Saturday, August 3, 2013

Nếu có một cục tẩy

Nguyễn Mạnh Trinh

to_huu-ho_chi_minh
Hồ Chí Minh và Tố Hữu
Trong bài diễn văn nhận giải Nobel văn chương năm 1970, Alexander Solzhenitsyn viết: “… có người sẽ hỏi chúng ta: văn học có thể làm gì để chống lại sức tấn công tàn khốc của bạo lực công khai. Chúng ta đừng quên rằng bạo lực và dối trá bao giờ cũng đi đôi và bạo lực một mình nó cũng chẳng nên trò trống gì. Cả hai bạo lực và dối trá có quan hệ mật thiết với nhau, tự nhiên và cật ruột nhất. Bạo lực được che đậy bằng dối trá và dối trá được nuôi dưỡng bằng bạo lực. Bất kỳ kẻ nào đã tuyên bố bạo lực là phương cách của mình thì bắt buộc phải dùng dối trá để chỉ đạo hành động. Ở giai đoạn đầu, bạo lực ngang nhiên bất chấp lẽ phải thậm chí còn kiêu hãnh khinh thường tất cả nữa. Nhưng khi đã bành trướng lớn mạnh, đã có thế đứng, nó sẽ cảm thấy xung quanh là gió bão và sẽ không tồn tại được nếu không náu ẩn vào dối trá bằng những ngôn từ ngọt ngào che đậy ngụy trang. Bạo lực không phải luôn luôn mọi lúc dùng tay sắt bóp cổ mọi người, mà phần đông nó dụ dỗ thần dân của nó sự thề thốt của dối trá và tham dự vào cuộc chơi dối trá..”

“Bước đi giản dị của một con người dũng cảm là gì ngoài sự tẩy chay dối trá, chống đối dối trá.. Cứ để nó thống trị trong thế giới nhưng ta không tham dự vào.! Nhà văn và nghệ sĩ còn có thể làm hơn thế: Chiến thắng dối trá! Chính trong cuộc chiến sanh tử với dối trá, nghệ thuật bao giờ cũng đã và đang chiến thắng. Sự đó hiển nhiên, tất cả chúng ta không chối cãi được! Dối trá có thể chống được tất cả mọi thứ trên hoàn vũ này ngoài nghệ thuật. Và khi dối trá bị xua tan, bạo lực hiện ra trần trụi một cách tởm lợm. Và bạo lực rệu rã ấy sụp đổ tan tành ..”
Chế độ Cộng sản Việt Nam là một tiêu biểu cho những sự dối trá. Sự thực, không bao giờ được tỏ bày rõ ràng mà bị che phủ bởi những mưu đồ chính trị. Chế độ ấy muốn văn chương là một công cụ để tuyên truyền và văn nghệ sĩ phải là những người phải tuyệt đối vâng theo một con đường vạch sẵn. Những vụ án văn tự là những răn đe khủng khiếp nhất để trấn áp bằng bạo lực những chống đối của giới trí thức. Và, tùy trường hợp tùy thời cơ, có khi nới lỏng có khi buộc chặt, văn nghệ sĩ cũng phải dựa theo để được sáng tác, để được tồn tại. Thành ra, có lúc viết thế này nhưng sau lại bày tỏ thế khác nhiều khi đối nghịch nhau. Ở vị thế của những văn nô, chỉ biết đồng ca với dàn nhạc giao hưởng dưới những nhạc trưởng rất thiện nghệ trong việc cầm cân nẩy mực theo ý kiến đề ra của những lãnh tụ.
Một trường hợp điển hình là Tố Hữu. Một ông quan văn nghệ, lãnh đạo giới cầm bút trong nước và biết bao nhiêu người bị chịu những oan sai đau khổ vì bị hành hạ theo chỉ thị của ông ta. Một nhà văn trẻ, là thương binh, tên là Hoàng Cát, chỉ vì phạm húy khi viết truyện ngắn “Cây táo của ông Lành” mà bị vùi dập, cả đời bị khốn khó, theo dõi vì cái vết tích tì tịch văn chương. Về sau, Hoàng Cát đã kể lại những quãng đời khốn khổ của mình suốt mấy chục năm bị trù ếm đầy đọa. Và còn nhiều người nữa với những vụ án văn tự như Hà Minh Tuân, như Lý Phương Liên, như Nguyễn Dậu, như Phù Thăng, .. cũng do bàn tay của Tố Hữu dính vào. Và rõ ràng nhất là chiến dịch “Bọn Nhân Văn Giai Phẩm trước tòa án dư luận” với những biện pháp răn đe tàn bạo không án tích không giấy tờ, chỉ là lệnh miệng thôi mà làm bao nhiêu người, bao nhiêu gia đình khốn khổ.
Nhà văn Hoàng Tiến trong bài Sự Thật Ở Ðâu đã viết: “nhà thơ Hoàng Cầm kể rằng, nhà văn tướng quân Trần Ðộ trưởng ban Văn Hóa Văn Nghệ của Ðại Hội Ðảng lần thứ 6, tổng bí thư lúc ấy là ông Nguyễn Văn Linh, người đã giúp tổng bí thư Nguyễn Văn Linh tuyên bố những câu đáng ghi vào lịch sử văn nghệ “cởi trói cho văn nghệ sĩ”, “các văn nghệ sĩ hãy tự cứu lấy mình”, “không bẻ cong ngòi bút dũng cảm trình bày sự thực”..
Trong cái không khí cởi mở ấy qua nghị quyết 5 / BCT về văn học nghệ thuật, nhà văn Trần Ðộ có đến gặp Tố Hữu và hỏi ông về thái độ đối với anh em Nhân Văn Giai Phẩm bấy giờ. Nhà thơ Tố Hữu với giọng trọ trẹ xứ Huế đã nói “Rất tiếc! Rất tiếc! Hồi ấy tôi đã không tiêu diệt hết chúng nó đi.” Trên đường về ông Trần Ðộ có rẽ vào thăm ông Hoàng Cầm có kể lại câu chuyện trên. Ông Hoàng Cầm đến nay còn sống, yếu lắm rồi, hiện ở số nhà 43 phố Lý Quốc Sư, Hà Nội. Ai có thắc mắc, xin đến đấy hỏi, kẻo rồi ông Hoàng Cầm đi mất, lại thành tam sao thất bản..”
Tố Hữu đã được Xuân Sách mô tả:
“Ta đi tới đỉnh cao muôn trượng
Mắt trông về tám hướng phía trời xa
Chân dép lốp bay vào vũ trụ
Lúc trở về ta vẫn là ta!”
“Từ ấy trong tôi bừng tiếng hát
Trông về Việt Bắc tít mù mây
Nhà càng lộng Gió thơ càng nhạt
Máu ở chiến trường Hoa ở đây.”
Xuân Sách đã dùng tên nhan đề những tập thơ của Tố Hữu: Ta Ði Tới, Việt Bắc, Gió lộng, Việt Nam Máu và Hoa.. để nói về tác giả của nó: tham vọng, thủ đoạn, giả dối, chức thì lớn nhưng thơ thì nhạt, bởi cái tâm không tốt.
Tố Hữu cũng là một mẫu người “nịnh trên nạt dưới” đã viết những câu thơ ô nhục như viết thơ khóc lãnh tụ đỏ Stalin: “Tiếng đầu lòng, con gọi Stalin ..Thương cha thương mẹ thương chồng / thương mình thương một, thương ông thương mười.”
Và, trong đám nịnh thần làm thơ tôn vinh Hồ Chí Minh có Tố Hữu đứng đầu:
“Nhớ chân người bước lên đèo
Người đi rừng núi
Trông theo bóng người
Lòng ta ơn Bác đời đời..”
Hay:
“Bác ơi tim Bác mông mênh thế
Ôm cả non sông, mọi kiếp người”
“..Bác để tình thương cho chúng con
một đời thanh bạch chẳng vàng son
mong manh áo vải hồn muôn trượng
hơn tượng đồng phơi những lối mòn…”
Con người Tố Hữu là như thế nhưng cũng có lúc nghĩ lại. Giả hay thật chưa biết nhưng gọi là trăn trở một chút, phản tỉnh một tị. Ðọc Bài phỏng vấn “Gặp Tố Hữu tại biệt thự 76 Phan Ðình Phùng” của Nhật Hoa Khanh sẽ thấy. Bài này được đăng thành nhiều phần nhỏ trong các báo khác nhau như Quân Ðội Nhân Dân, Tiền Phong Chủ Nhật, Người Hà Nội.. bài phỏng vấn này thực hiện năm 1997, nhưng đến khi được phổ biến thì bị bà Vũ Thị Thanh là vợ của ông Tố Hữu phủ nhận cho đó là những tài liệu giả mạo “pha chế nhiều ý kiến riêng, mượn danh Tố Hữu, biến Tố Hữu thành người phát ngôn cho ý mình khi phát hành cuốn sách “Tố Hữu – Người Cộng sản kiên trung, nhà văn hóa tài năng”.
Thực hay giả, đúng hay sai chỉ có người đã nằm dưới mồ là Tố Hữu và người phỏng vấn là Nhật Hoa Khanh biết mà thôi. Nhưng, tại sao giả mà lại được các tờ báo coi như chính thống của Ðảng phổ biến và Nhật Hoa Khanh trước sau im lặng không trả lời . Hình như có một điều gì bất thường..
Có người cho đó là một phản tỉnh của Tố Hữu. Lúc bị thất thế, suy nghĩ của ông ta đã thay đổi, như những bài thơ sau này bớt giọng sắt máu hoặc những câu chuyện Phùng Quán kể khi đến thăm ông tại nhà.
Ðọc bài phỏng vấn, độc giả sẽ thấy có một Tố Hữu khác, một người khác xa với hình ảnh của một đồ tể văn học, một ngươì làm thơ có tâm hồn nhân ái, một trí thức có đầu óc phóng khoáng cởi mở, một nghệ sĩ trân trọng chữ nghĩa và tôn trọng những người cầm bút. Nhắc đến những người mà hồi trước là nạn nhân của ông, là đích nhắm để ông hành hạ, thì ông lại khen ngợi không tiếc lời. Với những người mà hồi trước ông lên án và nguyền rủa như Phan Khôi, Trần Dần, Văn Cao, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Lê Ðạt, Phùng Quán, Nguyễn Hữu Ðang.. thì bây giờ ông lại đề cập đến với những lời nồng hậu nhất. Không hiểu, có muộn màng không? Với những người đã chết vì bị đày đoa…
Trong bài phỏng vấn, Tố Hữu nói: ” .. Họ tung tin ông Tố Hữu chỉ đạo ban nọ ban kia hoặc báo này báo khác “đánh” Búp Sen Hồng mà tôi vừa nói ở trên . Họ dựng đứng chuyện ông Tố Hữu cắt bỏ câu “Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp trong bài thơ Hoan hô chiến sĩ Ðiện Biên. Họ ném hỏa mù: ông Tố Hữu “đánh” Quang Dũng, Hoàng Cầm, Lê Ðạt, Trần Dần, Nguyễn Bính, Nguyễn Tuân, Văn Cao, Nguyên Hồng, Tô Vũ, Phùng Quán, Phùng Cung, Trương Tửu, Phan Khôi, Ðào Duy Anh, Phan Ngọc, Nguyễn Hữu Ðang, Ðặng Ðình Hưng, Nguyễn Mạnh tường, Trần Ðức Thảo,… Họ vu khống Tố Hữu đánh cả Nguyễn Ðình Thi, chỗ ngồi của anh Nguyễn Ðình Thi ở đại hội nhà văn Việt Nam lần thứ ba là do Tố Hữu quyết định..”
Có nghĩa là bọn xấu “cáo mượn oai hùm” nó làm và Tố Hữu không có trách nhiệm gì hết!!! Hơn thế nữa, còn khen ngợi nữa kia. Như nói về Văn Cao: “Văn Cao còn là một nhà thơ xuất sắc, một họa sĩ độc đáo, một nghệ sĩ suốt đời trung thành với dân tộc và với Ðảng..”
Nói về Quang Dũng và Hoàng Cầm:
“Cần đánh giá lại, đánh giá thật cao giá trị thơ Quang Dũng trong nền thơ Việt Nam hiện đại. Quang Dũng là một trong những các nhà thơ đàn anh trong văn học Việt Nam thế kỷ 20. Cũng cần nói thêm, Quang Dũng còn là một nhà văn sắc sảo về nội dung và điêu luyện về ngôn ngữ…”
“..Hoàng Cầm ngời sáng cả trên lãnh vực thơ lẫn kịch bản thơ. Chưa kể anh còn là một trong những nghệ sĩ ngâm thơ vào loại vô địch không kém gì Phùng Quán”
Nói về Trần Dần:
“Cũng như thơ Quang Dũng và Hoàng Cầm, thơ Trần Dần có nhiều đổi mới về nội dung và nghệ thuật, đồng thời là tấm gương phản chiếu tâm hồn dân tộc và phản chiếu cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam. Văn xuôi của anh. Người người lớp lớp, về căn bản có giá trị hiện thực chiến đấu rất cao, Người người lớp lớp, là một khẩu pháo binh chúng pháp của văn học Việt Nam thế kỷ 20. Nên sớm tái bản..”
Nói về Phan Khôi:
“Về cụ Phan Khôi, phải đánh giá lại. Không thể quên được hình ảnh gương mẫu và nồng nhiệt của cụ trong đội quân văn nghệ kháng chiến chống Pháp. Không thể bỏ qua được những kết quả của cụ trong việc đổi mới thơ Việt Nam trước khi xuất hiện phong trào thơ mới. Phan Khôi còn là một học giả về văn học Trung Quốc. Muốn hay không, cụ cũng đã có một vị trí xứng đáng trong lịch sử văn học nước ta thế kỷ 20..”
Nói về Nguyễn Hữu Ðang:
“Suýt nữa tôi quên mất anh Nguyễn Hữu Ðang người được bác Hồ trao cho nhiệm vụ trọng đại Trưởng ban Tổ Chức lễ Tuyên Ngôn Ðộc Lập mồng 2 tháng 9 năm 1945. Anh Ðang suốt đời trung thành với bác Hồ và với lý tưởng Ðộc lập Tự Do của dân tộc. Anh Ðang đóng góp nhiều cho ccah mạng những đóng góp lặng lẽ. Anh Ðang có nhiều hy sinh đáng quý. Những hy sinh ấy chính là tấm gương ngời sáng treo cao trước mặt chúng ta ..”
Nếu có một cục tẩy, để xóa đi những dòng chữ mà Tố Hữu đã viết trong khi ông ta được coi là người dập tắt phong trào Nhân Văn Giai Phẩm trong cuốn sách “Qua cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại Nhân Văn – Giai Phẩm trên mặt trận văn nghệ” thì người ta mới có thể tin được lập luận ở trên. Ông ta viết, đấu tố thẳng tay những người tham gia phong trào mà về sau này ông vinh danh nồng nhiệt:
“Lật bộ áo “Nhân Văn – Giai Phẩm” thối tha người ta thấy ra cả một tổ phản động toàn là những gián điệp, mật thám, lưu manh, trốt kít địa chủ tư sản phản động quần tụ trong những tổ quỷ với những gái điếm, bàn đèn sách báo chống Cộng phim ảnh khiêu dâm..
Trong cái công ty phản động Nhân Văn Giai Phẩm ấy thật sự đủ mặt các loại “biệt tính” từ bọn Phan Khôi, Trần Duy, mật thám cũ của thực dân Pháp đến bọn gián điệp Thụy An từ bọn trốt kít Trương Tửu, Trần Ðức Thảo đến bọn phản Ðảng Nguyễn Hữu Ðang, Trần Dần, Lê Ðạt. Một đặc điểm chung là hầu hết bọn chúng đều là những phần tử thuộc giai cấp địa chủ và tư sản phản động và đều ngoan cố giữ lập trường quyền lợi giai cấp cũ của mình cố tình chống lại cách mạng và chế độ…”
Thực tế, văn học miền Bắc trước 1975 tràn đầy những văn nô cúc cung phục vụ chế độ. Những giai thoại loan truyền đi khắp nơi trong dân gian khiến nhiều khi từ ngữ sĩ phu Bắc Hà chỉ là tên gọi suông không có thực chất. Nguyễn Ðăng Mạnh trong một đoạn hồi ký viết về Nguyễn Khải có kể lại những câu chuyện khá thú vị. Ông kể về những câu nói hoặc nhận xét về Ðảng Cộng sản, về các quan cán bộ hay các nhà văn nổi tiếng, rất táo bạo:
“Ðảng không bao giờ coi trọng trí thức, biến trí thức như Hoàng Xuân Nhị thành hèn hạ. Tôi từng gặp Hoàng Xuân Nhị ở nhà Tố Hữu. Tố Hữu không thèm nói chuyện với ông ta, cứ để ông ta ngồi một mình. Tóc bạc phơ. Tố Hữu chỉ nói với tôi là một thằng còn rất trẻ. Trần Ðức Thảo thì bị biến thành một thằng bịnh thần kinh. Sang Pháp bao nhiêu Việt Kiều mời đến, không đến, cứ ở đại sứ quán, tuy bị nó khinh như chó. ” Nguyễn Khải đã kể lại như thế.
Hay “Nói chung Cộng sản coi văn nghệ sĩ như rác, Lê Duẩn coi Tố Hữu cũng chỉ như một con hát. Nhưng lại sợ văn nghệ. Vì chỉ dùng tuyên truyền dùng nước bọt mà giành được nước. Chỉ nói, có làm gì đâu. Nói đủ cả, chẳng làm gì. Thí dụ, cứ nói phê bình tự phê bình mà chưa bao giờ phê bình tự phê bình cả. Chỉ toàn đào tạo gia nhân, đầy tớ, bọn nịnh hót. Sợ văn học cũng vì thế. Vì văn nó nói sự thật, nó lật tẩy. Rất sợ biểu tượng hai mặt. Chỉ đề cao văn tuyên truyền, đề cao vè. Thật ra bọn nhà văn nói chung nhát, không dám chống chế độ đâu.
“Chế Lan Viên một thời dựa thế Tố Hữu, cũng hách lắm. Tô Hoài gọi là thằng nặc nô của đảng. Hồi chỉnh huấn văn nghệ sĩ, Chế Lan Viên làm tổ trưởng, nói với Nguyễn Tuân: “Ông tưởng ông to lắm à? Tôi phụ trách ông kia mà!” Họp chấp hành, ý kiến của Chế Lan Viên là quyết định. Thí dụ ban chấp hành bàn có nên kết nạp Phan Quang không? Mọi người chờ ý kiến của Chế Lan Viên. Chế Lan Viện đi đái vào, nói “Thằng Thép Mới nó còn được ở ban chấp hành được thì thằng Phan Quang sao không cho vào hội được?” Ai cũng gọi là thằng tuốt. Thằng Nguyễn Ðình Thi, thằng Tô Hoài, thằng Hoàng Trung Thông, chẳng sợ ai cả. Không thể đối đáp kịp mồm Chế Lan Viên. Phải về nhà mới nghĩ ra cách bác lại nhưng hôm sau không còn lý do để tranh cãi nữa vì lão ấy đã nói chuyện thân mật..”
Thực? Giả? Có phải đó là trăn trở phản tỉnh của Tố Hữu hay chỉ là sự vớt vát, hỏa mù? Nếu là thật thì bao nhiêu việc làm từ trước của Tố Hữu có hậu quả tồi tệ ra sao? Thành ra, có thể đó là những lời phản tỉnh của Tố Hữu, nhưng sau khi ông từ trần đem ra phổ biến thấy không có lợi cho Ðảng nên mới có sự phủ nhận. Dẫu sao, dù thực hay giả, sự kiện này cũng nói lên được cái hại của sự chuyên chế đối với dân tộc ở cả mọi phương diện kể cả văn chương…

Nguyễn Mạnh Trinh
NGuồn: Tác giả gửi

No comments: