Nguyễn Huy Tưởng với Racine
Mỗi nhà văn đều có thần tượng văn chương của mình. Nguyễn Huy Tưởng
cũng vậy. Với ông, người có sức quyến rũ hơn cả là Jean Racine
(1639-1699), nhà soạn kịch cổ điển Pháp, tác giả những vở bi kịch nổi
tiếng như Andromaque (1667), Iphigénie (1674), Phèdre (1677), Athalie
(1691). Cuối năm 2011, Nhà hát kịch Việt Nam đã đưa lên sân khấu nước ta
vở Andromaque, một kiệt tác của Racine. Là người am hiểu sâu sắc lịch
sử văn học thế giới, đương nhiên Nguyễn Huy Tưởng quá biết vị trí số 1
của Shakespeare trong văn học kịch. Nhưng với ông, Racine vẫn là “nhất”.
Tưởng nhớ đến ông nhân ngày sinh lần thứ 101 (6/5/19212-2013), xin trân
trọng giới thiệu với bạn đọc một số đoạn văn về thần tượng Racine của
nhà văn, nhà văn hóa Nguyễn Huy Tưởng.
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng
Ngày 23-11-1938, ở tuổi 26, khi đang ôm
ấp mộng văn chương với nhiều dự đồ khác nhau về thơ, kịch, tiểu thuyết
mà chưa có được một cuốn sách ra đời, Nguyễn Huy Tưởng viết trong nhật
ký: “Tôi không hiểu làm sao, tôi cứ đến với Racine như đến với một người
bạn thiết. Giữa tôi và nhà thi sĩ ấy đã có một cái dây liên lạc vô
hình, nhưng mạnh mẽ hơn keo sơn. Nội trong các thi nhân trên thế giới,
Racine đã chiếm hẳn linh hồn tôi. Và mỗi khi tôi giở một quyển Văn học
sử của Pháp, là tôi bắt đầu xem về Racine đã. Tôi đã làm quen với Racine
từ lâu, tôi đã từng hưng khởi vì vở kịch Athalie của ông. Tôi
yêu cái êm đềm của ông, nhưng tôi phục cái tài tả tâm lý và dục vọng của
ông. Những vở kịch của ông nó thâm trầm, diễm lệ, lời văn chải chuốt,
tôi coi như những hạt ngọc trong văn đàn. Shakespeare thì tao động quá.
Corneille thì khô khan (vả viết theo lối ông này dễ hơn viết theo cách
Racine). Tôi chỉ riêng yêu Racine và những thi sĩ Hi Lạp như Sophocle và
Eschyle(1). Racine cũng thuộc về loại này. Cái giản dị trong
sự kết cấu của ông, sự phức tạp về tính tình mà ông tả, văn chương bi
đát lâm ly của ông đã khiến cho tôi coi ông như là mẫu mực để bắt chước.
Ôi! những vở kịch hoàn toàn! Ôi! những áng văn chương kiệt tác! Ta có
mong soạn được những vở bất hủ như thế không? Quan niệm về văn chương
của tôi đã giống Racine, tính tình của tôi cũng gần giống ông nữa: cho
nên sự tôi yêu mến tác giả vở Athalie không lấy gì làm lạ.”
Bìa một cuốn vở học sinh Nguyễn Huy Tưởng dùng để viết nhật ký cuối những năm 30 của thế kỉ trước.
*
Chín năm sau, Nguyễn Huy Tưởng sẽ có
thái độ khác đối với thần tượng văn chương của mình khi ông tham gia
cuộc kháng chiến chống Pháp. Ngày 10-10-1947, giặc Pháp bất ngờ nhảy dù
Bắc Kạn, mở đầu cuộc tấn công Việt Bắc. Trong ngổn ngang những mối lo
chạy giặc, lo cho anh em, lo cho mình có thể bị bắt, bị tra tấn, Nguyễn
Huy Tưởng không thể không nghĩ đến một công việc mà ông đang tiến hành
với nhiều sở đắc: viết vở kịch Những người ở lại. Ông tiếc cho
mình “không có chỗ nào yên để mà sáng tác, vì chỗ nào giặc cũng có thể
tới lùng, bắt được”. Và ông “nghĩ đến anh em cũng đang đau khổ vì sự
không sáng tác nổi. Thương họ. Thương cho tương lai văn nghệ Việt Nam”.
Một trang nhật ký ngày 10-10-1947 của Nguyễn Huy Tưởng
Để đảm bảo an toàn, Nguyễn Huy Tưởng và
các văn nghệ sĩ phải vào sâu trong rừng. Vừa lo đụng giặc, vừa mệt bã vì
đi nhiều, họ tìm một bãi đất trống ngồi nghỉ, hút điếu thuốc lào lấy
lại tinh thần. Đề phòng trường hợp bị giặc bắt, để không lộ tung tích,
các ông bảo nhau đốt bớt các giấy tờ, sách vở mang theo. Ngồi đốt mấy
cuốn sách của những tác giả yêu thích luôn mang theo mình, Nguyễn Huy
Tưởng không khỏi chạnh lòng, như ông sẽ viết trong nhật ký: “Ôi Lỗ Tấn!
Ôi Tào Ngu! Ôi Pearl Buck! Ôi Sholokov! Ôi Ibsen! Sao các người sung
sướng hơn ta nhiều thế?” Tiếp đến Racine, liên tưởng tới những “đồng
bào”, “hậu duệ” của nhà viết kịch đang làm những điều vô cùng tồi tệ
trên đất nước ông, Nguyễn Huy Tưởng chất vấn: “Ôi Racine! Có ai cấm anh
không? Mà sao con cháu anh đang làm cái tội giết người ác nhất là phá
hoại sự cố gắng, sự kiến thiết, đang phá hoại sức tiến của văn hóa Việt
Nam! Anh có biết chăng vì thù con cháu anh mà ta đang đốt sách anh – tên
anh đã [trở nên] ghê rợn như tên một đao phủ. Ta không công nhận anh
trong đám văn hóa nữa, cũng như ta không công nhận A. France(3) mà ta cũng đang đốt đây, vì ta thù, ôi ta thù quân thực dân!”
*
Lại hơn mười năm trôi qua…
Nguyễn Huy Tưởng đã trở về sống ở Hà
Nội, nơi ông lại tiếp tục viết văn như trước Cách mạng và trong kháng
chiến. Nhưng lúc này ông đã thôi các công tác lãnh đạo văn nghệ, để được
chuyên tâm vào sáng tác. Mặc dù vậy, ông vẫn không xa rời đời sống văn
nghệ, càng không hề thờ ơ với đội ngũ sáng tác văn học, nhất là các đồng
nghiệp trẻ. Chính vì vậy, cuối năm 1959, khi Hội Nhà văn Việt Nam lần
đầu tiên tổ chức Hội nghị những người viết văn trẻ, ông đã nhận lời tham
gia tham luận trong lễ khai mạc. Một lần nữa, Nguyễn Huy Tưởng lại có
dịp nhắc đến Racine, lần này trong mối tương quan với Corneille, một
đồng nghiệp hơn Racine 33 tuổi. Mục đích của ông là để nói về sự đố kị
giữa các nhà văn khác thế hệ, điều thậm chí đã xảy ra ngay ở một nước có
tiếng là dân chủ như nước Pháp.
Xin được trích dẫn đoạn văn đó trong bài tham luận của Nguyễn Huy Tưởng, cũng là để kết thúc bài viết mang tính tư liệu này:
“Tôi nhớ đến một câu chuyện cách đây ba
thế kỷ. Hồi đó nước Pháp có một nhà viết kịch lớn là Corneille, cha đẻ
của bi kịch Pháp. Sau khi đã sáng tạo ra những vở kịch đến nay vẫn là
những tác phẩm lớn lao, trở về già, nhà thơ ấy chỉ soạn ra một số vở tầm
thường. Trong khi đó thì một ngôi sao mới xuất hiện, tức là Racine.
Những tác phẩm của Racine át cả những vở kịch của Corneille. Nhưng đáng
nhẽ, Racine phải quý trọng Corneille là người đặt nền móng cho kịch
Pháp, thì lại khinh ghét Corneille, đả kích một cách độc địa nhằm làm
mất ảnh hưởng của người tiền bối. Ngược lại, đáng nhẽ Corneille phải
mừng cho Tổ quốc, cho văn học đã có thêm người kế tiếp sự nghiệp của
mình thì lại ghen với Racine và tìm cách phủ nhận tài năng của bạn trẻ.
Họ chửi bới nhau, coi nhau như hằn thù. Bây giờ nghe những câu chuyện
như thế, chúng ta thấy kỳ cục hết sức… Chúng ta chỉ có chung một mục
đích: đem hết lòng, hết sức, đem hết tài năng, bồi đắp cho vườn hoa muôn
màu muôn vẻ của văn học Việt Nam. Các bạn trẻ mong ở những người anh đi
trước “lão đương ích tráng” những sáng tác mỗi ngày một già dặn, một
phong phú, và những nhà văn lớn tuổi có trách nhiệm chăm sóc cho những
người đi sau phát triển được hết cái khả năng sáng tạo của mình, để họ
đóng góp cho nền văn học nhiều sáng tác tốt, tiến tới những tác phẩm
lớn, vượt hơn mình càng hay. Về phương diện này, cái gương của Gorki, gà
mẹ ấp gà con, là một bài học quý. Chúng ta mong một nền văn học đông
đảo, trong đó chúng ta không để cho một đóa hoa nào sớm nở tối tàn, càng
không để cho một cái nụ nào bị thui ngay khi mới nhú. Với những ý nghĩ
ấy, tôi xin chào mừng hội nghị các nhà văn trẻ đầu tiên của nước Việt
Nam dân chủ cộng hòa. Vì Tổ quốc thống nhất, vì chủ nghĩa xã hội, các
bạn cũng như chúng tôi, chúng ta cùng tiến và chúc cho nhau cùng tiến.”
----------
(1) Sophocle (khoảng 496 hoặc 494 đến 406 trước Công nguyên): nhà viết kịch Hi Lạp, tác giả các vở Antigone, Electre, Oedipe làm vua, v.v... Eschyle (525-456 trước Công nguyên): nhà viết kịch Hi Lạp, tác giả các vở Promete bị xiềng, Agamemnon, v.v...
(2) Lỗ Tấn (1881-1936): nhà
văn Trung Quốc; Tào Ngu (1910-1996): nhà viết kịch Trung Quốc; Pearl
Buck (1892-1973): nữ văn sĩ Anh; Sholokov (1905-1984): nhà văn Liên Xô;
Ibsen (1828-1906): nhà viết kịch Na Uy.
(3) A. France (1844-1924): nhà văn Pháp.
(4) P. Corneille (1606-1684): nhà soạn kịch Pháp, tác giả vở Le Cid nổi tiếng thế giới.
No comments:
Post a Comment