Wednesday, August 7, 2013

LẠC QUAN BUỒN

LX: Lạc quan buồn là tập hồi ký của nhà văn Trịnh Đinh Khôi vẫn đang ở dạng bản thảo  . Được sự đồng ý của tác giả, trong tháng 8, lá xanh sẽ lần lượt trích đăng một số chương trong tập hồi ký  một trăm năm mưoi ngàn chữ này .


nhà văn Trịnh Đình khôi

Tiểu sử :
Họ và tên khai sinh: Trịnh Đình Khôi. .Bút danh khác: Phương Thảo, Anh Thư, Quang Tuấn
Sinh năm 1946. Quê quán: Tri Phương, Tiên Du, Bắc Ninh.
Dân tộc: KinhTôn giáo: Không.
Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: nguyên chuyên viên cao cấp Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương.
Hiện thường trú: Ba Đình, Hà Nội.
Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam.
Vào Hội nhà văn việt nam năm 1988.
Vài nét về quá trình học tập, công tác, sáng tác: tham gia quân đội 4- 1965, thương binh, chuyển ngành học khoa văn Đại học Tổng hợp Hà Nội và Trường Đảng cao cấp nguyễn Ái Quốc. Công tác tại Ban Tuyên huấn Trung ương nay là Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương.
Tác phẩm chính đã xuất bản: Đã xuất bản gần hai chục tập sách gồm truyện ngắn, tiểu thuyết, lý luận phê bình và hơn mười kịch bản đã dựng thành phim, gồm phim truyện, phim tài liệu nghệ thuật, phim hoạt hình. Viết khoảng hai trăm bài báo.
Giải thưởng văn học: Giải B ( không có giải A) của Hội Nhà văn Việt Nam. Giải thưởng truyện ngắn báo Văn nghệ. Giải thưởng truyện vừa tạp chí Nhà văn. Giải thưởng văn học 5 năm của Bộ Quốc phòng.
Suy nghĩ về nghề văn: Tài năng và tâm huyết quyết định thành công của nhà văn.

                               





Tôi chỉ muốn kể lại, ghi lại những gì tôi biết, những gì tôi làm và có ít tư liệu chứng minh. Tuỳ cảm hứng, không hệ thống, không biên niên, và không cao siêu nhưng chân thực. Ở đây có những điều tôi và nhiều anh chị biết. Tôi tránh nói lại những điều mọi người đã nói, đã viết. Xin đến với độc giả bằng những trang viết chứ không nói suông. Tôi ít phát biểu ở các cuộc họp hoặc xuất bản bằng mồm. Khẩu thiệt vô bằng, lời nói gió bay. Nên có trách nhiệm với điều mình nói, mình làm. Có thể đúng, có thể sai nhưng tôi suy nghĩ bằng cái đầu của mình chứ không suy nghĩ, làm theo cái đầu của người khác, nói theo người khác để kiếm chác chỗ ngồi như vẫn thường thấy ở những người trong bộ máy. Tôi muốn trải lòng ra cho mọi người thấy mình đã ứng xử vì cái chung, vì con người như thế nào, mình sống có ích không? Viết với bút pháp dân gian, kể chuyện vui hài, mong được nhiều người đọc, người thích; không cầu kỳ đại ngôn, không khen chê tuỳ tiện. Tất thảy đều thuộc về quá khứ. Trong cái sai lầm của con người, nhẹ dạ cả tin, mảnh vỡ của thiên lương là cái đáng tha thứ nhất.
Sau khi ở chiến trường về, sống thế nào để mọi người xung quanh vui vì mình, được nhờ mình. Nếu mình có khả năng giúp đỡ họ. Đó là phương châm sống của tôi. Tôi rất ghét kẻ biến mình thành nô lệ của chức quyền, lòng mãnh thú nhưng lại mang nhân dạng, lại thành người có lập trường, người cách mạng. Bốn mươi ba năm công tác, tôi tự hào mình chưa thú tính đối với ai, chưa huỷ hoại một cái gì. Tôi đã nhận được nhiều tri ân, sự tử tế của mọi người và cũng có một vài điều tệ hại không đáng có cũng của con người. Tôi viết vì nhân văn và những điều cản trở sự tiến bộ. Chúng ta ít đọc nhau, hãy đọc đi, đừng nói theo khi chưa đọc bè bạn. Có nhiều trang viết tốt, viết hay; nhiều bài thơ, trang văn không thua kém bên ngoài. Đó là niềm tự hào, hạnh phúc của chúng ta. Nhưng trong những cái hoạ của con người, có cái hoạ cầm bút, hoạ văn chương, hoạ khẩu thiệt đáng sợ; nên những người quản lý phải thận trọng. Tôi muốn giúp vào sự thận trọng ấy. Lời nói đọi máu, phải “thận ư ngôn” người ơi! Người lớn, người có học càng phải thận trọng khi nói, không văng mạng, không nói bừa, viết bừa được. Nói hay cũng có khi mang hoạ chứ đừng nói, nói dở. Trong chiến tranh, ta cống hiến xương máu tuổi trẻ như hàng vạn người khác. Hoà bình rồi, ta làm gì, làm gì có ích? Đó là câu nhắc nhở thường trực của tôi. Phải chăng những trang viết, viết báo cáo, viết văn, viết báo, đi giảng dạy là chứng chỉ nói rằng tôi có lao động? Còn việc đó ích lợi đến đâu thì còn tuỳ. Những trang viết, bài giảng đó đều yêu con người, muốn con người tốt, xã hội tốt. Chỉ thế thôi. Gần trăm truyện ngắn đã in trên báo, trên sách, đã đọc truyện đêm khuya trên đài Tiếng nói Việt Nam. Gần bốn chục năm qua, hơn hai chục tập sách đã xuất bản và kịch bản dựng thành phim với hàng ngàn giờ lên lớp ấy chứng tỏ mình có đóng góp, có lao động.
Gần mười năm khoác áo lính chiến, biết bao sống, chết, vui, buồn; tôi cố dồn vào trang viết. Những cái chết không bình thường, đầu mình không nguyên vẹn, có khi chỉ còn ít thịt xương gói trong tấm tăng võng, đặt ở góc suối cạn, chất vài viên đá lên thành mồ vô chủ, không một vòng hoa tang, không một tiếng khóc đã tạo nên văn chương tôi.
Một em ý tá chưa đầy mười bảy tuổi vừa học hết phổ thông, qua lớp y tá cấp tốc xung phong vào chiến trường. Được ngắm cô gái xinh đẹp như em, anh lính nào mà chả nhớ thương, chả ước ao. Không chỉ cái tên bố mẹ có chữ đặt cho, nghe cầu kỳ và quê kiểng mà họ đẹp thật! Đẹp như những đoá hoa. Các em có thể thành hoa hậu nếu không sinh nhầm vào thời đạn lửa.
Tôi đã viết, tôi phải viết và còn viết về những con người này. Họ là nhân vật của tôi. Có nhà báo hỏi:
 - Tại sao nhà văn chung thuỷ với đề tài chiến tranh?
 Tôi trả lời:
 - Anh chiến sĩ, người phụ nữ, những người đã tạo nên chân dung Việt Nam cho thế giới ngưỡng vọng; tại sao nhà văn không tạc tượng họ trong văn chương?
Khi tôi viết những dòng này thì nhiều người mẹ có con góp phần giành lại đất nước đã không để lại dấu vết gì. Các bà đã đi vào cõi vĩnh hằng. Vĩnh hằng không tên tuổi. Những điều khuất lấp ấy, tôi phải nói, phải viết. Văn chương tôi không thuộc nhóm “ca ngợi”, cũng không thuộc nhóm “phê phán”, tôi viết về nỗi đau và niềm vui của con người. Trai thời loạn cầm vũ khí ra trận, đối với tôi, đó là chuyện tất nhiên, bình thường. Nhưng những thiếu nữ xinh đẹp, liễu yếu đào tơ mà ra trận, mà bị thương, hy sinh; tôi thấy nó bất nhẫn làm sao! So với các em, tôi có may mắn hơn. Trở về dẫu thân tàn ma dại với mấy vết thương trên mình và cái đầu trọc lốc vì rụng tóc, cái bụng ỏng với nước da tái ngắt như thịt trâu chết vì sốt rét nhưng tôi còn được làm chồng, làm cha. Còn các em không để lại dấu vết gì trên đời này. Liệu họ còn ở thế giới bên kia không? Các em hy sinh lâu rồi nhưng ngọn lửa các em thắp trong tôi vẫn cháy mãi. Tôi không quên. Tôi không quên. Nhưng thật đáng tiếc, tôi vẫn chưa có nhiều trang sách xứng đáng viết về các em. Tôi phải viết vì những người đồng đội đã ngã xuống và những thân nhân của họ đang sống. Không viết vẫn cứ sống, thậm chí sống vô tư, xách cặp đi hội nghị lớn, hội nghị nhỏ, nói dăm câu ba điều vô thưởng vô phạt, chẳng động đến ai và cũng chẳng ai động đến mình; nghĩa là tôi tồn tại thêm mấy chục năm nữa sau chiến tranh. May thay, trong đầu vẫn cứ sáng lên ánh sáng của những cái chết và lại cầm bút, ngoan ngoãn ngồi vào bàn mong viết được cái gì. Đừng để mình trở thành kẻ vô tích sự.
Tôi sinh hoạt giản dị, ăn mặc xoềnh xoàng, không chè, không rượu, không thuốc lá, cà phê. Tôi nói đùa với anh em: “Mình nghiện mỗi thứ nhưng nhà nước cấm nên phải thôi”. Tôi nói đùa với bà xã: “Nhà mình vô phúc vì con không hơn cha”. Bố tôi ba bà. Coi như mình chết một nửa theo nghĩa đen và cả nghĩa bóng. Thân thể, mắt mũi thương tật đầy. Tôi không mất thời gian phục vụ mình nhiều nên có thời gian cho công việc. Tôi không bằng lòng với hiện trạng. Mà không bằng lòng thì hãy cẩn thận đấy. Tôi thường chủ động tìm đến những đồng đội còn sống sót. Phần nhiều anh em còn nghèo khổ nhưng gặp nhau thì vui lắm. Nghe họ ôn lại kỷ niệm cũ, nói những chuyện mới. Tâm hồn họ trong sáng, hồn nhiên, không kèn cựa toan tính. Năm đó Hội Nhà văn, rồi năm sau là Bộ Quốc phòng cho tôi giải thưởng. Tôi đưa cho bà xã một phần, còn bao nhiêu tôi điện mời các bạn xa gần, toàn là lính cũ đến liên hoan chia phần. Nghèo chia nhiều. Không nghèo chia ít. Ở cơ quan, tôi giả câm giả điếc nhìn những anh đi học, đi sơ tán suốt thời chiến tranh nhảy qua mặt mình bằng “lập trường”, bằng “thân quen”, bằng “ô dù”. Tuy vậy, cũng có kẻ biết điều hoặc giả vờ biết điều em em bác bác mỗi khi giao việc. Với trách nhiệm của một cán bộ Đảng, tôi hoàn thành tốt nhưng tôi vẫn cầm cây bút. Con đường tôi chọn từ khi còn bé, tôi đã không học Luật. Sau khi đi lính về, tôi làm thuốc theo nghề gia truyền và học văn để làm người, làm văn. Đến bây giờ, tôi vẫn cho rằng con đường mình lựa chọn là đúng. Là sự may mắn. Trong bài viết gần một trang báo Văn nghệ, khi bình luận về một tập thơ mới ra của một bạn thơ, tôi kiêu hãnh nói rằng: Quyền lực rồi cũng đi qua, tiền bạc rồi cũng hết, đời chỉ còn Em và những trang văn. Em là tình cảm, là đạo nghĩa. Tình nghĩa là thứ lớn nhất trong đời. Tôi là một gã hậu sinh trong làng văn nhưng lại không may được chứng kiến những vụ “huynh đệ tương tàn” trong văn nghệ vì một mục đích không đâu, vì những lời nói không đâu. Thế hệ sau, kể từ nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nhà thơ Hữu Thỉnh làm Tổng thư ký ít còn những vụ “tương tàn” tập thể, không còn “tử vì đạo” hoặc vì xúi giục mà đấu đá nhau. Chỉ còn ba cái vụ lẻ tẻ, cá nhân với nhau nhưng sau một hồi to tiếng, cả hai phía đều chả ra cái gì, chỉ tổ làm cho thiên hạ nhìn khách văn chương bằng nửa con mắt.
Thời gian đối với nhà văn là quý, nên dành nó cho những nghĩ ngợi, những trang viết, không phí nó vào những việc vô bổ. Ta chỉ lo sách của ta, văn của ta không có chỗ đứng trong rừng văn học ngày nay. Cái hiện thực ta thể hiện mới là hiện thực nhìn bằng mắt, chưa phải bản chất cuộc sống. Làm nhà văn phải có tri thức, tài năng, dù một chút và lòng can đảm. Sáng tạo cái mới, không bằng lòng với thực tại, muốn thay đổi là phải có gan. Anh nhà văn phải can trường là một con người thì mới có con người trong tác phẩm, mới gây được ảnh hưởng trong xã hội. Gây ảnh hưởng bằng những suy nghĩ chứ không phải thuyết giáo răn dạy. Bạn đọc bây giờ không phải là số không để anh nhà văn thêm số một, số hai vào. Những người biết đọc sách và ham đọc sách trong công chúng thời phương tiện nghe nhìn phát triển thường là những người có kiến thức, có vốn sống không dễ lôi kéo họ. Bạn đọc đa số sẵn sàng làm giám khảo miễn khí, làm trọng tài không công cho các tác giả, tác phẩm; hãy lắng nghe họ là chính, đừng chú ý quá nhiều lên phía bạn đọc “nhạy cảm” bên trên. Ta phục vụ ai, đa số dân chúng hay chỉ mấy ông? Như vậy không có nghĩa là ta không có điểm dừng. Nhà văn phải “tri chỉ”, phải nhớ: dừng lại đúng lúc đã là dấu hiệu của một tài năng. Tôi đã tham gia vào việc giải quyết và chứng kiến những vụ việc văn nghệ có “vấn đề”, nhiều khi không phải vì nói cái gì mà do nói quá. Duyệt vở, đọc sách, cấp có thẩm quyền ít chú ý nói như thế nào (hay dở) mà chăm chú vào nói cái gì, nhất là nói quá. Thái quá cũng tai hại như bất cập. Có một thời, ta đã viết theo ý chỉ của người khác và cũng vì trách nhiệm của nhà văn tuy đau đớn biết vậy nhưng lại không thoát ra được. Tôi chỉ là kẻ á quan á dân, không có tư cách phê phán ai mà chỉ Mao Tôn Cương cho lãnh đạo. Tôi đỡ hơi nhiều mà không đánh hoặc a dua đánh nên không nợ nần ai. Tôi có thể sai chứ không phải như một số ông bạn có cương vị như tôi lại tự vỗ ngực luôn luôn đúng. Họ khen chê đều đón ý cấp trên. Không đáng tin cậy, không tín ngưỡng, không lý tưởng, không khát khao; mục tiêu của họ rất ngắn, ích kỷ và thủ lợi, đói khát danh vọng, chức quyền, địa vị. Một thời thói háo danh lên đến đỉnh cao, tuy bất tài, giả dối nhưng được những phương tiện nghe nhìn tung hê, lãnh đạo đóng dấu. Nói dối, báo cáo dối đã đến đỉnh cao, đã trở thành thói quen. Nói thật, báo cáo thật đôi khi lại bị nhìn là hữu khuynh. Nhờ nói dối mà khối anh có quyền, có chức, có tên nhưng vẫn không ra người. Quyền lực thật, uy tín giả, trách nhiệm giả. Mà văn nghệ sĩ trí thức vốn là những kẻ trọng ân hơn uy, biết nể mà không biết sợ. Người quản lý phải nắm bắt được đặc điểm của đội ngũ và đặc trưng của văn nghệ. Cái đích thực là cái tồn tại mãi. Tính quần chúng của văn nghệ là số đông chứ không phải của số đông. Chăm bẵm đội ngũ là nuôi tằm để lấy tơ, có khi phải đội nong tằm lên đầu chứ không như chăn voi chăn ngựa, có lúc phải dùng búa, dùng roi. Thói thường trong một cái ao, bèo nổi sao chìm; phải có con mắt tinh đời mới nhìn ra đúng - sai, hay - dở của văn nghệ sĩ và văn chương. Ở mảnh đất nhiều giá trị giả được tôn vinh, người ta sống trong hư danh hơi nhiều những hành động giả trá ngang nhiên công khai trong bình xét. Bất bình và khó chịu hay cuộc đời là thế? Vẻ kiêu hơn cốt kiêu. Ồn ào xưng tụng nhưng không có giá trị thực. Miếng giẻ rách lau vàng son tưởng mình được sơn son thếp vàng. Văn nghệ tuyên truyền có giá trị của nó nhưng chỉ của một thời, dù tôn vinh đến đâu nó vẫn thế, không thể của nhiều thời, của nhân loại.
Tôi vái rạp những người chơi trò “ảo thuật” để được thăng tiến chức tước danh vị. Khi sắp về hưu, tôi càng nhìn rõ lòng người, nhìn rõ trái tim bạn bè. Bốn mươi ba năm với tất cả cuộc sống chiến đấu, công tác và những gì quanh mình, có những điều tôi mãi mãi không quên, những điều tốt đẹp anh hùng trong chiến đấu, những gì thấp hèn sau hoà bình. Đằng sau tấm huân chương hiện ra mặt trái. Muốn đổi mới, muốn hiện đại hoá, muốn dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh thì cũng không thể tách rời quá khứ, quên những con người đã tận tuỵ duy trì văn hoá sống và cũng không thể không dạy làm người trước khi làm quan, làm dân. Thiếu sót của nền giáo dục ta trước hết là dạy làm người. Làm người hỏng, làm quan cũng hỏng, làm dân cũng hèn. Không nhiều người lớn, rặt đám tiểu nhân làm sao hưng thịnh được. Thiên hạ nhìn vào cán bộ, nhìn vào dân trí mãi bằng cái thước đo quá khứ và cả hiện tại. Phải giáo dục thế nào để ai ai cũng yêu Tổ quốc thật sự, chứ không chỉ là ngôn ngữ trong mít tinh hội họp. Thu hút thế nào để những người gốc Việt xa Tổ quốc nhìn về thấy nhớ nhung yêu mến và có trách nhiệm với đất Mẹ. Yêu hay ghét, vui hay buồn; con người phải biết sự thật. Bản kiểm điểm của nhà văn, bạn vong niên với tôi, anh viết và đưa tôi xem có mấy chữ: “Nói dối là có tội”. Văn học chỉ nói thật mới có thể tồn tại, mặc dù nói thật không phải dễ, phải dũng cảm. Nghĩ đến điều đó, hình như nhiều nhà báo, nhà văn vừa xấu hổ vừa đau lòng. Xã hội càng tiến bộ càng yêu quý văn nhân, tài năng. Nếu không thế thì làm gì có tác phẩm, có văn minh tinh thần. Chả nhẽ, cuộc sống chỉ cần văn minh vật chất. Những nhà văn bị hắt nước bẩn vào tên tuổi, có người vẫn ngang nhiên sống, có người đờ đẫn sống, không còn chút sinh khí. Có người dại, đi tìm nơi vắng vẻ để “mặc lũ người khôn” “ở chốn lao xao” như Nguyên Hồng và bạn ông, nhưng họ vẫn làm việc. Sinh ư nghệ tử ư nghệ, có người không rời tay bút; lại có người sau một cơn dày vò quá đáng chuyển nghề kiếm sống. Một hành vi, một lời nói có thể làm tổn thương đội ngũ, ảnh hưởng đến văn học. Tôi không thể không viết về một nhà văn đi ở ẩn. Ông không về Côn Sơn như Nguyễn Trãi mà về vùng đồi cọ rừng chè nơi chín năm kháng chiến ông đã đóng quân, đã tản cư. Và bây giờ ông lại về trú ngụ tâm hồn. Ông vùi đầu vào đọc, dịch, viết lách. Những tác giả phương Tây nổi tiếng đang chờ ông. Ông mong muốn mời họ vào Việt Nam, mong mở mang văn nghiệp nước nhà bằng những bản dịch có văn, có hồn. Tấm lòng ông sáng trong không chút bụi mờ. Thế mà ông bị nghi ngờ, bị thành kiến suốt bao nhiêu năm. Ông mang một bút danh mới, không mong có tiếng tăm gì. Ông bỏ cả những quyền lợi mà ông được có. Đời ông không hưởng một thứ gì không thuộc về mình. Có thời trắng đen lẫn lộn, ông bị vậy mà không phải vậy, bạn bè biết. Sau này, người ta hồi tâm đã gián tiếp minh oan cho ông. Thế đã hơn nhiều người quên cả minh oan cho những người bị oan, xoá án cho những người bị vu hãm. Ông có cái tên rất chữ nghĩa cha mẹ đặt cho, nhưng tôi xin phép lấy chữ đệm đặt thay tên, vì ông muốn thế. Ông là Đình. Đình là nhân vật của tôi. Đình là ông anh, cũng như Bạch Liên, cô em gái quân y chăm sóc khi tôi bị thương và bao nhiêu đồng đội của tôi thời chiến tranh - Những con người phải sống mãi trong văn chương nghệ thuật.
 ( Còn tiếp )


No comments: