Ngô Nhân Dụng
Các nhà nghiên cứu lịch sử nước ta, sau khi viết về thời Bắc thuộc ai
cũng muốn giải thích tại sao dân Việt Nam không bị Hán hóa sau một ngàn
năm bị đô hộ. Trần Trọng Kim viết chương “Kết quả của thời Bắc Thuộc”
trong Việt Nam Sử Lược nhấn mạnh đến ý chí của tổ tiên: “Hết thời Bắc
thuộc rồi thì người Giao Châu ta có một cái nghị lực riêng và cái tính
chất riêng để độc lập, chứ không chịu lẫn với người Tàu.”
Sử gia Lê Thành Khôi trong Histoire du Việt Nam giải thích rằng hiện tượng người Việt bảo tồn được tiếng nói là một sức mạnh đề kháng bền bỉ nhất. Sử gia Keith Taylor, trong cuốn The Birth of Vietnam, đồng ý về yếu tố ngôn ngữ; ông ghi nhận thêm sự phát triển của Phật Giáo trong thời Bắc thuộc là một nhân tố quan trọng đóng góp vào sự hình thành nước Việt Nam. Trong cuốn Nhìn Lại Sử Việt (tập I) Lê Mạnh Hùng nêu thêm các yếu tố kinh tế, xã hội. Ông nhắc tới tình trạng tập trung dân số rất đông ở vùng Ðồng Bằng Sông Hồng, với nền tảng kinh tế vững chắc; dựa trên hai lợi thế đó, tổ tiên chúng ta bảo vệ được một nền văn minh cổ truyền trong hai thế kỷ đầu tiếp xúc với người Hán; nhờ thế về sau khả năng đề kháng càng vững mạnh hơn. Tất cả những ý kiến trên đều có lý. Nhưng người Việt học sử dân tộc vẫn còn tò mò muốn biết rõ hơn. “Cái nghị lực riêng và cái tính chất riêng” mà Trần Trọng Kim nói, thực ra đó là gì, nhờ đâu tổ tiên chúng ta có được, và đã được thể hiện như thế nào?
Sử gia Lê Thành Khôi trong Histoire du Việt Nam giải thích rằng hiện tượng người Việt bảo tồn được tiếng nói là một sức mạnh đề kháng bền bỉ nhất. Sử gia Keith Taylor, trong cuốn The Birth of Vietnam, đồng ý về yếu tố ngôn ngữ; ông ghi nhận thêm sự phát triển của Phật Giáo trong thời Bắc thuộc là một nhân tố quan trọng đóng góp vào sự hình thành nước Việt Nam. Trong cuốn Nhìn Lại Sử Việt (tập I) Lê Mạnh Hùng nêu thêm các yếu tố kinh tế, xã hội. Ông nhắc tới tình trạng tập trung dân số rất đông ở vùng Ðồng Bằng Sông Hồng, với nền tảng kinh tế vững chắc; dựa trên hai lợi thế đó, tổ tiên chúng ta bảo vệ được một nền văn minh cổ truyền trong hai thế kỷ đầu tiếp xúc với người Hán; nhờ thế về sau khả năng đề kháng càng vững mạnh hơn. Tất cả những ý kiến trên đều có lý. Nhưng người Việt học sử dân tộc vẫn còn tò mò muốn biết rõ hơn. “Cái nghị lực riêng và cái tính chất riêng” mà Trần Trọng Kim nói, thực ra đó là gì, nhờ đâu tổ tiên chúng ta có được, và đã được thể hiện như thế nào?
Yếu tố quan trọng nhất giúp tổ tiên người Việt không bị Hán hóa có lẽ
là, trước khi người Hán tới, dân Việt đã có sẵn một nền nếp trong cuộc
sống chung, gọi là văn minh. Tổ tiên chúng ta đã có bản sắc văn hóa đủ
vững chắc, nhiều đời trước khi bị chiếm đóng rồi bị đô hộ trực tiếp. Tổ
tiên người Việt đã xây dựng một đời sống xã hội đủ chặt chẽ để họ có thể
tự hào về chính mình. Nhờ thế họ không bị hấp dẫn, không bị cuốn chìm
vào lối sống mà người phương Bắc đem tới, bắt phải theo. Ngoài những yếu
tố chủ quan, như ngôn ngữ, chủng tộc, phong tục riêng, tinh thần bất
khuất, vân vân, chúng ta còn thấy những điều kiện khách quan cũng thuận
lợi cho ý thức dân tộc thành hình và phát triển. Có nhiều yếu tố bên
ngoài hỗ trợ dân tộc Việt Nam. Vị trí nước ta ở ngã ba Châu Á, giữa Thái
Bình Dương và Ấn Ðộ Dương giúp cho dân Việt tiếp nhận nhiều nguồn văn
minh trước khi gặp người Hán; cho nên bản sắc thêm vững chắc và bền bỉ
đủ để tự vệ. Nhiều biến cố chính trị, kinh tế vào mỗi thời, ở Trung Quốc
hay trong vùng Ðông Nam Á, cũng tình cờ tạo cơ duyên thuận lợi cho các
cố gắng giành tự chủ của người Việt. Các điều kiện địa dư, khí hậu do
thiên nhiên cống hiến góp thêm những hàng rào ngăn cản khiến người Hán
bành trướng xuống tới biên giới nước Việt thì bị ngăn lại.
Chúng ta càng thấy rõ sức đề kháng mạnh tiềm ẩn trong dân tộc Việt
khi hiểu những “sức mạnh mềm,” với chữ viết và các định chế chính trị,
luân lý, tư tưởng của nền văn minh Trung Hoa mà họ dùng để đồng hóa sau
khi chinh phục. Họ đã Hán hóa bao nhiêu sắc dân khác sống ở phía Nam
Trường Giang, còn gọi là sông Dương Tử; vùng đất trước đời Tần còn đứng
ngoài Trung Quốc. Khác với tổ tiên người Việt, các nhóm dân cư miền Hoa
Nam nay đã hoàn toàn hòa nhập vào một quốc gia với khối người Hán từ
phương Bắc. Con cháu họ bây giờ tự nhận là người Hán, hãnh diện là thành
phần của một quốc gia đông dân nhất thế giới, với một nền văn minh cổ
và tồn tại liên tục nhất trong lịch sử nhân loại. Còn người Việt Nam thì
nuôi niềm hãnh diện khác: Họ giữ được một quốc gia độc lập không chịu
biến thành người Hán. Có người sẽ hỏi: Giữa hai con đường này, làm dân
một nước nhỏ độc lập, hay làm dân của một nước lớn như Trung Quốc, con
đường nào tốt hơn, nghĩa là giúp cho người dân sống yên lành, hạnh phúc
hơn? Tổ tiên người Việt Nam chọn con đường độc lập vì đã gây nên ý thức
dân tộc và quyết tâm tự chủ. Lựa chọn đó có thể gọi là “phúc ấm” do tổ
tiên để lại, cho chúng ta bây giờ hãnh diện nhận mình vẫn là dân Việt.
Việc tìm hiểu các nhân duyên khiến dân tộc Việt Nam vẫn còn độc lập
sẽ giúp chúng ta hiểu công trình của bao nhiêu thế hệ trước, sẽ biết ơn
tổ tiên và tin tưởng ở tương lai dân tộc. Nếu sau một ngàn năm Bắc thuộc
dân Việt vẫn tồn tại, thì bây giờ cũng không lo sẽ mất. Ðã không bị
đồng hóa thành người Hán, tổ tiên chúng ta còn thu hút được các di dân
từ miền Bắc tới học sống theo mình, trở thành người Việt. Chúng ta sẽ
thấy biến chuyển quan trọng nhất trong thời Bắc thuộc không phải là hiện
tượng người Việt chịu ảnh hưởng văn minh Trung Hoa. Các nước khác ở Á
Ðông không bị đô hộ ngày nào mà cũng vẫn tự nguyện tìm học những điều
hay của nền văn minh đó. Ảnh hưởng Khổng Giáo trên nước ta không phải là
một điều đáng ngạc nhiên. Nếu nước Việt Nam không bao giờ bị lệ thuộc
người Hán thì chắc chắn tổ tiên chúng ta cũng vẫn tìm học; không khác gì
các dân tộc Triều Tiên và Nhật Bản. Khổng Giáo chỉ được triều đình nhà
Lê đề cao từ những thế kỷ 15.
Hiện tượng đáng kể nhất trong một ngàn năm Bắc thuộc là quá trình
chuyển hóa các di dân người Trung Hoa sang nước ta, bắt đầu từ thế kỷ
thứ nhất, họ đã dần dần hòa nhập vào khối người Việt ở địa phương; chính
họ cũng góp phần bảo vệ và xây dựng nước Việt. Lâm Ngữ Ðường từng công
nhận chính các di dân thuộc các sắc tộc “Rợ Hồ” từ phương Bắc tràn xuống
vùng sông Hoàng Hà trong nhiều thế kỷ đã “góp máu,” giúp cho dân tộc
Trung Hoa cường tráng, hùng mạnh gấp đôi. Người Hoa di dân sang nước ta
trong một ngàn năm cũng đóng góp cho dân tộc Việt nhiều như vậy.
Tại sao chúng ta vẫn tiếp tục làm người dân Việt, tiếp tục bảo vệ một nước Việt Nam?
Tìm hiểu niềm bí nhiệm đó, chúng ta càng thông được “cái nghị lực
riêng và tính chất riêng” của tổ tiên mình, như Trần Trọng Kim nhận xét.
Tổ tiên không những để lại một mảnh đất và một nền nếp văn hóa để chúng
ta sống với nhau; mà còn để lại cả cái nghị lực và tính cách riêng mà
họ đã nung nấu suốt ngàn năm Bắc thuộc.
Ngẫm nghĩ về lịch sử thời Bắc thuộc thì phải tin là nước Việt sẽ
không bao giờ mất được. Ngàn năm trước đã không mất thì ngàn năm sau
chắc chắn sẽ không mất. Ngàn năm trước, tổ tiên từng chịu đựng những áp
lực lớn, nghĩ đã thấy rợn mình. Thế mà vẫn đứng vững. Bây giờ dân mình
đông hơn, ý thức dân tộc vững chắc hơn, kinh nghiệm dày dạn hơn. Loài
người bây giờ cũng văn minh hơn và liên đới chặt chẽ với nhau hơn, không
để cho nước lớn hiếp nước nhỏ.
Hai dân tộc Việt Nam và Trung Hoa có thể sống bên nhau trong hòa bình
và lòng tôn kính nếu nước Việt Nam vẫn giữ được chủ quyền của mình,
không quá tùy thuộc vào Trung Quốc. Khi hai quốc gia đều sống trong dân
chủ tự do thì những xung đột biên giới, biển, đảo, cũng sẽ được giải
quyết một cách ôn hòa. Trên thế giới, chưa thấy hai quốc gia tự do dân
chủ gây chiến tranh với nhau bao giờ. Vì khi người dân nắm quyền quyết
định những việc quan trọng, thì bình thường họ sẽ thấy gây chiến tranh
chỉ có hại, bên nào cũng bị thiệt. Trên quan điểm kinh tế, chiến tranh
không bao giờ đạt được những lợi ích đủ lớn để bù lại những phí tổn phải
chịu đựng. Hiện nay, bên cạnh nước Việt Nam cũng không phải chỉ có một
cường quốc duy nhất, như thời Bà Trưng hay thời Ngô Quyền. Trên thế giới
sẽ không còn nước lớn nào đi chiếm các nước nhỏ mà các nước khác đứng
ngoài coi; vì quyền lợi kinh tế đều dính líu đến nhau.
Nước Việt Nam sẽ không bao giờ mất. Ðiều đáng lo không phải chỉ là
mình còn được độc lập hay không. Ðáng lo hơn nữa là nước mình chậm tiến
quá, trong khi những nước chung quanh, kể cả Trung Quốc, đang tiến rất
nhanh. Ðáng lo hơn hết, là dù nước mình vẫn còn nhưng dân mình không
đuổi kịp các nước trên thế giới về kinh tế, chính trị và cả văn hóa. Làm
sao để kinh tế nước ta có thể tiến lên; để dân mình được sống tự do; để
nền nếp đạo lý trong xã hội không tiếp tục suy đồi; để nước mình có thể
so sánh ít nhất cũng ngang hàng với các nước đã phát triển vùng Á Ðông?
Nghiền ngẫm lại lịch sử ngàn năm Bắc thuộc chúng ta càng thấy rõ bổn phận của mình đối với các thế hệ tương lai.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn: Người Việt Online
No comments:
Post a Comment