Wednesday, August 7, 2013

Márai Sándor


Márai Sándor sinh tại Kassa, ngày 11 tháng 4 năm 1900. Cha ông là luật sư Grosschmid Sándor, ông hết chương trình trung học tại Kassa và Eperjes, sau đó đi làm ở thủ đô, tại báo Nhật ký Budapest, 
 Năm 1919 các bài báo của ông xuất hiện trên tờ Vörös Újság (báo Đỏ), thơ của ông đăng trên các báo ở Kassa. Tháng 10 năm 1919 ông qua Viên sang Berlin rồi chuyển đến Frankfurt để tiếp tục theo học đại học. 
. Ông là dịch giả Franz Kafka đầu tiên, là một trong những người đầu tiên viết về Kafka. 


1923 ông cưới bà Matzner Ilona; họ chuyển đến Paris, từ đây ông vẫn đều đặn viết cho các báo Đức. 
Năm 1925, tờ Báo ra đời, từ đó các bài viết của ông xuất hiện thường xuyên nhất ở đây; ông viết với tư cách một cộng tác viên từ Paris, sau này ông trở thành người phát ngôn có tác động lớn của tư tưởng tự do thị dân. 
Năm 1927, được sự ủy nhiệm của tờ báo, ông tiến hành một cuộc hành trình dài hơi đến vùng cận đông, từ các ấn tượng của chuyến đi, cuốn ghi chép hành trình Theo dấu vết Thượng đế ra đời.

Năm 1928 ông trở về quê hương. Tiểu thuyết thử nghiệm đầu tiên của ông in tại Viên (Ông hàng thịt,1924),. Năm 1930, cùng với bạn bè ông đã nghĩ đến việc xuất bản một tờ báo chống đối lại tờ Nyugat (Phương Tây) theo mô hình báo Pháp Marianne được ưa chuộng.

Năm 1933 tờ báo của ông được gửi đến Berlin, tại đây nó theo sát sự kiện Hitler nắm chính quyền. Bằng lòng dũng cảm đáng tin cậy, ông miêu tả hiện thực của chủ nghĩa phát xít: bài viết Messiás trong chiếc áo choàng thể thao là một trong những bài báo chống phát xít nổi tiếng, đồng thời là bức biếm họa về Hitler.

Năm 1934 phần thứ nhất của tác phẩm chính trong sự nghiệp Márai Tự sự của một thị dân ra đời, một tác phẩm văn xuôi tuyệt tác, được các nhà phê bình lừng danh nhất thừa nhận như một tác phẩm tiểu sử; được xếp cùng hàng với tác phẩm miêu tả xã hội học của Illyés Gyula Dân miền hoang dã và tiểu thuyết Cuộc đời một con người của Kassák Lajos.
 

 Năm 1941 sau khi Kassa sát nhập lại đất nước, ông đã về thăm quê hương, những gì thu thập được ông ghi lại trong”những đội tuần tiễu”, sau thành công của vở kịch Phiêu lưu 1940, ông được nhận giải thưởng Vojnits.

Từ năm 1945 ông chính thức là viện sỹ Viện Hàn lâm Hungary. Trong những năm cuối cùng của thế chiến, ông sống ẩn dật, sống chủ yếu cho văn chương. Ông viết liên tục tập Nhật ký 1946. Khi thành phố bị tấn công ông sơ tán về Leányfalu.

Năm 1945-1946 ông tiến hành một cuộc hành trình Tây Âu dài hơi. Trở về, ông cho xuất bản tiểu thuyếtNhững kẻ bị xúc phạm 1947-1948 nhưng phần thứ ba của tác phẩm bị tịch thu

Năm 1948 ông sang Thụy Sỹ. 1950 ông sống ở Ý, 1952 ông định cư tại New York. Năm 1957 ông nhận quốc tịch Mỹ. Thời gian ông dành đi lại nhiều giữa châu Âu và Mỹ.

Nghe tin cuộc cách mạng tháng mười năm 1956, ông sang München, tại đây ông nghe tin về sự can thiệp của quân đội Nga. Từ 1968 ông sống ở Salerno( Ý), từ 1979 ông sống ở San Diegó. Những năm cuối đời ông hoàn toàn rút vào sống ẩn dật, sau cái chết của vợ và con trai, ông sống trong cảnh nghèo nàn, bệnh tật, vì ốm yếu ông hầu như không tự lo được cuộc sống của mình.

Ngày 21 tháng 2 năm 1989, ông tự kết liễu đời mình tại San Diegó-Mỹ

Năm 1989 ông được phục hồi lại danh hiệu Viện sỹ Viện hàn lâm. Năm 1990 ông được tặng giải thưởng Kossuth.


Márai Sándor


Lời cỏ cây

Không ai có thể bảo vệ được nhà văn 

 
Đã một vài lần tôi bị săn đuổi và bị tấn công - và trong sự nghiệp của một nhà văn, sự săn đuổi bị lặp lại này là không thể tránh khỏi - tôi đã nghiệm thấy rằng, sự cứu giúp bên ngoài chưa bao giờ cứu nổi một nhà văn bị tấn công.

Kể cả quyền lực, tòa án, sự ủng hộ của các bạn đồng nghiệp, thậm chí cả sự cổ vũ tự nguyện của những kẻ thiện chí lẫn các bậc thông thái có kinh nghiệm cũng vậy.

Nhà văn chỉ được cứu vớt bằng những tác phẩm của mình.

Mà cũng chưa cần kể đến chất lượng tác phẩm, báu vật duy nhất của nhà văn, mà là ý đồ, thứ được thắp sáng trong cuộc đời nhà văn.

Đấy là thứ ánh sáng, là sức mạnh bí ẩn –là thứ mà một cách nào đấy– đem lại cho nhà văn sự kiên cố.

Như vậy nhà văn chỉ có thể bị thất bại, nếu người khác chứng minh được rằng ý đồ của nhà văn là không chân thành.

Lúc đó dẫn đến sự tự vẫn của nhà văn và tác phẩm.

Còn tất cả những điều khác đều không đáng kể: bản án, sự bảo vệ.

việc đọc sách


Cần phải đọc với toàn bộ sức mình. Đôi khi toàn bộ sức lực để đọc này còn phải mạnh mẽ hơn cả sức lực viết nên thứ để bạn đọc. Cần phải đọc một cách kính cẩn, đầy đam mê, hoàn toàn tập trung tư tưởng, và không khoan nhượng. Nhà văn có thể rông dài, nhưng bạn phải đọc một cách súc tích. Đọc tất cả những từ nối tiếp nhau trong cuốn sách, cần phải lắng nghe, nhận thấy những dấu vết dẫn đến sự cô đọng, để ý tới những tín hiệu bí mật, mà nhà văn có thể quên nhìn ra, khi mải miết đi về phía trước với tác phẩm. Không bao giờ được phép đọc một cách hờ hững, hời hợt, như một kẻ được mời tới dự một bữa tiệc của thượng đế, mà chỉ lấy dĩa để bới thức ăn trong đĩa. 
Hãy đọc một cách trang trọng, phóng khoáng. 
Hãy đọc như thể đấy là cuốn sách cuối cùng của bạn trước khi xuống nhà mồ. 
Đọc một cách sống chết, bởi đấy là phần thưởng lớn nhất của con người. 
Hãy thử nghĩ mà xem, chỉ có Con Người Biết Đọc. 
Nguyễn Hồng Nhung dịch từ nguyên bản tiếng Hungary 

No comments: