Lê Bá Thự (dịch từ nguyên bản tiếng Ba Lan) -
Slawomir Mrozek sinh ngày 26 tháng 6 năm 1930 tại làng Borzecin, Ba
Lan. Ông là nhà văn, kịch tác gia và hoạ sĩ biếm hoạ nổi tiếng của Ba
Lan. Trong số các tiểu thuyết và hàng chục tập truyện ngắn của ông phải
kể đến: Những chiếc áo giáp tiện dụng (1953), Mùa hè bé bỏng (tiểu
thuyết, 1955), Con voi (1957), Đám cưới ở Atomice (1959), Nhà tiến bộ
(1960), Mưa, Cuộc chạy trốn về phuơng Nam (tiểu thuyết, 1961), Hai lá
thư (1974), Tuyển tập truyện ngắn (tập 1,2,3 – 1999), Nhật kí trở về
(1996).
Nhà văn Slawomir Mrozek
Trên nửa thế kỷ nay Slawomir Mrozek được
xem là nhà văn trào phúng số một của Ba Lan. Những tác phẩm châm biếm
giầu tính bi hài của ông thường nêu lên vấn đề quan hệ giữa cá nhân với
tập thể, những truyện trào phúng phê phán thói hư tật xấu là nhằm phản
bác lối tư duy thấp kém, những nghịch lý của đời thường và phương cách
giáo dục thô thiển. Truyện của S. Mrozek chứa đựng nhiều ý tứ, lắm triết
lý và răn đời tinh tế. Có những truyện người ta phải đọc đi đọc lại
nhiều lần mới cảm thụ hết được chiều sâu của tác phẩm, càng đọc càng
phát hiện ra nhiều ý tưởng, càng suy ngẫm càng thấy hay. Lắm khi đoạn
kết hoặc câu kết trong truyện ngắn của ông mang lại cho người đọc những
bất ngờ thú vị.
Xin giới thiệu với bạn đọc chùm truyện ngắn của ông, qua dịch thuật của dịch giả Lê Bá Thự.
Đợi đến sau đó
Tôi ngồi xuống chiếc ghế trong công
viên. Trên bãi cỏ, phía bên kia lối đi hai đứa bé đang chơi, một gái,
một trai. Nhưng rồi tôi chìm vào suy tư, chẳng còn để ý đến chúng nữa.
- Thưa bác, mấy giờ rồi ạ?
Hai đứa bé lại đứng trước mặt tôi, đứa trẻ hỏi tôi là một chú bé.
Tôi nhìn đồng hồ:
- Ba giờ rưỡi.
Chú bé cảm ơn tôi, đoạn chúng quay
lại bãi cỏ. Nhưng, thay vì tiếp tục chơi thì dường như chúng tranh cãi
chuyện gì đó. Tôi lại chìm vào suy tư...
- Thưa bác, mấy giờ rồi ạ?
Lần này thì đứa bé gái hỏi. Chú bé đứng bên cạnh.
Tôi nhìn đồng hồ:
- Năm giờ kém mười lăm.
- Thấy chưa, tớ đã bảo mà! - đứa bé gái vẻ đắc thắng nói với chú bé.
- Bác ấy nói dối! - chú bé thét lên. - Lúc nãy bác ấy nói với tớ khác cơ!
- Bác ơi, xin bác hãy dạy cho bạn ấy biết là thời gian thì lúc nào cũng khác.
- Bác ấy nói dối! - Chú bé mếu máo gần như khóc, hai tay nắm chặt.
- Ban nãy bác ấy nói với tớ là ba rưỡi cơ mà!
- Cậu này bướng lắm... - đứa bé gái
nói với tôi, y như người lớn nói với người lớn. Bằng động tác vỗ về và
nuông chiều, đứa bé gái ôm lấy chú bé, song khi chú bé vùng ra khỏi tay
bé gái thì cô bé nói tiếp bằng giọng của một người đàn bà đau khổ, nhưng
lại rất bằng lòng với mình.
- Bác thấy đấy.
Nói được như vậy, rõ ràng là bắt
chước người lớn rồi. Chắc hẳn đứa bé gái này đã nhiều lần nghe mẹ mình
khi tâm sự với bạn gái đã nói câu: “Đấy, chị thấy đó, hắn là người như
thế nào, chị thấy đó”. - Phải rồi, bây giờ đang là năm giờ kém mười lăm,
tôi cố nói với chú bé giọng thật dịu dàng. - Dẫu rằng, lúc nãy đúng là
ba giờ rưỡi. Trên đời này vốn là như vậy đó cháu ạ, cái trước đó là sự
thật thì bây giờ không phải vậy nữa.
- Cậu hãy nghe bác ấy nói kìa. - Cô bé với vẻ nghiêm túc nói với chú bé.
- Mà thậm chí, cái bây giờ đang là sự thật thì sau đó sẽ không còn là sự thật nữa.
- Đúng thế hả bác?
- Đúng thế đó, cháu đành phải chấp nhận vậy thôi.
Sau giây lát suy nghĩ, chú bé ngồi xuống ghế. Song không ngồi cạnh tôi, ngồi tít ngoài đầu ghế, thật xa tôi và cô bạn gái.
- Thế thì cháu đợi vậy, - chú bé nói giọng qủa quyết, không nhìn vào chúng tôi, mà nhìn ra đằng xa, phía bờ rào công viên.
- Cháu đợi cái gì cơ? - tôi hỏi.
- Cháu đợi đến sau đó. Để điều bác đang nói bây giờ không còn là sự thật nữa.
Đứa bé gái nhìn tôi với vẻ đồng cảm, nhưng thình lình tôi thấy ớn ngại. Tôi không muốn cùng hùa với cô bé nữa.
- Bác phải về thôi, - tôi nói, - bác còn nhiều việc phải làm.
Tôi đứng dậy, bước đi...
- Thưa bác, thưa bác! - tôi nghe thấy tiếng đứa bé gái gọi theo tôi.
Tôi rảo bước.
- Mấy giờ rồi, thưa bác?
Bây giờ thì tôi gần như chạy.
Động vật trong vườn bách thú của thị trấn chúng tôi thời bao cấp
Sau ngày chiến thắng, để cải thiện
đời sống tinh thần, tại thị trấn của chúng tôi đã cho xây dựng một vườn
bách thú. Có nào hổ, nào khỉ, nào trăn...
Hổ cho ăn thịt bò, trăn cho ăn thịt
thỏ, còn khỉ thì cho ăn chuối. Thịt bò lấy tại chỗ, thỏ cũng thế, riêng
món chuối thì đi lĩnh tận thị xã.
Song le, bởi nền kinh tế đang gặp
khó khăn tạm thời, nên bây giờ thịt bò phải đi lấy trên thị xã, thỏ vẫn
tại chỗ, còn chuối thì phải đi lĩnh tận Thủ đô, có áp tải đặc biệt.
Chúng tôi, nhân viên vườn bách thú,
có bổn phận nuôi vợ, nuôi con. Bởi vậy bèn tính chuyện cho hổ chuyển
sang ăn dồi tấm mạch, trăn cho ăn ếch, còn khỉ cho ăn dưa chuột muối.
Thịt bò dành làm món xúp ngày chủ nhật, thỏ để ăn ngày thường, riêng
chuối thì hồi đó hiếm đến nỗi chỉ cần một ký là đủ sắm cho con hai đôi
giầy.
Hổ thích nghi được, tuy có bị rụng
lông, trăn chén gì cũng xong, nhưng khỉ thì lăn đùng ra chết. Chẳng hiểu
tại sao nữa, vì dưa chuột muối cũng là món ăn chay cơ mà, thế mà vẫn
bị...
- Các cậu này, - giám đốc của chúng
tôi nói. - Với hổ thời chẳng có vấn đề gì. Chỉ cần đổi tấm biển trước
chuồng, thay vì “Hổ Bengan” ta viết “Hổ giống phổ biến Glaca Bengan”.
Phải cái với chú khỉ thì gay. Bây giờ mà báo với trên là nó chết thì
khoản chuối cũng tiêu tan.
- Có lẽ phải được cấp con khác chứ nhỉ?
- Rồi cũng lại ngoẻo thôi.
Sau cùng, chúng tôi quyết định lột
da con khỉ xấu số nọ và một nhân viên cải trang làm khỉ sẽ trực ở trong
chuồng. Tôi được cử, vì là nhân viên trẻ nhất cơ quan mà.
Ngày đầu tiên chẳng đến nỗi nào,
dẫu rằng tôi đến là vất vả, vì suốt ngày cứ phải lập đi lập lại các động
tác trèo lên cây nhân tạo rồi lại tụt xuống. Nói vậy chứ, hổ mà còn
thích nghi được với việc ăn dồi tấm mạch, thì tôi cũng có thể thích nghi
được chứ sao. Có điều, như ta đã biết, con người vốn thích trêu chọc
thú vật, nhất là trêu chọc khỉ.
Thế rồi, khi một gã béo nung núc
cười khẩy, đoạn ném giấy lộn vào người tôi, thì tôi ức không chịu được
nữa, buột miệng chửi to:
- Đù mẹ ông!
Thế mới có tin giật gân con khỉ
trong vườn bách thú của thị trấn nói được tiếng người. Ông giám đốc đành
phải chữa cháy. Ông báo về Thủ đô rằng, thuyết tiến hoá đã được khẳng
định ở chỗ chúng tôi và qua đó khẳng định thế giới quan khoa học nói
chung. Ông còn nhấn mạnh, có được thành công này là nhờ các nhân viên
của ông đã chăm sóc đặc biệt con khỉ và áp dụng các phương pháp quản lí
rất khoa học, đẩy nhanh qúa trình phát triển của nó. Kế đó ông xin được
cấp gấp đôi lượng chuối, đặng hoàn tất quá trình tiến hoá của con khỉ
nọ.
Ông giám đốc nhận được trả lời,
theo đó Viện Hàn lâm Khoa học sẽ phụ trách con khỉ, còn nói về chuyện
chuối thì, trong khuôn khổ tiết kiệm để cải tiến, hủy bỏ việc phân phối
thịt bò cho hổ, thỏ cho rắn và chuối cho khỉ. Từ nay hổ sẽ ăn dồi tấm
mạch, rắn ăn ếch, khỉ ăn món chay nào đó, tốt nhất là ăn dưa chuột. Dưa
chuột hoặc món chay nào đó chúng tôi sẽ được thị xã cung cấp, khoản ếch
cố gắng giải quyết tại chỗ, còn dồi tấm mạch sẽ được chở tới từ Thủ đô,
có áp tải đặc biệt.
Như thế thì chúng tôi chẳng xơ muối
gì, chúng tôi bèn thông báo chính thức, con khỉ đã lăn đùng ra chết.
Cùng lắm hổ có thể ăn dưa chuột, khỉ ăn ếch, nhưng nếu vậy thì lấy gì
cho rắn ăn? Thôi thì rắn cứ ăn ếch, còn chúng tôi sẽ thủ tiêu con khỉ.
Khoản ếch càng ngày càng khó kiếm, không đủ nuôi cả hai con vật.
Nỗi khổ của kẻ nhạy cảm
Năm phút trước khi tầu chạy tôi tìm
được khoang của mình trên toa nằm. May cho tôi, chỉ một giường có người,
không kể giường của tôi, cho nên tôi mới bụng bảo dạ, đêm nay rồi mình
sẽ được ngủ ngon đây. Một gã hành khách đang nằm trên chiếc giường thứ
hai, gã đắp chăn tới sát cằm, cái mũi nhọn hoắt và nhợt nhạt của gã trồi
hẳn lên.
Một lát sau tôi chẳng thèm để mắt
tới gã nữa, bởi khi tôi nói: “Xin chào” thì chả thấy gã trả lời chi cả -
càng hay, thế có nghĩa là gã đã ngủ rồi, tôi khỏi phải làm nghĩa vụ của
một bạn đồng hành - tôi ngồi xuống chiếc giường dưới, đoạn thay quần
áo.
- Anh có hút thuốc không đấy? - tôi nghe giọng nói từ giường trên.
- Cám ơn, không.
- Tôi không chịu được khói thuốc đâu.
- Ông có thể yên tâm, tôi không hút thuốc.
- Anh mà hút thì tôi không tài nào chịu nổi đâu. Phổi tôi nhậy cảm lắm.
- Tôi thông cảm, nhưng ông khỏi lo.
- Hay là anh vẫn hút, anh chỉ cai lúc này thôi. Nửa đêm phát thèm thì anh không nhịn được nữa.
- Không thể có chuyện đó, vì chưa bao giờ tôi hút thuốc.
Gã im bặt. Tôi cởi tất.
- Hay là anh bắt đầu.
- Cái gì cơ?
- Hút thuốc. Có ối người mãi tận về già mới bắt đầu hút thuốc cơ đấy.
- Tôi không có ý định như vậy.
- Nói một đường, nhưng sau đó có khi lại làm một nẻo cũng nên. Tôi là tôi không có chịu được như thế đâu nhá.
- Vả lại tôi làm gì có thuốc lá trong người hả ông.
- Thì anh đi xin của nhân viên kiểm tra vé tầu.
- Tôi làm sao mà biết được, ông ta có hút thuốc hay không.
- Thế ông ấy mà hút thì sao nào?
- Thì lúc đó tôi sẽ ra ngoài hành lang, không được hút thuốc trong khoang tầu cơ mà.
- Lúc đó cửa ra hành lang mà bị kẹt thì sao?
- Chẳng sao cả, vì tôi đang không hút thuốc, chưa bao giờ hút thuốc và không có ý định bắt đầu hút thuốc. Chúc ông ngủ ngon.
Tôi nói “chúc ông ngủ ngon” khí sớm,
vì còn chiếc áo sơ mi và quần đông xuân tôi chưa thay. Có điều tôi muốn
cắt phăng câu chuyện.
Tôi đạt được ý đồ của mình, phải cái chẳng được bao lâu. Tôi vừa mới kịp cởi xong chiếc áo sơ mi thì gã kia lại lên tiếng.
- Anh không tắt đèn hả?
- Tôi khắc tắt, nhưng phải thay xong quần áo cái đã.
- Có một số người thích đọc sách trước lúc đi ngủ, còn tôi thì lúc đó không ngủ được. Tôi nhậy cảm với ánh sáng ghê lắm.
- Tôi mù chữ, thưa ông.
- Thì anh có thể xem tranh.
- Làm gì có hoạ báo mà xem.
- Vậy còn ảnh thì sao? Làm gì anh chẳng có ảnh vợ trong người, anh không ngắm ảnh vợ mình trước khi đi ngủ đấy chắc?
- Tôi ly hôn rồi.
- Thì còn các con.
- Tôi không có con.
- Ai mà chả có bà con ruột rà.
- Không, tôi không hề có một tấm ảnh nào cả. Ông có muốn kiểm tra người tôi không nào?
- Một khi không có ảnh thì nhất định anh sẽ đi soi gương để xem mụn mọc trên mặt mình, hoặc là... Còn tôi không chịu nổi...
Gã không kịp nói hết câu, vì tôi tắt
đèn. Gã thở dài, khoang tầu im lặng, nhưng tôi vừa vào giấc chiêm bao
thì một câu hỏi đập vào tai tôi:
- Anh không ngáy hay sao?
- Không.
- Vì sao?
- Vốn dĩ là vậy.
- Lạ thật, nhìn chung con người ta ai mà chẳng ngáy, mà ngáy là làm phiền tôi. Tai tôi cực kỳ nhậy cảm.
- Rất tiếc, tôi chẳng thể chiều tai ông.
- Anh có dám chắc là anh không ngáy hay không nào?
- Chắc hơn cả đinh đóng cột là đằng khác. Có điều bây giờ thì xin ông hãy cho phép tôi chợp mắt, tôi mệt rũ người rồi.
Gã thuận ý. Thình lình ánh đèn chói mắt và tay người giật giật vai tôi làm tôi tỉnh giấc.
- Anh bạn ơi, anh bạn ơi!
Tôi nhìn thấy cái mũi nhọn hoắt của
gã gí sát mặt tôi. Từ giường trên gã nhoài người xuống phía dưới, gã kéo
cánh tay áo ngủ của tôi.
- Anh bạn ơi, anh mà không hút thuốc, không ngáy và không để đèn sáng thì đích thực anh làm cái gì nào?
- Ông muốn biết hả?
- Vâng! Đường nào thì anh cũng phải
làm cái gì đó chứ, chỉ tội tôi chưa biết đó là cái gì thôi. Điều này
khiến tôi trằn trọc, không ngủ được.
- Tôi bóp cổ!
- Cái gì cơ?
- Tôi bóp cổ. Bằng tay không, hoặc
dùng dây. Ông không nghe người ta nói về “tên bóp cổ người trên tầu tốc
hành đêm” khét tiếng hay sao? Hắn thường hoạt động trên tuyến đường này.
Hắn mua vé toa nằm như mọi hành khách vô tội, đến nửa đêm thì hắn đi
bóp cổ người.
Đương nhiên hắn thích bóp cổ vào lúc
trong khoang tầu ngoài hắn và nạn nhân ra không có một ai. Đó là tên
hung đồ, và tên hung đồ này chính là tôi.
Tôi được yên thân cho tới sáng. Lúc
rạng đông, tôi ra ngoài đi vệ sinh, tôi bắt gặp gã ngoài hành lang, mặc
áo khoác, mang theo va li.
Suốt đêm qua gã ngồi lì trên chiếc
va li của mình. Nom thấy tôi gã đứng dậy, lôi chiếc va li theo sau, lảng
sang đầu bên kia hành lang toa tầu.
Tôi thấy mủi lòng. Cuộc sống của những kẻ nhạy cảm thật chẳng dễ dàng chi.
No comments:
Post a Comment