu hỏi này hay không?
Trần Văn Thủy: Câu hỏi của anh được trình bày khá rõ, thẳng thắn và trung thực trong cuốn sách. Thật ra mà nói chuyện này cũng quá xưa rồi. Tôi có kể là xuất phát từ đâu mà tôi và các đồng nghiệp thực hiện bộ phim đó. Rồi cái sự hay dở, cái sự gian nan của cuốn phim đó như thế nào thì tôi cũng có viết. Tôi muốn thưa với anh chuyện nghề của tôi trong “ Hà Nội Trong Mắt Ai” không phải là tâm điểm đâu. Bản thân những khó khăn của phim “Chuyện Tử Tế” sau này đưa ra ngoài để mà dự Liên hoan phim Quốc tế cũng không phải là tâm điểm.
Cái nền của cuốn “Chuyện nghề của Thủy” là hoàn cảnh tôi làm nghề như thế nào. Cái niềm vui, nỗi buồn của tôi, lý do gì thúc đẩy tôi cố gắng để đi theo con đường ấy, đề tài ấy, cái hướng làm phim như thế. Rồi những người có lòng hiểu biết và có trách nhiệm đã giúp đỡ, đã cứu giúp tôi như thế nào trong giai đoạn khó khăn.
Thật ra, sau này khi hoàn thành bản thảo cái quyển “ Chuyện nghề của Thủy” thì anh Dũng và tôi cũng được đi khá nhiều. Nó cũng không đụng chạm gì bên chính trị hay sự nhạy cảm nào mà chiến lược của chúng tôi phải lượt đi vì dung lượng của nó quá lớn.
Thời buổi bây giờ văn hóa đọc xuống cấp, văn hóa nghe nhìn phát triển cho nên làm quyển sách quá dày (474 trang). Trong quá khứ nó xảy ra những chuyện a, b, c, chúng tôi cũng kể lại về mặt trợ giúp rất là trung thực. Tự đáy lòng chúng tôi muốn dùng lời lẽ ôn hòa nhất, súc tích nhất để kể lại chuyện đã qua như thế nào với mục đích hướng tới tương lai cởi mở hơn.
Mặc Lâm: Cám ơn đạo diễn Trần Văn Thủy đã cho chúng tôi biết nhiều điều hơn về tác phẩm này.
Trần Văn Thủy: Cảm ơn anh Mặc Lâm và tôi cũng cảm ơn quý khán thính giả của Đài Á Châu Tự Do.

No comments: